Hiệp ước toàn cầu về giáo dục phải mang hạt giống ‘hy vọng'

Đức Thánh Cha Phanxicô làm sống lại Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục vào hôm thứ Năm (15/10/2020) qua một thông điệp video được phát đi từ Đại học Giáo hoàng Lateran ở Rome.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Thứ Năm (15/10/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi thành phần xã hội trên thế giới hãy ký tham gia và ủng hộ Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục.

Hiệp ước này nhằm thúc đẩy các giá trị chăm sóc tha nhân, hòa bình, công lý, những gì thiện hảo, sự đón nhận và tình huynh đệ để xây dựng niềm hy vọng, tình đoàn kết và hài hòa ở mọi nơi.

Thứ Năm vừa qua, bằng thông điệp video, Đức Thánh Cha kêu gọi vực dậy Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục qua trang mạng Đại học Giáo hoàng Lateran ở Rome.

Giáo dục - hạt giống hy vọng

Hiệp ước, được tài trợ bởi Thánh Bộ Giáo dục Tòa thánh nhằm cổ súy sự đổi mới cách quy mô trên toàn thế giới, hầu giáo dục có thể trở thành nhân tố tình huynh đệ, hòa bình và công lý. Theo Đức Thánh Cha, hiệp ước này “đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng một nền giáo dục có chất lượng, phù hợp với phẩm giá của con người và ơn gọi chung của chúng ta trong tình huynh đệ.”

“Cầu mong chúng ta bền bỉ xác tín rằng giáo dục tự nó có sẵn mầm mống hy vọng: hy vọng hòa bình và công lý; niềm hy vọng về cái đẹp và sự thiện hảo; Đức Thánh Cha nói trong thông điệp của mình về sự hòa giải hòa hợp xã hội. “Chúng ta phải tiến lên phía trước, tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng một nền văn minh hài hòa hợp nhất và thống nhất, trong đó sẽ không có chỗ cho đại dịch khủng khiếp của một nền văn hóa loại bỏ.”

Tham gia cùng ĐTC trong buổi trực tuyến làm sống lại Hiệp ước giáo dục có ông Audrey Azoulay, Tổng giám đốc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) mà trụ sở đặt tại Paris và các đại diện của Thánh Bộ Giáo dục Vatican, và đại diện của một số các đại học ở Ý.

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha tập chú vào những tác động tiêu cực của cơn đại dịch Covid-19 đối với hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. ĐTC nói các nền tảng giáo dục trực tuyến đã phân biệt rõ sự chênh lệch các cơ cấu giáo dục và công nghệ, làm cho khoảng mười triệu trẻ em phải bỏ học vì không có điều kiện và hơn 250 triệu em trong lứa tuổi đi học cũng mất mát các sinh hoạt về giáo dục.

Hy vọng dựa trên tình đoàn kết

Trước tình hình đó, Đức Thánh Cha kêu gọi một mô hình phát triển và văn hóa mới tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người, đồng thời tạo ra sự hỗ tương lẫn nhau trên toàn thế giới để đưa các cộng đồng và các dân tộc ngồi lại với nhau, mà chăm lo cho ngôi nhà chung và thúc đẩy hòa bình.

Đức Thánh Cha nói: “Giáo dục có nghĩa là biến đổi, là thăng tiến.” Nó tạo ra một hy vọng, phá vỡ đi thuyết định mệnh, một thuyết định mệnh ích kỷ của kẻ mạnh. Nó phá tan đi chủ nghĩa chịu vậy của kẻ yếu và duy tưởng của kẻ mạnh như là con đường duy nhất để tiến tới.

Đức Thánh Cha nói thêm để cho giáo dục luôn là một tác nhân hy vọng, nó cần được mở ra những chân trời mới, trong đó có lòng hiếu khách, tình đoàn kết giữa các thế hệ và giá trị của các sự siêu việt, phát sinh ra một nền văn hóa mới.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh hy vọng này cần được dựa trên sự đoàn kết và quá trình giáo dục cần giúp ứng phó với những thách thức và các vấn đề của ngày nay, cũng như tìm ra các giải pháp cho nhu cầu của mọi thế hệ. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của nhân loại hiện tại và tương lai.

Giáo dục chống lại tính ích kỷ, thờ ơ

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “giáo dục là liều thuốc giải độc tự nhiên cho nền văn hóa chủ nghĩa cá nhân, đôi khi biến chất thành một thứ sùng bái cá nhân và thờ ơ lãnh cảm”. ĐTC nói cam kết của mọi tầng lớp trong xã hội là cần thiết cho “một nền giáo dục đổi mới không bị hướng dẫn lệch lạc và hỗ trợ những bất công xã hội, vi phạm nhân quyền, bắt chẹt những hình thức nghèo đói thảm thiết và coi thường sinh mạng con người. ”

Hiệp ước giáo dục toàn cầu kêu gọi một quá trình toàn diện để đối phó với sự cô đơn và tương lai mù mịt của những người trẻ là nguyên nhân đưa đến trầm cảm, nghiện ngập, hung bạo, thù hận bằng lời nói và hành động...

Hiệp ước giải quyết các vấn đề như bạo lực, lạm dụng trẻ vị thành niên, hiện tượng trẻ vị thành niên đi vào kết hôn hoặc vào quân đội, thảm kịch trẻ em bị bán làm nô lệ, cũng như những "bóc lột vô nghĩa và vô tâm" đối với vũ hoàn mang hủy hoại nghiêm trọng đến môi trường sống và khủng hoảng khí hậu.

Cùng nhau cố gắng vì tương lai

Theo Đức Thánh Cha, trong bối của cơn đại dịch gây khủng hoảng cho nền y tế hiện nay và những ảnh hưởng của nó, mọi người cần dấn thân làm sống lại Hiệp ước toàn cầu về giáo dục vì các thế hệ tương lai. “Điều này đòi hỏi một sự cam kết của các gia đình, cộng đồng, trường học, đại học, các tổ chức tôn giáo, chính phủ và toàn thể gia đình nhân loại trước việc đào tạo những người nam nữ trưởng thành”.

Đức Thánh Cha nói: “Giá trị của các hoạt động giáo dục của chúng ta sẽ không chỉ được đo lường bằng kết quả của các bài kiểm tra mẫu, mà còn bằng khả năng ảnh hưởng đến con tim của con người trong xã hội, hầu khai sinh ra một nền văn hóa mới.” Đức Thánh Cha cho biết ngài tin tưởng “có một thế giới mới”, điều này đòi hỏi sự tham gia của “mọi hoạt động của con người chúng ta, với tư cách cá nhân và cộng đồng”.

Do đó, ĐTC kêu gọi mọi người, nam nữ thuộc mọi nền văn hóa, là khoa học và thể thao gia, các nghệ sĩ và chuyên gia truyền thông mọi nơi trên thế giới cùng tham gia hỗ trợ chương trình này và thúc đẩy các giá trị quan tâm đến tha nhân, hòa bình, công lý, lòng tốt, vẻ đẹp, sự chấp nhận và tình huynh đệ bằng chính cuộc sống và những cố gắng của chính mình.