1. Lạ lùng: Nhà thờ cháy rụi nhưng Bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi còn nguyên vẹn

Theo thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, một bức tranh lịch sử Đức Mẹ Sầu Bi đã còn nguyên vẹn một cách lạ lùng sau trận hỏa hoạn kinh hoàng tại một nhà thờ truyền giáo ở California. Tổng giáo phận Los Angeles đã cho biết như trên.

Bức tranh là một trong hai bức họa Đức Mẹ Sầu Bi tại cứ điểm truyền giáo này, bức còn lại trong quá khứ từng được cho là liên quan đến nhiều phép lạ và đã được di chuyển đến một địa điểm khác nhằm chuẩn bị kỷ niệm 250 năm xây dựng ngôi thánh đường này.

Cứ điểm truyền giáo San Gabriel Arcángel hay Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, do Thánh Junipero Serra thành lập vào năm 1771, đã bị nhóm BLM đốt cháy ngày 11 tháng 7 trong một vụ hỏa hoạn đang được điều tra.

Các nỗ lực phục hồi cho cứ điểm truyền giáo này vẫn đang trong giai đoạn dọn dẹp các đống đổ nát. Theo Angelus News, việc xây dựng lại toàn bộ ngôi thánh đường có thể mất ít nhất một năm. Vụ hỏa hoạn lên đến mức báo động cấp bốn tại cứ điểm truyền giáo này có sự tham gia của 50 lính cứu hỏa và phá hủy mái nhà và nội thất bằng gỗ của ngôi thánh đường.

Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật trong ngôi thánh đường đã được dỡ bỏ vài tháng trước đám cháy như một phần của quá trình trùng tu đang diễn ra, trước thềm lễ kỷ niệm 250 năm của nhà thờ được lên kế hoạch vào tháng 9 năm 2021.

Trong số các tác phẩm còn được lưu lại trong ngôi thánh đường, bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi, mô tả Đức Trinh Nữ Maria trong một khung cảnh u ám, tăm tối, là tác phẩm nghệ thuật duy nhất còn sót lại sau trận hỏa hoạn.

Vào tháng 9, các công nhân đã phát hiện ra bức tranh còn nguyên vẹn dưới xà ngang bị cháy, chỉ bị hư hại nhẹ.

Angelus News cho biết một bản kiểm kê gần đây về các tác phẩm nghệ thuật của cứ điểm truyền giáo do Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles tiến hành đã xác định bức tranh này có niên đại từ thế kỷ 18, mặc dù ngày chính xác và danh tính của nghệ sĩ vẫn chưa được biết.

Một trong những tác phẩm nghệ thuật được đưa đi khỏi nhà thờ trước vụ hỏa hoạn là một bức tranh khác về Đức Mẹ Sầu Bi có tên là “La Dolorosa”.


Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo California cầu nguyện, và phản đối vụ phá hủy tượng Thánh Junipero Serra

Người Công Giáo ở California đã tập hợp trong một cuộc biểu tình ôn hòa vào tối thứ Ba tại địa điểm cũ của một bức tượng của Thánh Junipero Serra, mà một nhóm những kẻ quá khích đã phá hoại và kéo xuống hồi đầu tuần qua.

Cha Kyle Faller, cha sở giáo hạt, đã lần hạt Mân Côi và phát biểu trước đám đông khoảng 75 đến 100 người vào ngày 13 tháng 10, nhiều người trong số họ đã cầm những tấm biển ghi “Giải phóng các Thánh lễ”, liên quan đến các hạn chế COVID-19 của thành phố đối với việc thờ phượng nơi công cộng, mà Đức Tổng Giám Mục của San Francisco đã gọi là bất công.

Cha Faller cũng chủ sự một buổi cầu nguyện tại nơi bức tượng bị phá hủy, trong đó có lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã dâng lễ cầu nguyện trừ tà tại địa điểm cũ của bức tượng vào ngày 17 tháng 10.

“Hãy coi đó là một thời gian cho tất cả chúng ta suy tư nhưng hãy vững lòng và đừng sợ, như vị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại của chúng ta từng nói,” Cha Faller nói với đám đông.

“Điều này có nghĩa là đức tin của chúng ta không thể bị giới hạn trong đời sống riêng tư hoặc đóng kín trong 4 bức tường nhà thờ. Đức tin của chúng ta phải được sống trong nhà thờ nhưng cũng phải được sống trên đường phố, trong nhà của chúng ta, và nơi làm việc của chúng ta”.

Tưởng cũng nên nhắc lại hôm thứ Hai 12 tháng 10, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.

Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.

Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.

“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.

Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.

Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.

Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.

Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.

Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.

Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.

Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.

“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.


Source:Catholic News Agency