Bản tin của Inés San Martín trên CruxNow ngày 1 tháng 5 năm 202, cho hay: Một trong những thách thức ít được lên tài liệu về đại dịch COVID-19 là tác động của việc cấm cửa, các bất trắc và hạn chế đối với sức khỏe tâm thần của hàng triệu người đã từng trải nghiệm virus trực tiếp, hoặc vì mất một người thân yêu, hoặc vì là những người phải đối phó lần đầu tiên hoặc những công nhân mới bị thất nghiệp.



Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Vatican đã phát hành một văn kiện có tiêu đề “Đồng hành với Những Người bị Đau khổ Tâm lý trong Bối cảnh của Đại dịch COVID-19: Các Chi thể của cùng một Thân thể, được Yêu thương bởi cùng Một Tình yêu”.

Được viết vào tháng 11 năm ngoái, do sự chậm trễ trong việc dịch thuật, nó đã không được xuất bản cho đến đầu năm nay trên trang web của Bộ Phát triển Con người Toàn diện, là Bộ, ngoài nhiều việc khác, có nhiệm vụ điều hợp công việc của ủy ban COVID-19 của Vatican do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập, để cố gắng tưởng nghĩ ra một thế giới hậu đại dịch.

Văn kiện của Vatican cho biết: “Sự đau khổ về tâm lý gây ra hoặc trở nên tồi tệ hơn do những lo ngại sâu sắc về căn bệnh chưa được biết đến này đã ít được xem xét. Đặc biệt nhất, sự mất kiểm soát đối với sự hiện hữu bản thân của chúng ta và cuộc sống mà chúng ta chia sẻ với những người thân yêu của chúng ta là một nguyên nhân gây ra mối lo ngại lớn. Khi chuyên môn và phương pháp điều trị y tế đột nhiên được chứng minh là không thích đáng, không hữu hiệu hoặc không thành công, nỗi sợ hãi về điều chưa biết đã đặt ra những câu hỏi sau: Tôi sẽ ra sao? Chúng tôi sẽ ra sao?"

Văn kiện đề cập đến các vấn đề như lo lắng, trầm cảm, sự gia tăng ý nghĩ tự tử do đại dịch và cơn cám dỗ tuyệt vọng. Nó cũng đi sâu vào các cách khác nhau để giải quyết một số thách thức này, đặc biệt chú ý đến khía cạnh xã hội của con người nhân bản.

Tạp chí Crux nói chuyện với người được coi là đã phối hợp việc soạn thảo văn kiện, Đức ông người Pháp Bruno Marie Duffé, thư ký của thánh bộ Vatican do Đức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đứng đầu.

Ngài nói: “Trước khi có sự phát triển của tâm lý học lâm sàng và liệu pháp tâm lý, các linh mục, một cách nào đó, đã hành nghề bác sĩ tâm lý mà không hề hay biết. Lời mời cầu nguyện, xưng tội và linh hướng, trong nhiều thế kỷ, vốn mang lại sự nâng đỡ cho nhiều người. Người ta có thể nói rằng cuộc đối thoại riêng tư với một linh mục, hôm nay cũng như hôm qua, là một chiều kích chữa lành và giải thoát".

Ngài nói thêm, “Khi chúng ta có thể nói và cảm thấy được lắng nghe thực sự, chúng ta sẽ tốt hơn lên”.

Sau đây là trích đoạn cuộc trò chuyện của tạp chí Crux với Đức Ông Duffé.

Hỏi: Ý tưởng viết về sức khỏe tâm thần đã được hình thành ra sao?

Đáp: Lắng nghe nhiều nhóm giám mục và tác nhân trong thừa tác vụ xã hội từ nhiều quốc gia khác nhau, những người mà chúng tôi đã gặp gỡ qua các cuộc hội nghị video trong năm qua trong các phiên lắng nghe của Ủy ban Covid-19 của Tòa Thánh (#VaticanCovidCommission), chúng tôi hiểu rằng nỗi khổ của nhiều người do đại dịch Covid-19 gây ra có liên hệ trực tiếp với sức khỏe tâm thần.

Trải nghiệm bị tù túng, việc bị gián đoạn các hoạt động xã hội và các mối liên hệ, và trên hết, nỗi thống khổ khi đối mặt với một căn bệnh xa lạ, cùng với cái chết của gia đình và bạn bè, đã khuếch đại tính mong manh về tinh thần của những người đơn độc hoặc trong tình trạng trầm cảm. Trong tình huống này, các câu hỏi được đặt ra về ý nghĩa của sự sống và, đôi khi, sự lo âu được khuếch đại đến mức muốn chết, khi họ cảm thấy thực sự cô đơn hoặc không có tương lai. Thông tin hàng ngày cho chúng ta biết về đại dịch, người chết và khó khăn trong việc đối đầu với tương lai có lẽ càng làm tăng thêm sự trôi dạt vô vọng này.

Hỏi: Quá trình viết văn kiện ra sao, và ai đã tham gia vào đó?

Đáp: Chúng tôi quyết định viết một bản văn đơn giản nhưng sâu sắc, xem xét các khía cạnh quyết định nhất của hiện tượng đại dịch và sứ mệnh đặc thù của những người được kêu gọi đồng hành với những người bị đau khổ về tâm lý.

Các xem xét liên quan đến xã hội học (xem xét những nhóm mong manh nhất), đến tâm lý học (những người có chiều kích tâm thần, cảm giới, tương quan, tâm linh của họ), đến linh đạo và đến thực hành mục vụ (sứ mệnh của cộng đồng Giáo Hội và của những người đảm nhận việc chào đón hoặc đồng hành với người ta) dường như là điều quan trọng.

Hỏi: Nhiều tín hữu nghĩ tới các linh mục và các tác nhân mục vụ như những nhà tâm lý học. Đức Ông có xem xét khả thể bao gồm hoặc đào tạo sâu hơn không?

Đáp: Trong khoảng một thế kỷ, chúng ta vốn nghĩ rằng các vấn đề tâm lý và tâm linh có thể được giải quyết bằng các sản phẩm hóa học, đặc biệt là với “thuốc giải lo âu” (anxiolytics). Đây là một ảo tưởng, bởi vì những cách “chữa trị” như vậy chỉ khuếch đại sự lệ thuộc và khiến người đó trở nên mong manh hơn. Chia sẻ lời nói, dành giây phút để người đó kể câu chuyện bản thân của họ, nỗi khắc khoải, mong muốn của họ: đó là cách để từ đau khổ bước vào một sức mạnh tinh thần mới, từ cái chết bước vào sự sống. Chúng ta chưa biết đầy đủ về những đặc sủng mà chúng ta có, với các khả năng của chúng ta trong việc gặp gỡ, nhìn, lắng nghe, mỉm cười, nâng đỡ hoặc khuyến khích.

Chìa khóa của vấn đề này gồm hai mặt: chúng ta phải tiếp tục mở rộng không gian và thời gian để gặp gỡ, và chúng ta phải mở lại con đường chiêm niệm hướng đến điều làm chúng ta được hạnh phúc: Sáng Thế của Thiên Chúa và sự âu yếm của Chúa Giêsu, Đấng luôn “gần gũi” mọi người nam nữ, trẻ em và người cao niên.

Chúng tôi đã chia sẻ sáu phiên họp làm việc - đối thoại và suy tư - và trong mỗi phiên họp, mỗi thành viên của nhóm đã viết và làm phong phú từng chương. Đó là một trải nghiệm đối thoại, một “logos” [lời] được xây dựng với nhau, lắng nghe lẫn nhau.

Hỏi: Giáo hội, và kinh nghiệm đức tin nói chung, có thể đóng góp gì cho một người bị rối loạn sức khỏe tâm thần?

Đáp: Trước khi có việc khai triển ra tâm lý học lâm sàng và tâm lý học trị liệu, một cách nào đó, các linh mục vốn là các nhà tâm lý học thực hành mà thường không hề hay biết. Lời mời cầu nguyện, xưng tội và linh hướng tâm linh trong nhiều thế kỷ vốn mang lại sự nâng đỡ cho nhiều người. Người ta có thể nói rằng cuộc đối thoại riêng tư với một linh mục, hôm nay cũng như hôm qua, là một chiều kích chữa lành và giải thoát. Khi chúng ta có thể nói và thấy mình được lắng nghe thực sự, chúng ta sẽ tốt hơn lên. Với việc sa sút của loại hình đồng hành tâm linh này, người ta có thể cảm thấy cô đơn và sức nặng của những vấn đề hiện sinh nhiều hơn: Tôi đến từ đâu? tôi đang đi đâu? tại sao tôi phải đau khổ?

Theo một cách nghịch lý nào đó, việc thế tục hóa đã khuếch đại các chủ đề về thân phận con người, về khởi đầu và kết thúc cuộc sống, về khả thể yêu thương, về việc yêu và được yêu… Chủ đề về Thiên Chúa và về người khác….

Điều xem ra rõ ràng là không thể đảm nhận trách nhiệm của một tác nhân mục vụ nếu không được đào tạo tốt về loại lĩnh vực nhận thức này. Điều kiện đầu tiên là có khả năng lắng nghe, phân tích, đưa ra lời khuyên và đồng hành (không gục ngã trước nỗi đau khổ nội tâm của người khác).

Hỏi: Giáo hội có thể cung cấp điều gì khác biệt?

Đáp: Trước hết, Giáo hội có thể cung cấp một sự hiện diện và một sự hiểu biết. Giáo Hội không có giải pháp cho nỗi thống khổ hoặc cho nỗi đau khổ nội tâm và bí mật. Với ơn thánh của Thiên Chúa-Cha và sự hiểu biết của Chúa Giêsu-Anh, các chi thể của Giáo Hội, với các tài năng của mỗi người, có thể hiện diện, gần gũi với người ta, cung ứng một không gian lắng nghe, ân cần, tôn trọng, yêu thương... Luôn với khoảng cách và sự chú ý cần thiết, giống như Người Samaritanô nhân hậu đã làm trong Tin Mừng và như thông điệp cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, nhắc nhở chúng ta.

Việc biết rằng có người đang ở gần mình có thể thay đổi cuộc sống của một người cô đơn hoặc trầm cảm. Điều này phải được liên kết với tính bổ sung giữa các y sĩ - nhà trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần… - và bạn bè, thành viên gia đình hoặc thành viên của một cộng đồng Kitô giáo. Người thầy thuốc có sự hiểu biết phát xuất từ kiến thức và kinh nghiệm của mình: bạn hữu hoặc mục tử có sự cân nhắc truyền cảm hứng cho trái tim. “Psyche” và “Heart” là hai chiều kích của cùng một hữu thể nhân bản, hữu thể nhân bản đang đau khổ nhưng cần sự quan tâm và dịu dàng.

Tình hình phức tạp của đại dịch cho thấy rõ chúng ta là những hữu thể có thân xác mỏng manh, “một trí óc” rất nhạy cảm, một trái tim luôn chờ đợi người khác và “hơi thở” cần sự tín thác. Tín thác có nghĩa là Tin cậy-Với, tức là tin-tưởng-với-bạn.