Một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho một phần đáng kể người Anh giáo trên thế giới đã bỏ phiếu trong tuần này để bác bỏ sự lãnh đạo của Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby sau khi Thượng Hội Đồng Giáo hội Anh vào đầu tháng Hai đã bỏ phiếu chúc lành cho các cặp đồng giới.

Tổ chức Global South Fellowship of Anglican Churches, gọi tắt là GSFA, bao gồm 14 trong số 25 tỉnh Anh giáo ở các khu vực như Phi Châu và Châu Đại Dương, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 20 tháng 2 cáo buộc Giáo hội Anh, do Đức Tổng Giám Mục Welby lãnh đạo, phá vỡ sự hiệp thông với các tỉnh vẫn trung thành với quan điểm trong Kinh thánh về hôn nhân là giữa một nam và một nữ.

Các nhà lãnh đạo GSFA cho biết Đức Cha Welby, khi cho phép việc kết hợp các chúc lành của các cặp đồng giới trong phụng vụ Anh giáo, đã mất vị trí lãnh đạo “đầu tiên trong số những người bình đẳng” của Hiệp thông Anh giáo toàn cầu.

“Với hành động này của Đại hội đồng Giáo hội Anh, chúng tôi tin rằng không thể tiếp tục hiệp thông như thế này được nữa. Chúng tôi không chấp nhận quan điểm rằng chúng tôi vẫn có thể 'đồng hành' với các tỉnh theo chủ nghĩa xét lại,” tuyên bố ngày 20 tháng 2 của GSFA nhấn mạnh.

“Với việc Giáo hội Anh và tổng giám mục Canterbury từ bỏ vai trò lãnh đạo của họ đối với Hiệp thông toàn cầu, các vị các tổng giám mục đứng đầu mỗi tỉnh sẽ nhanh chóng gặp gỡ, tham khảo ý kiến và làm việc với các vị giáo chủ chính thống khác trong Giáo hội Anh giáo trên khắp các quốc gia để thiết lập lại Hiệp thông Anh Giáo trên nền tảng Kinh thánh của nó”. Nói cho dễ hiểu là khối Hiệp thông Anh giáo như hiện nay, ngừng tồn tại từ ngày 20 tháng Hai.

Kể từ khi Hiệp thông Anh giáo được thành lập vào năm 1867 - bao gồm 42 Giáo Hội Anh giáo trên khắp thế giới - tổng giám mục Canterbury đã được coi là nhà lãnh đạo tinh thần và đạo đức của hiệp thông toàn cầu, mặc dù ông không có thẩm quyền ràng buộc.

Đức Cha Welby và Tổng Giám mục York Stephen Cottrell đã thông báo vào ngày 9 tháng 2 rằng Giáo hội Anh sẽ “công khai, không hạn chế và hân hoan chào đón các cặp đồng giới trong Giáo Hội”. Điều này xảy ra sau khi Đại hội đồng của Giáo hội Anh, bao gồm các giám mục, giáo sĩ và giáo dân, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 250-181 để chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng giới trong hôn nhân dân sự, trong khi vẫn giữ nguyên định nghĩa về hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.

Sau cuộc bỏ phiếu, GSFA cho biết họ “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Đức Tổng Giám Mục Welby, cáo buộc rằng nó “đi ngược lại ý chí áp đảo của Cộng đồng Anh giáo”. Người ta hoài nghi về tuyên bố rằng giáo lý Anh giáo về hôn nhân không thay đổi, viện dẫn nguyên tắc rằng “phụng vụ Anh giáo thể hiện giáo lý của nó”.

GSFA, được thành lập vào năm 1994, tuyên bố đại diện cho phần lớn người Anh giáo trên thế giới — khoảng 75%, tương đương khoảng 64 triệu người Anh giáo. GSFA được chủ trì bởi Đức Tổng Giám Mục Justin Badi, tổng giám mục của Nam Sudan.

Phát ngôn nhân của Cung điện Lambeth nói với BBC rằng họ “hoàn toàn đánh giá cao” lập trường của GSFA nhưng nói thêm rằng “những bất đồng sâu sắc” giữa những người Anh giáo về tình dục và hôn nhân đã có từ lâu và những cải cách ở một tỉnh không ảnh hưởng đến các quy tắc ở những tỉnh khác.

Mặc dù các cuộc tranh luận về hôn nhân đồng giới đã tồn tại trong Anh giáo trong nhiều thập kỷ, nhưng Hiệp thông Anh giáo đã bị rạn nứt đáng kể vào năm 2003 khi Nhà thờ Tân giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ bỏ phiếu tấn phong giám mục Gene Robinson, một người đồng tính nam có quan hệ đồng giới.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh đã gặp gỡ các thành viên khác của cộng đồng Anh giáo vào mùa hè năm ngoái tại Hội nghị Lambeth mỗi thập kỷ một lần, trong đó hàng giáo phẩm đã thảo luận về các câu hỏi liên quan đến tình dục và hôn nhân đồng giới. Welby kết luận vào thời điểm đó rằng phần lớn các giáo sĩ khẳng định giáo lý rằng hôn nhân là giữa một nam và một nữ, mặc dù một số thành viên không đồng ý.

Một số nhà lãnh đạo Công Giáo, đặc biệt là ở Tây Âu, cũng đã thúc đẩy việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 3 năm 2021 đã phán quyết rằng Giáo Hội Công Giáo không có quyền chúc lành cho các cặp đồng giới. Mặc dù Bộ Giáo Lý Đức Tin công nhận “mong muốn chân thành được chào đón và đồng hành cùng những người đồng tính luyến ái”, nhưng Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng Thiên Chúa “không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.


Source:Catholic News Agency