The 1619 Project (Dự án 1619) là gì?

Những thế lực cánh Tả đang cố gắng phá hoại nền văn hoá cổ truyền cuả Hoa Kỳ bằng cách xoá sổ lịch sử cuả ngày lễ Tạ Ơn bằng một kế hoạch gọi là ‘The 1619 Project” (Dự án 1619).

Họ đã một phần nào thành công, với Tiểu bang California dẫn đầu dạy cho các em học sinh tiểu học là lịch sử lập quốc cuả Hoa kỳ không phải bắt đầu vào năm 1620 với những người di dân ở Plymouth, Massachusetts mà phải bắt đầu bằng năm 1619, một năm trước đó, với 20 người nô lệ Da Đen được bán tại Point Comfort (Jamestown), Virginia.

Tờ báo The New York Times Magazine đề xuất ra ‘dự án’ này vào năm 2019 để kỷ niệm 400 năm ‘biên bản bằng chữ viết đầu tiên’ ghi chép sự buôn bán nô lệ ở Hoa Kỳ. Một tiểu luận cuả nữ phóng viên Da Đen Nikole Hannah-Jones lập luận rằng những đóng góp cuả người nô lệ Da Đen phải được đặt làm trọng tâm lịch sử trong đó có ngày lập quốc cuả người Mỹ. Và sau đó tờ Times khởi đầu một dự án kéo dài 2 năm để bàn về ‘Nô Lệ’ dành cho các văn nghệ sĩ Da Đen mà thôi.

Với chủ đề “thượng tôn người Da Đen” do người Da Đen mà thôi, những đóng góp vào dự án đã tạo ra nhiều lý thuyết “kỳ quái”, phản bác nhiều biến cố trong lịch sử Hoa Kỳ từ cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, bản tuyên ngôn độc lập, hiến pháp Hoa Kỳ, những người lập quốc cho đến ông Abraham Lincoln là người giải phóng nô lệ. Đan cử một ví dụ: họ lý luận rằng lý do thật sự cuả cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ không phải là vì độc lập và tự do, nhưng là để duy trì chế độ nô lệ đang có lợi cho Mỹ Trắng, vì trong khi đó Anh quốc đã có ý muốn bãi bỏ chế độ nô lệ…

Dự án gây ra nhiều tranh cãi, hầu hết các sử gia danh tiếng cuả Hoa Kỳ (Sean Wilentz, McPherson, Wood, Bynum, Oakes…) đã vạch cho tờ Times các sai lầm trong các bài viết và yêu cầu đính chính, nhưng tờ Times không những đã từ chối không đính chính, mà cũng không chấp nhận tranh luận công khai.

Sau cùng thì vào ngày 9 tháng 10 năm 2020 vừa qua, tờ Times đã phải kín đáo công nhận lỗi lầm cuả mình bằng cách cho đăng một bài bình luận cuả nhà bỉnh bút (cũng cuả báo New York Times) là Bret Stephens, trong đó ông viết rằng ‘Dự án 1619’ thất bại vì những lầm lẫn không thể tránh được. Ông nói rằng bất kỳ dự án nào thì cũng phải là “một dự án để tìm chứng cớ, chứ không phải là ngược lại” và ông kết án những chủ bút cuả tờ Times “dù cho họ có đọc nhiều tới bao nhiêu về những tài liệu liên quan đến sự việc, thì họ cũng không phải là quan toà xét xử (adjudicate) những tranh luận lịch sử”.

Lịch sử lập quốc cuả Hoa Kỳ:

Thực ra người Da Đen chắc chắn không phải là người đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, và lịch sử buôn bán nô lệ cũng không khởi đầu vào năm 1619 như tờ báo Times mong muốn.

Người Anh đã để mắt tới Bắc Mỹ bằng sự thành lập một thuộc địa có tên là the Colony of Virginia, và vào ngày 4 tháng 5 năm 1607, chiếc tầu Susan Constant cuả công ty Virginia Company of London đã đổ bộ nhiều người thực dân lên bờ sông James (Powhatan) và xây dựng một đồn luỹ gọi là “James Fort” (trở thành Jamestown sau này).

Khu định cư đầu tiên cuả Jamestown thất bại và bị bỏ hoang vào năm 1610. Sau nhiều thất bại khác nữa, trong đó có cả một nhóm định cư ở Roanoke bị mất tích hoàn toàn, thì sau cùng Jamestown cũng đã sống được và trở thành thủ phủ cuả Thuộc điạ Virginia từ năm 1616 cho đến 1699.

Sau khi có thủ phủ được 3 năm rồi thì vào tháng 8 năm 1619 một chiếc tầu Bồ Đào Nha tên là "São João Bautista" vì thiếu thực phẩm đã dùng 20 nô lệ Da Đen (từ vùng Ndongo, Angola) để đổi lấy hàng hoá với chiếc tầu buôn lậu "The White Lion", mà chủ nhân là một người Anh nhưng treo cờ Hà Lan, và con tầu này đã bán những người nô lệ này cho các chủ đất ở Jamestown.

Sự kiện việc buôn bán nói trên có ghi chép vào biên bản không có nghiã đó là những người nô lệ đầu tiên ở Mỹ, họ chỉ được ghi chép bằng một biên bản tiếng Anh còn tồn tại cho tới ngày nay mà thôi. Theo sử liệu thì những người Tây Ban Nha khi định cư ở South Carolina (1526) đã có nô lệ Phi Châu rồi, và ở Florida vào năm 1606 đã có một tờ giấy khai sinh ghi chép sự sinh ra cuả một đứa trẻ, con cuả hai nô lệ.

Tinh thần lập quốc cuả Hoa Kỳ:

Cũng vậy 102 người di dân trên con tầu Mayflower, bị sóng cuốn đi lạc mất đường tới đíểm hẹn có chính quyền bảo vệ an ninh là Jamestown Virginia, trôi dạt vào bờ biển hoang vu cuả Massachusetts vào ngày 21 tháng 11 năm 1620, không được gọi là những người định cư đầu tiên cuả Hoa Kỳ, họ chưa bao giờ tự nhận như vậy, nhưng họ đã thành lập được một khu định cư 'tự trị' đầu tiên ở đây.

Họ là những người hành hương (pilgrims), và cùng với khoảng một tá người ngoại đạo khác (strangers), sau khi đặt chân lên đất liền, nhận thấy đây là một vùng ‘vô chính phủ’, và thay vì để cho ‘luật rừng cai trị’, người mạnh thì sống, kẻ yếu thì chết, họ đã cùng nhau thoả thuận trên một tờ Giao Kèo gọi là Mayflower Compact, trong đó họ để qua một bên những sự chia rẽ sâu sắc và tự nguyện cùng nhau tham gia việc tự quản lý theo "luật công bằng và bình đẳng."

Đây là sự khởi đầu của nguyên tắc chính phủ tự trị. Giao kèo Mayflower chỉ có 200 chữ, nhưng những từ ngữ đó đã bao gồm những ý nghĩa mà 156 năm sau ông Thomas Jefferson đã đưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập, và năm 1863, ông Abraham Lincoln đã cô đọng trong bài Diễn Văn Gettysburg.

Đây là lần đầu tiên mà một nhóm người ô hợp đã quyết định, không hề bị bắt buộc, tôn trọng quyền của nhau. Khu định cư Plymouth đã ban hành luật, bầu ra các nhà lãnh đạo, và sau một mùa đông ghê sợ, đã phát triển thành một cộng đồng tự lập, tự quản, hòa bình.

Người Mỹ ngày nay thường hay kể về câu chuyện những người di dân sống sót với sự giúp đỡ của người Mỹ Da Đỏ bản địa, nhưng lý do chính mà cái thuộc địa nhỏ bé này trở thành quan trọng với lịch sử của Mỹ, đó là ở nơi đây đã phát minh ra một cái mẫu của nền cộng hòa Mỹ. Plymouth tuy chỉ là một thị trấn nhỏ cuả New England nhưng đã trở thành một mô hình tự lực cánh sinh và tự do. Plymouth đã sống hòa bình với người hàng xóm cuả mình, là các thổ dân Wampanoags, với một hiệp ước tồn tại được hơn 50 năm.

Khi các thế hệ di dân sau này thành lập các thị trấn mới trong các vùng hoang dã, họ đã nhìn vào Plymouth như là lý tưởng cho một cộng đồng đạo đức và bình đẳng. Những người đã ký trên tờ Compact Mayflower gồm nhiều thành phần, có đạo cũng như không, trẻ cũng như già, người giầu kẻ nghèo, chủ và tớ đều ký tên. Đó thực sự là những hạt giống của một quốc gia mà sau cùng, đã trở thành ngọn đèn sáng chói cho các dân tộc yêu chuộng tự do, bình đẳng và độc lập.