1. Nigeria: Linh mục bị bắt cóc và chủng sinh được trả tự do. Lời cầu nguyện cùng Đức Mẹ

Một linh mục và một chủng sinh bị bắt cóc hôm thứ Sáu ở Bang Abia, đông nam Nigeria, đã được trả tự do mà không ai bị thương vào hôm thứ Hai, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cha Spiritan Chinedu Nwadike, phó Giám đốc tại Đại học Spiritan Nneochi, cùng với một chủng sinh, đã bị bắt cóc dưới các họng súng ngay sau khi lái xe ra khỏi cổng trường đại học trên đường đến Enugu.

Báo chí địa phương cho biết gần đây đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc và âm mưu bắt cóc tại địa điểm này trên đường cao tốc, cách một trạm kiểm soát quân sự không xa. Cảnh sát trong khu vực đã cáo buộc chính các binh sĩ có liên quan đến một vụ bắt cóc.

Trong các trường hợp bị bắt cóc như thế, Giáo Hội địa phương phải trả một món tiền chuộc rất lớn. Tệ hại hơn, trong trường hợp có hai người bị bắt cóc chung với nhau như thế, một người sẽ bị giết để gây áp lực phải nhanh chóng trả tiền chuộc. Điển hình là trường hợp hai anh em của Cha Vitus Borogo. Vị linh mục 50 tuổi đã bị sát hại dã man tại Kujama thuộc Khu vực chính quyền địa phương Chikun vào hôm thứ Bảy, ngày 25 tháng Sáu. Em của ngài là anh Cyril Youguhime Borogo cũng bị bắt trong cuộc tấn công và bọn cướp đã đòi số tiền chuộc khổng lồ. Bạn bè, đồng nghiệp, bạn học cũ và các thành viên trong cộng đồng của họ đã đóng góp tiền để bảo đảm cho anh ta được thả.

Một người thân của cha Nwadike đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi ngài an toàn và cảm ơn tất cả những người đã cầu nguyện cho việc trả tự do cho cả hai con tin.

Cha Spiritan Chinedu Nwadike cho biết ngài tin rằng lời cầu nguyện với Đức Mẹ, đặc biệt khi ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời gần đến đã dẫn đến kết cục may mắn này.

Tình hình ở Nigeria đã khiến nhiều người tin rằng những gì đang xảy ra là “chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”, Cha Patrick Alumuku, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, nói với ACI Africa tại Đại hội Công Giáo Liên Phi về Thần học, Xã hội và Mục vụ Life.

Ngài nói rằng Giáo hội ở Nigeria không có khả năng bảo vệ người dân, bao gồm cả các linh mục từng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và giết người, và chính phủ có vai trò trao quyền cho các nhân viên an ninh trong nước để bảo vệ những thường dân vô tội.

“Giáo hội mong muốn bảo vệ nhân sự của chính mình. Nhưng liệu Giáo hội có đủ năng lực để bảo vệ con người không? Giáo hội có quân đội không? Giáo Hội có cảnh sát không? “ vị linh mục người Nigeria nói thêm, “Chính phủ lẽ ra phải cung cấp cho cảnh sát bất cứ thứ gì cần thiết, đạn dược, hậu cần để có thể giải quyết việc này; nhưng có vẻ như chính phủ không quan tâm đến việc giải quyết những thách thức này “.

Ngài nói tiếp rằng, “Chính phủ tỏ ra bất lực. Trên thực tế, có những người cảm thấy rằng đây là chủ nghĩa khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Ngài cảm thấy bối rối khi không có hành vi tàn bạo nào đối với các tín hữu Kitô ở Nigeria đã được giải quyết tại tòa án.

“Trong số tất cả những trường hợp các linh mục bị sát hại, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các linh mục đã bị bắt cóc, thậm chí không có một người nào bị bắt. Trong số tất cả các nhà thờ bị cháy hoặc bom phát nổ, không một người nào bị bắt, bị đưa ra tòa, bị xét xử và bị kết tội,” Cha Alumuku nói.
Source:Independent Catholic News

2. Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Thụy Sĩ kêu gọi Giáo Hội Công Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ và chúc lành hôn nhân đồng tính

Hôm thứ Hai, Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ đã công bố một tài liệu liên quan đến Thượng đồng về tính đồng nghị sắp tới tại Rôma, trong đó báo cáo rằng Giáo Hội Công Giáo bị coi là bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo quyền — đã “phủ nhận quyền bình đẳng đối với phụ nữ” và loại trừ “những người LGBTQ”.

Theo CNA Deutsch, báo cáo của Thụy Sĩ cho rằng: “Một số quan điểm chính thức của nhà thờ về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và xã hội, và về tình dục và lối sống được đánh giá là không phù hợp và loại trừ”.

Các giám mục giải thích rằng: “Thượng đồng về tính đồng nghị của Thụy Sĩ, được tổ chức vào ngày 30 tháng 5 năm nay, tại Einsiedeln Abbey, đã hoàn thiện bản báo cáo dựa trên các nhận xét và yêu cầu điều chỉnh”.

“Đại hội đồng này có nhiệm vụ kết hợp các báo cáo xuất hiện từ giai đoạn cấp giáo phận của Thượng hội đồng thành một báo cáo tổng thể cấp quốc gia.”

Tài liệu không nói gì về số lượng người tham gia vào các cuộc khảo sát là một phần của quy trình thượng hội đồng trên toàn thế giới.

CNA Deutsch báo cáo rằng, ở Đức “số lượng tín hữu tham gia cuộc khảo sát của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới ở các giáo phận” chỉ ở “tỷ lệ phần trăm thấp nhất ở mức một con số”, nói khi đi là chưa đến 10%.

Các giám mục cho biết: “Tại Thụy Sĩ, các cuộc tranh luận và các câu hỏi của Thượng hội đồng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phép Rửa Tội đối với đời sống của Giáo hội.

“Người ta nhấn mạnh rằng một giáo hội đồng nghị ngày càng công nhận 'phẩm giá và ơn gọi vương giả, tư tế và tiên tri' của những người được rửa tội.”

Đặc biệt, hai điểm được nhấn mạnh, đó là “cần vượt qua cảm nghiệm trong đó nhiều người thấy mình bị loại ra khỏi việc tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội” và một cuộc kiểm tra phê phán “chủ nghĩa giáo sĩ vẫn còn tồn tại ở một số nơi”.

Báo cáo cũng cho biết tính đồng nghị sẽ chỉ thành công khi “chủ nghĩa giáo sĩ được khắc phục và sự hiểu biết về chức tư tế ngày càng phát triển như một yếu tố thúc đẩy đời sống của một giáo hội theo định hướng đồng nghị hơn.”

Về chủ nghĩa giáo sĩ, báo cáo dài 11 trang cho biết: “Sự chỉ trích việc thực thi quyền lực của các thừa tác viên được kích hoạt bởi những quan sát về tâm lý giáo sĩ, lạm dụng quyền lực, sự thiếu hiểu biết về thực tế cuộc sống và văn hóa ở Thụy Sĩ, đánh giá thấp giá trị phụ nữ và sự khước từ những người trong quang phổ LGBTQ, rút lui vào quan niệm bản sắc cá nhân như một linh mục, thiếu quan tâm đến mọi người, không quan tâm đến người nghèo, v.v.”

Trong một phần khác, báo cáo cũng trích dẫn các phiếu bầu của thiểu số. Những điều này chủ yếu nhằm mục đích “đặt câu hỏi về sự cần thiết của một nền văn hóa đồng nghị đối với Giáo Hội Công Giáo, không làm thay đổi vai trò của các linh mục và hình dạng phẩm trật hiện tại của Giáo hội, hạn chế ảnh hưởng của giáo dân nam nữ trong Giáo hội, và bảo tồn và phát huy hơn nữa các hình thức phụng vụ truyền thống, đặc biệt là 'hình thức ngoại thường.'“

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Thượng đồng về tính đồng nghị vào tháng 3 năm 2020 để “tạo cơ hội cho Toàn thể dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến lên trên con đường trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn về lâu dài”.

Quá trình chuẩn bị Thượng hội đồng bắt đầu với các cuộc tham vấn ở cấp giáo phận vào tháng 10 năm 2021. Một giai đoạn lục địa dự kiến bắt đầu vào tháng 3 năm 2023. Giai đoạn cuối cùng và phổ quát sẽ bắt đầu với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường kỳ lần thứ 16 với chủ đề “Vì một Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông, dự phần và Truyền giáo,” tại Vatican vào tháng 10 năm 2023.
Source:Catholic News Agency

3. Vị Hồng Y tương lai giúp đỡ các linh mục trên toàn thế giới

Ở tuổi 72, “Đức Tổng Giám Mục Du,” như ngài thường được gọi ở Rôma, ngày nay là người trong Giáo triều Rôma phụ trách 410.000 linh mục, 46.000 phó tế và gần 7.000 chủng viện đang hoạt động trên thế giới. Được mọi người biết đến bởi nụ cười tươi và khiếu hài hước đặc biệt, vị Tổng Giám Mục Hàn Quốc là một phần của thế hệ lãnh đạo “trẻ” này — cùng với Hồng Y Grech, Semeraro, và Hồng Y Roche trong tương lai - những người gần gũi với Đức Giáo Hoàng và sẽ đóng các vai trò quan trọng trong những năm tới.

Đến Rome vào năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Du Huỳnh Trị đến từ Luân Sơn (Nonsan, 논산시), một thị trấn nhỏ gần Đại Điền (Daejeon, 대전시) ở miền trung Hàn Quốc, trong một khu vực nổi tiếng với sự năng động về kinh tế và khoa học. Sinh ra trong một gia đình Công Giáo, ngài gia nhập chủng viện tại Đại học Công Giáo Hàn Quốc ở Hán Thành năm 18 tuổi.

Giám mục của ngài đã gửi ông đến Rôma vào năm 1976 để học tại Đại học Giáo Hoàng Latêranô. Ngài được thụ phong ở đó vào năm 1979. Vị linh mục trẻ tiếp tục học và lấy bằng tiến sĩ thần học tín lý vào năm 1983.

Sau đó, ngài trở về Hàn Quốc sau bảy năm ở Thành phố Vĩnh cửu, một cơ hội để mở mở rộng tầm mắt với tính phổ quát của Giáo hội và nói tiếng Ý lưu loát. Sau đó, ngài làm linh mục tại nhà thờ chính tòa Đại Điền và được bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm giáo dục Công Giáo của giáo phận vào năm 1984, và sau đó là giám đốc mục vụ của giáo phận vào năm 1989. Năm 1994, ngài trở thành linh hướng và giáo sư tại Đại học Công Giáo Đại Điền, và sau đó là chủ tịch của trường đại học vào năm 1998.

Một giám mục năng động

Năm 2003, ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm trở thành Giám Mục Phụ Tá của giáo phận quê hương, và trở thành giám mục của giáo phận này vào năm 2005 sau khi người tiền nhiệm nghỉ hưu. Giáo phận của ngài nổi tiếng là giáo phận của hầu hết các vị tử đạo của Hàn Quốc được Đức Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1984, trong đó có vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc, là Thánh Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아). Đức Tổng Giám Mục Du Huỳnh Trị đã đặc biệt tích cực trong việc quảng bá di sản anh hùng của các vị thánh địa phương này.

Với tư cách là giám mục, ngài nổi bật vì sự cam kết của mình với Caritas Hàn Quốc, mối quan tâm của ngài đối với các vấn đề xã hội và di cư, và mục vụ giới trẻ. Từng là thành viên của phong trào Focolare hay Tổ Ấm, ngài đã tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Brazil và sau đó tổ chức Ngày Giới trẻ Á Châu tại giáo phận của mình vào năm 2014.

Năm 2020, ngài được các Giám Mục Hàn Quốc chọn làm thư ký của Hội đồng Giám mục.

Người muốn đưa Đức Giáo Hoàng đến Triều Tiên

Cam kết của ngài trong việc hòa giải với Triều Tiên đã để lại dấu ấn và khiến ngài được biết đến vượt ra ngoài biên giới của đất nước mình. Với tư cách là giám mục, ngài đã bốn lần vượt vĩ tuyến 38 để tháp tùng các đoàn xe nhân đạo.

Vào năm 2021, ngài đã gây tiếng vang lớn khi nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang có kế hoạch đến thăm Triều Tiên: đây thực tế là một dự án tuyệt vời mà vị tổng giám mục đã luôn hiện diện trong các lời cầu nguyện và tuyên bố của mình kể từ năm 2019.

Việc Đức Giáo Hoàng lựa chọn đưa ngài đến Rôma để đứng đầu Bộ Giáo sĩ không có gì đáng ngạc nhiên: Rôma nhận thấy sự năng động to lớn của Giáo Hội Công Giáo ở Hàn Quốc. Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng người Công Giáo tăng lên trong những thập kỷ gần đây, đạt 11% dân số.

Sự tăng trưởng này dựa trên giải pháp thay thế mà Giáo Hội Công Giáo đưa ra cho một xã hội là “nạn nhân của chủ nghĩa vật chất, sự đố kỵ, cạnh tranh ích kỷ, trong xã hội mà chủ nghĩa vô thần cũng đang gia tăng, trong cộng đồng, Đức Tổng Giám Mục Du Huỳnh Trị cho biết như trên với Asianews vào năm 2020.

Động lực mới được đưa ra bởi Đức Tổng Giám Mục You với tư cách là người đứng đầu Bộ Giáo Sĩ còn quá sớm để có thể đo lường được vào thời điểm này. Tuy nhiên, ngài đã được đánh giá đặc biệt bởi một số giám mục Thụy Sĩ và Pháp, những người đã gặp ngài trong các chuyến thăm ad limina trong những tháng gần đây.

Cam kết chống lại sự suy giảm ơn gọi

Được Vatican News phỏng vấn vào ngày 24 tháng 6, ngài cho biết ông “rất lo ngại” về sự suy giảm các ơn gọi linh mục đang diễn ra ở “hầu hết mọi quốc gia”. Đối với ngài, những ơn gọi mạnh mẽ được ghi nhận ở Hàn Quốc trên hết là một món quà mà Thiên Chúa đã ban cho họ và tiếp tục ban cho họ “qua các vị tử đạo của chúng tôi”.

Do đó, trên hết là vấn đề đưa ra “những lời chứng đáng tin cậy” cho những người trẻ muốn trở thành linh mục, vị Hồng Y tương lai người Hàn Quốc nhấn mạnh. Ngài cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đào tạo “các linh mục vững vàng và trưởng thành”, đặc biệt là để diệt trừ tệ nạn lạm dụng.
Source:Aleteia