Năm 2014, trong một mật nghị hội của các Hồng Y do Đức Phanxicô triệu tập, Đức Hồng Y Walter Kasper đã đọc một bài diễn văn quan trọng về Tin Mừng Gia Đình, sau đó, được xuất bản thành sách, mà chúng tôi đã cho chuyển sang tiếng Việt (Vietcatholic, Tin Mừng Gia Đình, 21/07/2018). Bài diễn văn này, có thể nói, đã là gợi hứng cho hai Thượng Hội Đồng về gia đình năm 2014 và 2015 với kết quả là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia của Đức Phanxicô năm 2016.



Cái đinh của các Thượng Hội Đồng và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng nói trên là viễn ảnh cho phép một số người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời được rước lễ. Cho đến nay, viễn tượng này, thực tế, không hẳn đã trở thành một thực tại khắp trong Giáo Hội và dù nói chi đi chăng nữa, nó vẫn thuộc sự thận trọng của khoa giải nghi học như từ trước đến nay.

Tuy nhiên, lúc mới được gợi ý, nó gây ra một cuộc tranh luận có khi hết sức gay cấn. Tham dự cuộc tranh luận này về phía những người không chấp nhận viễn ảnh rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời có hai học giả là Juan José Pérez-Soba, Giáo sư Thần học Mục vụ tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II ở Rôma, và Stephan Kampowski, Giáo sư Triết lý Nhân học tại Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình ở Rôma, với tác phẩm cùng tên là Tin Mừng Gia Đình, do nhà Ignatius xuất bản năm 2014. Tựa đề phụ của tác phẩm đọc như sau : Quá Bên Kia Đề Xuất của Đức Hồng Y Kasper trong cuộc Tranh Luận về Hôn Nhân, Tái Hôn Dân Sự, và Rước Lễ trong Giáo Hội.

Trong Lời Nói Đầu cho cuốn sách, Đức Hồng Y George Pell, lúc đó đứng đầu văn phòng kinh tế của Tòa Thánh, cho rằng: “Nhiều người coi nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là cung cấp thuyền cấp cứu cho những người bị đắm tầu ly dị. Và thuyền cấp cứu phải sẵn có cho mọi người, đặc biệt cho các bên vô tội đáng thương. Nhưng các con thuyền cấp cứu này nên hướng về đâu? Về các ghềnh đá của đầm lầy hay về các bến cảng an toàn, những bến cảng chỉ tới được một cách khó khăn?”.

Đối với Đức Hồng Y Pell, “bến cảng an toàn” kia là “các mối liên kết chủ yếu giữa lòng thương xót và dạ trung thành, giữa sự thật và ơn thánh”.

Mà “tính bất khả tiêu của hôn nhân là một trong các sự thật phong phú của mạc khải Thiên Chúa”. Nó “không hề là một gánh nặng mà là một viên ngọc”. Và “khi nhận ra sự đẹp đẽ và sự tốt lành này, các xã hội sẽ thường xuyên bảo vệ nó bằng các biện pháp kỷ luật hữu hiệu. Họ hiểu ra rằng tín lý và thực hành mục vụ không thể mâu thuẫn nhau và ta không thể duy trì tính bất khả tiêu của hôn nhân mà lại cho phép ‘các người tái hôn’ rước lễ được”.

Trong phần Dẫn Nhập, hai tác giả cho rằng Đức Hồng Y Kasper “quá chú tâm tới một điểm, tuy rất quan trọng, nhưng quá hạn hẹp... Thành thử, mặc dù tìm cách minh giải các hạn từ của vấn đề người ly dị tái hôn rước lễ, nhưng chúng tôi sẽ không chỉ tập chú vào khía cạnh này mà thôi”.

Chính vì thế, họ bắt đầu “bàn đến thách đố văn hóa như chìa khóa nền tảng để hiểu vai trò của gia đình trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế gian”. Sau đó, họ sẽ “nhận diện tính trung tâm của gia đình trong công bố Kitô Giáo”. Chỉ đến phần kết luận, họ mới đề cập tới “nền chăm sóc mục vụ thoả đáng” căn cứ vào thách đố của thời ta.

Chúng tôi xin thoát dịch hai chương đầu của cuốn sách: Chương một: Công bố Tin mừng Gia đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục và Chương hai: Sự Thật của Hôn Nhân Bí Tích: Nơi Lòng Thương Xót và Lòng Trung Thành Gặp Nhau

********

Chương I. Công bố tin mừng gia đình trong nền văn hóa bão hòa về tình dục

1.1 Vẻ đẹp của tin mừng gia đình: tình yêu và tính dục con người

“Chúng ta không nên giới hạn cuộc tranh luận [về tin mừng gia đình] vào tình huống những người ly dị và tái hôn hay nhiều tình huống mục vụ khó khăn khác chưa được nhắc đến trong bối cảnh này mà thôi. Trái lại, ta phải bắt đầu một cách tích cực, khám phá và công bố một lần nữa tin mừng gia đình trong vẻ đẹp toàn diện của nó. Sự thật thuyết phục bằng chính vẻ đẹp của nó” (1). Những lời rất thâm thúy của Đức Hồng Y Walter Kasper này quả hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, phát biểu trước Mật Nghị Hội Đặc Biệt trong đó Đức Hồng Y Kasper sẽ đọc diễn văn. Đức Giáo Hoàng muốn tránh việc “sa vào ‘khoa giải nghi học’”, thay vào đó, ngài muốn “nhìn nhận rằng việc thành lập một gia đình, việc trở thành một gia đình ngày nay là một việc đẹp đẽ, chân thực và tốt lành xiết bao; và gia đình là điều thiết yếu đối với đời sống thế giới và tương lai nhân loại” (2). Trong chương này, chúng tôi sẽ cố gắng bước theo phương thức này, bằng cách khảo sát xem ta tìm đâu ra vẻ đẹp quyến rũ và đầy thuyết phục của tin mừng gia đình. Chúng tôi cũng sẽ khảo sát các trở ngại mà việc công bố tin mừng này gặp phải trong bối cảnh văn hóa hiện nay và xem xét các cách thế khả dĩ đương đầu được với chúng và lướt thắng chúng.

Vậy thì, đâu là vẻ đẹp trong viễn kiến Kitô Giáo về gia đình? Điều gì tốt và điều gì mới trong tin mừng mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người đã công bố về hôn nhân và gia đình? Khi Tin Mừng tới với thế giới La Hy cổ thời, nó mang theo một tính mới lạ thực sự, sâu xa thách thức nền văn hóa ấy bằng những cách rất giống với tình thế hiện thời của ta (3). Muốn thấy sự mới lạ này của Tin Mừng, ta hãy đọc lời khuyên mà tác giả của cổ thời La Mã Lucretius từng ngỏ với những người trẻ đang yêu:

“Dù nàng con gái bạn yêu nay thật xa vời,
Nhưng hình ảnh thần tượng của nàng thật gần xiết bao
Và tên ngọt ngào của nàng văng vẳng bên tai bạn.
Nhưng bạn cần trốn chạy hình ảnh ấy
Và tránh xa bất cứ điều gì nuôi dưỡng tình yêu của bạn;
Bạn phải bắt tâm trí bạn quay đi chỗ khác; và trút hết tinh dịch,
Đang hội tụ trong bạn, vào những thân xác man vàn khác,
Cũng đừng suy nghĩ bịn rịn vì một mối tình,
Giữ nó để vui, kết cục sẽ chồng đống
Nên tự chăm sóc lấy bạn kẻo đau khó tránh.
…………………………………………….
Quả thực niềm vui Vệ Nữ,
Ít chung đụng với những thế nhân có linh hồn tỉnh táo
Hơn những thế nhân không thích héo mòn vì tình yêu
(4).

Lucretius muốn nói gì ở đây về bản chất của tình yêu con người? Bằng những lời gấm hoa thơ mộng, ông đã hoàn toàn dung tục chủ trương rằng người đàn ông nên ngủ với nhiều người đàn bà khác nhau, chứ đừng lưu luyến một người, kẻo phải đau khổ vì tình âu yếm đối với nàng. Đàng khác, ông hàm ý cho rằng niềm khoái lạc giao hợp sẽ lớn lao hơn khi ta không bị tình yêu làm cho sao lãng. Như thế, xem ra, đối với ông, liên hệ tính dục ít có hay không có bất cứ liên hệ nào với tình yêu.

Một chủ trương tách biệt tính dục khỏi tình yêu tương tự như thế cũng tìm thấy ở gốc rễ điều vốn được gọi là cách mạng tình dục, một kiểu nói thường được liên kết với các biến cố của thập niên 1960, nhưng thực ra gốc rễ ý thức hệ của nó là một cuốn sách gây nhiều ảnh hưởng tựa là Cách Mạng Tình Dục của nhà phân tâm học người Áo, Wilhelm Reich, xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức năm 1939 dưới tựa đề Sexualitat im Kulturkampf: Zur sozialistischen Umstrukturierung des Menschen [Tính Dục trong Chiến Tranh Văn Hóa: Hướng Tới Việc Tái Cấu Trúc Con Người Theo Xã Hội Chủ Nghĩa] (5). Theo Reich, “kinh nghiệm y khoa về tính dục dạy ta rằng ức chế tính dục gây ra bệnh tật, trụy lạc và dâm đãng” (6). Đối với ông ta, “tiết chế là điều nguy hiểm và tuyệt đối có hại cho sức khỏe” (7), trong khi thực hành tính dục là một cách điều trị; khoái cảm tính dục dẫn tới sức khỏe và hạnh phúc: “năng lực tính dục là năng lực sinh học sẽ xác định ra đặc điểm cho xúc cảm và suy nghĩ trong tâm thần (psyche) con người” (8). Rồi ông viết thêm: “cốt lõi hạnh phúc ở trên đời là hạnh phúc tính dục” (9). Dù phương thức này tự cho mình là hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa, điều không thể chối cãi là nó rất giống với quan niệm xưa của Lucretius: đối với tính dục, điều quan trọng không phải là tình yêu mà là khoái cảm tính dục hay “năng lực tính dục”.

Đối với cả Lucretius của La Mã cổ thời lẫn Reich của Tây Phương hiện đại, nói tới các liên hệ tính dục, người khác chỉ có được sự quan trọng bậc nhì. Trong cả hai trường hợp, hoạt động tính dục hoàn toàn bị cắt đứt khỏi tình yêu. Đặc biệt đối với Reich, sở dĩ như thế là vì con người nhân bản nhất thiết phải tích cực về phương diện tính dục. Nếu họ tiết chế, họ sẽ bị bệnh. Như thế, nhu cầu làm tình giống như nhu cầu phải ăn uống. Người ta không thể không có nó trong một thời gian lâu. Nếu đúng như thế, thì hoạt động tính dục đã bị lấy ra khỏi lãnh vực tự do và trách nhiệm của một người rồi. Vì nếu ta nhất nhiết phải thoả mãn sinh hoạt tính dục, bất kể là vì một xung động hay vì sức khỏe thể lý và tâm thần đòi hỏi, thì hành vi làm tình khó có thể gọi là cuộc gặp gỡ của tình yêu. Trong lãnh vực tính dục con người, nếu việc tự chủ và tiết chế không thể nào có được, thì các hành vi làm tình khó có thể cho rằng mình là các phát biểu của tình yêu, vì tự bản chất, tình yêu là một điều đã được ủy thác cho tự do của ta.

Điều riêng thuộc về tình yêu chính là luận lý học của cho đi: tình yêu phải được tự do cho đi và tự do nhận lãnh. Một người vợ sẽ nghĩ gì về một đức ông chồng, lúc 3 giờ sáng đánh thức mình dậy đòi làm tình vì đột nhiên ông ta cảm thấy bị kích thích mạnh về tính dục? Làm thế nào một hành vi làm tình như thế có thể được coi là một hành vi yêu thương cho được? Một cuộc gặp gỡ tính dục như thế có khác gì cung cách trần tục và tầm phào của việc phải tiêu tiểu mỗi ngày mấy lần? Tính độc chiếm và vĩnh viễn trong mối liên hệ đàn ông đàn bà làm gì có được. Nếu một trong hai người phối ngẫu vì công việc phải xa nhà, không ai trong hai người có thể trông mong gì người kia sẽ tiết dục trong thời gian vắng nhau ấy, hệt như họ không trông mong người ấy sẽ tiết chế không ăn không uống trong thời gian này. Nếu, như Reich chủ trương, người ta thực sự phải thỏa mãn mọi thúc bách tính dục xẩy ra với họ để tránh không mắc những bệnh tâm thần nghiêm trọng, thì các liên hệ độc chiếm và lâu bền quả thực có hại cho sức khỏe một cách trầm trọng, điều mà chính ông ta từng kết luận.
Tuy nhiên, ta thắc mắc không biết viễn tượng độc chiếm và lâu bền có gì đẹp đẽ không. Rõ ràng mong muốn sự độc chiếm và lâu bền là một phần trong chính bản chất của tình yêu gợi dục. Yêu nhau rõ ràng muốn nói với nhau rằng “Anh là duy nhất của em: Anh là tất cả của em và em là tất cả của anh. Anh trao cho em trọn con người anh, một cách độc chiếm và suốt đời anh”. Chính ở đây, Tin Mừng đã đem tới một điều thực sự mới mẻ cho thế giới cổ thời, và một lần nữa, nó cũng đã làm như thế với thế giới ngày nay; lãnh vực tính dục con người, tức lãnh vực đụng tới sự dị biệt hóa tính dục của ta, có thể được cứu chuộc và nâng cao; nó không cần là một trận chiến bóc lột nhau, thống trị nhau, và rù quyến nhau nữa. Chúa Giêsu ban cho ta sức mạnh mới: tính dục có thể có một điều gì đó ăn có với tình yêu. Trước khi tác giả thư Êphêsô khuyên các bà vợ “phục tùng các người chồng” của họ “như phục tùng Chúa” (Eph 5:22), ngài bảo các người chồng và các người vợ “phục tùng lẫn nhau vì lòng tôn kính Chúa” (Eph 5:21), rồi ngài tiếp tục kêu gọi các người cHồng Yêu thương vợ mình “như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25).

Đó quả là một tình yêu tươi đẹp và chỉ có thể khả hữu nếu chữ “mãi mãi” khả hữu. Tính bất khả tiêu của hôn nhân cùng với tính độc chiếm tính dục không phải là một gánh nặng phụ trội đặt lên vai vợ chồng Kitô hữu. Đúng hơn, nó là phần tinh túy trong ý nghĩa của tình yêu đích thực và được ban cho các môn đệ của Chúa Kitô như một khả thể mới mẻ. Như Đức Hồng Y Kasper đã nói rất đúng, giáo huấn về sợi dây bất khả tiêu của hôn nhân “là một tin mừng, nghĩa là, niềm an ủi dứt khoát và lời đoan hứa tiếp tục có giá trị mãi mãi” (10). Tính bất khả tiêu hôn nhân và tính độc chiếm tính dục là các tin mừng; ly dị và bất trung mới là tin xấu. Ly dị và bất trung phát sinh từ “sự cứng lòng” (Mt 19:8). Chúa Giêsu nói rằng “Do đó, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân rẽ” (Mt 19:6). Ở đây, ta nên nhớ rằng Người là Lời nhờ đó Thiên Chúa Cha sáng tạo ra vũ trụ; nên nếu Người nói thế, thì nó sẽ như thế. Như thế, khi truyền lệnh “con người không được phân rẽ”, Người cũng cung cấp cho ta khả thể sống trung thành suốt đời với nhau, và với khả thể này là ơn phúc mà trái tim ta hằng mong ước. Trong cuốn tiểu thuyết Per Sempre (Mãi Mãi) của Susanna Tamaro, nhân vật chính được người vợ hỏi: “ ‘Mãi mãi’ có bao giờ hiện hữu không?” Câu trả lời của chàng là: “Điều duy nhất hiện hữu là ‘mãi mãi’” (11). Tình yêu đích thực luôn muốn nói “mãi mãi”.

Trong một đoạn thơ tuyệt diệu, William Shakespeare nói lên sự nối kết thân mật giữa tình yêu và “mãi mãi” như sau:

Đối với cuộc hôn nhân của những tâm trí chân thực
Tôi đừng chấp nhận bất cứ cản trở nào. Yêu không còn là yêu
Khi thay đổi lúc gặp thay đổi,
Hay khuất phục khi bị di rời bởi người di rời:
Nhất định không! Đây là dấu nhất định mãi mãi
Là nhìn thẳng bão táp mà không run sợ;
Là sao sáng dẫn mọi con tầu mất hướng,
Dù đã mất cột buồm, giá trị không được ai biết tới.
Tình yêu không phải là trò phỉnh của Thời Gian, dù môi đỏ má hồng
Xuất hiện bên trong liềm cong chiếc vòng của nó:
Tình yêu không thay đổi cùng với thời khắc tuần giờ của nó
Nhưng chịu đựng chúng tới tận bờ diệt vong.
Dù điều ấy sai lầm và bạn chứng minh cho tôi thấy
Tôi cũng không bao giờ thừa nhận, cũng như chưa có người nào từng yêu cả
(12).

“Mãi mãi” là một tin mừng. Bất cứ ai từng yêu đều muốn tình yêu này kéo dài mãi mãi. Như thế, vấn đề đã ra khác: không phải là việc liệu chúng ta có muốn điều ấy hay không, mà là liệu chúng ta có nghĩ điều ấy khả hữu hay không. Và ở đây, tin mừng đã xuất hiện. “Mãi mãi” là điều mới lạ đích thực đã được Chúa Kitô đem tới, một khả thể mới đáp ứng các khát mong sâu xa nhất của trái tim con người. Điều này hiển nhiên đi ngược lại văn hóa đương thời. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, nền văn hóa ngày nay là một “nền văn hóa tạm bợ” hay một “nền văn hóa lâm thời” (13). Ngài khuyên các cặp vợ chồng đừng để bối cảnh văn hóa này lướt thắng nhưng đặt nền căn nhà của mình “trên phiến đá của tình yêu đích thực, tức tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa” (14). Bằng một hình ảnh hết sức gợi hình, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Chúa Kitô hoàn toàn có khả năng nhân thừa tình yêu của vợ cHồng Y hệt như Người đã nhân thừa số bánh, là ban cho họ thứ tình yêu “tươi mát và ngon lành mỗi ngày” (15).

Vì sự kiện khả thể “mãi mãi” là thành phần chủ yếu của những gì tốt và mới trong tin mừng này, nên ta hoàn toàn không rõ Đức Hồng Y Kasper có ý nói gì, khi, trong lúc thảo luận về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ, ngài yêu cầu phải có “một nền linh đạo mục vụ đổi mới có thể loại bỏ thứ quan điểm hẹp hòi, đầy tính luật lệ và chủ nghĩa khắt khe không đúng với tinh thần Kitô Giáo hiện đặt nhiều gánh nặng không ai chịu nổi lên vai người ta, những gánh nặng mà chính các giáo sĩ chúng ta không muốn vác mà cũng không thể vác nổi (xem Mt 23:4)” (16). Ở đây, các “gánh nặng không ai chịu nổi” là những gánh nặng nào? Phải chăng một trong các gánh nặng này là tính bất khả tiêu của hôn nhân? Điều này không nhất quán đối với điều ngài nói ở một chỗ khác, khi ngài gọi dây liên kết không thể nào tiêu hủy được là một “tin mừng” (17) và khi ngài nhấn mạnh rằng mình không muốn đặt nghi vấn nào về tính bất khả tiêu của hôn nhân (18).
Có phần chắc là gánh nặng không ai chịu nổi này cuối cùng chính là sự độc chiếm tính dục. Ít nhất thì đây cũng là cách giải thích hợp lý nhất của Đức Hồng Y Carlo Caffarra đối với đề xuất của Đức Hồng Y Kasper. Điều không thể chối cãi là: khi cho phép một số người ly dị và tái hôn được rước lễ, cho dù những cặp này trước đó có thực hiện một số hành vi đền tội, nhưng vẫn chưa thể hiện sự thay đổi có phẩm chất trong bậc sống của họ, Giáo Hội đã phần nào “ban cho cuộc kết hợp thứ hai một phán quyết hợp pháp nào đó” (19).

Nhưng cuộc kết hợp thứ hai này không thể là cuộc hôn nhân thứ hai, đồng thời với cuộc hôn nhân thứ nhất, “xét vì song hôn là đi ngược lại lời của Chúa” (20). Vì Đức Hồng Y Kasper minh nhiên chủ trương tính bất khả tiêu của hôn nhân, và xét vì ngài khó có thể có ý định đề xuất việc người ta có thể sống trong hai cuộc hôn nhân thành sự và bất khả tiêu cùng một lúc được, nên giải pháp của ngài, trên thực tế, hẳn phải là cho rằng “cuộc hôn nhân đầu vẫn tồn tại, nhưng cũng có loại sống chung thứ hai được Giáo Hội hợp pháp hóa” (21). Đối với Đức Hồng Y Caffarra, đề xuất này có hệ quả trầm trọng nhất như sau: “nó là việc thực hành tính dục con người ở bên ngoài hôn nhân được Giáo Hội hợp pháp hóa. Nhưng với việc hợp pháp hóa này, cột trụ nền tảng của giáo huấn Giáo Hội về tính dục đã bị phá sập”; cột trụ này chính là việc Giáo Hội luôn nhấn mạnh rằng khung cảnh thích đáng duy nhất để thực hành tính dục là khung cảnh yêu thương vợ chồng.

Rõ ràng Đức Hồng Y Kasper bỏ qua mối nối kết giữa tính bất khả tiêu và tính độc chiếm tính dục. Dù sao, khi nói tới “các gánh nặng không ai chịu nổi”, nếu ngài có ý chỉ một là tính bất khả tiêu của hôn nhân hai là đòi hỏi độc chiếm tính dục, thì đoạn Thánh Kinh xuất hiện trong tâm trí ta trong bối cảnh này sẽ không là đoạn Mátthêu 23:4 (“Họ buộc những gánh nặng, khó chịu nổi”) mà đúng hơn là đoạn Mátthêu 19:10, nơi ta đọc thấy sự ngỡ ngàng của các môn đệ trước lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân: “Nếu đó là trường hợp của người đàn ông với vợ anh ta, thì tốt hơn không nên kết hôn”.

Một lần nữa, các đòi hỏi bất khả tiêu hôn nhân và độc chiếm tính dục của vợ chồng không phải là các gánh nặng mà Chúa Kitô và Giáo Hội của Người đặt lên các người phối ngẫu. Đây là các đòi hỏi của chính tình yêu. Bất cứ ai “sa vào lưới tình” đều có thể lấy kinh nghiệm của mình mà chứng thực điều đó. Vấn đề là ta cũng có thể “thoát được lưới tình”. Tình thơ mộng khi hai kẻ yêu nhau hứa hẹn cho nhau đủ tinh tú thiên giới, chỉ kéo dài chốc lát. Tin mừng là cái chốc lát khởi đầu ấy, cái hứa hẹn của dục tình (eros) ấy, có thể tìm được sự thành toàn của nó trong tình yêu (agape) (22). Dù quả cá nhân không phải là một con ngựa kéo xe và dù theo một cách, ta có thể nói rằng ta được “tạo dựng cho ngày Sabát” (23), miễn là việc nghỉ ngơi trong ngày Sabát là “ngày nghỉ ngơi trong Chúa” để tưởng niệm, để ngợi ca, và cảm tạ (24), thì điều cũng đúng là, theo một nghĩa nào đó, ta được dựng nên để làm việc không ngừng, tức là, để yêu thương. Vì yêu thương đòi ta phải làm việc không ngừng. Như Franceso Botturi từng nói, “[Tình yêu] là công việc của tự do; nó đòi lao công và có chiều kích lâu dài. Yêu là muốn yêu, nghĩa là, tự do mang ý hướng tính cảm giới mà tình trạng yêu thương tự phát cung ứng” (25). Cũng theo chiều hướng này, Erich Fromm đã có thể viết: “Yếu tính của tình yêu là ‘lao công’ cho một điều gì đó và ‘làm cho một điều gì đó lớn lên’… Tình yêu và lao công không thể tách biệt nhau. Ta yêu thích điều mà vì nó ta lao công, và ta lao công vì điều ta yêu thích” (26). Lao công của tình yêu này chính là quà phúc Thiên Chúa ban cho ta. Khi ban cho ta ơn phúc của Người, Thiên Chúa không chỉ đơn giản che dấu sự xấu xí của ta. Đúng hơn, Người biến đổi ta từ bên trong, ban cho ta ơn phúc hành động mới mẻ (27). Tin mừng là lời hứa yêu thương có thể được nên trọn. Tình yêu có thể lâu bền và trung thành.

Đó quả là tảng đá nền của giáo huấn Giáo Hội về tính dục con người và mối tương quan của nó với tình yêu. Giáo Hội dạy rằng các hành vi tính dục chỉ có thể là các hành vi yêu thương chân thực nếu chúng là các hành vi vợ chồng, nghĩa là, nếu chúng được thực hiện bởi một người đàn ông và một người đàn bà từng công khai cam kết đời mình cho nhau, vốn hứa giữ lòng trung thành với nhau và dành sự độc chiếm tính dục cho nhau, cũng như sẵn sàng sản sinh ra sự sống mới. Giáo Hội rút giáo huấn này ra từ chính bản chất tình yêu vợ chồng, một tình yêu có tính nhân bản, toàn diện, trung thành, độc chiếm và sinh hoa trái (28). Nhưng như chúng tôi đã nói trên đây, các hành vi tính dục chỉ có thể là các hành vi của tình yêu vợ chồng nếu việc tiết chế là việc có thể làm được. Nếu Reich đúng và việc tiết chế chỉ dẫn tới bệnh tâm thần, thì không ai có tâm trí lành mạnh lại đi trao đổi các lời đoan hứa kết hôn làm chi. Nếu tiết chế, bất kể là tạm thời hay toàn diện, là điều không thể có, thì các hành vi tính dục sẽ không bao giờ có thể là các biểu thức của tình yêu vợ chồng, vì chúng đã được thực hiện dưới sự thôi thúc của tất yếu. Sự độc chiếm tính dục cũng là điều không thể có được, vì luôn luôn sẽ có những lúc trong đó, các người phối ngẫu buộc phải tiết chế, đôi khi chỉ vì người vợ bị đau đầu, ấy là chưa kể các lý do sức khỏe trầm trọng hơn và thường trực hơn. Nếu ai đó phải làm tình, nhưng lại không thể đến với người phối ngẫu mình, vì nàng khó ở, thì hẳn anh ta sẽ phải đến với người khác, y hệt như anh ta vẫn cứ phải ăn cho dù không ăn với nàng được. Trong trường hợp này, tình yêu vẫn đòi sự độc chiếm mà việc làm tình không thể đem lại. Tình dục và tình yêu thuộc hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Sự kiện chúng thuộc về nhau là một tin vui của Tin Mừng, và chúng có thể sánh bước với nhau nhờ tiết chế là điều có thể làm được. Đây có lẽ là thách đố chính của Giáo Hội đối với cả hai nền văn hóa cổ xưa và đương thời. Nó là một nền nhân học hoàn toàn khác với nền nhân học đang được cổ vũ trong xã hội ngày nay, vốn ủng hộ tiền đề nền tảng của Reich.

Kỳ tới: 1.2 Có thể nghĩ tưởng tới sự tiết chế được không? Familiaris consortio và Sacramentum caritatis nói về người ly dị và tái hôn dân sự.