Như con nước đến hẹn lại lên, đảng CSVN vẫn tối mặt đối diện với 3 “kẻ nội thù” hay “giặc nội xâm” gồm : Tha hóa quyền lực; Tham nhũng; và “thế lực thù địch” là một bộ phận cán bộ, đảng viên “biến chất”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.

Ba “kẻ thù” này không lạ mặt với dân vì chúng là dòng chảy liên tục, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, đảng viên trong 34 năm qua, kể từ Đại hội đảng “Đổi mới” năm 1986. Nhưng khi Tuyên giáo đảng và Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng phải khơi lại, trước ngày Đại hội đảng XIII, tổ chức vào đầu tháng 1/2021, thì mọi chuyện lại nóng lên vì các chứng tật này vẫn chưa được chận đứng.

Để hạ nhiệt vấn đề, Tuyên giáo đảng còn đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” trong và ngoài Việt Nam và các nước Dân chủ Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ, đã cấu kết với nhau, sử dụng các phượng tiện tinh vi như Internet, diễn đàn Quốc tế, mạng xã hội và các nhà báo dộc lập để gia tăng hoạt động chống phá, xuyên tạc công tác nhân sự đảng XIII.

Nhưng bên cạnh những ung nhọt “của đảng, do đàng và vì đảng” đã và đang làm tan hoang giá trị văn hóa và nhân phẩm trong xã hội Việt Nam thì những kẻ thù xuất phát từ nội bộ đảng còn góp sức phá hoại đất nước, làm hao mòn sức đề kháng còn sót lại trong dân trước những đe dọa ở Biển Đông của Trung Cộng.

Nhưng thù địch của đảng là những ai?

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thì chúng lại là người của “đảng ta”.

Báo Thanh Niên tường thuật:“Nhận diện 3 nhóm đối tượng được gọi là “thế lực thù địch”, ông Thưởng chỉ rõ, chính những cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa là nhóm không khó để nhận ra nhưng rất khó để đấu tranh vì là lực lượng "len lỏi và phức tạp". (theo Thanh Niên, ngày 6/7/2019, trích Phát biểu của ông Thưởng tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư tháng 7, diễn ra ngày 5/7/2019).

Ngoài ra ông Thưởng còn cáo buộc rằng :”Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn, phương thức chống phá rất muôn hình vạn trạng, đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội. Trong khi đó, những người làm công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lại thụ động hơn, rơi vào tình trạng phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách và đây là vấn đề cần lưu ý khắc phục sớm.”

ÔNG TRỌNG CÓ CÔNG GÌ?

Nhưng sau ngót 10 năm cầm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nên được đánh giá đã thành công trong nhiệm vụ mang lại phúc lợi cho dân tộc, và bảo vệ vững chắc độc lập và tòan vẹn chủ quyền lãnh thổ, hay ông đã thất bại như tất cả những lãnh đạo tiền nhiệm, từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh?

Lịch sử rồi sẽ phán xét công tội của từng Lãnh đạo, nhưng căn cứ vào những việc ông Trọng đã làm được hay vẫn còn vất vả chưa xong thì bên cạnh việc ông đã một bước thành công trong công tác phòng, chống Tham nhũng, lãng phí thì ông Trọng, 76 tuổi, vẫn chưa trị được những căn bệnh kinh niên của cán bộ, đàng viên đang đe dọa quyền lãnh đạo của đảng.

Đó là tình trạng :” Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.”

(Trích Nghị quyết lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương đảng XII, ngày 19/05/2018)

Nhưng để chứng minh cho thành công của đảng trong lĩnh vực chống Tham nhũng, Tạp chí Dân vận của Ban Chấp hành Trung ương đảng đã cho biết:” Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng đến cuối 2018, UBKT các cấp đã kiểm tra 7.511 tổ chức đảng cấp dưới và 23.511 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó có 11.769 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã kết luận 4.903 tổ chức đảng và 17.868 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 355 tổ chức đảng và 8.841 đảng viên. Riêng UBKT Trung ương đã kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 32 đảng viên diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 người từng là Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng). Kết quả công tác kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo thêm dấu ấn mới trên chặng đường phát triển, được Đảng và Nhân dân tin tưởng.”

Căn cứ vào việc khoe thành tích này mà ông Trọng, người được đàn em ca tụng là “người đốt lò”, đã đứng đầu bảng chống tham nhũng hơn tất cả 4 Tổng Bí thư tiền nhiệm gồm Nguyễn Văn Linh (1986 đến 1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) và Nông Đức Mạnh (2001-2011).

Nhưng cũng nên biết, từ ngày 01/02/2013 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng đã được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị thì ông Trọng là Trưởng ban. Do đó, việc ông phải tích cực, dẫn đầu trong công tác này để làm gương là đương nhiên. Nhưng tại sao, sau một chặng đường dài chống Tham nhũng bắt đầu từ năm 2007, đến năm 2020 là 13 năm, mà công tác này cứ “vẫn còn nghiêm trọng” mãi?

VẪN NHƯ NGÀY ĐẦU

Bằng chứng đã được Tạp chí Tuyên giáo nhìn nhận :”Tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền".

Bài viết hồi Tháng 3/2019 cho biết các hành vi tham nhũng:” Đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp Trung ương, ở những chương trình, dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng (tham nhũng lớn) mà còn xuất hiện nhiều tại các bệnh viện, các cơ quan công quyền ở cơ sở,v.v.. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai,v.v.. mà còn lan rộng sang các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; trong các chương trình trợ cấp cho thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách; trong các chương trình cứu trợ cho đồng bào gặp thiên tai; trong quá trình xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua khen thưởng,v.v... Tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn "tiếp tay" cho các thế lực thù địch, phản động trong việc bôi nhọ, hạ uy tín, vị thế của Đảng trong phạm vi quốc gia cũng như trên trường quốc tế.”

Nhìn vào thực tại, Tuyên giáo viết thêm:”Tham nhũng - những lợi ích bất chính đã hoặc sẽ có được đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao “không giữ được mình”, không gương mẫu trong thực thi trọng trách được giao, nói một đằng, làm một nẻo, không còn xứng đáng với vai trò tiền phong. Họ đã bất chấp việc vi phạm pháp luật mà làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp…để vụ lợi, trục lợi cho mình, người thân, cánh hẩu của mình, nhóm lợi ích của mình... dẫn đến làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân đối với các cơ quan công quyền.”

(Theo Tạp chí Tuyên Giáo, ngày 15-03-2019)

Cũng trong năm 2019, Ban Nội chính Trung ương đàng CSVN cũng than van:”Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ.”

(Ban Nội chính, ngày 04/02/2019)

Như vậy thì ông Nguyễn Phú trọng có thành công trong chuyện “đốt lò” không? Chúng ta nên nhìn lại qúa khứ năm 2012, sau một năm ông Trọng lên nắm quyền, thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh để tìm câu trả lời.

Đầu tiên, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa đảng XI, ban hành ngày 16/01/2012, đã phơi bầy một tình trạng nhiễu nhương do ông Nông Đức Mạnh để lại, theo đó:”Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”

Sau 5 tháng, ông Trọng đã tổ chức Hội nghị Trung ương 5 để nói riêng vể quốc nạn Tham nhũng. Kết luận ngày 25/05/2012 viết chi tiết:” Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp..., gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.” (Kết luận TƯ 5/XI)

Tại sao?, Hãy đọc giải thích của đảng CSVN:” Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Không ít cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Vai trò của nhiều chi bộ, tổ chức cơ sở đảng còn mờ nhạt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương, chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, giảm sút sức chiến đấu và thiếu kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập; một số quy định thiếu nhất quán, thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng "xin - cho". Tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh, có mặt chưa hợp lý.”

(Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012)

Hết nhiệm kỳ 5 năm (2011-2016), ông Trọng được tái đắc cử Tổng Bí thư cho nhiệm kỳ 2016-2021, tưởng đâu công tác “đốt lò chống Tham nhũng” của ông sẽ quét sạch rác rưởi trong đàng. Nào ngờ, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII, Trung ương lại than rát cổ:”Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.”

(Theo Nghị quyết, ngày 30 tháng 10 năm 2016)

Mới nhất tại Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 của

Đảng bộ Cơ quan Ban Nội chính (08-09/6/2020), ông

Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đã nhìn nhận thất bại của Đảng thêm lần nữa.

Ông nói:”Công tác Phòng, chống Tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp; cải cách tư pháp đang đặt ra những yêu cầu cao hơn, triệt để hơn. Tất cả những vấn đề đó sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải xử lý có hiệu quả, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.”

(Theo Ban Nội chính Trung ương)

NỊNH VỪA THÔI

Như vậy là loạn xà ngầu rồi còn gì nữa. Nhiệm kỳ hai khóa 10 năm của ông Trọng đã tan vào mây khói chưa, hay ông vẫn còn nước còn tát?

Vậy mà, Tạp chí Xây dựng Đảng vẫn tâng bốc ông lên tận mây xanh.

Báo này viết:”Người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch, thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” luôn nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa… Người cầm trịch chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động mà chính sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng, làm nên điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.”

Tạp chí này hô tiếp:”Với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi PCTN đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”, không ai có quyền đứng ngoài cuộc.”

Cuối cùng báo Đảng khuyến cáo :”Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái sau này, không chỉ trong PCTN. Đối với địa phương cũng cần phải lựa chọn cho được những thủ lĩnh xứng đáng, xứng tầm.”

(Tạp chí Xậy dựng Đảng, ngày 31/10/2019)

Ngoài chuyện báo Xây dựng Đảng đề cao ông Trọng, cũng thấp thoáng đây đó những tiếng nói của cử tri và cuộc vận động ngầm trong một số Ủy viên Trung ương muốn ông Trọng tiếp tục ở lại lãnh đạo đảng và nhà nước, mặc dù Điều lệ Đảng không cho phép ông giữ ghế qúa 2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư. Hơn nữa ông sẽ đến tuổi 77 vào ngày 14/04/2021.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người có bằng Tiến sỹ về Xây dựng Đảng, là một lãnh đạo cực kỳ giáo điều, bảo thủ, luôn luôn muốn sống chết với Chủ nghĩa Mac-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong 10 năm cầm quyến, ông nổi tiếng với chủ trương

“nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để kiểm soát nạn tha hóa quyền lực của đảng viên và quốc nạn Tham nhũng. Nhưng Đảng vẫn nhìn nhận còn phải đương đầu với:“4 nguy cơ, trong đó là tụt hậu xa hơn về kinh tế; Nguy cơ diễn biến hòa bình; rồi tham nhũng, quan liêu. Còn vấn đề hiện nay là tự diễn biến, tự chuyển hóa.”

Như vậy thì thù địch của đảng đang ở đâu, hay đang rong chơi ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội?

Phạm Trần

(10/020)