1. Điện tặc tấn công làm tê liệt 7 trang web của tổng giáo phận St. Louis liên tục trong 11 ngày

Một cuộc tấn công bằng ransomware đã làm tê liệt 7 trang web của Tổng giáo phận St. Louis, nhưng dữ liệu đã không bị đánh cắp trong cuộc tấn công. Tổng giáo phận đã cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết như trên. Hàng loạt Web sites liên kết với tổng giáo phận đã được tắt máy để đối phó với cuộc tấn công.

“Vào ngày 16 tháng 11, công ty lưu trữ trang web của chúng ta đã trải qua một chiến dịch tấn công đồng loạt được phối hợp với nhau và được thực hiện bằng ransomware. Để bảo đảm cho dữ liệu không bị đánh cắp và nguyên vẹn, đối với một số lượng hạn chế các trang web bị ảnh hưởng - bao gồm cả các web sites của chúng ta – các máy chủ có liên quan đã được tắt đi”, Tổng giáo phận St. Louis thông báo cho người Công Giáo vào tuần trước.

“Sau khi điều tra thêm và hết sức thận trọng, công ty lưu trữ của chúng ta đã gỡ bỏ toàn bộ hệ thống của họ xuống để bảo đảm rằng dữ liệu của chúng ta không bị xâm hại. Nhóm bảo mật dữ liệu của chúng ta đang làm việc cần mẫn để loại bỏ những mối đe dọa và khôi phục sao cho trang web của chúng ta có thể hoạt động với công suất đầy đủ”.

Bảy url của tổng giáo phận bị ảnh hưởng, trong số đó có Archstl.org, stlreview.org, và các trang dành cho nghĩa trang tổng giáo phận và các trang gây quỹ. Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với CNA hôm thứ Ba rằng “chúng tôi không có thông tin về lịch trình dự kiến cho việc khôi phục trang web của chúng tôi”.

“Chúng tôi đã được thông báo rằng không có database nào của Tổng giáo phận St. Louis bị xâm phạm và công ty lưu trữ đã gỡ các trang web của chúng tôi xuống để bảo vệ chúng tôi”, người phát ngôn nói thêm.

Ransomware là một thủ đoạn tấn công mà các trang web bị chiếm dụng chỉ được hoạt động lại sau khi trả tiền chuộc cho bọn tội phạm. Trong một số trường hợp, tin tặc đe dọa sẽ tiết lộ dữ liệu bí mật thu được từ cuộc tấn công trừ khi chúng nhận được tiền chuộc.

Theo các thông tin từ tổng giáo phận St. Louis, các dữ liệu đã không bị xâm hại. Tin mới nhất mà chúng tôi nhận được là vào đúng ngày lễ Tạ Ơn, trang web chính của tổng giáo phận đã được khôi phục. Và cho đến hôm nay, tất cả các trang web đã hoạt động trở lại.

Một vấn đề tế nhị được nhiều người nêu ra là liệu tổng giáo phận có phải trả tiền chuộc cho bọn điện tặc hay không.

Maria Lemakis, giám đốc truyền thông đa phương tiện của tổng giáo phận, nói với CNA rằng vì vụ tấn công xảy ra với công ty lưu trữ, vấn đề có trả tiền chuộc hay không hoàn toàn không phụ thuộc vào tổng giáo phận.

“Việc trả tiền chuộc hay không là do nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ quyết định,” cô Lemakis giải thích.

“Chúng tôi hiểu rằng nhà cung cấp đang làm việc với các cơ quan liên bang về vấn đề này,” cô nói thêm.


Source:Catholic News Agency

2. Cuộc tấn công Ransomware vào các trang web của tổng giáo phận St. Louis gây lo ngại trước khả năng tấn công của điện tặc Trung Quốc

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới nơi các nhóm điện tặc, tiếng Anh gọi là hackers, hoạt động một cách lén lút, Trung Quốc là nơi các điện tặc hoạt động công khai, được nhà nước hỗ trợ, và nhiều nhóm được trả lương như các viên chức nhà nước.

Tháng 5 năm 2017, các nhóm điện tặc Trung Quốc đã tung ra một cuộc tấn công khổng lồ trên quy mô toàn cầu bằng ransomware gây kinh ngạc cho thế giới. Sau cuộc tấn công này, nhiều biện pháp phòng thủ đã được áp dụng nhằm hạn chế khả năng tấn công, và giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, cuộc tấn công Ransomware vào các trang web của tổng giáo phận St. Louis gây lo ngại rằng khả năng tấn công của điện tặc Trung Quốc đã có thể vượt qua được các phương pháp đã được nghiên cứu và triển khai trong hơn 3 năm qua.

Nhân đây, chúng tôi xin nhắc lại với quý vị và anh chị em một vài diễn biến liên quan đến cuộc tấn công hồi tháng 5 năm 2017.

Từ hôm thứ Sáu 12 tháng 5, 2017, điện tặc đã tấn công vào một con số khổng lồ các máy điện toán trên thế giới bằng một chương trình gọi là WannaCry có khả năng lây lan rất nhanh trên máy tính cá nhân và trên những networks rất lớn. Cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhưng có thể gây ra cả các trường hợp tử vong vì các bệnh viện tại Anh đã phải từ chối các bệnh nhân mới và nhiều ca phẫu thuật đã phải đình hoãn.

Máy điện toán của những nạn nhân bị tấn công bị khóa không thể làm gì cả cho đến khi nạn nhân trả một số tiền chuộc là 300 Mỹ Kim qua phương thức thanh toán BitCoin. Khi con số các nạn nhân gia tăng, số tiền chuộc đã tăng gấp đôi là 600 Mỹ Kim vào hôm thứ Hai 15 tháng 5, 2017.

Đầu tiên, các chuyên viên điện toán cho rằng cuộc tấn công này xuất phát từ Bắc Hàn. Nhưng các phát triển sau này cho thấy nó đến từ Trung Quốc. Thông tấn xã Reuters ước lượng hơn 300,000 máy điện toán trên thế giới đã bị tấn công tại 150 quốc gia trên thế giới kể từ hôm thứ Sáu 12 tháng 5, 2017.

Lý do người ta nghi cho Bắc Hàn là vì nhiều đoạn thảo chương tìm thấy trong chương trình WannaCry này là những đoạn thảo chương đã được dùng bởi nhóm Lazrus. Nhóm này được nhiều người xác định là một hoạt động điện tặc của Bắc Hàn. Tuy nhiên, một nước nhỏ như Bắc Hàn, không có đủ tài nguyên và nhất là không có khả năng có các định chế tài chính để thu tiền chuộc của các nạn nhân. Bắc Hàn chỉ có khả năng phá hoại cho vui, cho thỏa mãn lòng căm thù, chứ không có khả năng tấn công để làm tiền.

Các cuộc tấn công hồi tháng 5, 2017 được ghi nhận là một trong các chiến dịch làm tiền lây lan nhanh nhất trong lịch sử.

Thủ đoạn tấn công điện toán và đòi tiền chuộc này được gọi là Ransomware đã bắt đầu xảy ra vào năm 2005 và ngày càng trở nên tinh vi. Hiện nay, các ransomware không chỉ có khả năng tấn công các máy desktop và laptop, mà còn có thể tấn công cả những điện thoại di động.

Năm 2015, một loại ransomware được ngụy trang dưới hình thức một chương trình ứng dụng tên là Porn Droid, hứa hẹn sau khi cài đặt các điện thoại cầm tay có thể truy nhập miễn phí vào các hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, ứng dụng này sau khi cài đặt đã khóa điện thoại của nạn nhân, thay đổi PIN number và đòi 500 Mỹ Kim tiền chuộc.

Bi hài đến mức khó tin được (xin xem ở đây https://www.wired.com/2017/05/hacker-lexicon-guide-ransomware-scary-hack-thats-rise/) là cả cảnh sát Mỹ cũng phải đóng tiền chuộc. Thật vậy, một máy tính cảnh sát ở Swansea, Massachusetts cũng bị tấn công và sở cảnh sát đã quyết định trả tiền chuộc khoảng $750.

Thanh tra cảnh sát Gregory Ryan của Swansea nói với tờ Herald News:

“Virus này rất phức tạp và thành công nên chúng tôi đành phải mua những Bitcoins trả tiền chuộc, là điều chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến”.

Để tránh khỏi bị tấn công, bạn đừng bao giờ mở xem những files đính kèm trong một email không hề mong đợi, đặc biệt nếu nó đến từ một người chưa hề quen biết. Bạn cũng đừng lang thang quá nhiều trên Net. Đừng vào những web sites lạ. Thế giới sa ngã này đầy rẫy những hình ảnh dâm dục trên Net. Xem những hình ảnh ấy là một tội lỗi với các hậu quả nghiêm trọng.


Source:Wired

3. Cửa hàng bán kem Á Căn Đình sống được trong thời đại dịch coronavirus nhờ sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vào thời điểm mà các nhà bán lẻ địa phương, và đặc biệt là các cửa hàng thực phẩm xơ xác vì đại dịch coronavirus, một cửa hàng kem ẩn mình dưới bóng râm của Đền Thờ Thánh Phêrô vẫn có thể sống được nhờ sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cửa hàng kem Padron nổi tiếng ở Vatican đến nỗi khi Silvia - vợ của chủ của cửa hàng, là bà Sebastian Padron - xuất hiện trước cổng của quốc gia nhỏ nhất thế giới với hàng chục chiếc bánh empanadas - một loại bánh nhân thịt, là món ăn truyền thống ở quê hương Á Căn Đình của Đức Thánh Cha Phanxicô - không ai hỏi bà bất kỳ câu hỏi nào và giao chúng trực tiếp cho Đức Giáo Hoàng.

Bánh empanadas là một món bổ sung gần đây cho thực đơn của cửa hàng kem, nhằm cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh trong những tháng mùa đông. Padron đã để lại một lời nhắn kèm theo món quà: Họ muốn Đức Thánh Cha biết rằng họ đang cầu nguyện cho ngài và họ sẽ rất mong được ngài cầu nguyện cho họ.

Các món ăn được giao hàng tuần vào ngày thứ Bảy, và vào thứ Ba. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện thoại để đích thân cảm ơn về cử chỉ này và mời ông chủ cửa hàng đến trò chuyện.

“Tôi hầu như không thể tin vào tính cách thân tình của ngài”, ông Padrón nói tờ Crux qua điện thoại, sau cuộc nói chuyện 40 phút giữa gia đình ông và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại nhà trọ Santa Marta, nơi Đức Phanxicô đã sống kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

“Rõ ràng là bất cứ khi nào ngài có thể chào đón chúng tôi, chúng tôi đều có thể đi, nhưng Đức Thánh Cha muốn biết giờ giấc nào là thuận tiện nhất cho chúng tôi, dựa trên giờ mở cửa và thói quen của gia đình.”

Nhà Padrons có hai người con: Maite, 6 tuổi và Luca Marino, 3 tuổi. Họ mở cửa hàng vào năm 2018 và kế hoạch ban đầu cho năm nay là mở một cửa hàng khác, vì kinh doanh đang bùng nổ - nhờ phẩm chất của sản phẩm, và nhờ có các khách hàng đặc biệt từ Santa Marta. Bên cạnh đó, một cầu thủ Á Căn Đình của đội AS Roma, đội bóng nổi tiếng nhất thủ đô Ý, thường lui tới của hàng.


Source:Net TV