Chiều thứ Bẩy 24 tháng 10, hàng chục người Công Giáo đã quỳ gối cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh xác những nhận xét liên quan đến các kết hiệp dân sự trong khi các phương tiện truyền thông và các chính trị gia trên thế giới tiếp tục giải thích những nhận xét ấy là một thay đổi đáng kể trong giáo huấn của Giáo Hội.

Nhóm anh chị em này phần lớn là những người trẻ do giáo dân người Áo Alexander Tschugguel dẫn đầu. Anh là người đã trở nên nổi tiếng vào năm ngoái sau khi ném các bức tượng gỗ Pachamama xuống sông Tiber trong thời gian xảy ra Thượng Hội Đồng Amazon. Họ đã tụ tập dưới bóng của Đền Thờ Thánh Phêrô vào khoảng 5 giờ chiều, nơi họ đứng và quỳ xuống cầu nguyện trong im lặng.


Trước mặt họ, bên cạnh hàng rào bao quanh quảng trường, những người tham gia giơ một biểu ngữ lớn có nội dung: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con yêu cầu ngài minh xác về các kết hiệp dân sự đồng tính”. Hiến binh Vatican đã cho phép trưng bày trong 10 phút trước khi yêu cầu gỡ xuống.

Hiếm có một biểu ngữ lớn như thế này lại được phép trưng bày gần quảng trường và nổi bật như vậy.

Sáng kiến này là để đáp lại những nhận xét của Đức Phanxicô, được đưa ra trong một bộ phim tài liệu mới có tên Francesco, trong đó ngài lên tiếng ủng hộ một luật liên quan đến các kết hiệp dân sự. Bất kể các chỉ trích gay gắt từ nhiều thành phần trong Giáo Hội, đến nay Vatican vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc phản hồi nào về các bình luận.

Các nhà phê bình cho rằng những lời bình luận của Đức Phanxicô, mặc dù được thể hiện dưới dạng quan điểm cá nhân, cho thấy sự phá vỡ giáo huấn của Giáo hội liên quan đến các kết hiệp dân sự đồng tính, đặc biệt là một tài liệu năm 2003 của Bộ Giáo Lý Đức Tin phản đối rõ ràng các thứ kết hiệp này. Họ đã yêu cầu ngài lên tiếng minh xác quan điểm của mình.

Các chính trị gia và giới truyền thông cũng bóp méo bình luận của ngài để gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng không chỉ ngầm tán thành lối sống đồng tính mà còn cả việc nhận con nuôi đồng tính, là cả hai điều mà ngài đã kiên quyết phản đối trong quá khứ.


Anh Tschugguel, người dẫn đầu buổi cầu nguyện cho biết:

“Vấn đề với câu nói này của Đức Giáo Hoàng là nó đã được sử dụng để đưa ra một chương trình nghị sự bài Công Giáo một cách tàn bạo.” Anh đặc biệt đề cập đến Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, là người mà hôm thứ Năm đã yêu cầu quốc hội nước này thảo luận về “hôn nhân đồng giới”, khi trích dẫn nhận xét của Đức Giáo Hoàng. “Maduro bây giờ cảm thấy được trao quyền để thực hiện bước tiến táo bạo này,” Tschugguel nói.

Những người ủng hộ dự luật kết hiệp dân sự ở Phi Luật Tân, bao gồm cả Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng đã sử dụng nhận xét của Đức Giáo Hoàng để giúp thúc đẩy thông qua dự luật này, trong khi ít nhất một tờ báo được lưu hành rộng rãi ở Anh đã giải thích những nhận xét của Đức Giáo Hoàng về các kết hiệp dân sự đồng tính, như một lời chúc phúc cho các “đám cưới đồng tính”.

Tschugguel nói rằng anh tin rằng Đức Giáo Hoàng không nghĩ như các phương tiện truyền thông đang tường thuật và đã đề cao hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, “Điều đó không quan trọng. Chúng tôi biết rằng ngài không nghĩ như người ta tường thuật, nhưng truyền thông trên toàn thế giới, từ một tờ báo nhỏ cho đến các tờ báo lớn, đã không nói điều này. Họ không nói rằng đó không phải là một sự thay đổi tín lý, nhưng họ đều nói rằng nó có thể có nghĩa là một sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội”.

Khoảng 50 người tham gia, bao gồm một nhóm 15 người Áo từ 20 đến 30 tuổi đã lái xe từ Vienna đến Rôma cũng như những người thuộc nhiều quốc tịch khác. Họ quỳ gối trong nửa giờ trong lời cầu nguyện im lặng ở quảng trường và kết thúc bằng kinh Salve Regina, tức là kinh Lạy Nữ Vương.

Tschugguel nói: “Chúng tôi cầu nguyện vì nếu bạn cầu xin bất cứ điều gì mà không có lời cầu nguyện đi kèm thì điều đó sẽ ra vô ích”.

“Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra vì hành động của chúng tôi ngày hôm nay,” anh nói thêm. “Chúng tôi chỉ muốn kính xin Đức Thánh Cha cho chúng tôi biết rõ về điều này.”


Source:National Catholic Register