Khi dựng nên con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã trải qua 1 tiến trình như sau:

* Thiên Chúa nói: “Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta, giống họa ảnh Ta, và để chúng thống trị cá dưới biển chim trên trời, mọi gia súc, khắp mặt đất, mọi tạo vật di chuyển trên đất”

* Thế là Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, Người dựng nên nó theo hình ảnh Người; Người dựng nên chúng có nam có nữ.

* Người chúc lành cho chúng và nói với chúng: “Hãy sinh sôi nẩy nở; hãy làm đầy trái đất và khuất phục nó. Hãy thống trị cá biển và chim trời và mọi sinh vật di chuyển trên đất”. (Xem Sáng Thế I: 24-31).



Vì đụng tới “hình ảnh và họa ảnh” của mình, nên Thiên Chúa phải bàn bạc với nhau trước khi dựng nên con người, và Người dựng nên họ “có nam có nữ”. Trong việc dựng nên các loài khác, không thấy nhắc tới hai yếu tố này. Hiển nhiên, yếu tố nam nữ và yếu tố hình ảnh cùng họa ảnh hẳn có liên hệ với nhau.

Trước khi đi vào việc tìm hiểu thêm, tưởng cũng nên lưu ý: “hình ảnh Thiên Chúa” được nói tới 3 lần trong St 1: 26-27 trong tương quan với con người nam nữ. Còn hạn từ chỉ hành động sáng tạo của Thiên Chúa (bara) được lặp đi lặp lại 3 lần trong một câu duy nhất là câu St 1:27, như một lối song hành.

Điều ta muốn biết ở đây là ý nghĩa thực sự của kiểu nói: dựng nên con người có nam có nữ giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Và điều này có liên quan ra sao với mối tương quan nam nữ có tính bổ túc đối với Thiên Chúa và đối với nhau.

Trong bài này (1) ta sẽ tìm hiểu ba vấn đề: Thứ nhất: hình ảnh Thiên Chúa là gì? Thứ hai, dựng nên nam nữ theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa gì, khi nhấn mạnh tới cả sự bình đẳng hoàn toàn giữa hai phái tính lẫn sự khác biệt giữa chúng với nhau. Thứ ba, phải hiểu thế nào về bản chất bổ túc cho nhau như là nam nữ trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau.

I. Ý nghĩa của việc dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa

Trong lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều lối giải thích ý nghĩa của việc con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Có thể gom các lối giải thích này vào ba loại sau đây.

A. Lối hiểu truyền thống về hình ảnh Thiên Chúa

1. Quan điểm cơ cấu: Lối truyền thống thịnh hành nhất cho rằng hình ảnh Thiên Chúa nơi con người phải liên hệ tới cách con người giống Thiên Chúa nhưng không giống các tạo vật khác. Dù sao, vì con người và các thú vật khác đều là tạo vật, những khía cạnh ta có chung với chúng không thể cấu thành ra điều làm chúng ta khác với chúng. Do đó, nó phải là một khía cạnh nào đó thuộc cơ cấu hay bản thể con người. Đây là ý kiến của các vị sau đây:

a) Thánh Irênê (c. 130-200) phân biệt hình ảnh (zelem) với họa ảnh (damut) của Thiên Chúa nơi con người. Ngài cho rằng hình ảnh Thiên Chúa chính là lý trí và ý chí ta, còn họa ảnh Thiên Chúa là sự thánh thiện và liên hệ thiêng liêng của ta với Thiên Chúa. Thành thử, họa ảnh Thiên Chúa là điều bị mất khi sa ngã và được phục hồi khi được cứu chuộc, trong khi mọi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa nhờ các khả năng lý trí và ý chí của họ (2).

b) Thánh Augustinô (354-430) hiểu hình ảnh Thiên Chúa như sự phản chiếu Ba Ngôi Thiên Chúa giống như gương soi qua ba khả năng khác biệt nhau nhưng kết hợp với nhau là trí nhớ, trí hiểu và ý chí. Dù không gọi ba khả năng này là loại suy chính xác của Ba Ngôi, nhưng ngài quả quyết rằng Thiên Chúa Ba Ngôi đã được phản chiếu trong ta khi ta được gọi là hình ảnh Thiên Chúa (3).

c) Thánh Tôma Aquinô (1224-1274) cho rằng hình ảnh Thiên Chúa chính là lý trí con người nhờ đó, ta có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Theo ngài, các thiên thần giống hình ảnh Thiên Chúa hơn, nên các ngài biết và yêu mến Chúa cách hoàn hảo hơn. Dù con người sa ngã đánh mất hồng ân phụ trội (donum superadditum) là ơn thánh Chúa nên họ không thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa theo mức họ nên làm, họ vẫn giữ được khả năng thuận lý và một hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa; do đó, họ vẫn giữ được hình ảnh Thiên Chúa (4).

d) John Calvin (1509-1564) coi linh hồn con người chứa đựng hình ảnh Thiên Chúa. Ông hiểu linh hồn chỉ cả trí lẫn tâm nhờ đó, họ nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Vì con người sa ngã quay qua trí trá và chống lại Thiên Chúa, nên hình Thiên Chúa bị méo mó nặng nề trong linh hồn kẻ dữ. Tuy thế, trong họ, vẫn còn “những vết tích lưu lại” của hình ảnh Thiên Chúa, vì họ vẫn còn duy trì được khả năng có tính nhân bản rõ rệt là lý trí và ý chí (5).

2. Quan điểm tương quan: Chỉ mới gần đây, một cách hiểu khá trổi vượt khác đã được khai triển. Thay vì coi hình ảnh Thiên Chúa như chỉ một khía cạnh nào đó trong bản tính con người, quan điểm này coi nó như một phản ảnh mối tương quan của ta với nhau và với Thiên Chúa. Do đó, dù đúng là Thiên Chúa đã ban cho ta lý trí, linh hồn, ý chí, và nhiều khả năng khác, nhưng không khả năng nào trong số này cấu tạo ra hình ảnh Thiên Chúa. Đúng hơn, chính việc sử dụng các khả năng này trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác đã phản ảnh việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

a) Karl Barth (1886-1968) cho rằng từ trước tới nay, người ta ít chịu lưu ý tới việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa thực ra có nghĩa gì.Theo ông, trong St 1:26-27 (xem thêm St 5:1-2), Thiên Chúa cố tình nói về Người ở số nhiều khi dựng nên con người cũng ở số nhiều như là nam và nữ. Thành thử, tốt nhất nên hiểu hình ảnh Thiên Chúa như bản tính có tính tương quan hay xã hội của sự sống con người khi Thiên Chúa dựng nên ta. Bởi thế cả nam và nữ cùng được dựng nên giống hình ảnh Người là có ý chỉ ý nghĩa tương quan của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người (6).

b) Emil Brunner (1889-1966) phân biệt nghĩa mô thức và nghĩa chất thể của hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh mô thức của Thiên Chúa nơi con người là khả năng giúp họ tương quan với Thiên Chúa qua việc nhận biết và yêu mến Người; hình ảnh chất thể được biểu lộ qua việc họ thực sự tìm kiếm nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Như thế, đối với Brunner, hình ảnh mô thức được duy trì sau khi sa ngã nhưng hình ảnh chất thể thì bị mất đi. Đối với Brunner, dù điều quan trọng là Thiên Chúa dựng nên ta với khả năng nhận biết và yêu mến Người (hình ảnh mô thức), tâm điểm của ý niệm hình ảnh Thiên Chúa phải liên hệ tới mối tương quan với Thiên Chúa, trong đó, ta biểu lộ niềm khát mong Thiên Chúa thực sự, tín thác nơi Người, và những ước mong được nhận biết và yêu mến Người (hình ảnh chất thể) (7).

3. Quan điểm chức năng: dù có nguyên lai từ lâu, nhưng mãi gần đây, quan điểm này mới được nhấn mạnh. Theo quan điểm này, không phải các khả năng bên trong của bản tính ta, cũng không phải tính tương quan của ta với con người hay với Thiên Chúa cấu tạo nên hình ảnh Thiên Chúa, mà chính tính chức năng của con người, một chủ thể vốn có trách nhiệm hành động như là đại diện của Thiên Chúa trước mọi tạo vật, mới chứng tỏ ta là hình ảnh của Người. Các người chủ trương quan điểm này như Leonard Verduin[8] và D. J. A. Clines[9] vốn cho rằng cách hai lần nhắc tới việc “thống trị” cá biển và chim trời v.v… trong St 1:26-28 không thể là chuyện tình cờ. Đúng hơn nó liên kết ý niệm hình ảnh Thiên Chúa với sự kiện này: Người đặt con người lên trên mọi tạo vật của thế giới để thống trị chúng nhân danh Người. Như thế, quản lý tạo vật như các phó nhiếp chính của Thiên Chúa là tâm điểm của việc là hình ảnh Thiên Chúa.

B. Đánh giá các lối hiểu truyền thống về hình ảnh Thiên Chúa

Rõ ràng ta phải đồng ý với Karl Barth rằng cái hiểu của chúng ta về hình ảnh Thiên Chúa phải được các bản văn Thánh Kinh hướng dẫn càng trọn vẹn càng hay. Một trong các vấn đề chính đối với phần lớn truyền thống (nhất là với quan điểm cơ cấu) là các đề xuất này được hướng dẫn bởi suy cứu (speculation) liên quan tới việc con người giống Thiên Chúa ra sao và không giống thú vật như thế nào nhiều hơn là bởi thận trọng lưu ý tới các chỉ dẫn trong các bản văn của Thánh Kinh xem việc giống này do đâu mà có… Các đoạn văn liên hệ, nhất là St 1:26-28, phải được coi là trung tâm và có tính giáo huấn nhiều hơn truyền thống nhiều.

Nét lôi cuốn chính của hai quan điểm tương quan và chức năng là đã quan tâm tới các điểm chính của St 1:26-28, nơi ta được dạy một cách rõ ràng và mạnh mẽ rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Quan điểm tương quan rất đúng khi nhấn mạnh sự kiện này: Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, chứ không dựng nên con người biệt lập và cá thể. Thế nhưng, người ta thắc mắc không biết trọng điểm của việc nhắc tới “nam và nữ” là muốn nói hình ảnh Thiên Chúa do tính tương quan về xã hội của họ cấu thành hay trọng điểm này chỉ đơn giản nói rằng cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều được dựng nên giống hình ảnh Người. Cách riêng, đề xuất của Barth gặp một số trở ngại. Thứ nhất, nếu tính tương quan cấu thành hình ảnh Thiên Chúa, thì ta phải giải thích ra sao giáo huấn của St 9:6 trong đó, việc giết một con người cá thể là một vi phạm phải tử hình chính vì kẻ bị giết đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa? Tính tương quan không liên hệ gì tới lệnh cấm giết người này. Mọi con người cá thể đều là hình ảnh Thiên Chúa và do đó, phải được cư xử với lòng tôn kính thích đáng. Thứ hai, Chúa Giêsu là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15) và điều này được nói về Người trong tư cách một cá nhân. Thứ ba, mọi cá nhân cá thể, kể cả Chúa Giêsu, Thánh Gioan Baotixita, và Thánh Phaolô, đều trọn vẹn là hình ảnh Thiên Chúa mà đâu có bao giờ phải bước vào cuộc kết hợp nam nữ như cặp vợ chồng đầu tiên nói ở St 2. Thành thử, khó có thể chấp nhận trọn vẹn lối giải thích tương quan, dù lối này quả có đóng góp vào lối hiểu tổng thể (holistic) về việc con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Quan điểm chức năng cũng có giá trị về phương diện Thánh Kinh vì đã đúng khi chỉ rõ mệnh lệnh kép ở St 1:26-28 về việc con người thống trị mọi tạo vật trên mặt đất. Sự nối kết này không thể là việc tình cờ; đúng hơn, nó chắc chắn đóng vai trò chủ yếu trong cái hiểu của ta về việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa gì. Ấy thế nhưng, chức năng luôn luôn và chỉ theo sau yếu tính. Nói cách khác, điều một sự vật có thể làm chỉ là một biểu thức nói lên điều nó là. Thành thử, nếu việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa của con người có tương quan với việc vận hành của họ cách nào đó, thì hẳn là vì con người họ đã được dựng nên cách nào đó nhờ thế (và chỉ nhờ thế), họ có khả năng thực thi chức năng được Thiên Chúa xếp đặt.

C. Tính tổng thể chức năng như là hình ảnh Thiên Chúa

Anthony Hoekema (10) gần đây có đưa ra một trong các cuộc thảo luận tinh tế nhất về hình ảnh Thiên Chúa. Người ta hẳn phải nhất trí với hệ luận trong câu hỏi sau đây của ông:

“Ta phải nghĩ về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người như là chỉ liên hệ tới điều họ là chứ không liên hệ tới điều họ làm, hay chỉ liên hệ tới điều họ làm, chứ không liên hệ tới điều họ là, hay liên hệ tới cả điều họ là và điều họ làm? Phải chăng “hình ảnh Thiên Chúa” chỉ mô tả cung cách con người hành động, hay nó cũng mô tả cả lối con người là nữa?” (11).

Hoekema bênh vực và khai triển một quan điểm về hình ảnh Thiên Chúa trong đó con người được coi là đã được Thiên Chúa dựng nên với một số khả năng thuộc cơ cấu (để “phản chiếu” Thiên Chúa) nào đó khiến họ có thể hành động trong việc thi hành các trách nhiệm trong mối tương quan mà Người đã trao cho họ phải làm một cách chuyên biệt (để “đại diện” Người). Như thế, quan điểm này nhấn mạnh tới các trách nhiệm chức năng và tương quan, trong khi các khả năng cơ cấu cung cấp điều kiện cần thiết để chức năng kia được thi hành. Đàng khác, Hoekema mô tả các yếu tố tương quan của chức năng này theo cung cách ta tương quan với Thiên Chúa, với người khác và với thế giới ra sao. Như thế, Thiên Chúa đã dựng nên ta cách đặc biệt, và đã làm như thế để ta hành động trong ba lãnh vực của tính tương quan, và điều này đã cấu tạo nên điều có nghĩa là dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hoekema tóm tắt quan điểm của ông như sau:

“Chúng ta thấy: hình ảnh Thiên Chúa diễn tả không những điều con người có mà còn cả điều con người là nữa. Nó có nghĩa thế này: con người nhân bản vừa phản chiếu vừa đại diện Thiên Chúa. Như thế, theo một nghĩa nào đó, hình ảnh này bao gồm luôn cả thể xác thể lý. Ta còn thấy thêm: hình ảnh Thiên Chúa bao gồm cả khía cạnh cơ cấu lẫn khía cạnh chức năng, dù ta phải nhớ rằng theo quan điểm Thánh Kinh, cơ cấu luôn có tính đệ nhị đẳng, trong khi chức năng có tính đệ nhất đẳng. Hình ảnh phải được nhìn trong mối tương quan ba chiều của con người: với Thiên Chúa, với người khác và với thiên nhiên” (12).

Một cái nhìn khác về hình ảnh Thiên Chúa cũng đã đóng góp đáng kể vào cuộc thảo luận về lối hiểu có tính tổng hợp này, tuy có đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiện tương quan của con người trong tư cách được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (13). Đó là cái nhìn của D. J. A. Clines. Ông xem xét St 1:26-28 theo cách sử dụng “hình ảnh Thiên Chúa” của Cận Đông Cổ Thời. Theo ông, ý niệm “hình ảnh Thiên Chúa” này được sử dụng rất rộng rãi trong nền văn chương Cận Đông Cổ Thời. Nhiều khi, các vật không có sự sống (đá, cây, ngẫu tượng) cũng được coi là hình ảnh các thần minh, và khi được coi như thế, chúng cũng được coi là có bản chất thần linh giúp chúng có một số quyền lực. Nhưng thông thường (và điều này quan trọng hơn đối với bối cảnh của St 1:26-28), hình ảnh thần minh thường là vua chúa hay một viên chức của hoàng gia. Trong trường hợp này, Clines nhận thấy có ba đặc điểm. Thứ nhất, thần minh sẽ đặt nơi vua chúa một chất linh thiêng nào đó (một chất lỏng, gió, hay hơi thở) sẽ khiến vua chúa có được những quyền lực ngoại thường, biến họ thành như thần minh và có khả năng đại diện cho thần minh trước mặt dân. Thứ hai, vua chúa phải hành xử như vị đại diện của thần minh và cai trị như vị phó nhiếp chính của thần minh, thay thế thần minh. Thứ ba, chỉ có vua chúa hay một viên chức cao cấp khác mới là hình ảnh thần minh; dân thường không bao giờ là hình ảnh thần minh được.

Khi mang áp dụng vào St 1:26-28, điều xem ra hợp lý là soạn giả có bối cảnh này trong đầu. Ít nhất, người ta cũng phải thắc mắc tại sao soạn giả lại không định nghĩa “hình ảnh Thiên Chúa” khi điều rõ ràng là hạn từ này có một tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Có lẽ vì ai cũng đã hiểu nghĩa của nó rồi. Nếu thế, theo Clines, “hình ảnh Thiên Chúa” ở St 1-2 chứa ba yếu tố song song tuy không đồng nhất với ba đặc điểm trong cái hiểu của Cận Đông Cổ Thời về hình ảnh thần minh. Thứ nhất, con người được dựng nên với một bản chất sao đó khiến các khả năng thần linh được ban cho họ để họ là điều họ phải là ngõ hầu làm được điều Thiên Chúa muốn họ làm. Clines nhắc đến việc “thổi” vào Ađam hơi thở sự sống ở St 2:7 là dấu chỉ cho thấy việc dựng nên ông có bao gồm việc Thiên Chúa ban quyền lực cần thiết để ông hành xử như là hình ảnh Thiên Chúa. Thứ hai, liền sau khi dựng nên ở St 2, Thiên Chúa đặt con người vào làm việc ngay, để quản lý và thống trị thế giới vốn là tạo vật riêng của Người. Con người được trao cho trách nhiệm canh tác thửa vườn, và được mời gọi đặt tên cho thú vật. Như thế, dù thửa vườn mà con người sống ở đó là của Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn trao trách nhiệm quản lý nó cho con người. Và điều quan trọng là dù thú vật là của Thiên Chúa, Người vẫn ban cho con người quyền và trách nhiệm đặt tên cho chúng (nên đặc biệt lưu ý câu tuyên bố ở St 2:19: hễ con người đặt tên thế nào cho một sinh vật, thì đó là tên của nó). Qua đó, con người chứng tỏ thẩm quyền xuất phát từ Thiên Chúa của mình đối với tạo vật, vì canh tác thửa vườn và nhất là đặt tên cho thú vật biểu tỏ quyền thống trị đúng đắn tuy dẫn xuất (derived) của họ đối với toàn bộ tạo vật. Thứ ba, chỗ mà St 1:26-28 bắt đầu tách khỏi khuôn mẫu Cận Đông Cổ Thời là sự kiện cả nam lẫn nữ đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Trong khi chỉ có vua hay viên chức hoàng gia của Cận Đông Cổ Thời là hình ảnh của thần minh, thì trong việc dựng nên con người, mọi người, cả nam lẫn nữ, đều là hình ảnh Thiên Chúa như nhau. Như thế, đàn ông và đàn bà, cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa và cùng chung trách nhiệm quản lý tạo vật trên mặt đất mà Thiên Chúa đã dựng nên.

Các đề xuất của Hoekema và Clines bổ túc cho nhau vì cả hai đều nhấn mạnh rằng các yếu tố cơ cấu, tương quan và chức năng cần được đem lại với nhau mới giúp ta hiểu việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa ở St 1:26-28 có ý nghĩa gì. Ấy thế nhưng, dù cả ba đều cần thiết, yếu tố cơ cấu vẫn là mục đích của yếu tố chức năng, một yếu tố được thể hiện trong mối tương quan. Như thế, ta có thể cho rằng đề xuất này bênh vực quan điểm “tổng thể chức năng” đối với hình ảnh Thiên Chúa. Nghĩa là, dù cả ba khía cạnh đều được vận dụng, nhưng ưu tiên dành cho chức năng do Thiên Chúa ban cho con người để họ thực thi các mục đích Người vốn dành cho họ thực hiện. Có lẽ ta có thể tóm tắt ý nghĩa của việc được dựng nên giống hình ành Thiên Chúa như sau:

Trong lối hiểu tổng thể có tính chức năng, hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa: Thiên Chúa dựng nên con người, cả nam lẫn nữ, để trở thành hình tượng có tính tạo dựng và hữu hạn (là hình ảnh Thiên Chúa) cho chính bản tính Người (là hình ảnh Thiên Chúa); trong mối tương quan với chính Người và với nhau, họ trở thành các đại diện của Người trong việc thi hành các trách nhiệm Người đã dành cho họ (làm hình ảnh Thiên Chúa). Theo nghĩa này, chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa để làm nổi hình ảnh Thiên Chúa (to image God) và các mục đích của Người bằng cách sắp xếp đời ta và thi hành các trách nhiệm Thiên Chúa đã dành cho ta.

Chúa Giêsu chắc chắn đã cho thấy ý nghĩa trên về hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống nhân bản trên thế gian của Người. Trở thành người hoàn toàn và được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Người quả là hình tượng hoàn toàn trung thực của Thiên Chúa trong chính bản tính nhân loại và hữu hạn của Người. Trong tương quan với Thiên Chúa và người khác, Người hoàn toàn và duy nhất tìm cách thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống thế gian (14). Hơn bất cứ con người nào khác, Chúa Giêsu cho thấy điều này như là ý muốn trước sau như một và thường hằng của Người. Người đại diện Thiên Chúa trong lời nói, trong thái độ, trong suy nghĩ, và trong hành động suốt cuộc sống và thừa tác vụ của Người. Do đó, các trách nhiệm Thiên Chúa dành cho Người, Người đã thi hành trọn vẹn. Rõ ràng là tính tổng thể chức năng đã hành động trong Chúa Giêsu trong tư cách hình ảnh Thiên Chúa. Trong tư cách ấy và trong bản tính nhân loại, Chúa Giêsu là hình tượng Thiên Chúa đến nỗi, trong tương quan với Thiên Chúa và người khác, Người đại diện Thiên Chúa trong việc chu toàn các trách nhiệm do Thiên Chúa ban khi Người hành động, luôn luôn và duy nhất để thực thi thánh ý Chúa Cha.

II. Nam và nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

A. Sự bình đẳng nam nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

Các nhà chủ trương bổ túc và các nhà chủ trương bình đẳng đều đồng ý với nhau rằng việc dựng nên nam và nữ như hình ảnh Thiên Chúa cho thấy giá trị người đàn bà bằng với giá trị người đàn ông vì đều trọn vẹn là những con người cả, với phẩm giá, giá trị và tầm quan trọng bằng nhau. Dù St 1:26-27 có nói tới việc Thiên Chúa dựng nên “người đàn ông (man)” giống hình ảnh Người, nhưng ở cuối câu 27, đoạn văn này cố ý mở rộng để nói rằng “Người dựng nên chúng có nam có nữ”

Rõ ràng ý định của bản văn muốn nói rằng cả người đàn ông lẫn người đàn bà đều có một nhân tính chung và có giá trị bằng nhau trước mặt Thiên Chúa (do đó, cả hai đều là người) ấy thế nhưng, không vì thế họ trở thành đồng nhất, y như nhau (do đó, họ khác biệt trở thành “nam và nữ”)

St 5:1-2 đã chỉ củng cố và tăng cường cái hiểu trên mà thôi. Ở đây, Thánh Kinh viết “Ðây là gia phả ông Ađam: Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ‘người (man)’, ngày họ được sáng tạo”. Cũng như ở St 1:26-27, ở đây ta thấy căn tính chung của cả nam và nữ, vì cả hai đều được đặt tên là “người”, thế nhưng nam và nữ vẫn là lối diễn tả khác nhau của cùng một bản tính chung và chiếm hữu ngang nhau là “người”. Như nhiều người đã nhận định, vì bản văn này được viết trong ngữ cảnh chế độ gia trưởng (patriarchal), nên quả là điều đáng lưu ý khi soạn giả Thánh Kinh quyết định đồng nhất hóa người nữ với người nam, xác nhận họ có cùng tên và bản tính là “người”. Nam và nữ, như thế, quả bình đẳng trong yếu tính và do đó bình đẳng trong phẩm giá, trong giá trị và tầm quan trọng.

Một chứng từ rõ ràng khác của Thánh Kinh đối với sự bình đẳng này tìm thấy nơi vị trí của người đàn ông và người đàn bà được cứu chuộc trong Chúa Kitô. Câu của Thư Galát 3:28 (“không phân biệt Do Thái hay Hy lạp, không phân biệt nô lệ hay tự do, không biệt nam hay nữ, vì anh chị em tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô”) cho thấy rõ: các phân biệt theo phái tính không có liên hệ gì tới thế đứng và công phúc ta có trong Chúa Kitô (15). Như Thánh Phaolô từng nói trong câu trước đó, tất cả những người chịu phép rửa nơi Chúa Kitô đều được mặc lấy Chúa Kitô” (3:27). Như thế, cả đàn ông và đàn bà, những người trở thành con cái Chúa nhờ đức tin, đều được dự phần vào lời hứa của Người và tất cả những gì do lời hứa này phát sinh (3:29). Thánh Phêrô cũng lặp lại ý tưởng này khi ngài khuyên các người chồng tín hữu phải tỏ lòng kính trọng vợ như những người đồng thừa hưởng ơn thánh của đời sống trong Chúa Kitô với mình (1Pr 3:7). Vợ chồng Kitô hữu có cùng một thế đứng hoàn toàn bình đẳng trong Chúa Kitô: cả hai được đức tin cứu vớt, cả hai được kết hợp trọn vẹn với Chúa Kitô, và cả hai đều là người thừa hưởng mọi kho tàng của Chúa Kitô. Các đoạn Tân Ước này phản ảnh giáo huấn Thánh Kinh dạy rằng: nam nữ bình đẳng trong nhân tính của họ thế nào (St 1:26-27), thì họ cũng bình đẳng như thế trong việc tham dự vào sự viên mãn của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc họ (Gl 3:28).

B. Sự dị biệt hóa nam nữ như là hình ảnh Thiên Chúa

Sau khi quả quyết sự bình đẳng hoàn toàn trong yếu tính của người đàn ông và người đàn bà như đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, một nhận xét hiển nhiên cần phải đưa ra vì có hệ luận khá quan trọng, đó là: dù người nam là người hoàn toàn, nhưng họ cũng là người nam, chứ không phải người nữ; và dù người nữ là người hoàn toàn, nhưng họ cũng là người nữ, chứ không phải người nam. Nghĩa là, dù Thiên Chúa có ý định dựng nên người nam và người nữ như những người bình đẳng trong bản chất yếu tính là người của họ, Người cũng đồng thời có ý định dựng nên họ như những biểu thức khác nhau của cùng bản chất yếu tính ấy, vì nam và nữ quả phản ảnh việc làm người cách khác nhau. Thành thử, câu hỏi đặt ra cho chúng ta ở đây là: liệu một trong các dị biệt nam nữ này có liên hệ gì tới vấn đề được dựng nên giống hình ảnh Chúa có ý nghĩa gì với người đàn ông và người đàn bà hay không.

Một số người có thể nghĩ rằng vì St 1:26-27 và St 5:1-2 đều nói tới việc nam và nữ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa như nhau, nên bất cứ sự khác nhau nào giữa nam và nữ mà người ta có thể chỉ ra đều không thể liên hệ tới ý nghĩa thống nhất trong đó họ chiếm hữu hình ảnh Thiên Chúa cách bình đẳng và trọn vẹn. Việc cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa một cách bình đẳng và trọn vẹn không chứng tỏ sự dị biệt của họ mà chỉ chứng tỏ sự chung nhau bình đẳng của họ mà thôi. Đúng, nam và nữ có khác nhau, nhưng, có người cho rằng, họ không khác nhau theo nghĩa là hình ảnh Thiên Chúa; ta phải dựa vào điều khác để xác định căn bản cho các dị biệt của họ.

Thiển nghĩ việc phân biệt này không phản ảnh trọn vẹn giáo huấn của Thánh Kinh. Ở đây, chúng tôi nghĩ: cách tốt nhất nên hiểu việc tạo dựng nguyên thủy người nam và người nữ như một trình thuật trong đó, người nam được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trước, một cách không cần trung gian, vì Thiên Chúa tạo nên họ từ bụi đất, trong khi người nữ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa sau đó, một cách cần trung gian, vì Thiên Chúa không chọn đất mà là chọn sương sườn cụt của Ađam để dựng nên Evà cũng trọn vẹn và là hình ảnh Thiên Chúa bằng nhau. Như thế, dù cả hai đều trọn vẹn là hình ảnh Thiên Chúa, và cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa bằng nhau, nhưng có thể cả hai không được cấu tạo giống hình ảnh Thiên Chúa một cách y như nhau. Thánh Kinh cho ta một số chỉ dẫn cho thấy có một sự ưu tiên về thời gian trong ý định của Thiên Chúa (16): Người muốn cho người nam làm hình ảnh nguyên thủy của Người, qua đó, người nữ đã phát sinh, với tư cách là hình ảnh Thiên Chúa nhưng được cấu tạo từ người nam.

Thánh Kinh rõ ràng cho thấy Thiên Chúa dựng nên người đàn ông trước. Đó không phải là dấu chỉ một thứ ưu tiên nào đó ít nhất về thời gian hay sao? Tuy nhiên, có người cho rằng dựng nên đàn ông trước hay đàn bà trước chỉ là việc Thiên Chúa tung một đồng tiền hai mặt, không có ý nghĩa thần học gì cả. Nhưng đó không hẳn là nhận định của Thánh Phaolô trong 1Tm 2:13 và 1Cor 11:8 (17). Ngài cho rằng việc dựng nên người nam trước người nữ có một ý nghĩa thần học quan trọng. Quyền lãnh đạo của nam giới dường như đã bắt nguồn từ thứ tự tạo dựng này.

Vả lại, nếu Thiên Chúa cố ý dựng người nam trước người nữ về thời gian, thì ta cũng có thể cho rằng Người cố ý dựng nên Ađam bằng bụi đất và dựng nên Evà bằng chiếc xuơng sườn cụt của Ađam. Việc này cho thấy, tuy cùng dựng nên họ giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã dựng nên họ một cách không như nhau. Bởi nếu không, đáng lẽ, sau khi dựng nên người nam bằng bụi đất rồi, Người cũng sẽ dùng bụi đất mà dựng nên người nữ chứ. Nhưng Người đã không làm thế, Người đã dùng xương sườn cụt của Ađam mà dựng nên Evà. Ở đây, dường như Thiên Chúa muốn chỉ ra hai sự thật thần học, chứ không phải chỉ là một: vì người nữ được lấy ra từ người nam, nên 1) nàng là người một cách trọn vẹn và bình đẳng vì nàng phát sinh từ xương thịt chàng, 2) bản tính người của nàng được cấu tạo, không phải một cách song hành nghĩa là cùng bởi bụi đất như chàng, mà dẫn khởi từ chính bản tính của chàng do đó cho thấy, do Chúa sắp đặt, nàng phải lệ thuộc vào chàng để khởi sinh.

Lối hiểu trên dường như được chính lời lẽ của Thánh Phaolô xác nhận: 1Cr 11:8 quả quyết rằng: “vì người nam không phát sinh từ người nữ, nhưng người nữ phát sinh từ người nam”. Ta thấy ở đây, Thánh Phaolô không chỉ nói: người nam được dựng nên trước người nữ, mà người nữ phát sinh từ người nam.

Thứ hai, trong St 5:2, Thiên Chúa quyết định đặt cho cả người nam và người nữ một cái tên ở giống đực: adam trong tiếng Hípri là một hạn từ giống đực chỉ được dùng cho nam giới, nhất là trong St 1-4, nhưng ở đây được dùng như một hạn từ chung (generic term) chỉ cả nam và nữ. Tại St 5:2, ta đọc thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người, có nam có nữ, và “khi họ (chúng) được dựng nên, Người gọi họ (chúng) là ‘người’”. Xem ra Thiên Chúa muốn cho căn tính của cả hai chứa một yếu tố ưu tiên dành cho người nam, vì Người chọn làm tên chung cho họ một cái tên rõ ràng thuộc giống đực, tức một cái tên cũng có thể chỉ dùng cho người nam, như một người khác với người nữ, nhưng không bao giờ dùng cho một mình người nữ, hiểu như khác với người nam. Vì Thiên Chúa đã quyết định dựng nên con người có nam có nữ như thế, nên do kế sách của Người, căn tính người nữ, trong tư cách nữ, đã nối kết một cách hết sức chặt chẽ và bắt nguồn từ căn tính có trước của người nam (18).

Thứ ba, hãy xem câu hơi khó hiểu của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 11:7: “Người đàn ông không phải che đầu, vì họ là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người đàn bà là vinh quang của người đàn ông”. Ta hãy lưu ý hai nhân tố thuộc bối cảnh có liên hệ tới việc giải thích câu này. Thứ nhất, tiếp theo câu 11:7 là hai câu giải thích, mỗi câu bắt đầu với chữ gar ("vì") trong các câu 8 và 9 (dù các bản dịch đều không dịch chữ gar ở đầu câu 9). Hai câu này cho ta biết lý do tại sao Thánh Phaolô nói điều ngài nói ở câu 11:7. Trong hai câu 11:8-9, Thánh Phaolô viết rằng: “Vì, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải (vì) người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam”. Từ hai câu 8-9, điều ta biết rõ là Thánh Phaolô muốn biện luận tư cách cầm đầu của người đàn ông đối với người đàn bà (xem 1Cr 11:3). Người đàn ông không phải che đầu trong khi người đàn bà thì nên che đầu vì người đàn bà tự người nam mà có, chứ không ngược lại (11:8) và vì người đàn bà được dựng nên vì người đàn ông, chứ không ngược lại (11:9).

Về nhân tố thứ hai, nên lưu ý rằng cả hai câu giải thích đều liên hệ tới nguồn gốc của người đàn ông và của người đàn bà. 1Cr 11:8 chuyên biệt nói rằng người đàn ông được tạo dựng trước nhất, sau đó tới người đàn bà, vì người đàn bà được tạo nên từ người đàn ông (xem St 2:21-23), còn 11:9 thì cho thấy: mục đích của việc dựng nên người đàn bà là cung cấp sự phục vụ và trợ giúp thích đáng cho người đàn ông (xem St 2:18 và 20). Nên, rõ ràng là Thánh Phaolô đặc biệt nghĩ tới nguồn gốc của người đàn bà so với nguồn gốc của người đàn ông, và ở đây ngài suy nghĩ về sự quan trọng của việc người đàn ông được dựng nên trước, rồi qua con người của họ, và vì họ, sự sống của người đàn bà đã xuất hiện.

Căn cứ vào các câu 11:8-9, xem ra câu Thánh Phaolô nói ở 11:7 hẳn có ý nói tới sự khác nhau tương đối trong việc truy tầm nguồn gốc người đàn ông và người đàn bà. Ta tin rằng trọng điểm của ngài là: vì người đàn ông được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa trước nhất, nên chỉ một mình họ được Thiên Chúa dựng nên một cách trực tiếp và tức khắc giống hình ảnh Người, do đó, biểu lộ vinh quang Thiên Chúa. Nhưng còn người đàn bà, vì được lấy ra từ và khỏi người đàn ông và được dựng nên làm người trợ giúp thích đáng của người đàn ông, nên vinh quang của nàng là phản ảnh vinh quang của người đàn ông (20). Giống người đàn ông, được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên theo hình ảnh và vinh quang của Người, người đàn bà, vì được dựng nên từ người đàn ông, nên vinh quang của nàng là qua người đàn ông. Thành thử, ở đây, điều Thánh Phaolô không nói một cách minh nhiên, nhưng nói một cách mặc nhiên là: vì được dựng nên như vinh quang của người đàn ông, nên người đàn bà, nhờ được tạo dựng nhờ người đàn ông, cũng được dựng nên như hình ảnh và vinh quang Thiên Chúa. Ít nhất, điều rõ ràng là vì Thiên Chúa quyết định dựng nên nàng, người đàn bà không được tạo nên để làm người tách biệt khỏi người đàn ông nhưng chỉ nhờ người đàn ông mà thôi. Như thế có phải là hợp lý không khi nhân tính của nàng, kể cả việc nàng là hình ảnh của Thiên Chúa, diễn ra khi Thiên Chúa tạo nên nàng từ người đàn ông như là “vinh quang” của họ?

Nhìn vấn đề kiểu trên hoà hợp được điều mà nhìn cách khác có thể mâu thuẫn nghĩa là St 1:26-27 and 5:1-2 dạy rằng người đàn bà dược dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng 1Cr 11:7 lại bảo nàng chỉ là “vinh qang của người đàn ông”. Ta tin rằng trọng điểm của Thánh Phaolô là: vinh quang của nàng xuất hiện nhờ người đàn ông, và như thế (hàm ẩn trong 1 Cr 11:7), nàng cũng sở hữu được bản chất người trọn vẹn, tuy phát sinh (derivative), của nàng. Nhưng, lẽ dĩ nhiên, vì bản chất người của nàng phát sinh “từ người đàn ông”, nên việc nàng là hình ảnh của Thiên Chúa cũng chỉ có khi Thiên Chúa tạo nên nàng từ Ađam, mà nàng vốn là vinh quang. Cho nên, không có mâu thuẫn giữa St 1:27 và 1Cr 11:7. Người đàn bà với người đàn ông được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27), nhưng người đàn bà nhờ người đàn ông mà có bản chất người chân thực và do đó, vinh quang của nàng (1Cr 11:7b), vinh quang của người đàn ông, hữu thể vốn là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa (1Cr 11:7a).

Thứ bốn, ta hãy xét một đoạn văn khác giúp ta hiểu vấn đề này. St 5:3 đưa ra một nhận xét đáng chú ý rằng lúc 130 tuổi, Ađam “có một con trai giống hoạ ảnh ông, giống hình ảnh ông; và ông đặt tên cho nó là Sét”. Ngôn từ ở đây giống hệt ngôn từ ở St 1:26. Dù thứ tự “họa ảnh” và “hình ảnh” có đảo ngược, nhưng rõ ràng điều nói trước đó về con người được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa (St 1:26) lại được nói đến tại đây khi Sét sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (St 5:3). Ta hãy lưu ý hai điều: Thứ nhất, vì tác giả Sáng Thế vừa nói tới cả nam lẫn nữ (5:2: “Người dựng nên họ có nam có nữ và chúc lành cho họ. Và khi họ được dựng nên, Thiên Chúa gọi họ là người ‘nam’”, thì đáng lẽ tự nhiên phải nói về Sét như đã được sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam và Evà. Nhưng thay vào đó, tác giả chuyên biệt nói rằng Sét giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (mà thôi). Thứ hai, bản chất song hành của hình ảnh này với St 1:26 phần chắc có hệ quả muốn nói rằng Sét sinh ra giống hình ảnh Ađam, là người giống hình ảnh Thiên Chúa, đến nỗi, Sét, vì giống hình ảnh Ađam, cũng giống hình ảnh Thiên Chúa. Ít nhất, ta cũng biết điều này: sau Ađam và Evà, con người tiếp tục sinh ra giống hình Thiên Chúa. Khi St 9:6 cấm giết người, thì căn bản của lệnh cấm này là người bị giết được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, rõ ràng những người sinh ra đều trở thành hình ảnh của Thiên Chúa vì họ sinh ra qua những người là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng St 5:3 dẫn ta tới chỗ nói một cách chính xác hơn. Rõ ràng: Sét sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa vì anh ta sinh ra nhờ tư cách làm cha của Ađam (chỉ Ađam được nhắc đến, chứ Evà không được nhắc đến ở đây). Như thế, vì Sét sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh Ađam, nên anh ta sinh ra giống hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa.

Hiểu như trên, ta thấy một song hành về ý niệm giữa St 5:3 và 1Cr 11:7. Như Thánh Kinh đặc biệt cho thấy, điều đúng trong cả hai bản văn, về việc tạo nên Sét và người đàn bà, là: họ nhận được bản chất người của họ qua người đàn ông. Một song hành rõ ràng và có ý nghĩa khác là: cả Sét lẫn Evà đều là hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau khi so sánh với Ađam, người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế, cuộc tranh luện hiện nay tái khẳng định và củng cố quả quyết trước đây của chúng ta rằng mọi hữu thể nhân bản, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả con cái lẫn cha mẹ, đều là hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau. Nhưng nói như thế rồi, Thánh Kinh cho biết thêm điểm nữa: Kế sách của Thiên Chúa về việc người đàn bà và đứa con trở nên hình ảnh Thiên Chúa như thế nào xem ra liên quan một cách không thể giải thích và cố ý vai trò của việc hiện hữu trước của người đàn ông như là hình ảnh của Thiên Chúa.

Như thế, hình như Sét trở nên hình ảnh của Thiên Chúa nhờ phát nguồn từ cha mình, nghĩa là được sinh ra giống họa ảnh và hình ảnh của Ađam (St 5:3) thế nào, thì người đàn bà cũng trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, một điều chắc chắn nàng là (St 1:26), nhờ (và do kế sách cố ý của Thiên Chúa, chỉ nhờ) nguồn phát sinh của nàng từ người đàn ông và là vinh quang của người đàn ông mà thôi như vậy (St 2:21-23 và 1Cr 11:7-9). Như thế, điều được gợi ý ở đây là: ý niệm người đàn ông đứng đầu có liên hệ không những tới vấn đề người đàn ông và người đàn bà có liên hệ với nhau và làm việc với nhau ra sao, mà hình như sự thật còn là việc người đàn ông đứng đầu là một phần trong chính việc cấu tạo ra người đàn bà như được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Người đàn ông là hữu thể nhân bản được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa trước; người đàn bà chỉ trở nên hữu thể nhân bản mang hình ảnh Thiên Chúa là nhờ người đàn ông. Dù cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa cách trọn vẹn và bằng nhau, vẫn có một ưu tiên nội tại dành cho người nam, phản ảnh kế hoạch của Thiên Chúa muốn người nam đứng đầu trong trật tự tạo vật.

Đặc tính bổ túc cho nhau giữa nam và nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa

Từ trước đến nay, ta đã nhận ra ba ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất, ta thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông liên hệ tới việc Thiên Chúa tạo ra các biểu tượng thần thiêng (hình ảnh Thiên Chúa), những biểu tượng này, trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với nhau, hành xử để đại diện cho Thiên Chúa (làm hình ảnh của Người) bằng cách thực thi các trách nhiệm được Thiên Chúa chỉ định.

Ý tưởng thứ hai: ta thấy rằng Thánh Kinh dạy rõ ràng sự bình đẳng trọn vẹn về nhân bản và yếu tính của người đàn ông và của người đàn bà vì đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và ý tưởng thứ ba: ta thấy: dù nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa như nhau, vẫn có sự ưu tiên dành cho ngưòi nam như là người qua họ người nữ được cấu tạo như hình ảnh Thiên Chúa, vì nàng được tạo dựng như là vinh quang của người đàn ông, mà người đàn ông thì vốn là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa. Bây giờ là lúc để ta tự hỏi ba yếu tố này trong tính bổ túc nam nữ cho nhau như là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được sử dụng ra sao để sống như các hình ảnh mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta. Ta hãy xem xét năm khía cạnh của viễn kiến bổ túc cho nhau này:

Khía cạnh thứ nhất, vì sự ưu tiên trong ý niệm hình ảnh Thiên Chúa phải dành cho việc ta hành xử như là các đại diện của Thiên Chúa để thực thi các trách nhiệm do Người chỉ định, nên ta phải thấy điều này: người đàn ông và người đàn bà phải học cách làm việc với nhau một cách thống nhất hóa để đạt được điều Thiên Chúa đã dành cho họ làm. Sẽ không thể có chuyện cạnh tranh ở đây, tranh chấp triệt để ở đây về mục đích nếu ta muốn hành xử như là hình ảnh của Thiên Chúa. Tạo tư thế thù nghịch không hề có chỗ đứng giữa người đàn ông và người đàn bà khi cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Lý do đon giản là: cả đàn ông lẫn đàn bà, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được mời gọi thi hành một loạt trách nhiệm đã được thống nhất hóa do Thiên Chúa chỉ định. Vì cả hai cùng chia sẻ các trách nhiệm chung, cả hai phải tìm cách thống nhất hóa trong công trình hoàn tất của mình.

Chắc chắn điều trên đã được hàm ẩn trong trình thuật của Sáng Thế 2. Khi thấy không có một trợ thủ thích đáng cho người đàn ông, Thiên Chúa đã để ông ngủ say, rồi lấy một chiếc xương từ cạnh sườn của ông, và tạo ra người đàn bà làm người gip ông gánh vác gánh nặng. Người đàn ông đáp ứng bằng cách nói rằng nàng là xương của xương ông và thịt của thịt ông, và lời nhận định được linh hứng nói về sự kết hợp của họ rằng nay họ là “một xác thịt” (St 2:22-24). Hệ luận ở đây khá rõ ràng: giờ đây, vì nàng kết hợp với chàng thành một thân xác, nên họ tìm cách cùng nhau thi hành điều chính Thiên Chúa trước đó mời gọi người đàn ông thực hiện. Người trợ thủ thích đáng cho Ađam giờ đây đang ở đây, nên công việc chung để hoàn thành các mục đích của Thiên Chúa có thể được cùng nhau đẩy mạnh.

Khía cạnh thứ hai, vì việc hành xử của chúng ta trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa (tức đại diện cho Thiên Chúa) là phản ảnh và nối dài bản chất của chúng ta (như các đại biểu của Thiên Chúa), nên ở đâu bản chất ta bị lên khuôn sai thì ở đấy việc hành xử của chúng ta cũng bị hướng dẫn sai. Việc hành xử đích thực trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa phải dành ưu tiên cho việc tái lên khuôn đời ta. Chỉ khi nào, nhờ ơn Chúa, ta tìm cách nên giống như Chúa Kitô trong cuộc sống bên trong của ta, ta mới càng ngày càng sống ở bề ngoài theo cung cách phản ảnh được Người hơn mà thôi. Tác giả Dallas Willard chắc chắn đúng. Trong cuốn The Spirit of the Disciplines của ông, ông biện luận chủ đề cho rằng ta chỉ có thể sống như Chúa Giêsu khi ta tự kỷ luật mình để suy nghĩ, cảm nhận và đánh giá như Chúa Giêsu (21). Ta chỉ có thể sống như Người bao lâu ta tự làm lại để giống như Người. Việc hành xử của nam/nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa, một sự hành xử cần phải cho thấy sự thống nhất trong viễn kiến và cùng chung cố gắng, sau đó, phải dựa vào những người đàn ông và đàn bà biết tha thiết chờ mong Thiên Chúa sẽ tái tạo ta một cách gia tăng tiệm tiến thành hình ảnh của Chúa Kitô để ta có thể phản ảnh hình ảnh này trong khi thực thi công việc chung do Thiên Chúa chỉ định.

Khía cạnh thứ ba, sự bình đẳng trọn vẹn trong yếu tính và đặc tính nhân bản của người nam và người nữ trong hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa không bao giờ đúng cả khi đàn ông hạ giá đàn bà, hay đàn bà hạ giá đàn ông. Các ý niệm thấp kém hơn hay trổi vượt hơn không hề có chỗ đứng trong bản chất do Thiên Chúa sắp đặt của nam và của nữ như là hình ảnh của Thiên Chúa. Như đã nhắc trên đây, đoạn thư 1Phêrô 3:7 đã nhấn mạnh điểm này liên quan tới thái độ của người chồng tín hữu đối với người vợ tín hữu của mình. Chàng phải dành cho vợ vinh dự làm người đồng thừa kế ơn phúc sự sống. Và, như câu Thánh Kinh vừa rồi kết luận, Thiên Chúa cảm nhận mạnh mẽ đối với việc người chồng vinh danh vợ mình như hoàn toàn bình đẳng và là người đồng thừa hưởng các kho tàng của Chúa Kitô đến nỗi Người cảnh cáo rằng bất cứ người chồng nào vi phạm nguyên tắc này, Thiên Chúa sẽ không chấp nhận lời cầu nguyện của họ. Không chỗ nào trong Thánh Kinh mà sự dị biệt hóa nam nữ là căn bản cho sự trổi vượt về giá trị hay tầm quan trọng của đàn ông hay sự bóc lột đàn bà. Tất cả các thái độ và hành động này đều là các vi phạm tội lỗi đối với chính bản chất nhân tính chung của chúng ta như những người nam người nữ được dựng nên giống hình Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau.

Khía cạnh thứ tư, dù được thống nhất hóa trong sự bình đẳng về yếu tính con người và trách nhiệm chung của chúng ta trong việc thi hành thánh ý Thiên Chúa, sự ưu tiên có tính thời gian của hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông, qua họ, người đàn bà đã được cấu tạo làm người mang hình ảnh Thiên Chúa, quả hỗ trợ cho nguyên tắc người đàn ông đứng đầu trong việc hành xử như là hình ảnh Thiên Chúa… Đây chính là điều Thánh Phaolô nhấn mạnh ở 1Cr 11. Lý do khiến ngài quan tâm tới việc che đầu là: ngài biết Thiên Chúa đặt kế sách để người đàn ông và người đàn bà hành xử sao đó để mỗi người đều tôn trọng các vai trò do Thiên Cúa chỉ định cho người kia. Người đàn bà phải tôn trọng và người đàn ông phải đảm nhiệm trách nhiệm đặc biệt mà Thiên Chúa đã trao cho người đàn ông trong quyền lãnh đạo thiêng liêng trong gia đình và cộng đồng tín hữu. Nơi nào quyền đứng đầu của người nam không được nhìn nhận, thì việc hành xử của ta trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa bị cản trở và giảm thiểu. Điều này đặt giáo huấn của Thánh Phaolô trong thư Êphêsô 5 dưới một ánh sáng mới. Điều ta hiểu là: khi người vợ phục tùng chồng như Giáo Hội phục tùng Chúa Kitô (5:22-24), và khi người cHồng Yêu vợ như Chúa Kitô yêu Giáo Hội (5:25-27), họ biểu lộ các vai trò do Chúa Chỉ định cho họ như những người mang hình ảnh Thiên Chúa. Không phải chỉ trong sự bình đẳng của họ, họ mới là hình ảnh của Thiên Chúa. Họ cũng mang và biểu lộ hình ảnh của Thiên Chúa khi họ hành xử một cách biết nhìn nhận quyền đứng đầu của người nam trong việc ban phát hình ảnh Thiên Chúa (1Cr 7-9).

Khía cạnh thứ năm, viễn kiến bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ này trong hình ảnh Thiên Chúa liên hệ ra sao với những người độc thân? Trước khi đi sâu vào vấn đề này, ta hãy hiểu rõ một điều. Dù Thánh Kinh tán dương hôn nhân như đã được Thiên Chúa sắp đặt và là điều tốt (1Tm 4:3-5), nhưng nó cũng tán dương bậc độc thân như một cuộc sống có mục đích và đóng góp ngoại thường, không bao giờ nói đến bất cứ mất mát nền tảng nào, mà chỉ ca ngợi những lợi ích tiềm ẩn của đời sống độc thân, hiến mình cho Thiên Chúa (1Cr 7:25-35). Vì hôn nhân của con người là hình bóng của thực tại kết hợp nên một giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5:32), nên không một tín hữu độc thân nào bị lỡ thực tại kết hôn cả dù Thiên Chúa mời gọi họ sống không có hình bóng này.

Với sự hiểu biết này rằng Thiên Chúa ca ngợi sự độc thân, và một số cá nhân rất đáng kính trong Thánh Kinh là người độc thân (Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả, Thánh Phaolô), thử hỏi làm thế nào những người nam nữ độc thân có thể hành xử như là hình ảnh của Thiên Chúa? Trước nhất, ta hãy bắt đầu với ý niệm nền tảng này: hình ảnh của Thiên Chúa, tại tâm điểm của nó, vốn là việc Thiên Chúa làm chúng ta thành các đại diện của Người (làm hình ảnh của Người) để chúng ta đại diện cho Người (làm hình ảnh cho Người) bằng cách thực thi thánh ý của Người. Ở bình diện này, người độc thân và người có gia đình thực sự có chung một trách vụ. Tất cả chúng ta cần tìm cách trở thành giống Chúa Kitô hơn để ta có khả năng hơn trong việc chu toàn các trách nhiệm mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta để làm. Đây là một phần ý nghĩa của việc được dựng nên và sống như hình ảnh của Thiên Chúa. Để được là điều (nhờ ơn thánh) ta nên là, và để làm được điều (nhờ ơn Chúa) ta nên làm chính là trách vụ Chúa dành cho tất cả chúng ta, dù có gia đình hay sống độc thân, và điều này phản ảnh hữu thể ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Thứ đến, ta hãy nhớ rằng ta phải sống thực các trách nhiệm của mình trong tương quan với Chúa và với người khác. Đối với những ai có gia đình, có một mối liên hệ giao ước tạo nên bối cảnh cho phần lớn việc sống thực hình ảnh của Thiên Chúa trong sự kết hợp mà người ta trông mong người đàn ông phải lãnh đạo và hướng dẫn. Thế còn những người độc thân? Ở đây, ta thấy có sự trợ giúp lớn lao nhờ biết nhìn gương sáng của Chúa Giêsu và của Thánh Phaolô qua các viễn kiến của các vị về việc sống thực ơn gọi làm đại diện cho Thiên Chúa trong việc thi hành các trách nhiệm của các vị. Điều ta tìm thấy nhờ nhìn vào các cá nhân chủ yếu này là cả hai vị đều đi tìm các mối liên hệ có ý nghĩa làm nguồn sức mạnh và tình đồng hành trong khi chu toàn các trách vụ do Thiên Chúa sắp đặt cho các vị. Thí dụ, khi Chúa Giêsu đối diện với việc đóng đinh chắc chắn xẩy ra và xẩy ra gần kề, Người bèn đi một mình để cầu nguyện. Điều có tính giáo huấn là Người đã yêu cầu các môn đệ gần gũi nhất của Người cầu nguyện với Người để được sức mạnh mà đối diện với với ơn gọi này. Việc các bằng hữu của Người đã không cầu nguyện được vì quá buồn ngủ vẫn không thay đổi được sự kiện này là Chúa Giêsu biểu lộ nhu cầu thực sự và sâu xa muốn có những người khác cùng đi bên cạnh và giúp Người chu toàn sứ mệnh của Người. Hay ta hãy xem đã bao lần Thánh Phaolô nói đến việc khích lệ của người khác trong việc rao giảng Tin Mừng của ngài. Trọng điểm ở đây rất đơn giản. Ơn kêu gọi sống độc thân của Thiên Chúa không bao giờ là ơn gọi sống cô lập cả. Thiên Chúa dựng nên chúng ta để cần nhau và giúp đỡ nhau. Nhiệm thể lấy Chúa Kitô làm nguyên lý khiến cho điều này hết sức rõ ràng. Người độc thân nên tìm cách biết và thực thi thánh ý Thiên Chúa đối với đời họ, và khi tìm cách như thế, họ cũng nên tìm sức mạnh, sự trợ giúp, an ủi, khích lệ, và tài nguyên nơi người khác để trong tương quan với những người này, họ tìm cách chu toàn ơn gọi của mình.

Cũng còn một vấn đề khác nữa mà người độc thân có thể thắc mắc một cách đích đáng. Quyền đứng đầu của người nam vốn được dựng nên đầu tiên giống hình ảnh Thiên Chúa phải được tôn trọng như thế nào nơi những người đàn bà và đàn ông độc thân? Ta nên bắt đầu nhận định xem quyền ưu tiên của người nam không phải là gì. Quyền đứng đầu của người nam trong Thánh Kinh không bao hàm thẩm quyền của mọi người nam đối với mọi người nữ. Chỉ cần suy nghĩ trong chốc lát cũng đủ thấy điều này cũng đúng đối với các người có gia đình. Thư Êphêsô 5:22 nói rằng: “Các bà vợ, các bà hãy phục tùng chồng mình như phục tùng Chúa”. Nhưng vợ tôi không hề ở dưới thẩm quyền của mọi người đàn ông. Nàng ở dưới thẩm quyền của tôi, chồng nàng, và của những bậc trưởng thượng trong giáo hội của chúng tôi. Nhưng đây là nghĩa hạn chế của việc người nam đứng đầu, và nó phù hợp với điều Thánh Kinh dạy rõ ràng.

Vậy, việc đứng đầu của người nam có nghĩa gì đối với những người độc thân? Ta tin rằng nó có hai nghĩa: Thứ nhất, nó có nghĩa: mọi người nữ và nam độc thân cần phải là thành viên của giáo hội địa phương nơi họ có thể can dự vào cơ cấu thẩm quyền của giáo hội này. Các vị trưởng thượng nam có phẩm cách chịu trách nhiệm đối với phúc lợi thiêng liêng của các thành viên của mình và nhờ thế, các phụ nữ độc thân, cách riêng, có thể tìm thấy nguồn bảo khuyên và hướng dẫn thiêng liêng từ các vị trưởng thượng nam giới này khi không có một người chồng giúp họ trong phạm vi này. Thứ hai, sự ưu tiên có tính thời gian trong việc người nam là hình ảnh của Thiên Chúa có nghĩa: nói chung, trong các liên hệ nam nữ giữa những người độc thân, nên có sự tôn trọng đối với các người nam nơi các người nữ trong nhóm, một sự tôn trọng biết nhìn nhận việc người đàn bà tiếp nhận bản chất người như là hình ảnh của Thiên Chúa qua người đàn ông, nhưng sự tôn trọng này cũng phải biết dừng lại để không trở thành sự tùng phục trọn vẹn và tổng quát của đàn bà đối với đàn ông. Tôn trọng, kính trọng, và tôn kính nên được tỏ bầy cùng người nam, nhưng không bao giờ được mong chờ điều này: mọi người nữ phải tùng phục các ý muốn của đàn ông.Và đối với những người đàn ông độc thân, nên có một thứ lãnh đạo dịu dàng và biết tôn trọng được đưa ra trong một nhóm hỗn hợp; và thứ lãnh đạo này cũng không được giống như thẩm quyền đặc biệt mà các ông chồng và các người cha có được trong các gia hộ của họ, hay các vị trưởng thượng có trong cộng đoàn của họ. Vì mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và vì các phụ nữ nói chung đều là hình ảnh của Thiên Chúa qua người đàn ông, nên một số biểu thức của nguyên lý người nam đứng đầu này nên được biểu lộ cách chung nơi các người đàn bà cũng như nơi các người đàn ông, dù dành riêng các liên hệ quyền hành trọn vẹn cho những người đã được chỉ định đặc biệt trong Thánh Kinh, tức ở trong gia hộ và cộng đồng tín hữu.

Kết luận

Sự kiện chúng ta là nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa nói khá nhiều điều về mục đích của Thiên Chúa đối với chúng ta, các tạo vật nhân bản của Người. Chúng ta được tạo nên để phản ảnh chính bản chất của Người ngõ hầu ta có thể đại diện cho Người trong các hành xử của ta với người khác và với thế giới Người đã tạo nên. Mục tiêu của chúng ta là chu toàn thánh ý Người và vâng theo lời Người. Ấy thế nhưng, để thực hiện được điều này, Người đã thiết lập ra một khuôn khổ liên hệ. Nam và nữ, dù bằng nhau một cách trọn vẹn như là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng khác biệt nhau trong cung cách sở hữu hình ảnh của Thiên Chúa. Việc người nữ trở nên hình ảnh Thiên Chúa qua người nam cho thấy một chiều hướng do Thiên Chúa sắp đặt nàng phải dựa vào chàng, như đã được biểu lộ cách đặc biệt trong gia hộ và trong cộng đồng đức tin. Ấy thế nhưng, mọi người chúng ta, qua các mối liên hệ của mình, phải tìm cách làm việc với nhau để hoàn thành các mục đích mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta thực hiện. Trong học lý này, ta thấy chân lý kép sau đây: chúng ta được mời gọi hiện hữu cả trong tư cách cá nhân lẫn trong mối liên hệ với những điều Thiên Chúa dự tính chúng ta trở thành, để ta có thể làm điều đem vinh dự lại cho Người và hoàn thành thánh ý Người. Các đại diện của Thiên Chúa, trong tương quan với Thiên Chúa và với người khác, đại diện cho Thiên Chúa và thi hành các trách nhiệm do Thiên Chúa chỉ định; điều này, xét cho cùng, chính là viễn kiến cần được người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa tìm kiếm nếu họ muốn thực hiện trọn vẹn mục đích được tạo dựng của họ. Ước chi chúng ta thấy kế sách tốt lành và khôn ngoan của Thiên Chúa về tư cách đàn ông và đàn bà của ta được hiểu và đem ra sống thực một cách trọn vẹn hơn ngõ hầu các mục đích của Thiên Chúa nơi và qua ta, các hình ảnh tạo dựng của Người, được hoàn thành, vì ích lợi của ta, nhờ ơn thánh Người và vì vinh quang của Người.

________________________________________

Ghi Chú

[1] Bài này thoạt đầu được trình bầy như một tham luận tại hội nghị “Xây Dựng Các Gia Đình Mạnh Mẽ”, Dallas, Texas, các ngày 20-22 Tháng Ba, do FamilyLife và Hội Đồng Tư Cách Đàn Ông và Tư Cách Đàn Bà Theo Thánh Kinh, đồng bảo trợ, và được in trong Wayne Grudem, chủ biên, Biblical Foundations of Manhood and Womanhood , do nhà Crossway Books phát hành.

[2] Thánh Irênê, Against Heresies, trong Ante-Nicene Fathers, vol. 1, A. Roberts and J. Donaldson chủ biên (Grand Rapids: Eerdmans, 1953).

[3] Thánh Augustinô, The Trinity, bản tiếng Anh của Edmund Hill, cuốn 5 trong bộ The Works of St. Augustine (Brooklyn, NY: New City Press, 1991).

[4] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologica, I.93.

[5] John Calvin, Institutes of the Christian Religion, J. T. McNeill chủ biên, bản tiếng Anh của F. L. Battles (Philadelphia: Westminster, 1960), I. 15.

[6] Karl Barth, Church Dogmatics, bản tiếng Anh của G. Bromiley (Edinburgh: T. & T. Clark, 1960), III.2.

[7] Emil Brunner, The Christian Doctrine of Creation and Redemption, bản tiếng Anh của O. Wyon (Philadelphia: Westminster, 1953).

[8] Leonard Verduin, Somewhat Less Than God (Grand Rapids: Eerdmans, 1970).

[9] D. J. A. Clines, "The Image of God in Man," Tyndale Bulletin (1968) 53-103.

[10] Anthony A. Hoekema. Created in God's Image (Grand Rapids: Eerdmans, 1986).

[11] Ibid., 69.

[12] Ibid., 95.

[13] Clines, "Image of God in Man."

[14] Hơn 30 lần trong Tin Mừng Gioan, ta được cho hay: Chúa Giêsu được sai xuống thế gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Chẳng hạn, xem Ga 4:34; 5:23, 30, 37; 6:37-38, 57; và 12:49.

[15] Xem Rick Hove, Equality in Christ: Galatians 3:28 and the Gender Dispute (Wheaton, IL: Crossway Books, 1999).

[16] Trong tiết này, khi nói đến “sự ưu tiên” của người nam trong việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ bằng nhau trong tư cách hình ảnh của Người, độc giả nên hiểu rằng ở đây không có ý chuyển đạt bất cứ cảm thức nào về giá trị, phẩm giá, đáng giá, tư cách nhân vị cao hơn hoặc chia sẻ lớn hơn hình ảnh của Thiên Chúa nơi người đàn ông so với người đàn bà; thực vậy, tiết trước đã nói rất rõ rằng chúng ta tin Thánh Kinh dạy rất rõ ràng về sự bình đẳng hoàn toàn giữa người nam và người nữ trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa. Như sẽ nói rõ sau đó, giống như con cái trở nên hình ảnh của Thiên Chúa một cách trọn vẹn và bằng nhau nhờ biểu thức sinh sản của cha mẹ các em do Thiên Chúa sắp đặt thế nào, thì người đàn bà tuy là người thứ hai trở nên hình ảnh của Thiên Chúa cũng đã trở nên hình ảnh này một cách trọn vẹn và bằng nhau như hình ảnh Thiên Chúa nơi người đàn ông, dù nàng được Thiên Chúa tạo dựng như hình ảnh của Người từ xương sườn của Ađam chứ không từ đất như Ađam.

[17] Như sẽ thấy sau đây, dù cả hai bản văn này đều nói tới sự ưu tiên về thời gian của việc dựng nên người nam, nhưng chúng không y như nhau trong cách quả quyết tính thực tại lịch sử này, và một sự khác biệt đáng lưu ý có thể được nhận ra trong các dùng chữ trong các câu này.

[18] Ở đây không có ý nói rằng, trên nguyên tắc, Thiên Chúa không thể dựng nên người đàn bà cách khác, độc lập đối với người nam, thậm chí được dựng nên trước và hiện hữu mà chưa có đàn ông. Nhưng trọng điểm là: đây không phải là cách Thiên Chúa thực sự đã dưng nên người nữ. Đúng hơn, Người đã cấu tạo nên nàng như một người từ Ađam mà có (St 2:23; 1Cr 11:8), và điều này được biểu tượng bằng việc sử dụng hạn từ tổng quát có tính giống đực là từ “áad£am” trong St 5:2.

[19] Xem Vern S. Poythress and Wayne A. Grudem, The Gender-Neutral Bible Controversy: Muting the Masculinity of God's Words (Nashville, TN: Broadman & Holman, 2000).

[20] Xem Hans Conzelmann, 1 Corinthians: a Commentary on the First Epistle to the Corinthians, bản tiếng Anh của J. W. Leitch, Hermeneia Series (Philadelphia: Fortress Press, 1975).

[21] Dallas Willard, The Spirit of the Disciplines (San Francisco: Harper & Row, 1988).

(Theo tài liệu Male and Female Complementarity and The Image of God, của The Council on Biblical Manhood and Womanhood do một số nhà lãnh đạo Tin Lành Mỹ, thành lập năm 1987 tại Dallas, Texas)