QUYỀN LỰC QUỐC TẾ

170. Một lần nữa tôi cho rằng “cuộc khủng hoảng tài chính 2007-08 đã cung cấp cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới, chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc đạo đức và nhiều cách thức mới để điều chỉnh các thực hành tài chính đầu cơ và của cải ảo. Nhưng phản ứng đối với cuộc khủng hoảng không bao gồm việc xem xét lại các tiêu chuẩn lỗi thời vẫn tiếp tục thống trị thế giới ” [147]. Thật vậy, có vẻ như các chiến lược thực tế được phát triển khắp thế giới sau cuộc khủng hoảng đã cổ vũ chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, ít hội nhập hơn và tăng cường tự do cho những người thực sự có quyền lực, những người luôn tìm cách trốn thoát mà không hề hấn chi.

171. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng “dành cho mỗi người phần của họ - trích dẫn định nghĩa cổ điển về công lý - có nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào có thể coi mình là tuyệt đối, có quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội của họ. Sự phân bổ hữu hiệu quyền lực (nhất là quyền lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật) giữa tính đa nguyên của nhiều chủ thể và việc tạo ra một hệ thống pháp lý để điều chỉnh các yêu sách và quyền lợi, là một trong những cách cụ thể để hạn chế quyền lực. Tuy nhiên, thế giới ngày nay trình bầy với chúng ta nhiều quyền lợi sai lầm và - đồng thời - nhiều bộ phận to lớn dễ bị tổn thương, nạn nhân của quyền lực bị thi hành một cách tồi tệ” [148].

172. Thế kỷ XXI “đang chứng kiến sự suy yếu quyền lực của các nhà nước quốc gia, chủ yếu vì các bộ phận kinh tế và tài chính, vốn có tính đa quốc gia, có xu hướng lấn lướt bộ phận chính trị. Trước tình hình đó, điều chủ yếu là thiết kế các định chế quốc tế được tổ chức mạnh mẽ và hữu hiệu hơn, với các viên chức được bổ nhiệm một cách công bằng theo thỏa thuận giữa các chính phủ quốc gia và được quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt” [149]. Khi chúng ta nói tới việc có thể có một số hình thức thẩm quyền thế giới được luật pháp quy định [150], chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến một thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một cơ quan như vậy ít nhất phải cổ vũ các cơ quan thế giới hữu hiệu hơn, được trang bị quyền được cung ứng cho lợi ích chung hoàn cầu, xóa bỏ đói nghèo và bảo vệ chắc chắn các nhân quyền căn bản.

173. Về khía cạnh này, tôi cũng xin lưu ý sự cần thiết phải cải tổ “Cơ quan Liên hiệp quốc, cũng như các định chế kinh tế và tài chính quốc tế tương tự, để khái niệm gia đình các quốc gia có thể có được thực tại” [151]. Không cần phải nói, điều này đòi hỏi phải có những giới hạn pháp lý rõ ràng để tránh quyền lực chỉ được đồng chọn bởi một số quốc gia và ngăn chặn những áp đặt văn hóa hoặc hạn chế các quyền tự do căn bản của các quốc gia yếu hơn trên cơ sở các khác biệt ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được thành lập dựa trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không bị ràng buộc bởi một sự phụ thuộc đến phủ nhận hoặc hạn chế sự độc lập của quốc gia đó” [152]. Đồng thời, “công việc của Liên hiệp quốc, theo các nguyên tắc nêu trong Lời mở đầu và các Điều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, có thể được coi như sự phát triển và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, dựa trên việc nhận ra rằng công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát… Cần phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật không bị thách thức và không mệt mỏi sử dụng thương lượng, hòa giải và trọng tài, như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, những điều vốn thực sự tạo nên một qui phạm pháp lý nền tảng” [153]. Cần phải ngăn chặn việc Cơ quan này bị phi hợp pháp hóa, vì các vấn đề và thiếu sót của nó có thể được cùng nhau bàn thảo và giải quyết.

174. Lòng can đảm và sự rộng lượng là những điều cần thiết để tự do thiết lập các mục tiêu chung và bảo đảm việc tuân thủ khắp thế giới các chuẩn mực thiết yếu nào đó. Để điều này thực sự hữu ích, điều cần thiết là phải đề cao “sự cần thiết phải trung thành với các thỏa thuận đã được ký kết (pacta sunt servanda [các hiệp định phải được phục vụ])” [154], và tránh “cơn cám dỗ muốn nại tới luật sức mạnh hơn là sức mạnh của luật ” [155]. Điều này có nghĩa phải củng cố “các công cụ có tính quy phạm để giải quyết hòa bình các tranh cãi… để tăng cường phạm vi và sức trói buộc của chúng” [156]. Trong số các công cụ có tính quy phạm này, nên dành ưu tiên cho các hiệp định đa phương giữa các quốc gia, vì, hơn các hiệp định song phương, các hiệp định này bảo đảm việc cổ vũ một lợi ích chung thực sự phổ quát và bảo vệ các quốc gia yếu hơn.

175. Nhờ Chúa quan phòng, nhiều nhóm và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp các thiếu sót của cộng đồng quốc tế, sự thiếu phối hợp của nó trong các tình huống phức tạp, sự thiếu quan tâm của nó đến các nhân quyền căn bản và các nhu cầu thiết yếu của một số nhóm nào đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy một ứng dụng cụ thể của nguyên tắc phụ đới, một nguyên tắc biện minh cho sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và tổ chức ở cấp thấp hơn như một phương tiện để tích hợp và bổ sung cho hoạt động của nhà nước. Các nhóm và tổ chức này thường thực hiện những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc phục vụ lợi ích chung và các thành viên của họ đôi khi chứng tỏ một tính anh hùng thực sự, cho thấy một điều gì đó vĩ đại mà nhân loại của chúng ta vẫn còn có khả năng thực hiện.

BÁC ÁI XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

176. Đối với nhiều người ngày nay, chính trị là một chữ gây khó chịu, thường là vì các sai lầm, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Cũng có những cố gắng làm mất uy tín chính trị, thay thế nó bằng kinh tế học hoặc bóp méo nó thành ý thức hệ này hay ý thức hệ nọ. Tuy nhiên, liệu thế giới của chúng ta có thể hoạt động mà không cần tới chính trị hay không? Liệu có thể có một diễn trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội mà không cần một sinh hoạt chính trị lành mạnh hay không? [157].

Nền chính trị chúng ta cần

177. Ở đây một lần nữa tôi xin nhận xét rằng “chính trị không nên phụ thuộc kinh tế, mà kinh tế cũng không nên phụ thuộc sự sai khiến của một mô hình kỹ trị dựa trên hiệu năng” [158]. Mặc dù rõ ràng phải bác bỏ việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng, coi thường luật pháp và thiếu hiệu năng, nhưng “kinh tế mà không có chính trị thì không thể biện minh, vì điều này sẽ khiến chúng ta không thể ủng hộ các cách khác trong việc xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện nay” [159]. Thay vào đó, “điều cần thiết là một nền chính trị có tầm nhìn xa và có khả năng thực hiện một phương thức mới, toàn diện và liên ngành để xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng” [160]. Nói cách khác, một “nền chính trị lành mạnh… có khả năng cải cách và phối hợp các định chế, cổ vũ các thực hành tốt nhất và vượt qua áp lực không xứng đáng và sức trì trệ bàn giấy” [161]. Chúng ta không thể mong đợi kinh tế làm được điều này, cũng như không thể cho phép kinh tế tiếp quản quyền lực thực sự của nhà nước.

178. Trước nhiều hình thức chính trị nhỏ mọn chi biết tập chú vào lợi ích trước mắt, tôi xin nhắc lại rằng “nghệ thuật lãnh đạo đất nước chân thực được biểu lộ rõ ràng khi, trong những thời điểm khó khăn, chúng ta đề cao các nguyên tắc cao cả và nghĩ đến lợi ích chung lâu dài. Các thế lực chính trị không thấy việc đảm nhận nhiệm vụ này trong công cuộc xây dựng đất nước là chuyện dễ dàng” [162], càng không dễ dàng trong việc tạo dựng một dự án chung cho gia đình nhân loại, ngay lúc này và trong tương lai. Nghĩ tới những người sẽ đến sau chúng ta không phục vụ mục đích bầu cử, nhưng đó là điều công lý chân chính đòi hỏi. Như các Giám mục Bồ Đào Nha từng dạy, trái đất “là một vay mượn mà mỗi thế hệ đã tiếp nhận để trao lại cho thế hệ đến sau” [163].

179. Xã hội hoàn cầu đang mắc phải những khiếm khuyết nghiêm trọng về cơ cấu, những khiếm khuyết không thể giải quyết bằng các giải pháp từng phần hoặc sửa chữa nhanh chóng. Nhiều điều cần phải thay đổi, qua cải cách từ nền tảng và canh tân lớn lao. Chỉ một nền chính trị lành mạnh, bao gồm phần lớn các lĩnh vực và kỹ năng đa dạng nhất, mới có khả năng giám sát diễn trình này. Nền kinh tế nào chịu làm một bộ phận tạo thành chương trình chính trị, xã hội, văn hóa và đại chúng hướng đến lợi ích chung mới có thể mở đường cho “những khả thể khác nhau không liên quan đến việc ngăn cản óc sáng tạo của con người và các lý tưởng tiến bộ của nó, nhưng đúng hơn liên quan đến việc hướng năng lực đó theo những đường hướng mới” [164].

Tình yêu chính trị

180. Thừa nhận rằng mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và tìm kiếm các hình thức hữu nghị xã hội bao gồm mọi người, không phải chỉ là điều không tưởng. Nó đòi hỏi một cam kết cương quyết để thiết kế ra các phương tiện hữu hiệu cho mục đích này. Mọi nỗ lực theo những đường hướng này đều trở thành một việc thực thi đức ái cao thượng. Vì trong khi các cá nhân có thể giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, khi họ cùng tham gia vào việc khởi xướng các tiến trình xã hội cổ vũ tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, họ quả tình đã bước vào “lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, tức bác ái chính trị” [165]. Điều này bao hàm việc ta phải làm việc cho một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội [166]. Một lần nữa, tôi xin kêu gọi sự đánh giá lại chính trị như “một ơn gọi cao cả và như một trong những hình thức bác ái cao nhất, vì nó tìm kiếm lợi ích chung” [167].

181. Mọi cam kết được gợi hứng bởi học thuyết xã hội của Giáo hội đều “phát xuất từ lòng bác ái, một lòng bác ái, theo lời dạy của Chúa Giêsu, vốn là tổng hợp của toàn bộ Lề luật (x. Mt 22: 36-40)” [168]. Điều này có nghĩa thừa nhận rằng “tình yêu, tràn ngập những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt lẫn nhau, cũng mang tính dân sự và chính trị, và nó thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” [169]. Vì lý do này, lòng bác ái được phát biểu không những trong các mối liên hệ gần gũi và thân thiết mà còn trong “các mối liên hệ vĩ mô: có tính xã hội, kinh tế và chính trị” [170].

182. Lòng bác ái chính trị này phát sinh từ một ý thức xã hội vượt lên trên mọi tư duy cá nhân chủ nghĩa: “Lòng bác ái xã hội làm cho chúng ta yêu công ích', nó khiến chúng ta tìm kiếm một cách hữu hiệu lợi ích của mọi người, được coi không những như các cá nhân hay tư nhân, mà còn trong chiều kích xã hội nhằm hợp nhất họ” [171]. Mỗi chúng ta hoàn toàn là một con người khi chúng ta là một phần của một dân tộc; đồng thời, không có dân tộc nào mà không tôn trọng cá tính riêng của mỗi con người. "Dân tộc" và "con người" là các thuật ngữ có tương quan qua lại với nhau. Tuy nhiên, ngày nay đang có những mưu toan nhằm giản lược con người thành những cá nhân cô lập dễ bị thao túng bởi các quyền lực chỉ biết theo đuổi lợi ích giả mạo. Nền chính trị tốt sẽ tìm cách xây dựng các cộng đồng ở mọi bình diện của đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh và định hướng lại việc hoàn cầu hóa và do đó tránh được những hậu quả phá hoại nó.

Tình yêu hữu hiệu

183. “Tình yêu xã hội” [172] làm cho chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy được kêu gọi tiến vào. Lòng bác ái, với sự thúc đẩy của nó hướng tới tính phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới [173]. Không phải là thứ tình cảm đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hữu hiệu để mọi người phát triển. Tình yêu xã hội là một “sức mạnh có khả năng gây cảm hứng cho những cách thức mới trong việc tiếp cận các vấn đề của thế giới ngày nay, trong việc đổi mới một cách sâu sắc các cơ cấu, các tổ chức xã hội và các hệ thống luật pháp từ bên trong” [174].

184. Bác ái nằm ở trung tâm mọi xã hội lành mạnh và cởi mở, tuy nhiên ngày nay “nó dễ bị bác bỏ như là không thích hợp để giải thích và đưa ra định hướng cho trách nhiệm đạo đức” [175]. Bác ái, khi đi kèm với cam kết đối với sự thật, không chỉ là cảm giác cá nhân, và do đó, không cần phải “trở thành mồi cho những cảm xúc và ý kiến chủ quan ngẫu nhiên” [176]. Thật vậy, mối liên hệ chặt chẽ của nó với chân lý cổ vũ tính phổ quát của nó và giữ cho nó khỏi bị “giới hạn trong một lĩnh vực hẹp hòi thiếu các mối liên hệ” [177]. Nếu không, nó sẽ bị “loại khỏi các kế hoạch và diễn trình cổ vũ sự phát triển con người ở phạm vi hoàn cầu, trong cuộc đối thoại giữa nhận thức và thực hành” [178]. Không có chân lý, xúc cảm thiếu nội dung liên hệ và xã hội. Sự cởi mở của bác ái đối với sự thật, do đó, bảo vệ nó khỏi “chủ nghĩa duy tín (fideism) vốn tước đoạt chiều kích nhân bản và phổ quát của nó” [179].

185. Bác ái cần ánh sáng của sự thật mà chúng ta không ngừng tìm kiếm. “Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin” [180], và không thừa nhận bất cứ hình thức nào của thuyết duy tương đối. Tuy nhiên, nó cũng tôn trọng sự phát triển của các ngành khoa học và sự đóng góp thiết yếu của chúng trong việc tìm ra các phương tiện chắc chắn nhất và thực tiễn nhất để đạt được các kết quả mong muốn. Vì khi lợi ích của người khác bị đe dọa, các ý định tốt mà thôi chưa đủ. Các cố gắng cụ thể phải được thực hiện để mang lại bất cứ điều gì họ và các quốc gia của họ cần để phát triển.

Kỳ tới: Thực thi tình yêu chính trị