Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 24-February-2021 theo giờ Việt Nam


1. Các nữ tu, linh mục Công Giáo tham gia biểu tình chống đảo chính Miến Điện

Trong khi quân đội Myanmar tăng cường đàn áp những người biểu tình, thì các cuộc biểu tình vẫn bộc phát khắp nơi, yêu cầu khôi phục lại thể chế dân chủ và trả tự do cho các nhà lãnh đạo được dân bầu nên, có cả những người Công Giáo đã tham gia vào các biểu tình, các nữ tu cung cấp đồ ăn thức uống cho những người biểu tình.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Nhiều tu sĩ nam nữ và linh mục Công Giáo tham gia các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự cách đây hai tuần, kêu gọi quân đội hãy trả tự do cho nhà lãnh đạo được dân chúng bầu chọn trong đảng của bà Aung San Suu Kyi và các dân biểu khác trong chính phủ, làm nên nền dân chủ.

Thông tấn xã UCA đưa tin, có hàng trăm ngàn người Công Giáo diễu hành trên các đường phố của thành phố chính của đất nước hôm Chủ nhật, vừa tuần hành vừa đọc kinh lần hạt. Những người trẻ tuổi cầm các biển ngữ “trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi” và “Chúng tôi ủng hộ CDM”, nghĩa là phong trào dân sự. Các nữ tu từ các giáo xứ khác nhau đã thể hiện tình đoàn kết với người dân Myanmar bằng cách diễu hành trên đường phố, cầu nguyện tại các hàng quán và cung cấp đồ ăn thức uống cho những người biểu tình ở Yangon và nhiều nơi khác.

Ở bang Kachin, một thành trì của đạo Thiên chúa, các nữ tu đứng ở lối vào của một khuôn viên nhà thờ trong khi cầm các biểu ngữ “Phản đối chế độ độc tài” và “Xin hãy lắng nghe tiếng nói của người dân” trong khi những người biểu tình tràn ra đường phố Myitkyina, thủ phủ của tiểu bang ngày 14 tháng 2.

Cuộc đảo chính chống lại nền dân chủ

Quân đội Myanmar đã đảo chính vào ngày 1 tháng 2, sau khi bắt giữ các nhà lãnh đạo được dân chúng bầu phiếu một cách dân chủ từ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Su Kyi đứng đầu. Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, vốn cho rằng cuộc tổng tuyển cử tháng 11, giành chiến thắng cho đảng NLD là gian lận. Kể từ đó các vụ bắt giữ cứ tăng lên...

Các cáo buộc của phe quân sự buộc tội bà Su Kyi bao gồm việc đăng ký các nhân viên trong guồng máy chính trị của bà…

Không sợ hãi trước đại dịch và bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp, mọi tôn giáo đã xuống đường trên khắp đất nước Phật giáo này kể từ khi quân đội đảo chính vào ngày 6 tháng 2.

Đối mặt

Lực lượng an ninh đã tăng cường đàn áp những người biểu tình chống đảo chính vào hôm thứ Hai, khi hàng ngàn thầy cô sinh viên học sinh và dân chúng diễu hành trên đường phố Mandalay, hô vang và cầm những tấm biển ngữ có nội dung như: “Hãy trả tự do cho các nhà lãnh đạo của chúng ta”, “Ai đứng về phía công lý?” và "Yêu cầu ngừng bắt người bất hợp pháp lúc nửa đêm."

Tối Chủ nhật vừa qua, quân đội đã cúp internet trên toàn quốc trong vòng 8 giờ, hầu kiểm soát an ninh ở các thành phố lớn.

Chính quyền quân đội cảnh báo những người biểu tình trên toàn quốc rằng họ có thể phải đối diện với án tù 20 năm nếu bất chấp các lực lượng vũ trang. Quân đội cho biết các bản án dài và tiền phạt cũng sẽ được áp dụng cho những người kích động "thù hận hoặc khinh thường" đối với các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính. Các việc thay đổi pháp lý đã được công bố khi xe bọc thép xuất hiện trên đường phố của thành phố.

LHQ

Người đứng đầu Liên hợp quốc hôm Chủ nhật đã kêu gọi quân đội và cảnh sát đảm bảo quyền hội họp và biểu tình cách ôn hòa, phải được “tôn trọng hoàn toàn” và người biểu tình “không bị trả thù”. Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Các báo cáo về bạo lực tiếp tục leo thang, đe dọa và quấy nhiễu các nhân viên chính quyền là điều không thể chấp nhận được.

Ông Thomas Andrews, một nhân viên đặc biệt của LHQ cho hay về tình hình nhân quyền ở Myanmar, trên tweet như sau “cứ như thể các tướng lĩnh đã tuyên chiến với người dân Myanmar: các cuộc đột kích vào nhà đêm khuya; hạch sách và bắt bớ; nhiều quyền lợi của dân chúng bị tước bỏ như cúp internet, đưa các đoàn xe quân đội vào kiểm soát dân chúng”. Ông ta đã nhấn mạnh: “Thật là những thảm trạng của một tình trạng tuyệt vọng! Các tướng lãnh trong quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm!”

2. Đức Thánh Cha nói: Các Kitô hữu bị giết ở Libya năm 2015 là 'những nhân chứng của Chúa Giêsu'

Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại 21 chứng nhân Kitô hữu trung thành, họ là 20 tín hữu Chính thống giáo Ai Cập và 1 người Ghana - những người đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan giết vào năm 2015 tại Libya.

(Tin Vatican – Lm Benedict Mayaki, SJ)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video vào hôm thứ Hai (14/2/2021) nhân ngày kỷ niệm sáu năm 21 Kitô hữu Chính thống bị Nhà nước Hồi giáo giết ở Libya.

Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay là ngày mà vào năm 2015, tôi nhớ trong tâm trí tôi một phép rửa đẫm máu của hai mươi mốt người đàn ông là các Kitô hữu không được rửa tội bằng nước và Chúa Thánh Linh mà bằng máu”.

“Họ là những vị thánh của thời đại chúng ta, Thánh của mọi Kitô hữu, Thánh của mọi giáo phái và truyền thống Kitô giáo,” Đức Thánh Cha khẳng định như thế. “Họ là những người đã trao phó cuộc đời mình trong máu thắm Chiên Con, họ là những người... thuộc về dân Thiên Chúa, những người trung thành của Thiên Chúa."

Sự kiện này được tưởng nhớ vào thứ Sáu trong một buổi lễ trực tuyến, có sự tham dự của Đức Thượng phụ Chính thống Tawadros II, với sự hiệp thông của Giáo hội Anh giáo, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby thành Canterbury, và một số chức sắc khác.

Những con người bình thường làm chứng nhân cho Chúa Giêsu

Nói thêm về cuộc sống chứng tá của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng 21 Kitô hữu này “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô” họ là “những con người bình thường” đi làm ăn để nuôi sống gia đình của họ”.

“Họ là những người đàn ông bình thường, những người cha của gia đình, những người cha mong muốn hạnh phúc cho con cái mình; họ đã sống với phẩm giá của những người lao động, những người không chỉ tìm cách mang cơm bánh về cho gia đình, mà còn sống xứng với phẩm giá của công ăn việc làm của mình”.

Đức Thánh Cha nói: "Họ bị cứa đứt cổ vì sự tàn bạo của ISIS, họ chết khi kêu cầu "Lạy Chúa Giêsu! ", xin thương xót con".

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay mặc dù cái chết của họ trên bãi biển ở Sirte là một thảm kịch, nhưng bãi biển đó đã được “chúc phúc bởi máu của họ”. ĐTC nói thêm rằng thật vậy “từ sự đơn sơ, từ đức tin đơn thành nhưng kiên định của họ, họ đã nhận được món quà lớn nhất mà một Kitô hữu có thể nhận được: làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô qua việc hiến dâng mạng sống mình”.

Biết ơn Chúa, Giáo hội và gia đình

Bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa về món quà của những “người anh em can đảm” này, Đức Thánh Cha tạ ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho họ “sức mạnh và sự kiên vững” để tuyên xưng Chúa Giêsu ngay cả khi họ phải hiến mạng.

Đức Thánh Cha cũng thừa nhận ơn của các giám mục và linh mục trong Giáo hội Chính Thống đã “nuôi dạy họ và giúp họ trưởng thành trong đức tin.”

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn họ trong việc vun trồng và nuôi dưỡng đức tin: “Họ là những người vun trồng đức tin 'bằng một ngôn ngữ', mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói “một thứ ngôn ngữ vượt lên mọi ngôn ngữ loài người…”

3. Đức Thánh Cha châu phê tám sắc lệnh liên quan đến các ứng cử viên phong thánh

Thứ Bảy 20-2-2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê tám sắc lệnh của Bộ Phong thánh, trong đó có một sắc lệnh xác nhận một phép lạ.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, người đã đệ trình bày các sắc lệnh để ĐTC châu phê những nguyên nhân của một số ứng viên trong tiến trình phong thánh.

Đức Thánh Cha đã đã châu phê sắc lệnh về phép lạ do một nữ giáo dân người Ý, để nân bà lên hàng chân phước. Một trong bảy sắc lệnh về các nhân đức anh hùng liên quan đến một linh mục người Anh.

Armida Barelli, Ý

Một sắc lệnh phê chuẩn một phép lạ được thể hiện nhờ sự chuyển cầu của một nữ giáo dân người Ý, Tôi tớ đáng kính của Chúa Armida Barelli, một thành viên của Dòng Phan sinh tại thế. Bà sinh ngày 1 tháng 12 năm 1882 tại Milan và mất tại Marzio, Ý vào ngày 15 tháng 8 năm 1952.

Trong thời gian học tại trường nội trú dưới sự quản trị của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phanxicô từ năm 1895 đến năm 1900, cô đã khám phá ra ơn gọi tu trì của mình và sống đặc sủng Phan sinh. Từ chối một số lời cầu hôn, cô quyết định dâng mình phục vụ tha nhân, đặc biệt là người nghèo và trẻ em mồ côi. Cùng với Cha Agostino Gemelli, OFM, cô đã đồng sáng lập Học viện cho những người dấn thân trở nên những Thừa sai cho Vương quyền của Chúa Kitô, hiện nay có hơn 2.200 thành viên tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Phép lạ được bà chuyển cầu sẽ nâng bà lên hàng chân phước. Bà cần thê hiện một phép lạ khác để được phong hiển thánh.