1. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ quyết định mở cuộc điều tra sâu rộng về các cáo buộc gian lận bầu cử

Hôm thứ Ba 10 tháng 11, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Bill Barr đã công bố một chỉ thị cho các quan chức cao cấp trong chính phủ về một cuộc điều tra liên quan đến những cáo buộc về những điều “bất thường” trong cuộc bầu cử tổng thống vào tuần trước.

Ông William Pelham Barr, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1950, là một luật sư người Mỹ, từng là Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ thứ 77 từ năm 1991 đến năm 1993 trong nhiệm kỳ tổng thống George Bush, tức là ông Bush cha.

Vào ngày 7 tháng 12 năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã đề cử Barr một lần nữa giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ. Ông bắt đầu giữ chức vụ này từ 14 tháng 12, 2019.

Trong chỉ thị được công bố hôm 10 tháng 11, Bộ trưởng Bill Barr cho biết:

“Tôi yêu cầu các bạn điều tra ngay các cáo buộc đáng kể về việc bỏ phiếu và kiểm phiếu bất thường trước khi chứng nhận kết quả các cuộc bầu cử trong khu vực pháp lý của các bạn trong những trường hợp nhất định, như tôi đã chỉ ra trong vài trường hợp cụ thể”.

Chỉ thị do ông Barr ký ngày hôm qua, tuyên bố rằng người Mỹ đáng được quyền tin tưởng vào kết quả của cuộc bầu cử.

“Giờ đây, cuộc bỏ phiếu đã kết thúc, người dân Mỹ đáng được quyền tin tưởng một cách khách quan rằng cuộc bầu cử của chúng ta được tiến hành theo cách thức phản ánh chính xác ý chí của cử tri,” ông Barr nói.

“Bộ Tư pháp Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo đảm rằng các cuộc bầu cử liên bang được tiến hành theo cách mà người dân Hoa Kỳ có thể hoàn toàn tin tưởng vào tiến trình bầu cử và chính phủ của họ.”

Chỉ thị này, được gửi tới Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về Hình sự, Bộ phận Dân quyền và Bộ phận An ninh Quốc gia, cũng như Giám đốc FBI, chỉ ra rằng các biện pháp thông thường của Phân bộ Tội phạm Bầu cử, gọi tắt là ECB, thuộc Cơ quan Liêm chính Sự vụ sẽ không có hiệu quả trong việc đưa ra công lý trong cuộc bầu cử này.

“Trong những trường hợp họ được tham vấn, thông lệ chung của ECB là đưa ra lời khuyên rằng thông thường không nên xem xét các bước điều tra công khai cho đến khi cuộc bầu cử được đề cập đã kết thúc, kết quả của nó đã được chứng nhận và tất cả các cuộc kiểm phiếu lại và các tranh chấp liên quan đến cuộc bầu cử đã kết thúc,” ông Barr nói và nhấn mạnh rằng: “Một cách tiếp cận thụ động và chậm trễ như vậy có thể dẫn đến các tình huống mà các hành vi sai trái trong bầu cử không thể được sửa chữa trên thực tế.”

Bộ trưởng Tư pháp cũng gợi ý rằng lời khuyên của ECB chỉ thực tế khi các trường hợp gian lận bầu cử chưa đủ nhiều để có thể “tác động đến kết quả của một cuộc bầu cử”.

“Mặc dù trong quá khứ hầu hết các cáo buộc về các hành vi sai trái trong bầu cử chỉ có quy mô nhỏ đến mức chúng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử và do đó, cuộc điều tra có thể được hoãn lại một cách thích hợp, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra,” ông nói và nhận xét rằng do tình hình đại dịch coronavirus, một số lớn các lá phiếu đã được gởi qua đường bưu điện tạo điều kiện cho những trò gian lận có tác động rất lớn.

Ông Barr cũng chỉ ra rằng việc Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra “công khai” không thể bị xem là tác động vào cuộc bầu cử vì cuộc bỏ phiếu đã kết thúc. Điều này có nghĩa là vào thời điểm này Bộ Tư Pháp có toàn quyền điều tra các cáo buộc về gian lận bầu cử tri lớn đến mức chúng có thể đã tác động đến kết quả của cuộc bầu cử ở một số tiểu bang.

“Các cuộc điều tra và xem xét như vậy có thể được tiến hành nếu có những cáo buộc rõ ràng và đáng tin cậy về những bất quy tắc, mà nếu đúng, có thể ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử liên bang ở các tiểu bang riêng lẻ”.

Ông Barr cho biết thêm, bất kỳ cuộc điều tra nào về những bất thường được coi là không ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử gần đây đều có thể được hoãn lại cho đến khi có giấy chứng nhận kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các nhân viên của Bộ Tư Pháp phải thận trọng và “duy trì cam kết tuyệt đối của Bộ đối với sự công bằng, trung lập và không đảng phái”. Barr cũng nói rằng chỉ thị này chưa có nghĩa là Bộ Tư Pháp đã tin rằng có các hành vi gian lận đã ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử ở bất kỳ tiểu bang nào.

“Thay vào đó, tôi trao thẩm quyền và hướng dẫn này để nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết kịp thời và thích hợp các cáo buộc về việc bỏ phiếu và kiểm phiếu bất thường để tất cả người dân Hoa Kỳ, bất kể ứng cử viên hay đảng phái ưa thích của họ, có thể hoàn toàn tin tưởng vào kết quả cuộc bầu cử của chúng ta”.

Bộ trưởng Barr kết luận rằng:

“Người dân Mỹ và các nhà lãnh đạo mà họ tự do bầu chọn xứng đáng được hưởng quyền được có một cuộc bầu cử trung thực”.


Source:Life Site News

2. Cuộc viếng thăm của Ðức Hồng Y Parolin tại Thụy Sĩ bị hủy vì dịch.

Bộ ngoại giao Thụy Sĩ cho biết cuộc viếng thăm của Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, dự kiến từ ngày 7 đến 9 tháng 11 năm 2020 bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19.

Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ đã mời Ðức Hồng Y Parolin viếng thăm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Tòa Thánh. Theo chương trình dự kiến sẽ có buổi lễ kỷ niệm tại Ðại học Fribourg, cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng Thụy Sĩ, cuộc viếng thăm Ðền thánh Nicola de Flue, bổn mạng Thụy Sĩ và gặp gỡ Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ, sau đó là thánh lễ tại Ðền thánh Ðan viện Biển Ðức Einsiedeln.

Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ lấy làm tiếc vì cuộc viếng thăm của Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh không tiến hành được vì Coronavirus lan lây mạnh tại nước này.

Chính phủ Liên bang đã ban hành qui luật, theo đó các buổi lễ tôn giáo chỉ được phép tối đa 50 người tham dự, tuy nhiên 23 bang tại nước này có thể ấn định những hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Ví dụ, chính quyền bang Neuchatel ban đầu hoàn toàn bãi bỏ các lễ nghi tôn giáo, nhưng sau đó đã thay đổi và cho phép tối đa năm người tham dự. Tại bang Genève, các buổi lễ tôn giáo có tín hữu tham dự bị cấm cho đến ngày 29 tháng 11 năm 2020. Bang Jura và một số bang khác cũng ban hành lệnh giới nghiêm nhưng vẫn cho phép cử hành các buổi lễ có tín hữu tham dự, tối đa 50 người. Tại bang thủ đô Berne, tối đa 15 người, và tại bang Valais, tối đa 10 người được dự lễ.

Parolin swiss

3. Tổng thống Belarus tiếp tục cáo buộc Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz.

Trong buổi tiếp kiến Ðức Tổng giám mục Venjamin, tân thủ lãnh Giáo hội Chính thống Nga, tại Belarus hôm 2 tháng 11 năm 2020, tổng thống Lukashenko ca ngợi Chính thống giáo và tiếp tục vu khống Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz về điều mà ông gọi là “đã sang Ba Lan để tham khảo về cách thức phá hoại đất nước Belarus”.

Với lời cáo buộc này, tổng thống Lukashenko đã cấm không cho Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz trở về Belarus ngày 31 tháng 8 năm 2020, sau khi ngài đi hành hương tại Ðền thánh Ðức Mẹ Jasna Gora, nhân lễ kính Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan, ngày 26 tháng 8 năm 2020.

Việc cấm về nước này là một hành động trả thù Ðức Tổng giám mục vì ngài đã kêu gọi chính quyền Belarus trả tự do cho những người biểu tình ôn hòa chống kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8 năm 2020, với kết quả là tổng thống Lukashenko được tái cử lần thứ sáu, với hơn 80% số phiếu. Dân chúng tố giác sự gian lận bầu cử nên tiếp tục biểu tình phản đối cho đến nay.

Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 3 tháng 11 năm 2020 cho biết mặc dù các cuộc đàn áp của nhà nước Belarus, các cuộc biểu tình và đình công phản đối vẫn tiếp tục, tổng thống Lukashenko ngày càng gặp khó khăn nên đã tìm kiếm sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống Nga ở Belarus, như chiếc neo cuối cùng.

Thông cáo của Phủ tổng thống công bố ngày 2 tháng 11 năm 2020, sau buổi tiếp kiến Ðức Tổng giám mục Venjamin, cho biết tổng thống Lukashenko đã tuyên bố rằng: “Nếu có tổ chức nào, dù là xã hội hay tôn giáo tìm cách 'phá hoại quốc gia' thì dĩ nhiên tôi bó buộc phải phản ứng.”

Tòa Thánh đã can thiệp với chính quyền Belarus để Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục được trở về nước, nhưng cho đến nay không thành công.


Source:Asia News