1. Bạo hành gia đình tại Pháp: ba cảnh sát bị bắn chết

Trong Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi, Đức Thánh Cha nói:

Xin Chúa Hài Đồng giúp chúng ta luôn sẵn sàng, rộng lượng và hỗ trợ, đặc biệt là đối với những người yếu đuối nhất, những người bệnh tật và những người thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng do những hậu quả kinh tế gây ra bởi đại dịch, cũng như những phụ nữ, là những người trong những tháng bị cô lập gần đây đã phải hứng chịu bạo lực gia đình.

Tình trạng bạo lực gia đình mà các phụ nữ phải gánh chịu có thể thấy rõ trong câu chuyện thương tâm vừa diễn ra tại Pháp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh nước Pháp bày tỏ lòng kính trọng đối với ba hiến binh thuộc lữ đoàn Ambert, bị giết hôm thứ Ba tuần trước bởi một người đàn ông đang hành hạ vợ mình. Buổi lễ được tổ chức với sự hiện diện của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin và Bộ trưởng Lục quân Florence Parly.

Ba cảnh sát Pháp đã bị một người đàn ông bắn chết khi họ đến một ngôi nhà ở Saint-Just, một xã hẻo lánh ở miền trung nước Pháp, cách Paris 500km về phía Đông Nam, để đáp lại lời kêu cứu của một phụ nữ.

Chị ta bị chồng đánh đập dã man nên đã tìm cách trốn trên mái nhà và dùng điện thoại di động gọi cảnh sát đến cứu. Trong khi đó, người chồng tưới xăng chung quanh nhà và đe dọa sẽ nổi lửa thiêu sống chị ta nếu không leo xuống.

Cảnh sát viên Arno Mavel, 21 tuổi, đã đến hiện trường nhưng anh bị người chồng bắn bị thương. Do đó, anh đã gọi tiếp viện. Trung úy Cyrille Morel, 45 tuổi, và hạ sĩ Remi Dupuis, 37 tuổi, đến cứu đã bị bắn thiệt mạng. Cảnh sát viên Arno Mavel, sau đó cũng qua đời vì vết thương quá nặng.

Cảnh sát cho biết ngôi nhà bốc cháy và hung thủ đã tẩu thoát. Cảnh sát đã kịp thời cứu được người vợ khỏi bị chết cháy. Một cảnh sát viên thứ tư bị thương khi giao tranh với hung thủ. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết vết thương của anh không đe dọa đến tính mạng.

Nguồn tin mới nhất của cảnh sát nói đã tìm thấy hung thủ nằm chết trong xe hơi gần thành phố Clermont-Ferrand. Hung thủ, chưa được nêu danh tính, được cho biết là 48 tuổi, và đã có một đời vợ. Y không có tiền án nào, ngoài việc gặp rắc rối với pháp luật vì không trả tiền cấp dưỡng cho con cái với người vợ trước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chia buồn tới gia đình các viên chức cảnh sát thiệt mạng.

“Để bảo vệ chúng ta, các lực lượng của chúng ta đã hành động bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của họ. Họ là những người hùng của chúng ta”, ông Macron viết trên Twitter.


Source:Reuters

2. Trong Thánh lễ Đêm Giáng sinh, tổng thống Hồi giáo của Iraq kêu gọi bảo vệ các Kitô hữu

Tổng thống theo Hồi giáo Sunni của Iraq, Barham Salih, đã tham dự Thánh lễ Đêm Giáng sinh hôm thứ Năm, 24 tháng 12, và nói với các tín hữu rằng chính phủ nước này phải nỗ lực hết sức để bảo vệ các Kitô hữu và giúp họ quay trở lại, đồng thời còn phải kiềm chế bạo lực cực đoan và diệt trừ tham nhũng trong chính quyền.

Phát biểu tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse ở Baghdad ngày 24 tháng 12, Salih cho biết chính phủ “phải thực thi những nỗ lực nghiêm túc để tạo điều kiện cho các tín hữu Kitô Iraq trở về và sống một cuộc sống an toàn và đúng phẩm giá ở quê hương của họ. “

“Các quyền tôn giáo và văn hóa của họ phải được bảo vệ. Như lịch sử của đất nước cho thấy, họ là một phần chính và quan trọng của dân tộc Iraq”, ông nói và lưu ý rằng Iraq là một quốc gia đa dạng, và nếu không có các tín hữu Kitô, “sức mạnh mang lại cho chúng ta bởi sự đa dạng về tôn giáo và sắc tộc của mình, chắc chắn sẽ mất đi”.

Ông Salih đã phát biểu như trên vài ngày sau khi quốc hội Iraq công bố quyết định tuyên bố Giáng sinh là ngày lễ quốc gia hàng năm.

Trước đây, các Kitô hữu đã được nghỉ vào ngày 25 tháng 12 nhưng đây không được coi là ngày lễ đối với phần còn lại của quốc gia nơi đa số theo đạo Hồi. Giáng sinh đã được cho phép nghỉ lễ “một lần” vào năm 2008, nhưng quyết định đó không được gia hạn.

Đây có thể xem là kết quả trực tiếp từ quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 năm 2021. Quyết định về lễ Giáng sinh và sự hiện diện của Salih trong Thánh lễ chắc chắn là những dấu hiệu thiện chí trước chuyến đi của Giáo hoàng. Những điều này còn có thể gửi một thông điệp tới các tín hữu Kitô Iraq. Sau nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử và ngược đãi, họ có thể có lý do để hy vọng.

Theo hiến pháp của Iraq, chức vụ tổng thống chủ yếu là một vai trò biểu tượng với quyền lực thực sự được trao cho quốc hội và thủ tướng.


Source:Crux

3. Buổi hòa nhạc mừng Chúa Giáng Sinh bên trong nhà thờ chính tòa Notre Dame de Paris

Đội mũ cứng và mặc quần áo bảo hộ, các thành viên của dàn hợp xướng Nhà thờ Đức Bà lần đầu tiên hát bên trong một địa danh có từ thời Trung cổ của Paris kể từ sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm ngoái. Đó là một buổi hòa nhạc đêm Giáng sinh thật đặc biệt.

Cùng với một nghệ sĩ chơi đàn viôlông nổi tiếng và với một cây đàn phong cầm thuê bên ngoài, các ca sĩ biểu diễn bên dưới các cửa sổ kính màu giữa một nhà thờ tối om, nơi đang chuyển từ các hoạt động dọn dẹp nguy hiểm bấp bênh trở thành một địa điểm tái thiết lớn. Ban đầu dàn hợp xướng dự định bao gồm 20 ca sĩ nhưng vì lý do an toàn, họ giới hạn trong phạm vi tám người, đều là các ca sĩ trứ danh của Kinh Thành Ánh Sáng

Theo một quy định về phòng dịch trong nhà của chính quyền Pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút, các thành viên dàn hợp xướng đã phải đứng cách xa nhau để có thể tháo các khẩu trang y tế ra khi hát.

Buổi hòa nhạc - bao gồm các bài hát Giáng Sinh truyền thống như “Silent Night” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, “The Hymn of the Angels,” và thậm chí cả “Jingle Bells” - đã được thu âm vào đầu tháng này và phát sóng ngay trước nửa đêm thứ Năm. Công chúng không được phép tham dự và dự kiến sẽ không được nhìn thấy bên trong nhà thờ Đức Bà cho đến ít nhất là vào năm 2024.

Giáo phận gọi đây là một “buổi hòa nhạc mang tính biểu tượng cao… được đánh dấu bằng cảm xúc và hy vọng,” và kỷ niệm một “di sản âm nhạc có từ thời Trung cổ”.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành các buổi lễ đêm Giáng sinh hôm thứ Năm tại Nhà thờ Saint-Germain-l'Auxerrois đối diện với Bảo tàng Louvre thay vì tại Nhà thờ Đức Bà như truyền thống.

Dàn hợp xướng Notre Dame từng tổ chức 60 buổi hòa nhạc mỗi năm bên trong nhà thờ nhưng kể từ đó đã phải lưu động, di chuyển giữa các nhà thờ khác ở Paris.

Ngôi nhà thờ được xây từ thế kỷ 12 đang được nâng cấp vào thời điểm xảy ra vụ cháy hôm 15 tháng Tư, 2019. Lửa phá hủy mái nhà và làm sụp ngọn tháp cao nhất của nó. Khi không có mái để giữ ổn định một cấu trúc với toàn là những tảng đá lớn, mái vòm của nhà thờ là yếu tố sống còn để giữ nhà thờ chính tòa đứng vững. May mắn, hiện nay mái vòm nhà thờ đã được củng cố.


Source:Crux