Thập niên 1990, Tổng liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney có tổ chức chương trình giáo lý cho các cấp. Các cấp khác tìm được tài liệu giáo khoa dễ dàng, riêng cấp ba nghĩa sĩ thì gặp nhiều ưu tư hơn về loại tài liệu này. Để giúp các giảng viên giáo lý và các em nghĩa sĩ có tài liệu đọc thêm chúng tôi đã tìm tòi một số bài viết đó đây liên quan đến nội dung bài giáo lý được trình bầy. Chúng tôi đã cho phổ biến trên VietCatholic News một số bài viết đó như Đức Tin Đại Học (08/Nov/2020), Ngày của Chúa (15/Nov/2020), Áo choàng Nôe (15/Nov/2020), Thấy Mặt Anh Em (17/Nov/2020), Theo hay không theo (21/Nov/2020). Nay, xin được gửi tới qúi độc giả Một số suy tư về sự sống



1. Mẹ tôi:

Mẹ tôi mang thai tôi lúc người đã ngoài bốn mươi. Bác sĩ cho người hay rất có thể tôi sẽ bị dị hình lúc sinh ra, vì vậy ông khuyên người nên phá thai. Về phương diện y khoa, người ta chứng minh rằng các phụ nữ lớn tuổi thường dễ sinh con mang hội chứng Downs (đầu to,bẹt, mắt xếch và đần độn) (Marieb, 1089). May mắn một điều, vì đức tin của mẹ tôi, người đã tiếp tục mang thai tôi, và tháng Mười năm 1981, tôi sinh ra đời hoàn toàn lành lặn.

Nếu mẹ tôi bằng lòng phá thai, thì việc phá thai của người được mệnh danh là Phá Thai Vì Lý Do Y Khoa khác với lối Phá Thai Do Yêu Càu rất thường xẩy ra nơi những bà mẹ trẻ hơn. Tờ Daily Telegraph số ngày 25 tháng Giêng năm 1996 cho hay một cuộc nghiên cứu mới đây do Hiệp Hội Y Khoa Mỹ thực hiện chứng tỏ rằng phá thai có thể gia tăng nguy cơ ung thư vú. Hiệp hội Tranh Đấu Quyền Sống tại Queensland công bố rằng phá thai đem lại nhiều rủi ro y khoa đáng kể, như tử vong cho người mẹ, các biến chứng tức thời và các biến chứng cho những lần có thai sau. Các xáo trộn tâm lý như mặc cảm tội lỗi, lo âu xao xuyến và cô độc cũng là những hậu quả đã được nhận dạng (Hiệp Hội Tranh Đấu Quyền Sống ở Canberra, năm 1994).

Nếu mẹ tôi bằng lòng phá thai, hôm nay tôi đã chẳng có mặt ở đây. Tôi chẳng làm sao nghe được tiếng chim hót, thưởng thức được hoa thơm cỏ lạ, cùng muôn điều tốt đẹp Chúa đã dựng nên cho hết thẩy chúng ta cùng hưởng.

Jodie Roche, Australian Catholics, Spring 1996

Với quyền do Chúa Kitô ban cho Thánh Phêrô và các Đấng Kế vị, trong niềm hiệp thông với các giám mục, Tôi tuyên bố rằng trực tiếp phá thai, tức là nhắm phá thai như một mục đích hoặc như một phương tiện, luôn luôn là một sự lỗi luật luân lý một cách nặng nề, vì đó là sự cố tình sát hại một con người vô tội. Đạo lý này dựa trên luật tự nhiên và lời Chúa được ghi chép; đạo lý này đã được truyền thống của Giáo hội truyền lại và được Huấn quyền bình thường và phổ quát của Giáo Hội tuyên dạy

ĐTC Gioan Phaolô 2, Phúc Âm Sự Sống, 62

2. Người hành khất:

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn xuống giòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc lá cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.

Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui chơi trác táng, ông đã đến với mọi hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một ngưòi đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông đã nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ còn giòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản. Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán đời không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới, ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Tôi cũng không muốn cầm tiền của một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông. Nói xong, người hành khất ném cả chiếc ví tiền xuống giòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gậm nhắm nỗi đắng cay chua xót của mình.

Đã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn chưa muốn kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không còn muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần nào trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này, ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.

Lẽ Sống, tr.56-57.

3. Phúc âm sự sống:

Ngày 25 tháng 3 năm 1995, nhân ngày lễ Truyền Tin, từ điện Vatican, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô cho công bố Phúc Âm Sự Sống không riêng gửi các tín hữu Công Giáo mà thôi, mà là gửi toàn thể nhân loại, chủ đích đề cập đến giá trị và tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người. Ông Kenneth L. Woodward, trong bài Sự Sống, Sự Chết Và Đức Giáo Hoàng đăng trên tạp chí Time, cho rằng mỗi vị giáo hoàng đều để lại một dấu ấn trong lịch sử qua một thông điệp. Đối với Đức Gioan 23, đó là thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới (Pacem In Terris), đối với Đức Phaolô 6, đó là Sự Sống Con Người (Humanae Vitae), còn đối với Đức Gioan Phaolồ 2, đó chính là Phúc Âm Sự Sống (Evangelium Vitae), thông điệp thứ 11 của ngài. Thực vậy, nó là thông điệp sáng sủa nhất, tha thiết nhất và cũng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất.



Trong thông điệp này, ngài bàn đến những vấn đề sôi động nhất hiện nay có liên hệ trực tiếp đến sự sống con người: phá thai, giết người êm ái (euthanasia), dùng bào thai người trong nghiên cứu y khoa và án tử hình. Tất cả, theo ngài, đều là dấu chỉ của một thứ văn hoá chết chóc đang đe doạ phẩm giá và tự do của con người. Đây là một trong những văn kiện hiếm có trong lịch sử Giáo hội trong đó một vị giáo hoàng phải nại tới thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội để tuyên bố một số hành vi, nhất là phá thai và giết người êm ái, là luôn luôn xấu. Tuy nhiên, thông điệp này không phải chỉ là một bản liệt kê (litany) những điều cấm chỉ (Thou Shall Not), mà cũng đưa lại nhiều điều mới mẻ và đầy hy vọng, một mời gọi căn để có tính cách phúc âm để tạo nên một văn hóa mới, Văn Hoá Sự Sống, nhằm tôn trọng phẩm giá con người từ lúc mới được tượng thai cho đến lúc qua đời.

Bản thông điệp mới này xuất hiện ở một thời điểm trong đó vị Giáo hoàng 74 tuổi đang được nhiều người ngưỡng mộ. Cuốn sách truớc đó của Ngài tức cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới,với hơn 1.6 triệu bản được bán riêng tại Hoa Kỳ. Cuốn Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo đã bán đến 2.3 triệu bản, và đang được Nhà Doubleday tái bản. Chính vì thế, một nhà xuất bản đời khác là Times Books đang biến Phúc Âm Sự Sống thành một sách bán liền với 180,000 đơn đặt hàng trong lúc đang in. Đây cũng là văn kiện đầu tiên được Vatican phát hành dưới dạng dĩa nhựa cho máy vi tính và được gửi tới hàng giám mục thế giới qua hệ thống E-Mail.

Điều lý thú là, khi nói đến vấn đề phá thai và giết người êm ái, có người cho rằng Thánh Kinh đâu có đề cập gì đến hai chuyện ấy. Đức Gioan Phaolô 2 đồng ý như vậy, nhưng cho hay: Thánh kinh không đề cập đến hai vấn đề đó vì những việc như làm hại, tấn công và khước từ sự sống trong những trường hợp như thế là điều hoàn toàn xa lạ đối với lối suy nghĩ tôn giáo và văn hóa của dân Chúa. Mặt khác, nếu chú tâm đến câu chuyện Cain giết em, đến các Tiên Tri và Thánh Vịnh, ta sẽ thấy Cựu Ước đã coi trọng quà phúc sự sống như thế nào và coi việc sát hại kẻ vô tội như xúc phạm đến phẩm giá con người ra sao. Rồi lại có quan điểm cho rằng bào thai đâu đã là người mà cần phải tôn trọng. Đức Giáo Hoàng cho hay: nó sẽ không bao giờ thành người nếu nó đã không là người rồi.

Chủ điểm của Thông điệp là: sự sống con người là thánh thiêng, và chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ tể sự sống. Điều ấy đúng đối với mọi giai đoạn của đời sống con người: đối với người đã sinh ra và đối với người còn trong lòng mẹ, đối với người khỏe mạnh cũng như đối với người khuyết tật hay bệnh họan, với người trẻ cũng như với người già. Mục sư Billy Graham ca ngợi Đức Giáo Hoàng đã can đảm và sáng suốt bênh vực tính cách thánh thiêng của sự sống con người trước bước chân khinh xuất của thế giới hiện đại đang bước vào bạo lực và chết chóc không cần thiết.

Kỳ sau: Hạnh Phúc