Tổng thống Alberto Fernandez là một người Công Giáo, nhưng ông ta kiên quyết cho rằng phá thai là một nhân quyền cơ bản của phụ nữ. Ông Alberto Fernandez đã đưa ra dự luật hợp pháp hóa việc phá thai để thực hiện lời hứa tranh cử của ông ta. Dự luật này đã được thông qua tại Thượng Viện hôm 30 tháng 12 với 38 phiếu thuận, 29 phiếu chống, 1 phiếu trắng và 4 phiếu vắng mặt sau 12 giờ tranh luận. Trước đó, nó đã được Hạ Viện thông qua.

Sau khi Thượng Viện ở Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai vào đầu giờ ngày thứ Tư, 30 tháng 12, Hội đồng Giám mục Á Căn Đình đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc giới lãnh đạo chính trị của đất nước đã xa rời tình cảm của người dân và thề sẽ tiếp tục làm việc “với sự kiên định và lòng say mê trong việc chăm sóc và phục vụ cuộc sống”.

Trong những ngày qua, đại dịch coronavirus bùng phát mạnh tại Á Căn Đình. Tính đến ngày mùng một tháng 8, tử vong tại Á Căn Đình đã lên đến 105,721 người, trong số 4,929,764 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong suốt tháng 7, mỗi ngày Á Căn Đình có khoảng 13,000 trường hợp nhiễm bệnh mới và khoảng 400 trường hợp tử vong.

Tình trạng nguy kịch vì coronavirus, và thái độ lúng túng của Alberto Fernandez càng làm tăng sự bất mãn của người dân.

Inés San Martín, người Á Căn Đình, phóng viên thường trú của tờ Crux tại Rôma, cho biết trong bối cảnh bi đát của quê hương vì coronavirus, Đức Thánh Cha vừa viết một lá thư cho Alberto Fernandez. Điều này vô tình lại là một sự ủng hộ mà cá nhân Alberto Fernandez đang rất cần.

Là nhà lãnh đạo tinh thần của 1,3 tỷ người, các vị giáo hoàng được trông đợi là không nên thiên vị một nhóm nào. Tuy nhiên, với tư cách là con người, các ngài thường cho thấy một sự ưa thích nhất định đối với một phong trào tôn giáo cụ thể, một lòng sùng kính Đức Mẹ cụ thể, thậm chí cả một số quốc gia nhất định - thường bắt đầu bằng quốc gia của chính các ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng không ngoại lệ, khi một lần nữa xác nhận vị trí đặc biệt của Á Căn Đình trong trái tim ngài qua một bức thư gửi Tổng thống Alberto Fernandez. Nó được gửi đi ngay sau khi Đức Phanxicô rời Bệnh viện Gemelli ở Rome và được nhận vào thời điểm Fernandez đang rất cần được một sự hỗ trợ như thế, vì Á Căn Đình vừa trải qua hơn 100,000 ca tử vong do COVID-19.

“Tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa Giêsu để ngay trong những thời điểm khó khăn vì đại dịch này, xin Ngài ban cho những người Á Căn Đình yêu dấu những phước lành dồi dào, để họ có thể tiến bước trên con đường công lý, tình huynh đệ và tiến bộ”. Đức Phanxicô viết như trên trong một lá thư được gửi đến chính phủ Á Căn Đình thông qua Sứ thần Tòa Thánh tại nước này.

Bức thư được gửi ngày 15 tháng 7, một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại Vatican sau 10 ngày nhập viện sau cuộc phẫu thuật ruột kết. Fernandez, giống như nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, đã gửi cho Đức Giáo Hoàng một bức thư chúc ngài mau chóng bình phục. Cho đến nay, chính phủ của ông là người duy nhất nhận được phản hồi của Đức Giáo Hoàng.

Tổng thống Á Căn Đình hiện đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì những gì các nhà phê bình gọi là một trong những cách đối phó với đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, đến mức Bloomberg gần đây đã coi đây là nơi “tồi tệ nhất” trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Giữa những thứ khác, Á Căn Đình hiện có số người chết tính theo đầu người cao nhất và tỷ lệ nghèo đói tăng hơn 10% trong 18 tháng qua, có nghĩa là gần một nửa đất nước không thể kiếm sống.

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa trở lại Á Căn Đình, nhưng ngài đã đưa ra một số dấu chỉ trong suốt tám năm qua cho thấy rằng, mặc dù ngài có thể bay với hộ chiếu của Quốc Gia Thành Vatican, ngài vẫn rất là người Á Căn Đình - bao gồm cả thực tế là ngài vẫn giữ cho thẻ căn cước quốc gia của mình được cập nhật thường xuyên.

Ngài cũng đã chào đón các tổng thống Á Căn Đình nhiều lần hơn so với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác. Ngài chào đón ba tổng thống ít nhất hai lần và đích thân can thiệp vào khoản nợ quốc tế của quốc gia Mỹ Latinh này, đến mức The New York Times đã đăng một đoạn ý kiến dưới tiêu đề “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể mang lại một phép lạ về món nợ cho Á Căn Đình không?”

Trở lại năm 2016, Đức Phanxicô đã gửi một đoạn video cho những người đồng hương nói rằng ngài sẽ không quay trở lại năm 2017, trong nỗ lực dập tắt những tin đồn rằng một chuyến đi đang được thực hiện: “Anh chị em không biết tôi ước ao muốn gặp gỡ anh chị em biết là ngần nào. Nhưng tôi sẽ không thể làm điều đó trong năm tới vì có những dàn xếp với Á Châu và Phi Châu … và thế giới này rộng lớn hơn Á Căn Đình”.

Tuyên bố đó rất đúng, nhưng dù thế vẫn có những bằng chứng cho thấy Đức Giáo Hoàng vẫn yêu mến xứ sở Gauchos, thịt đỏ và Lionel Messi hơn.
Source:Crux