Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mali nhận định rằng cuộc đảo chính quân sự ở Mali là “một thất bại lớn đối với nền dân chủ của chúng ta”.

Đức Cha Jonas Dembélé, người đã lãnh đạo Hội đồng Giám mục Mali từ năm 2017, nói với ACI Africa rằng cuộc đảo chính ngày 18 tháng 8 đã lật đổ tổng thống và thủ tướng của đất nước là một điều “đáng tiếc.”

“Cuộc đảo chính quân sự dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita là đáng tiếc bởi vì chúng ta đang sống trong một tình trạng pháp quyền và dân chủ”.

“Đây là lần thứ hai Mali xảy ra một cuộc đảo chính quân sự do cách thức điều hành đất nước. Đó là một thất bại lớn cho nền dân chủ của chúng ta.”

Dembélé lưu ý rằng đất nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như quản trị kinh tế kém, tham nhũng và mất an ninh.

Ngài đặt câu hỏi:

“Tại sao người Malia chúng ta lại không tham gia vào đối thoại để có thể thảo luận về những vấn đề này và đối mặt với những thách thức này một cách có trách nhiệm? ”

“Lãnh đạo của chúng ta, người dân của chúng ta, thiếu minh bạch. Họ ghét những người nói sự thật và ủng hộ việc quản trị tốt. Tâm lý này phải thay đổi để đất nước chúng ta tiến lên.”

Hôm thứ Ba, tổng thống Keïta tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội vài giờ sau khi binh lính làm binh biến bắt giữ ông ta. Thủ tướng Boubou Cissé cũng bị bắt giam và sau đó đã tuyên bố từ chức.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước cả nước, Keïta nói: “Trong bảy năm, tôi đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi cố gắng đưa đất nước này đứng vững. Nếu ngày nay một số người từ các lực lượng vũ trang quyết định kết thúc nó bằng sự can thiệp của họ, tôi còn có lựa chọn nào nữa chăng? Tôi nên phục tùng họ vì tôi không muốn đổ máu.”

Vào ngày 19 tháng 8, các quân nhân Mali, thuộc Ủy ban Cứu quốc Nhân dân, đã nói chuyện với công dân trên truyền hình nhà nước.

Ismail Wague, Phó tham mưu trưởng Không quân Mali, cho biết: “Chúng tôi không nắm quyền mà đang giữ gìn sự ổn định của đất nước. “

Ông tuyên bố đóng cửa biên giới và giới nghiêm.

Mali, quốc gia có dân số 19 triệu người, đã trải qua một đợt bạo lực gia tăng liên quan đến cả dân thường và quân đội kể từ năm 2016, với hơn 4, 000 người chết được ghi nhận chỉ trong năm 2019, so với khoảng 770 người ba năm trước đó.

Ước tính có khoảng 95% người Malia là người Hồi giáo. Có khoảng 275, 000 người Công Giáo trong cả nước, chiếm chưa đến 2% dân số. Khoảng 3% người Malia theo các tôn giáo truyền thống của Phi châu.


Source:Catholic News Agency