Tình trạng Thượng Phụ Kirill không khả quan như mong đợi

Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho biết, tình trạng của Thượng Phụ Kirill không cải thiện bao nhiêu sau khi bị nhiễm coronavirus vào ngày 30 tháng 9 vừa qua.

Thượng phụ Kirill sẽ không thể thực hiện các chuyến thăm tới nhà thờ chính tòa Thánh Sergiô của Trinity Lavra và Tu viện Donskoy theo kế hoạch vào ngày 8 tháng 10 và ngày 9 tháng 10. Ngài vẫn mệt nhọc và vẫn có kết quả xét nghiệm coronavirus dương tính, Vladimir Legoyda, người đứng đầu dịch vụ báo chí của Tòa Thượng Phụ, nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm 6 tháng 10.

Thượng phụ Kirill đã ccó kế hoạch chủ sự các buổi lễ nhà thờ vào những ngày tưởng nhớ Thánh Sergiô của Radonezh và Thánh Tikhon, Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga.

Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

Sau khi Putin tuyên bố lệnh động viên vào tuần trước, gây ra các cuộc biểu tình và một cuộc di cư của nam giới, vị giáo chủ này đã gây ra những tranh cãi lớn khi cho rằng những người lính Nga chết ở Ukraine sẽ được lên thiên đường.

Ông nói trong một bài giảng vào Chúa Nhật 25 tháng 9 rằng:

“Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều người đang chết trên các chiến trường trong nhiều khu vực. Giáo Hội cầu nguyện rằng trận chiến này sẽ kết thúc càng sớm càng tốt, để càng ít càng tốt những anh em phải giết nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Nhưng đồng thời, Giáo hội nhận ra rằng nếu ai đó, được thúc đẩy bởi ý thức về nghĩa vụ và nhu cầu thực hiện lời thề của họ đối với quốc gia, thực thi những gì mà bổn phận của họ yêu cầu, và phải chết khi thực hiện nghĩa vụ này, thì không nghi ngờ gì nữa, họ đã thực hiện một hành động tương đương với sự tử đạo.”

Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thượng phụ Kirill vì đã ủng hộ điều mà Điện Cẩm Linh gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Đáp lại các tuyên bố ủng hộ cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hơn 500 trí thức và nhà thần học, bao gồm cả một số Kitô hữu Chính thống giáo nổi tiếng của Nga, đã ký vào một tuyên bố được xuất bản bởi Trung tâm Nghiên cứu Kitô Chính thống tại Đại học Fordham ở New York nhằm tấn công quan điểm của Thượng Phụ Kirill kể từ đầu cuộc chiến.

Theo tuần báo La Vie của Pháp, Kirill bị cáo buộc “biện minh” cho cuộc xâm lược và những điều khủng khiếp đã gây ra ở Ukraine dưới danh nghĩa “dị giáo”, và khái niệm về một “thế giới Nga”. Điều này đang hợp nhất một tinh thần “dân tộc Nga” với chính trị của nước Nga, mang lại cho Tổng thống Putin những vũ khí để biện minh cho cuộc thập tự chinh của ông ta ở Ukraine.

“Cũng giống như Nga đã xâm lược Ukraine, Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của Thượng phụ Kirill đã xâm lược các Giáo Hội Chính thống trên thế giới”, các trí thức trách móc, phẫn nộ trước việc tạo ra sự chia rẽ và những nguy cơ to lớn đe dọa phần rỗi của các tín hữu.

Một trong những người ký tên, Sergei Chapnin, cựu phó tổng biên tập Tạp chí của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, cho rằng Thượng phụ Kirill đã “mất thẩm quyền” và gây ra sự chia rẽ trong Chính thống giáo Nga giữa một Giáo hội chính thức “sẵn sàng quên đi Phúc âm. và biện minh cho tội ác chiến tranh và một Giáo hội tìm cách sống theo các điều răn của Chúa Kitô, trước khi ông kết luận rằng “Hai Giáo hội này không thể tiếp tục tồn tại dưới cùng một mái nhà”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một diễn biến hết sức kinh khủng đối với nhiều người, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill đã trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin Đức Mẹ phù hộ cho quân Nga mau thắng trận. Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cử chỉ quá sức báng bổ. Làm sao Đức Mẹ lại có thể phù hộ cho những kẻ xâm lược giết hại thường dân vô tội như thế.

Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:

“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, trong khi tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo Nga “chúc lành”.

Kho lưu trữ của KGB được mở cửa một thời gian ngắn ngủi sau khi Liên Xô sụp đổ, và một cựu giám đốc tàng thư, Vasiliy Mithrokhin bỏ trốn sang Anh đã giúp khẳng định rằng Vladimir Mikhailovitch Goundiaiev, là tên khai sinh của Kirill, thực sự là gián điệp của KGB. Năm 22 tuổi, ngay cả trước khi được phong chức giáo sĩ, và chỉ mới đi tu được ba năm ở Leningrad, ông đã được gởi sang chu du các nước tư bản. Điệp viên Mikhailov, bí danh của Kirill, 25 tuổi, được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tại Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Genève dù một năm sau đó, năm 1969 ông mới được phong chức linh mục.