1. Vệ binh Thụy Sĩ của Vatican xét nghiệm dương tính với coronavirus

Hôm thứ Hai, Vatican xác nhận rằng bốn Vệ binh Thụy Sĩ đã xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo hôm 12/10, Giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh Matteo Bruni cho biết bốn thành viên của đội quân thường trực nhỏ nhất nhưng lâu đời nhất thế giới đã bị cách ly sau các cuộc kiểm tra cho kết quả dương tính vào cuối tuần qua.

“Trong những giờ này, các kiểm tra cần thiết đang được thực hiện trong số những người có thể đã tiếp xúc trực tiếp với họ,” ông nói.

Trích dẫn các biện pháp mới được ban hành vào tuần trước bởi Chính quyền Thành phố Vatican, ông giải thích rằng tất cả các lính canh sẽ đeo khẩu trang y tế cả trong nhà và ngoài trời, bất kể họ có đang làm nhiệm vụ hay không. Họ cũng sẽ tuân thủ tất cả các quy tắc khác nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Ông Bruni nói thêm rằng, ngoài bốn thành viên của quân đoàn chịu trách nhiệm bảo vệ Đức Giáo Hoàng, ba cư dân hoặc công dân khác của Thành phố Vatican cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Cả ba người đều có các triệu chứng nhẹ và đang cách ly tại nhà.

Trong một thông báo ngay trước khi chúng tôi thu hình chương trình này số các ngự lâm quân nhiễm coronavirus đã lên đến 6 người.

Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của châu Âu trong đợt đại dịch đầu tiên. Theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins Coronavirus, hơn 354,000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và 36,166 người đã chết tại nước này tính đến ngày 12 tháng 10. Chính phủ Ý đang chuẩn bị đưa ra các hạn chế hơn nữa sau khi có các trường hợp tăng đột biến.

Đầu tháng này, 38 tân binh của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ - được biết đến với bộ đồng phục màu xanh, đỏ, cam và vàng - đã tuyên thệ trong một buổi lễ ở Vatican.

Buổi lễ thường diễn ra vào hoặc gần ngày 6 tháng 5, nhưng do hạn chế về coronavirus ở Ý vào thời điểm đó, nên đã được dời sang ngày 4 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nhận các tân binh trong một buổi tiếp kiến vào ngày 2 tháng 10.

Ngài nói với họ: “Thời gian các bạn sẽ ở đây là một khoảnh khắc độc đáo trong cuộc đời của các bạn: cầu mong các bạn sống thời gian này với tinh thần huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau để có một cuộc sống giàu ý nghĩa và hạnh phúc.”


Source:Catholic News Agency

2. Tổng thống Mễ Tây Cơ yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phải đưa ra lời xin lỗi quốc gia này

Tổng thống Mexico đã công bố một bức thư ngỏ gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy trong đó ông ta kêu gọi Giáo Hội Công Giáo xin lỗi vì sự lạm dụng người bản địa trong công cuộc truyền giáo tại Mễ Tây Cơ vào những năm 1500.

Trong bức thư, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng cho Mễ Tây Cơ mượn các tài liệu cổ liên quan đến quốc gia này thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha.

“Giáo Hội Công Giáo, chế độ quân chủ Tây Ban Nha và chính phủ Mễ Tây Cơ nên đưa ra lời xin lỗi công khai về những hành động tàn bạo mà người dân bản địa phải gánh chịu,” bức thư viết.

López Obrador yêu cầu Đức Thánh Cha đưa ra tuyên bố ủng hộ Miguel Hidalgo, một nhà lãnh đạo phong trào đòi độc lập vào thế kỷ 19 của Mễ Tây Cơ, người từng được cho là đã bị vạ tuyệt thông vì tàn sát nhiều người trong cuộc nổi dậy. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết Hidalgo đã thú nhận tội lỗi của mình trước khi bị hành quyết và không hề bị vạ tuyệt thông.

López Obrador nói: “Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một hành động của sự khiêm tốn và đồng thời là sự vĩ đại để Giáo Hội hòa giải sau khi chết của Hidalgo”.

Diễn biến này dường như là để đáp lại các công kích ngày càng tăng của các Giám Mục Mễ Tây Cơ. Các ngài đã nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng đối với tổng thống Andrés López, đặc biệt là vấn đề trị an của xã hội.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm ngoái, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.


Source:AP

3. Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đánh vào quan điểm ủng hộ cuộc sống của Thẩm phán Barrett bằng một giọng điệu đầy kịch tính

Vào ngày đầu tiên của phiên điều trần xác nhận ứng cử viên Tòa án Tối cao Amy Coney Barrett, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của đảng Dân Chủ đơn vị Minnesota đã phát động một cuộc tấn công gay gắt và đầy kịch tính vào cả Barrett và Tổng thống Donald Trump. Mở đầu tuyên bố của mình, Klobuchar tuyên bố “chúng ta đang phải đối phó với một tổng thống không cho rằng sự thật là quan trọng”.

Các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cho rằng việc đề cử Barrett không nên diễn ra trước cuộc bầu cử, và ví nó như một hành vi vi phạm công lý. Klobuchar nói: “Người ta nói rằng bánh xe công lý quay chậm. Trong khi, bất công có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng, như chúng ta đang thấy ở đây ngày nay”.

Klobuchar đã đề cập cụ thể đến cuộc sống phò sinh và các giá trị truyền thống của Barrett, cho rằng chúng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến cuộc sống của người Mỹ. Bà ta tuyên bố rằng có một sự vội vàng để “đề cử một Thẩm Phán vào Tòa Án Tối Cao, một Thẩm Phán mà quan điểm của người ấy được biết đến là sẽ có tác động sâu sắc đến cuộc sống của bạn… bạn phải kết hôn với ai, và bạn có thể quyết định về cơ thể của chính mình đến mức nào”.

“Hỡi người dân Mỹ, tôi đang nói về các bạn”, Klobuchar tuyên bố.

Klobuchar tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề cử Barrett trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, kết nối cuộc sống phò sinh và quan điểm truyền thống của Barrett với chính cuộc bầu cử: “Chúng ta không thể tách ứng cử viên này và quan điểm của cô ấy khỏi cuộc bầu cử này.”

Klobuchar hô hào rằng “Sự thật là quan trọng, và hỡi người dân Mỹ, sự thật là việc đề cử một Thẩm Phán vừa tuyên bố quan điểm của cô ấy rất rõ ràng, cho thấy cái ông tổng thống này đang cố gắng đặt mình trong một vị trí quyền lực nhằm đưa ra quyết định về cuộc sống của các bạn”.

Đề cập đến Thẩm Phán quá cố Ruth Bader Ginsburg, một người công khai ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính, Klobuchar tuyên bố rằng quan điểm của Ginsburg phải là quan điểm của những ai muốn hướng dẫn tương lai của nước Mỹ. “Khi bạn nhìn vào ý kiến của bà ấy, bạn nhận ra bà ấy không chỉ viết cho ngày hôm nay, bà ấy còn viết cho cả ngày mai nữa.”

Khi cáo buộc tổng thống muốn “cài cắm” một nhân vật phò sinh vào Tối Cao Pháp Viện, bà thượng nghị sĩ Klobuchar hét lên hết cỡ có thể hét nổi: “Tôi nghĩ buổi điều trần này là một trò lừa bịp”.


Source:Catholic News Agency

4. Một linh mục Dòng Tên 83 tuổi tại Ấn Ðộ bị bắt và vu khống.

Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 9 tháng 10 năm 2020, cho biết một linh mục 83 tuổi, dòng Tên, từ 50 năm nay dấn thân bênh vực dân bộ lạc Adivasi ở Jharkhand ở miền đông bắc Ấn Ðộ đã bị bắt và gán cho tội “khủng bố theo chủ nghĩa Mao Trạch Ðông”.

Ðó là cha Stan Swarmy. Cha là người cao tuổi nhất bị chính quyền thuộc đảng Ấn giáo BJP gán cho tội “khủng bố”. Chiều ngày 8 tháng 10 năm 2020, cha bị các nhân viên lực lượng quốc gia điều tra, gọi tắt là NIA, bắt đưa khỏi trung tâm xã hội Bagaicha của dòng Tên, nơi cha sinh sống, và tống ngục.

Một đồng nghiệp của cha cho biết, các nhân viên NIA rất thô bạo và hách dịch, họ không hề xuất trình trát bắt giam nào. Họ nói cha bị tố cáo và một sĩ quan cấp cao muốn gặp cha tại trụ sở của NIA ở thành phố Ranchia. Hiện thời người ta không biết cha Swarmy bị giam ở đâu.

Cha đã từng bị tra vấn nhiều lần. Gần đây nhất, cha bị hỏi cung 15 giờ mỗi ngày, trong vòng năm ngày liên tiếp, từ 27 đến 30 tháng 7 và ngày 6 tháng 8 năm 2020. Viên sĩ quan tra vấn cha Swarmy đã trưng dẫn các tài liệu thông tin, dường như lấy từ máy vi tính của cha, để chứng minh cha có liên hệ tới lực lượng khủng bố theo chủ nghĩa Mao Trạch Ðông.

Cha Swarmy giải thích: “Tôi đã nói với họ rằng những tài liệu ấy là ngụy tạo hoàn toàn, được gài vào trong máy vi tính của tôi; tôi nói đó là những tài liệu không phải của tôi”.

Cha Michael Kerketta, dòng Tên, giáo sư thần học tại Học viện thần học miền ở Ranchia, nói với hãng tin Asia News rằng: “Tôi biết rõ cha Stan Swarmy. Cha là một người rất dấn thân bênh vực những người nghèo khổ, những người dân bộ lạc, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cha bênh vực phẩm giá và các nhân quyền của họ. Ðiều xảy ra thực là một điều đáng tiếc. Ðây thực là một cuộc tấn công chống lại những người nghèo, và chúng tôi rất lo âu cho sức khỏe của cha Swarmy.”

Cha Swarmy nguyên quán tại bang Kerala ở miền tây nam Ấn Ðộ, nhưng đã trải qua gần 50 năm nơi vùng của dân bộ lạc ở bang Jharkand, bênh vực quyền lợi lâm sản của cộng đoàn thổ dân Adivasi. Cha đã từng phê bình bạo lực thái quá của cảnh sát, không áp dụng luật về việc bảo vệ dân bộ lạc. Thỉnh thoảng cha cũng lên tiếng bênh vực những người trẻ thuộc bộ lạc Adivasi bị tống ngục bừa bãi.

Cha George Pattery, nguyên bề trên dòng Tên tỉnh dòng Nam Á, nói với hãng tin Asia News rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ bắt giam cha Stan Swarmy. Ðây thực là một điều đáng tiếc và cách thức đối xử với cha thật là điều bất hợp pháp, không thể dung thứ được. Chúng tôi không thể chấp nhận một vụ bắt giam mà không có trát nào của tòa án”.


Source:Asia News

5. Chúa còn làm được gì cho một thằng khốn nạn như tôi

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin đánh đi hôm thứ Hai 12 tháng 10 cho biết nạn tự tử đã tăng mạnh tại Nhật Bản trong thời gian xảy ra đại dịch coronavirus.

Nhân dịp này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em câu chuyện sau đây để cho thấy rằng trong mọi nghịch cảnh chúng ta đừng nản lòng.

Một hôm, người ta đến báo cho thánh Phanxicô đệ Salê sinh năm 1567 và qua đời năm 1622 rằng: trong nhà giam có một kẻ bất hạnh bị kết án tử hình, và trong cơn phẫn nộ tuyệt vọng, anh ta từ chối mọi bí tích và phó linh hồn cho ma quỷ. Và không một phút chậm trễ, Đức Giám Mục Phanxicô Salê tức khắc chạy tới nhà giam. Ngài âu yếm ôm hôn anh ta an ủi và cùng khóc với anh ta. Ngài giúp anh ta lấy lại lòng tin tưởng vào lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, ngài cũng cố gắng giúp anh ta biết chấp nhận cái chết bi thảm sắp tới để đền tội. Để chuẩn bị cho việc đền tội, anh ta cần phải xưng tội. Nhưng anh ta nói:

- Điều đó vô ích, vì tôi đã được dành cho Hỏa ngục rồi, và sẽ sớm làm mồi cho ma quỷ.

Đức Giám Mục Phanxicô Salê ôn tồn hỏi:

- Nhưng con của ta, con không thích làm mồi cho Thiên Chúa nhân từ và làm nạn nhân cho thập giá Đức Giêsu hơn sao?

- Tất nhiên là muốn, nhưng Thiên Chúa sẽ làm gì cho một thằng khốn nạn như tôi?

- Chính là để cho những người như con mà Cha trên trời đã gởi Con Trai của Ngài xuống thế gian, và chính cho cả những người xấu xa hơn cả con nữa, như những tên đao phủ, như Giuđa phản Chúa, mà Đức Giêsu đã đổ máu Ngài ra.

Phạm nhân nói:

- Cha có bảo đảm với tôi rằng: tôi có thể trông nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà không cần đến một sự trâng tráo nào không?

- Trái lại, sẽ là một sự trâng tráo lớn khi không nghĩ rằng lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi.

- Nhưng Thiên Chúa là Đấng công chính, Ngài sẽ kết tội tôi.

- Thiên Chúa là đấng nhân hậu, Ngài sẽ cứu con nếu con xin Ngài tha thứ với lòng ăn năn sám hối và khiêm nhường.

Động lòng bởi những lời nói tốt lành, tên phạm nhân đã xin xưng tội và kiên tâm đón nhận cái chết. Và anh đã sốt sắng lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa:

- Ôi Giêsu, con xin trao phó đời con trong tay Ngài, con tin tưởng vào Ngài.