(Chúa Nhật 22 TN A 2020)

Trên con đường về Đất Hứa, khi đối diện với những thách đố của hoang mạc nóng cháy, của đói khát bấp bênh, của tương lai mờ mịt…, dân Israel bỗng bị cám dỗ trở về với “nồi thịt và mâm bánh ở Ai Cập” (Xh 16, 2-3).

Có lẽ “bắt thóp” được cái “nhược điểm” thường hằng nầy của con người, cùng với cái “kinh nghiệm cám dỗ” của “sư tổ Satan” truyền lại từ hồi “nhân loại mới có hai người”, nên “đám ngạ quỷ vùng Palestine” quyết dùng “bửu bối: bánh mì, quyền lực và sự giàu sang” để cám dỗ chàng Giêsu người Nadaret “dừng lại con đường loan báo Tin Mừng Cứu độ” (Lc 4, 1-12).

Cám dỗ là “câu chuyện dài” trong cuộc hành trình trần thế của Đức Kitô, nhất là cuộc hành trình 3 năm dấn thân rao giảng Tin Mừng, và chỉ kết thúc sau “cơn cám dỗ cuối cùng” trên thập giá: “Xuống khỏi thập giá đi, tụi nầy tin ngay !” (Mc 15, 29-32).

Bị ma quỷ cám dỗ là chuyện thường. Bị chính những người thân thiết cám dỗ mới nghiệt ngã; bởi vì rất thường khi, người thân cám dỗ là “vì thương” chứ không để làm hại như ma quỷ:

- Cha mẹ cám cám dỗ con cái đừng đi tu: “Tu chi cho khổ dẫy trời ! Bộ thất tình sao đòi đi tu trời! Đâu có phải đuôi què mẻ sứt gì mà đi tu. Nuôi ăn nuôi học hết tiền hết của, chưa trả hiếu được gì giờ đòi đi tu là sao? ”.

- Bạn bè cám dỗ trả thù: “Bánh sắt trao đi bánh chì trao lại. Nó chơi mình thì mình chơi lại, dại gì mà nhịn… Thánh à !”.

- Vợ cám dỗ chồng tham lam: “Cơ hội đến là chớp liền kẻo nó tuột mất. Lúc nầy mà không “ăn” chẳng bao giờ có nữa ! Ngu vừa vừa chứ ngu dữ trời !”…

Người ta gọi đó là “những cơn cám dỗ ngọt ngào” !

Trong câu chuyện Tin Mừng thuật lại hôm nay (CN 22 TN A), hình như “cơn cám dỗ ngọt ngào” đó lại trở về với Đức Kitô qua thái độ của Phêrô khi Tông đồ nầy ra tay ngăn cản Chúa lúc Ngài loan báo cuộc hành trình về Giêrusalem để dấn thân vào cuộc khổ nạn: Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Và trong lần cám dỗ nầy, Chúa Giêsu gần như đã nổi nóng: Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”…

Đã hai ngàn năm rồi, Hội Thánh không ngừng học mãi bài học này: bài học “đi lên Giêrusalem” của Thầy Chí Thánh; và tuy có đôi lúc, đôi nơi, Hội Thánh lỡ “sa chước cám dỗ”, quên đi “bài học thập giá” để dừng lại chạy theo những “ông thầy” của thế gian, thì Hội Thánh lại luôn được Chúa Thánh Thần lên tiếng cảnh báo, nhắc thầm, qua bao nhiêu dấu chỉ, con người, huấn dụ…. Đó là dòng chảy đông đảo chứng nhân anh hùng tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đồng trinh, các người cha, người mẹ thánh thiện, các thanh niên thiếu nữ quảng đại, những thiếu nhi trong sạch, can đảm…

Vâng kể từ Vị tử Đạo đầu tiên Stêphanô bị ném đá chết trên chính quê hương của Đấng Cứu Thế, rồi đến lượt “Người Ngư Phủ” Phêrô bị đóng đinh và Phaolô bị chém đầu trên đồi Vatican, Dân Chúa tiếp tục chọn lựa con đường của Đức Kitô, con đường Thập Giá mà những Agata, Lucia, Lorensô… của những thế kỷ đầu tiên, cho đến Phanxicô Assisi, Anrê Phú yên, Tôma Thiện, Anê Thành, Gioan Vianey, Maria Goretti, Têrêxa hài Đồng, Maximiliannô Kolbê, Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta, Giám mục Rômêrô…đã không ngừng noi gương Chúa Giêsu “tiến về Giêrusalem để biến cuộc đời thành hy lễ”.

Quả thật lời van nài “biến cuộc đời thành của lễ” ngày nào của Vị Tông Đồ dân ngoại dành cho cộng đoàn Rôma không phải chỉ được đáp ứng bởi các Kitô hữu bị bách hại vào thời bạo chúa Nêrô, mà đã được thể hiện suốt chiều dài 2000 năm trên muôn nẻo đường thế giới: “tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.” (Bđ 2).

Nếu ma quỷ và con người cám dỗ chúng ta “bỏ cuộc”, “thối lui”, không dám “chọn con đường lên Giêrusalem”…, thì cũng có một cám dỗ khác, cám dỗ của tiếng gọi Thần Linh, cám dỗ của chính Chúa…gọi mời chúng ta dấn thân cho lý tưởng, bước theo con đường thật, như cách cảm nhận về “cơn cám dỗ đi làm ngôn sứ” của tiên tri Giêrêmia: “Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi”. (Bđ 1). Đây hoàn toàn không là “cơn cám dỗ ngọt ngào” của “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, nhưng là một “cám dỗ đầy cay đắng”, như trải nghiệm của chính ngôn sứ Giêrêmia: “suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. … trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”.

Vâng, con đương “dấn thân cho sứ mệnh ngôn sứ” của Giêrêmia hay con đường “tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn” của Đức Kitô đều là những thách đố để những “Phêrô của thời đại hôm nay” phải chọn lựa. Và như chúng ta biết đó, sau những “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, nhất là sau những giờ phút “sa chước cám dỗ” đen tối và hụt hẫng đến độ phản bội, chối Thầy của những ngày khổ nạn, cuối cùng Phêrô đã “chiến thắng ngoạn mục” khi chấp nhận hoàn thành “cuộc hành trình về Giêrusalem với Thầy” bằng cuộc tử đạo đóng đinh trên đồi Vatican, để làm dấu chỉ chứng minh cho một lời cam kết hôm nào bên bờ hồ Tibêriat: “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17).

Bài học của Giêrêmia, bài học của Phêrô, bài học của Phaolô…, hay đúng hơn, bài học của Đức Kitô về cuộc “hành trình tiến về Giêrusalem” chưa bao giờ hết tính thời sự; cũng vậy, những “cơn cám dỗ ngọt ngào” hay những lời “gọi mời cay đắng” vẫn theo mãi trong cuộc “hiện sinh” và “ơn gọi” của mỗi người. Chúng ta chỉ có thể “chiến thắng cám dỗ” và can đảm “đáp lại tiếng gọi mời” khi ở lại trong Đức Kitô như “cành nho liên kết với thân nho”. Bởi vì “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

Thế mà Đức Kitô đang có mặt ở đây, trong “Tấm bánh Thánh Thể” nầy !

Trương Đình Hiền