Một số người có thể ngạc nhiên khi nghe nói một cuốn phim chiến tranh chứa đựng một nền văn hóa phò sự sống, nhưng quả có chuyện đó.

Đó là khám phá của John Grondelski, nguyên phó khoa trưởng phân khoa thần học của Đại Học Seton Hall, South Orange, New Jersey, trên tạp chí National Catholic Register, ngày 27 tháng 4 năm 2021 và cuốn phim đó chính là “Đại Bác Navarone” (Guns of Navarone).



Cuốn phim trên diễn lại cuộc phiêu lưu sử thi của sáu lính đặc công Đồng minh được phái đi để hạ gục hai khẩu đại bác của Đức được đặt trong một pháo đài đá tự nhiên trên hòn đảo giả tưởng Navarone của Hy Lạp. Nhiệm vụ được thực hiện để các tàu chiến của Anh có thể đi qua đảo một cách an toàn nhằm giải cứu quân đội Anh đang mắc kẹt trên đảo Kheros (cũng hư cấu) kế cận.

Dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1957 của Alistair MacLean, cuốn phim được ra mắt đầu tiên cách đây 60 năm vào ngày 27 tháng 4. Với sự tham gia của Gregory Peck, Anthony Quinn, Anthony Quayle, Stanley Baker, Irene Papas, James Darren và David Niven, Đại Bác Navarone là một trong những bộ phim thành công nhất thuộc thể loại phim thời danh lấy Thế Chiến hai làm bối cảnh, trong đó có cuốn Cầu Sông Quai (Bridge Over the River Kwai).

Trong khi hầu hết mọi người nghĩ Đại Bác Navarone như một cuốn phim chiến tranh, nhưng nếu khảo sát kỹ hơn, ta thấy cuốn phim đề xuất một lập luận tương đối phức tạp nhưng thường bị bỏ qua nhằm ủng hộ một nền văn hóa phò sự sống.

Một số người có thể ngạc nhiên khi nghe nói một cuốn phim chiến tranh lại chứa đựng một nền văn hóa phò sự sống, nhưng đúng như vậy. Cả chiến tranh nữa cũng nên được quản lý bằng các quy tắc đạo đức. Thần học luân lý Công Giáo vốn nói về “chiến tranh chính đáng” (nghĩa là có thể có chiến tranh bất chính) trong hơn 1,500 năm nay. Một trong những lý do Giáo hội khai triển các nguyên tắc của chiến tranh chính đáng là để giải quyết vấn đề lấy đi mạng sống trong thời chiến. Nó bao hàm nhiều hệ luỵ như nguyên tắc đặc miễn (immunity) của thường dân.

Câu hỏi trọng tâm về “sự sống” trong Đại Bác Navarone xoay quanh Thiếu tá “Lucky” Roy Franklin (Quayle). Là chỉ huy của sứ mệnh, vận may của ông đến hồi kết thúc lúc đang leo vách đá khi lực lượng tiến đến Navarone. Ông trượt chân và gẫy chân.

Việc có một chỉ huy bất động của một đơn vị bí mật vốn giả thiết phải rất cơ động đặt ra câu hỏi phải làm thế nào để hoàn thành “công việc”. Câu hỏi đó (và hạn từ “công việc”) sẽ trở đi trở lại nhiều lần trong suốt cuốn phim, thí dụ, khi Mallory (Peck) trách Brown (Baker) lưỡng lự (“Công việc của bạn là giết lính địch!”) Hoặc khi Miller (Niven) khiển trách Mallory vì “sử dụng” Franklin (“Tôi đã làm 100 công việc và không công việc nào trong số này làm thay đổi tiến trình Chiến tranh”). Vì vậy, điều gì quan trọng hơn: con người hay công việc?

Khi nhóm tập hợp lại với Franklin bị thương trên đỉnh vách đá, cuộc tranh luận nổ ra. Mallory thấy có hai giải pháp: Đưa Franklin đi cùng với họ trên cáng, điều này chắc chắn sẽ làm họ chậm lại, hoặc để ông cho quân Đức tìm thấy và hy vọng sẽ giúp đỡ, với rủi ro họ sẽ sử dụng ma túy để buộc ông phải nói những gì ông biết.

Đại tá người Hy Lạp Andrea Stavros (Quinn) đưa ra giải pháp thứ ba: “một viên đạn ngay bây giờ cho rồi. Tốt hơn cho ông ta. Tốt hơn cho cả chúng ta. Đưa ông ta đi cùng, bạn sẽ gây nguy hiểm cho tất cả bọn mình”.

Stavros đưa ra giải pháp thực dụng nhất: điều “tốt” nhất qua điều “xấu” nhất. Nó vẫn là một giải pháp rất hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là trong lĩnh vực đạo đức sinh học. Nó ám ảnh bối cảnh của các cuộc tranh luận năm ngoái về việc ai được nhập viện nếu COVID tràn ngập các cơ sở chăm sóc nguy kịch và lấp ló sau nhiều quyết định của năm nay về cách ưu tiên phân phối vắc-xin.

Đó cũng là một nguyên tắc cổ xưa, mà người ủng hộ chính trong Kinh thánh là Caipha. (“Thà một người chết cho dân còn hơn cả nước chúng ta bị hủy diệt”.— Ga 18:14). Đó cũng là nền đạo đức kiểu bề hội đồng (lynch mob).

Miller ngay lập tức bác bỏ lập luận của Stavros, bằng cách đẩy chủ nghĩa thực dụng đến tận cùng luận lý của nó: "Tại sao anh không thả ông ta xuống vách đá, đỡ được cả viên đạn?" Mallory đưa ra một giải pháp thực tế biết trân qúy mạng sống của Franklin: “Vâng, có một giải pháp thứ ba. Chúng ta sẽ thực hiện nếu cần thiết, khi cần thiết, chứ không phải trước đó!” Anh ta củng cố cam kết của mình đối với mạng sống của Franklin khi anh ta quở trách ông vì đã bò đi với khẩu súng lục trong một âm mưu tự sát.

Franklin sau đó được mang trên cáng qua khắp Navarone giữa hai nghịch lý. Brown, người từng bị Mallory khiển trách vì do dự giết một người lính Đức đang lao vào anh ta, được Mallory chỉ định làm người chăm sóc chính cho Franklin, một vai trò mà Brown cho là bị giáng chức. Và Stavros là người giao Franklin cho bác sĩ ở Mandrakos - nơi họ bị phản bội.

Hollywood luôn cần một kết thúc có hậu, Franklin sống sót, dù bị cắt cụt bắp chân bị hoại thư. Chúng ta được thấy ông lần cuối cùng nằm trên giường trong khu hồi sức của bệnh viện Đức, một nụ cười nở trên khuôn mặt ông ta khi cửa sổ vỡ tan vì sức tàn phá của súng. Ông ta nghe thấy tiếng còi của hạm đội Anh đang tiến đến vang dội, nhờ “công việc đã hoàn thành,” cứu sống họ và những người trên đảo Kheros.

Brown, người đàn ông bị Mallory mất lòng tin, được đặt biệt danh là "Đồ tể của Barcelona" vì kỹ năng sử dụng dao của anh ta trong cuộc Nội chiến đẫm máu Tây Ban Nha. Anh thừa nhận sở dĩ do dự là vì “mệt” và vì cái chết đã trở nên quá gần gũi và có tính bản thân đối với anh: “Bạn bắn một người ở cự ly 200 thước, anh ta chỉ là một mục tiêu di động. Bạn giết một người đàn ông bằng một con dao… bạn đủ gần để ngửi thấy anh ta. Tôi ngửi thấy họ trong giấc ngủ của tôi”.

Mallory nhắc nhở Brown rằng anh ta không được trao quyền để "tạo hòa bình riêng tư" khi "công việc của anh ta là giết binh lính đối phương". Khi Mallory đẩy anh ta ra bên lề, Brown cảm thấy như một Franklin đang bước đi: một cầu thủ của đội bên lề. Sau đó, anh ta yêu cầu “được trở thành một phần của đội một lần nữa” và đã hy sinh mạng sống của mình để giết một người lính Đức đang cố gắng ngăn cản Maria (Papas) và anh ta lấy chiếc thuyền thoát hiểm để giải cứu ba người sống sót của nhóm trong cảnh cuối cùng.

Ngay cả cảm thức hiệu năng và công lý của Stavros cũng thay đổi. Trong phim, chúng ta biết rằng anh ta hứa một ngày nào đó sẽ giết Mallory vì đã cho phép người Đức tiến hành sơ tán an toàn những người bị thương của họ, một đặc ân mà chúng đã lạm dụng để giết vợ và con của Stavros. Cuối cùng, Stavros được Mallory giải cứu và họ hòa giải với nhau.

Stavros và anh trai của Maria, Spyros (Darren), dẫn đầu các cuộc tấn công nghi binh trong khi Mallory và Miller phá hoại các khẩu súng. Spyros chết khi anh ta ngu ngốc bước ra đối mặt với tên quản ngục trước đó của mình, Trung úy Muesel (do nam diễn viên người Đức Walter Gotell thủ vai), cách súng máy độ 50 bước. Khi Maria hỏi Spyros đã chết như thế nào, lời bình luận ngắn gọn của Stavros cho thấy anh ta hiểu được kết quả ti tiện của việc trả thù: "Anh ta quên mất lý do tại sao chúng ta đến đây".

Trong phim còn có nhiều câu chuyện đúng sai, sống chết nhưng tất cả đều cho thấy rằng, ngay cả trong địa ngục chiến tranh, việc tôn trọng giá trị của sự sống là điều có thể và cần phải duy trì. Lập luận đó trong Đại Bác Navarone đáng để chúng ta chú ý và đặt câu hỏi: Liệu ngày nay có thể làm được một cuốn phim như thế hay không?