1. Tại sao người Ukraine dựng một bức tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Quảng trường Độc lập ở Kiev?
Sự tôn sùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hình thành nên người dân Kiev trong nhiều thế kỷ, thể hiện qua một bức tượng nổi bật được đặt ở Quảng trường Độc lập, đầy uy quyền, đang trông coi thành phố Kiev.
Quan thầy của Kiev
Bức tượng bằng đồng và vàng được đặt trên đỉnh tượng đài Lach Gates vào năm 2002, thể hiện lòng sùng kính đối với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae mà người dân Kiev đã có trong nhiều thế kỷ.
Một trong những công trình kiến trúc ở Kiev được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là Tu viện “Mái Vòm Vàng”, được xây dựng vào năm 1108 để kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Người ta nói rằng vị Tổng Lãnh Thiên Thần, Đấng bảo trợ cho binh lính, được chọn vào thời điểm đó để tôn vinh những chiến thắng quân sự trong thế kỷ 12.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, tu viện và nhà thờ đã bị phá hủy, và phải đến những năm 1990, công việc mới bắt đầu để khôi phục lại Tu viện Thánh Micae và tạo ra những Mái Vòm Vàng mới có thể nhìn thấy ngày nay. Oleksandr Kozlovskyi giải thích trong một bài báo cho Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine như sau:
Sự hồi sinh này của Tu viện Thánh Micae là một phép lạ của Chúa, vì khi tu viện bị phá hủy, không ai tin rằng tu viện có thể trỗi dậy từ đống đổ nát. Điều này là minh chứng cho thấy rằng Chúa có thể hồi sinh ngôi đền của mình từ đống tro tàn, cho dù ngôi đền ấy là một tu viện hay là chính chúng ta.
Hơn nữa, Thánh Micae đã được in nổi bật trên con dấu của các Quốc vương Kiev và sau đó là trên quốc huy của thành phố Kiev kể từ thế kỷ 17. Khi thành phố bỏ phiếu về quốc huy mới vào năm 1995, họ đã khôi phục lại thiết kế ban đầu có Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.
Gần đây hơn, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Ukraine đã nhắc lại vào ngày 19 tháng 9 năm 2020 lòng sùng kính lâu dài đối với Thánh Micael mà người dân Kiev đã có trong nhiều năm.
Ngài nói: “Điều mang tính biểu tượng là các ngôi đền cổ của chúng ta được tiền nhân chúng ta xạy dựng để tôn kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae: như ngôi thánh đường kính Thánh Sophia thành Kiev, Tu viện Tổng Lãnh Thiên Thần Micae Mái Vòm Vàng, Kiev-Pechersk Lavra và Tu viện Vydubychi, những nơi chứng minh rằng chúng ta có lịch sử hàng nghìn năm và rằng nhà nước Ukraine của chúng ta và Giáo hội Ukraine của chúng tôi có nguồn gốc lịch sử như vậy”.
Thánh Michael vẫn là một người bảo vệ mạnh mẽ, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, đối với người dân Kiev.
Xin Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Kiev.
Source:Aleteia
2. Người Công Giáo không được phép làm gì trong Mùa Chay?
Người Công Giáo tại Hoa Kỳ không được phép ăn thịt vào các ngày thứ Sáu và phải giữ chay trong ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Hàng năm, nhiều người Công Giáo sẽ hỏi họ không được phép làm gì trong Mùa Chay, cố gắng bảo đảm rằng họ không vi phạm các quy tắc chính thức của Giáo Hội Công Giáo.
Trên thực tế, người Công Giáo được phép làm nhiều việc trong Mùa Chay, vì việc cử hành mùa sám hối hiện đại dễ dàng hơn so với trước đây.
Chẳng hạn, trước đây Giáo hội hướng dẫn các tín hữu kiêng thịt trong tất cả các ngày của Mùa Chay chứ không chỉ thứ Sáu. Điều này đã chính thức được nới lỏng sau Công đồng Vatican II, trong khi vẫn coi các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay là những ngày kiêng thịt. Tại một số quốc gia, Hội Đồng Giám Mục có thể miễn việc kiêng thịt các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay.
Bộ Giáo luật hiện hành liệt kê những yêu cầu tối thiểu đối với người Công Giáo Rôma, hướng dẫn họ những điều họ không được phép làm trong Mùa Chay.
Điều 1250 cho biết: Những ngày và mùa sám hối trong Giáo Hội toàn cầu là các ngày thứ sáu trong năm và mùa Chay.
Điều 1251 nói thêm: Vào các ngày thứ sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hoặc phải kiêng một thức ăn nào khác, theo quy dịnh của Hội Đồng Giám Mục; nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kính nhớ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Nói một cách chính xác, đó là những “quy tắc” bổ sung duy nhất mà Giáo Hội Công Giáo đưa ra cho người Công Giáo về những gì họ được phép làm trong Mùa Chay.
Việc giữ chay là bắt buộc đối với những người Công Giáo trong độ tuổi từ 14 đến 59, và theo truyền thống bao gồm những điều sau đây, như đã được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ làm rõ.
Đối với các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Latinh, các tiêu chuẩn về việc ăn chay là bắt buộc từ 14 tuổi đến 59 tuổi. Khi ăn chay, một người được phép ăn một bữa đầy đủ, cũng như hai bữa ăn nhỏ cộng lại không bằng một bữa ăn đầy đủ. Các quy tắc liên quan đến việc kiêng thịt là ràng buộc đối với các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Latinh từ 14 tuổi trở đi.
Đây là quy tắc chung, nhưng có thể được điều chỉnh bởi các Hội Đồng Giám Mục địa phương.
Bên cạnh hai quy tắc cơ bản đó, người Công Giáo được phép lựa chọn những kỷ luật sám hối cho riêng mình trong Mùa Chay.
Luật Chúa ràng buộc tất cả các tín hữu Kitô phải đền tội mỗi người theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, để tất cả mọi người được hiệp nhất với nhau bằng một số việc tuân thủ thông thường liên quan đến việc đền tội, những ngày đền tội được quy định trong đó các tín hữu Kitô giáo dành thời gian đặc biệt cho việc cầu nguyện, thực hiện các công việc của lòng đạo đức và bác ái.
Source:Aleteia
3. Đức Hồng Y Y Dolan thăm nhà thờ Công Giáo Ukraine ở New York để biểu thị tình đoàn kết
Ngay trước khi Hồng Y Timothy Dolan của New York rời nhà thờ Công Giáo St. George của Công Giáo Ukraine ở hạ Manhattan vào ngày 27 tháng 2, ngài đã choàng tay qua Đức Cha Paul Chomnycky của giáo phận Công Giáo Ukraine Stamford, và nói, “hãy cho tôi biết chúng tôi có thể giúp bạn như thế nào.”
Khoảnh khắc giữa hai giám mục gói gọn lại một Thánh lễ 8 giờ sáng đầy xúc động tại St. George. Đức Cha Chomnycky chủ sự thánh lễ. Đức Hồng Y Dolan có mặt ở đó như một dấu chỉ của tình đoàn kết và sự quan tâm đối với người Ukraine ở New York và nước ngoài.
Trong lời phát biểu khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Hồng Y Dolan khuyến khích anh chị em giáo dân kiên trì cầu nguyện.
“Anh chị em là một quốc gia độc lập, mạnh mẽ. Anh chị em được lấp đầy bởi những người có đức tin và danh dự. Gia đình của anh chị em, bạn bè của anh chị em, ở nhà đang đau khổ và anh chị em đau khổ với họ. Các nhà lãnh đạo thế gian có thể làm chúng ta thất vọng, nhưng Chúa sẽ không bao giờ làm ta nản lòng. Và khi anh chị em cũng như tôi không biết phải đi đâu, phải làm gì khác thì chúng ta hãy cầu nguyện.”
Hơn 100 người đã đến tham dự Thánh lễ, đây là Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại St. George kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Đức Hồng Y Dolan bước vào nhà thờ khoảng 7:45 sáng. Ngài chào hỏi giáo dân khi tiến đến bàn thờ - ôm và nói với một số người rất xúc động trên đường đi”.
Đức Cha Chomnycky nói với Crux sau thánh lễ rằng sự hiện diện của Đức Hồng Y Dolan là khích lệ rất lớn đối với cộng đồng Ukraine. Thành phố New York có dân số Ukraine lớn nhất ở Mỹ, vào khoảng 150,000 người.
“Chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y rất có ý nghĩa vì điều đó cho thấy rằng chúng tôi không đơn độc, rằng chúng tôi có những người bạn tốt, những người bạn sẽ ủng hộ chúng tôi và sát cánh cùng chúng tôi và đặc biệt là vào thời điểm như thế này, điều quan trọng là phải biết rằng có những người tốt trên trái đất này, những người hiểu sự thật, công lý và muốn giúp Ukraine,” Đức Cha Chomnycky nói.
Trong nhận xét của ngài, Đức Hồng Y Dolan, nói với các giáo dân rằng tổng giáo phận đang “dành cho anh chị em tình yêu và sự hỗ trợ của chúng tôi.”
Sau đó, khi Đức Hồng Y Dolan được hỏi rằng ngài có thông điệp gì cho người Ukraine không, vị Hồng Y nói rằng thật ra người Ukraine đã gửi cho ngài những thông điệp. Ngài gọi họ là những người dũng cảm, danh dự, mạnh mẽ, độc lập, yêu đất nước, Thiên Chúa, đức tin và sự độc lập của họ, điều này đã truyền cảm hứng cho ngài”.
“Có một phụ nữ lớn tuổi trong đó vừa nói với tôi, 'Họ đang chiến đấu với sự mù quáng. Chúng con đang chiến đấu tràn ngập sự sống và ánh sáng, 'và như thế chị ấy đã đưa ra cho tôi một thông điệp,' Dolan nói. “Đó là lý do tại sao tôi yêu mến họ và kính trọng họ. Chúa đang nói với họ 'Thầy đứng về phía anh chị em, và anh chị em đứng về phía Thầy.'“
Đức Cha Chomnycky nói về thách thức đối với người Ukraine ở Mỹ, đặc biệt là New York, khi họ cảm thấy “vô vọng” từ quan điểm rằng họ không biết làm thế nào để giúp đỡ gia đình và bạn bè của họ ở quê nhà. Ngài nói rằng mọi người có thể giúp đỡ bằng cách nói ra sự thật về những gì đang xảy ra ở Ukraine và tham gia vào các hoạt động quyên góp để gửi viện trợ về nước. Tuy nhiên, cũng như Đức Hồng Y Dolan, Đức Cha Chomnycky cho biết điều tốt nhất mọi người có thể làm là tiếp tục cầu nguyện.
“Đó là những gì chúng ta phải làm,” Đức Cha nói. “Lời cầu nguyện có thể uốn cong thép và đó là hy vọng của chúng ta.”
Đức Cha Chomnycky nói rằng ngài ngạc nhiên vì điều này có thể xảy ra trong thế kỷ 21, gọi Tổng thống Nga Vladamir Putin là một “người loạn trí” và đưa ra lập luận rằng nếu không có Tổng thống Nga thì điều này sẽ không xảy ra bởi vì ngài cảm thấy “Phần lớn người dân Nga không đồng ý với điều này.”
Đức Cha cũng nhắm vào Giáo Hội Chính thống Nga vì sự đồng lõa của Thượng Phụ Kirill.
Đức Cha Chomnycky nói: “Họ phải là những tiên tri nhưng họ không hành động như thế. Họ đang là công cụ của nhà cầm quyền trong khi vai trò của Giáo Hội là trở thành những nhà tiên tri trong xã hội của chúng ta để chỉ ra sự thật và ánh sáng; và nếu bạn quỳ lạy những quyền lực thì bạn không còn là một tiếng nói tiên tri, và tôi e rằng họ đã đánh mất ân sủng tiên tri đó.”
Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của tổng giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia đã đưa ra nhận xét tương tự với Crux về Giáo Hội Chính thống Nga. Đức Cha Gudziak than thở rằng nhà lãnh đạo của Chính Thống Giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã ca ngợi và chào đón Putin và quân đội Nga vào tuần trước cùng thời điểm họ xâm lược Ukraine. Đức Cha Gudziak cũng lưu ý rằng nhiều người sẽ chết vì cuộc xâm lược oái oăm thay lại là các thành viên của Giáo Hội Chính Thống Giáo trực thuộc Mạc Tư Khoa sống ở miền Đông Ukraine.
Đức Cha Gudziak chua chát nói: “Họ là những người nói tiếng Nga, con chiên của Tòa Thượng Phụ Nga đang bị giết; và Đức Thượng Phụ của họ ca ngợi những kẻ giết người. Thật là tai tiếng.”
Đức Hồng Y Dolan kết thúc lời nhận xét của mình với các tín hữu hồi tưởng về chuyến đi của ngài đến Ukraine để khánh thành một nhà thờ ở Kiev, và lưu ý rằng chính ngôi thánh đường đó đã được đặt tên là “nhà thờ phục sinh”.
Đức Hồng Y nói: “Người dân Ukraine đã từng trải qua các cuộc thương khó, chịu đóng đinh và đang trải qua thảm cảnh ấy một lần nữa, nhưng anh chị em luôn truyền cảm hứng cho chúng tôi vì niềm tin của anh chị em vào sức mạnh của mầu nhiệm phục sinh”.
Source:Crux