Khu vực mà ngày nay là Iraq đóng một vai trò quan trọng trong Kinh thánh: Truyền thống của các Giáo Hội Đông phương tin rằng Chúa lấy bùn từ sông Tigris để tạo ra người đàn ông; cũng chính tại nơi này người ta tìm thấy những tàn tích nơi sinh của Tổ Phụ Áp-ra-ham, là thành Ur; và Đồng bằng Ninivê là địa điểm được đề cập đến trong Sách Giô-na.

Đối với Đức Phanxicô, chuyến đi là một sứ mệnh gồm ba phần: thứ nhất là khuyến khích cộng đồng Kitô hữu địa phương, vốn là nạn nhân triền miên của bách hại và chủ nghĩa cực đoan; thứ hai là theo đuổi đối thoại với Hồi giáo Shiite; và thứ ba là gặp gỡ với toàn thể quốc gia Iraq.

Chuyến tông du của Đức Phanxicô tới Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba sẽ là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo hoàng tới Iraq, đất nước mà cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều đã cố gắng đến thăm nhưng không được. Đây cũng sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên của một vị Giáo hoàng với một Grand Ayatollah của nhánh Hồi giáo Shiite – là Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani, tại thành phố Najaf.

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ theo nghi thức Chanđê, của Giáo Hội Công Giáo chiếm đa số tại Iraq.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về từ ngữ Chanđê.

Sách Tông Đồ Công Vụ cho biết trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Thánh Tông đồ đã rao giảng cho những người thuộc đế quốc Parthian. Miền này bao gồm Iran, kéo dài về phương Bắc đến tận phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, về phía Đông kéo dài đến tận Afghanistan, về phía Tây lấn qua một phần của Iraq ngày nay.

Các Thánh Tôma và Bácthôlômêo Tông đồ được xem là những vị đã sáng lập ra các Giáo Hội trong miền này thường được biết đến với danh xưng là Giáo Hội Babylon. Trong các nghi thức Phụng Vụ họ dùng ngôn ngữ Aramaic là ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng khi xuống thế làm người. Tuy nhiên, họ pha trộn ngôn ngữ này với tiếng địa phương, tạo thành tiếng Syriac, cũng được gọi là Syriac Aramaic hay Syro Aramaic hay Syrian Aramaic.

Vào năm 224 sau Chúa Giáng Sinh, đế quốc Ba Tư đánh bại đế quốc Parthian. Giáo Hội Babylon tiếp tục được phát triển nhưng các hoàng đế Ba Tư muốn quốc gia hóa Giáo Hội này.

Năm 431, khi xảy ra Công Đồng Êphêsô để chống lại lạc giáo Nestôriô, các hoàng đế Ba Tư đã dung nạp những người theo lạc giáo này. Giáo Hội Babylon tách dần khỏi Rôma.

Vào năm 1552, bên trong Giáo Hội Babylon lại xảy ra ly giáo. Giám Mục Yohannan Sulaqa tuyên bố trở thành Thượng Phụ và hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh. Giáo Hội mới này được gọi là Giáo Hội Công Giáo của những người Chanđê, tiếng Latinh là Ecclesia Chaldaeorum Catholica. Cụm từ “người Chanđê” để chỉ những người trước đây trong Giáo Hội Giáo Hội Babylon nay trở thành người Công Giáo.

Tuy nhiên, vào năm 1672, vị Thượng Phụ đứng đầu Giáo Hội đó là Dinkha lại từ bỏ sự hiệp thông với Tòa Thánh. Những người từ bỏ sự hiệp thông với Tòa Thánh dùng danh xưng “Giáo Hội Assyriô Đông phương”.

Như vậy, từ một Giáo Hội Babylon ban đầu, ngày nay có 3 Giáo Hội là Chính Thống Giáo nghi lễ Syria, Giáo Hội Công Giáo Chanđê, và Giáo Hội Assyriô Đông phương. Phụng Vụ của cả 3 Giáo Hội đều dùng tiếng Syriac hay nói chính xác hơn là Syriac Aramaic.
Source:Wiki