Chẳng hẹn mà hò, ngôn ngữ Trung hoa và ngôn ngữ Hipri cùng dùng tiếng ‘nặng’ để chỉ thái độ con cái phải có đối với các đấng sinh thành. Thực vậy, tiếng ‘trọng’ trong ‘kính trọng’ hay ‘trọng kính’ có nghĩa là ‘nặng’. Cùng nghĩa ấy, ta thấy có trọng pháo=súng nặng, tội trọng=tội nặng, trọng thương=bị thương nặng. Hạn từ honor trong tiếng Anh mà ta dịch là tôn trọng, hay trọng kính, thực ra là để dịch nguyên ngữ Hipri kabed. Dùng như động từ, chữ này có nghĩa là tôn trọng, trọng kính như trong Đệ Nhị Luật 5:16: Hãy trọng kính cha ngươi và mẹ ngươi, như Chúa là Thiên Chúa ngươi đã truyền cho ngươi. Nhưng dùng như tĩnh từ, chữ này chủ yếu có nghĩa là nặng như trong Xuất hành 17:12: Nhưng tay Môisen nặng quá, họ phải lấy đá đặt để ông ngồi lên, còn Aaron và Hur thì nâng tay ông lên (Xem W.E. Vine, Merril F. Unger, William White Jr. Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words tr.114-116).



Nặng đây tất nhiên không phải là nặng chân, nặng tay hay nặng lời với mẹ với cha, nhưng là coi cha mẹ ‘nặng ký’, hay đúng hơn coi công ơn cha mẹ là nặng ký. Thiết nghĩ, ngoài cái nghĩa cao vời vợi, thái sơn cũng hàm cái nghĩa nặng khi nói về công cha: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra.

Linh mục Th. Rey-Mermet kể ra hai ‘sức nặng’ của cha mẹ (Xem Th. Rey-MedrnetTin, Nhãn Quan Mới Về Luân Lý, tập 1, Tủ Sách Tin, California, 1992, tr.109). Sức nặng đầu tiên chính là bản thân bạn. Chắc chắn bạn tự cho mình là quan trọng là nặng ký, và bạn có lý, ai trong chúng ta cũng nặng ký cả, cũng có giá trị trước con người và trước cả Thiên Chúa nữa. Nhưng nếu không có cha mẹ, thì làm gì có bạn. Dù cha mẹ bạn là thế nào đi nữa, dù các ngài có bất xứng thế nào đi nữa, chính các ngài đã sinh ra bạn, và thế giới sẽ mãi mãi biết ơn cha mẹ bạn về điều đó. Không ai trong chúng ta không nhớ câu chuyện về Thánh Giáo Hoàng Piô X, xuất thân từ một gia đình tầm thường, cha mẹ gốc nông dân. Khi được tấn phong giám mục, Sarto, tên ngài, về nhà khoe với mẹ chiếc nhẫn giám mục của mình. Bà mẹ rất hãnh diện về con. Đến lượt bà, bà cũng đem chiếc nhẫn cưới của mình ra khoe con với một nhận xét hóm hỉnh: không có chiếc nhẫn cưới của mẹ thì cũng không có chiếc nhẫn giám mục của con! Thế giới mãi mãi biết ơn bà, thưa bà Sartô! Và không riêng gì bà, mà là mọi bà mẹ, mọi ông bố trên trần gian.

Sức nặng thứ hai là sức nặng tình thương, sức nặng lao nhọc, sức nặng bảo bọc. Không có chúng, bạn không còn đến ngày nay, bạn không như ngày nay. Câu truyện Tôi Muốn Con Tôi Sống trong Lẽ Sống (Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu xuất bản năm 1991, tr.97) cho ta thấy điều ấy. Đó là chuyện mẹ con bà Suzanna Petrosyan trong cuộc động đất tại Armeni tháng 12 năm 1987: "Sau cuộc động đất, cả hai mẹ con bà đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá, xi-măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: ‘Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước’. Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: ‘mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm’. Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa". Thế giới và Thiên Chúa mãi mãi biết ơn bà, thưa bà Petrosyan! Và không riêng gì bà, mà là mọi bà mẹ, mọi ông bố trên trần gian.

Linh mục Th. Rey-Mermet kết luận: ‘vậy bạn hãy nhìn nhận nơi cha mẹ bạn tất cả sức nặng, tất cả sự quan trọng của các ngài’. Nhưng nhìn nhận làm sao? Thánh Kinh dùng chữ TRỌNG KÍNH (honor). Văn hóa Đông Phương đưa ra chữ HIẾU.

Mà hiếu trước nhất là lòng biết ơn, như nhận định của viện phụ Pierre Célestin của Tu viện Thánh André les Bruges (Xem Nguyễn Huy Lai, Truyền Thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội Ở Việt Nam). Đức cố giáo hoàng Gioan 23 diễn tả lòng biết ơn cha mẹ một cách nhẹ nhàng như sau: "Khi tôi lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi lên vai của người. Đến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng quá đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành. Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự. Bảy mươi năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi." (Lẽ Sống, tr.433).

Hiếu cũng là biết vâng nghe cha mẹ. Khi Mạnh Tử hỏi Đức Khổng Tử: "Hiếu thảo là gì? Ngài trả lời: Làm con chớ nên trái ngược". Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Ephêsô, viết: "Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong Chúa: Đó là điều phải lẽ" (Eph. 6:1). Tin Mừng Mátthiêu thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu đặt ra cho các thượng tế và hàng niên trưởng Do Thái như sau: "Các ông nghĩ sao? Một người có hai con. Đi gặp đứa thứ nhất ông bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm việc vườn nho!’ Đáp lại, nó thưa: ‘Tôi không đi!’ Nhưng về sau nó hối hận và đã ra đi. Gặp đứa thứ hai, ông cũng bảo như vậy; đáp lại, nó thưa: 'Vâng, con sẽ đi.’ Nhưng nó đã không đi. Ai trong hai người đã làm theo ý người cha? Họ đáp: ‘người thứ nhất.’ Đức Giêsu nói với họ: ‘Đúng vậy’" (Mt 21:28-31). Đức Giêsu có ý đề cập đến sự vâng lời của những con người tự do đích thực, biết dùng lý trí và ý chí của mình để vâng nghe mẹ cha. Nhưng khi lý trí thấy điều mẹ cha nói hoặc làm phi lý, nghịch thường thì sao? Có khá nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Đối với Khổng Phu Tử, nếu: "Thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên can gián một cách dịu ngọt. Như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Như cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có đem dạ oán hờn" (Xem Nguyễn Huy Lai, sđd ch.4, 18). Chẳng trái nghịch đây có thể là bức màn thinh lặng mà linh mục Th. Rey-Mermet (sđd, tr.311-312) đã dùng để giải thích câu chuyện Áo Choàng Nôe trong Sách Sáng Thế: Nôe là nông dân đầu tiên đã khởi xướng việc trồng nho. Ông đã uống rượu nho và đâm say, rồi nằm trần truồng trong lều. Kham, cha của Canaan, thấy cha mình trần truồng thì ra ngoài kháo láo với anh và em nó. Nhưng Sem và Giaphét cầm lấy áo chòang của cha và cả hai khoác lên vai rồi đi giật lùi mà đem áo chòang phủ lên người của cha mình (xem St 9:20-23). Sem và Giaphét quả là người có hiếu và sự im lặng của các anh không hề có nghĩa tiêu cực. Gần ta hơn, có Edith Stein, người con gái Sion, sinh năm 1891, chết năm 1942 tại trại tập trung Auschwitz và ngày 11 tháng 10 năm 1998 đã dược Giáo Hội tôn phong hiển thánh, cũng đã im lặng mà không tiêu cực chút nào. Cô là một triết gia vô thần đã khám ra Đức Kitô và đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Đúng là mọi sự, kể cả trí óc lẫn thân xác, tuy hành vi ấy bị mẹ là bà Frau Stein coi như một phản bội, không riêng gì đối với bản thân bà mà đối với toàn bộ dân tộc Do Thái. Sự im lặng anh hùng của Edith đã khiến người cháu ruột là Susanne Batzdorff, người tuy vẫn trung thành với đức tin Do thái, nhưng không ngoan cố như anh là tiến sĩ Ernst Biberstein, đã tham dự lễ phong chân phước cho Edith, phải nói như sau: ‘Khi chết, cô tôi đã hiệp nhất với họ, mặc dù khi chết cô đã đi một con đường khác họ’ (Xem Tom Carrol, A Woman For Our Times, The Australasian Catholic Record, 10/1998, tr.451-466).



Hiếu cũng có nghĩa là phụng dưỡng. Mà phụng dưỡng là chăm sóc và nuôi dưỡng với lòng tôn kính. Khía cạnh nuôi dưỡng, ngay đối với thời Khổng Phu Tử, cũng không hẳn là điều quan yếu. Thật vậy, khi Tử Du hỏi: ‘Đức hiếu thảo là gì?’ Khổng Phu Tử trả lời: ‘Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ, thì người ta khen là người có hiếu. Nhưng những thú như chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác chi nuôi thú vật đâu?’ (Xem Nguyễn Huy Lai, sđd, ch.2, 7). Không ai lại không nhớ câu chuyện đứa con dạy bố về lòng hiếu thảo kể trong Bùi Văn Bảo, Tập Đọc Một, tr.62: "Nguyễn Cốc có ông nội già yếu. Bữa cơm ông thường làm đổ canh, bể bát. Cha của Cốc bèn lấy cái gáo dừa làm chén để dưới đất cho ông ngồi ăn riêng. Một hôm, Cốc chơi lấy ván ráp thành cái máng cho heo ăn. Cha Cốc hỏi:

-Con làm gì thế?

-Con làm cái máng này dành khi cha già, con trộn cơm cho cha ăn.

Một hôm, người cha đẩy xe bỏ ông nội Cốc ngoài rừng. Cốc đem xe về nhà. Người cha hỏi, Cốc trả lời rằng:

-Con đem cái xe này về để khi cha già, sẽ đảy bỏ cha trong rừng.
Người này nghe nói sợ hãi, trở vào rừng, tìm cha đem về. Từ đó cha Cốc ăn ở với ông nội Cốc rất hiếu thảo".

Nhiều khi, cha mẹ chẳng cần ta nuôi dưỡng, nhất là ở xã hội Tây Phương, nơi người nào cũng có lợi tức đủ sống. Tuy nhiên, chăm sóc cha mẹ với lòng kính trọng thì lúc nào cũng là một bổn phận. Về điểm này, Linh mục Th. Rey-Mermet có những lời nhắn nhủ sau đây: "Cha mẹ cần được sự âu yếm hơn là cần của ăn, nhất là trong tuổi già của các ngài. Ở điểm này, nền văn minh của chúng ta đã phạm lỗi một cách thảm hại, một cách dã man.Và nền văn minh của chúng ta, chính là chúng ta. Ta hãy tra vấn lương tâm. Ta sẽ sung sướng hay không nếu dến phiên ta, lại bị đối xử như bây giờ ta đối xử với cha mẹ ta? Ta có sung sướng không khi vị bỏ rơi, không được viếng thăm, trong một nhà ‘chờ chết’nào đó?" (Sđd, tr.312).

Xã hội nào cũng lên án những đứa con bất hiếu. Sách Xuất Hành: "Ai đánh đập cha mình hay mẹ mình thì phải án tử. Ai nói những lời ngỗ nghịch với cha mình hoặc mẹ minh thì cũng phải chết (Xh 21:15,17). Sách Lêvi: "Ai nguyền rủa cha mình hay mẹ mình tất phải chết. Bởi vì họ rủa cha mình hay mẹ mình, thì máu của họ đổ xuống trên chính mình họ (Lv. 20:19). Luật vua Gia Long của Việt Nam: "Phàm mắng ông bà, cha mẹ và thê thiếp mắng ông bà, cha mẹ chồng thì đều bị treo cổ" (Hoàng Việt Luật Lệ, q.16, đ.6).

Sau cùng, hiếu cũng có nghĩa là giữ danh thơm tiếng tốt của mẹ cha, làm cho cái đức sáng của mẹ cha sáng lên và sáng mãi. Muốn thế thì phải ý thức ra danh thơm tiếng tốt cũng như cái đức sáng của cha mẹ. George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ, dù bận công vụ, vẫn thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già. Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, bà mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?" Vị tổng thống vĩ đại đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất thì giờ. Bởi vì, sự bình thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".

Dương Phủ không những chỉ thấy có thế, ông còn nhìn ra ‘Phật’ nơi chính người mẹ thân yêu của mình. Chuyện kể như sau: Một hôm, Dương Phủ nghe nói bên Đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, bèn từ giã song thân lên đường xin thụ giáo bậc hiền triết. Đi được nửa đường, ông gặp một vị sư già. Vị này khuyên ông: "Gặp được Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật". Dương Phủ vặn hỏi: "Phật ở đâu?" Vị sư già mới giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo mầu như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy". Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ Dương Phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị lão tăng đã mô tả. Từ đó, ông nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật (Lẽ Sống tr.193 và 121).