Lúc 11 giờ sáng thứ Năm 5 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 6 Hồng Y, và 163 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong vòng 12 tháng qua.

Trong những tháng cuối cùng của năm 2019, có một vị Hồng Y và 26 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời. Từ đầu năm 2020 đến nay, có 5 vị Hồng Y và 137 Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời.

Thánh lễ diễn ra tại bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô là nơi Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ đưa chân Đức Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc hồi tháng Ba năm 2018.

Do tình trạng bùng phát trở lại của đại dịch coronavirus, chỉ có một số rất nhỏ tín hữu tham dự, vì các biện pháp an ninh vệ sinh chống đại dịch.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 11, 17-27), Chúa Giêsu long trọng nói về Người như sau: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (câu 25-26). Ánh sáng chói lọi của những lời này xua tan bóng tối của nỗi thương đau sâu sắc gây ra bởi cái chết của Ladarô. Mátta đón nhận những lời đó và với một đức tin vững chắc, cô tuyên bố rằng: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian” (câu 27). Những lời của Chúa Giêsu khiến niềm hy vọng của Mátta chuyển từ tương lai xa xôi thành hiện tại gần gũi: sự sống lại đã gần kề với cô, đang hiện diện trong con người của Đức Kitô.

Hôm nay, mặc khải này của Chúa Giêsu cũng thách thức chúng ta: chúng ta cũng được mời gọi tin vào sự sống lại, không phải như một thứ ảo ảnh xa vời nhưng như một sự kiện đã hiện diện và thậm chí đang hoạt động một cách mầu nhiệm trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta vào mầu nhiệm phục sinh không bỏ qua hay che đậy sự hoang mang rất nhân sinh mà chúng ta cảm thấy khi đối mặt với cái chết. Chính Chúa Giêsu, khi nhìn thấy những giọt nước mắt của chị em Ladarô và những người xung quanh, đã không giấu được sự xúc động của chính mình, và như thánh sử Gioan nói thêm, chính Chúa đã “bắt đầu khóc “ (Ga 11:35). Ngoại trừ tội lỗi, Chúa hoàn toàn là một người trong chúng ta: Người cũng đã trải qua thảm kịch của đau buồn, với những giọt nước mắt cay đắng rơi lệ vì mất đi một người thân yêu. Tuy nhiên, điều này không che khuất ánh sáng chân lý tỏa ra từ mặc khải của Chúa, trong đó sự sống lại của Ladarô là một dấu chỉ tuyệt vời.

Như thế, ngày hôm nay, Chúa lặp lại với chúng ta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống” (c. 25). Ngài kêu gọi chúng ta thực hiện một lần nữa bước nhảy vọt của đức tin và bước vào ánh sáng của sự phục sinh, thậm chí là ngay bây giờ: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Con có tin như thế không?” (Câu 26). Một khi chúng ta đã đạt được bước nhảy vọt này, cách suy nghĩ và cách nhìn nhận mọi thứ của chúng ta sẽ thay đổi. Đôi mắt đức tin, vượt qua những điều hữu hình, có thể nhìn theo một cách nào đó vào những thực tại vô hình (x. Dt 11:27). Mọi thứ xảy ra khi đó được đánh giá dưới ánh sáng của một chiều kích khác, là chiều kích vĩnh cửu.

Chúng ta tìm thấy điều này trong bài đọc trích từ Sách Khôn ngoan. Cái chết bất thình lình của người công chính được nhìn nhận dưới một góc độ khác. “Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương. Và họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được Thiên Chúa dời đi nơi khác. Người đã cất họ đi, kẻo trí khôn họ bị thói gian ác biến đổi, hay tâm hồn họ bị tật xảo trá phỉnh lừa.” (Kn 4: 10-11). Nhìn bằng con mắt đức tin, cái chết của họ không phải là một điều bất hạnh mà là một hành động quan phòng của Chúa, Đấng có cách nghĩ không giống như chúng ta. Chẳng hạn, chính tác giả sách thánh này đã chỉ ra rằng trong mắt Thiên Chúa “tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ.” (Kn 4:8-9)

Những kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho những người Ngài đã chọn hoàn toàn bị đánh giá thấp bởi những người mà chân trời duy nhất của họ là những của cải ở thế gian này. Do đó, theo những tin tưởng tục lụy, “quân vô đạo chỉ thấy người khôn ngoan chết mà không hiểu Đức Chúa định đoạt về họ thế nào, và tại sao Người đem họ đến nơi yên ổn” (4:17).

Khi cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám mục đã qua đời trong năm vừa qua, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta xem xét một cách đúng đắn câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đời họ. Chúng ta xin Ngài xua tan nỗi đau buồn nhân sinh mà chúng ta thỉnh thoảng cảm thấy, khi nghĩ rằng cái chết là dấu chấm hết cho tất cả mọi thứ. Đó là một cảm giác rất xa cách với đức tin, nhưng là một phần của nỗi sợ hãi cái chết mà mọi người đều cảm nhận được. Vì lý do này, trước mầu nhiệm của cái chết, các tín hữu cũng phải thường xuyên hoán cải. Chúng ta được kêu gọi hàng ngày bỏ lại sau lưng hình ảnh bản năng của chúng ta về cái chết như là sự hủy diệt hoàn toàn một người. Chúng ta được kêu gọi bỏ lại thế giới hữu hình mà chúng ta coi là đương nhiên, bỏ đi những lối suy nghĩ thông thường, rất trần tục của chúng ta, và phó thác hoàn toàn cho Chúa, Đấng đã nói với chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (câu 25-26).

Những lời này, thưa anh chị em, nếu được đón nhận trong đức tin, sẽ làm cho lời cầu nguyện chúng ta dành cho những anh chị em đã qua đời thực sự là lời cầu nguyện của một tín hữu Kitô. Những lời cầu nguyện ấy mang lại cho chúng ta một tầm nhìn thực tế và chân thực về cuộc sống mà họ đã sống, hiểu được ý nghĩa và giá trị của những điều tốt đẹp mà họ đã đạt được, sức mạnh của họ, sự dấn thân của họ và tình yêu quảng đại và vị tha của họ. Và giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của một cuộc sống không khao khát một quê hương dưới đất, mà hướng đến một quê hương tốt đẹp hơn trên trời (x. Dt 11:16). Những lời cầu nguyện cho các tín hữu đã ra đi trước chúng ta, được dâng lên trong niềm xác tín vững chắc rằng họ hiện đang sống với Chúa, cũng mang lại lợi ích rất nhiều cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này. Những lời cầu nguyện ấy truyền cho chúng ta một tầm nhìn thực sự về cuộc sống; chúng tiết lộ cho chúng ta ý nghĩa của những thử thách mà chúng ta phải chịu để vào Nước Thiên Chúa; chúng mở rộng trái tim của chúng ta cho tự do thực sự và không ngừng truyền cảm hứng cho chúng ta tìm kiếm sự giàu có vĩnh cửu.

Theo lời của Thánh Tông đồ Phaolô, cả chúng ta cũng hãy “mạnh dạn, và dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng ta chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2 Cr 5:8-9). Đời sống của một tôi tớ Tin Mừng được hình thành bởi lòng khao khát được đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Đây là tiêu chí của mọi quyết định, mọi bước đi của chúng ta. Và vì vậy, chúng ta nhớ với lòng biết ơn về chứng tá từ các Hồng Y và Giám mục đã qua đời, được trao ra trong sự trung thành với thánh ý Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các ngài và chúng ta cố gắng noi gương các ngài. Cầu xin Chúa tiếp tục tuôn đổ trên chúng ta Thần trí khôn ngoan của Chúa, đặc biệt trong những lúc thử thách này. Đặc biệt là khi hành trình trở nên khó khăn hơn. Người không bỏ rơi chúng ta, nhưng vẫn ở giữa chúng ta, luôn trung thành với lời hứa của Người: “Anh em hãy nhớ rằng, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).


Source:Holy See Press Office