1. Đức Tổng Giám Mục Hilarion ra video minh xác những gì ngài đã nói và không nói với Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Giám mục đặc trách các tín hữu Chính thống Nga tại Hung Gia Lợi, cho biết “trong cuộc hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta không hề nói chuyện về vấn đề chính trị hoặc hiệp định bí mật nào”.

Ngài có lẽ đã gặp rắc rối với Thượng Phụ Kirill nên phải ra một video minh xác, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion nguyên là Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, và trong tư cách này ngài đã nhiều lần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Sau khi chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Hilarion bị Tòa Thượng phụ Chính thống Nga thuyên chuyển sang Hung Gia Lợi.

Hôm thứ Bảy, ngày 29 tháng Tư vừa qua, trong cuộc viếng thăm tại Budapest, Hung Gia Lợi, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến và nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Hilarion trong 20 phút tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô của Hung Gia Lợi.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí trên máy bay, chiều ngày 30 tháng Tư vừa qua, trên đường về Roma, Đức Thánh Cha cho biết đang có một sứ vụ của Tòa Thánh được tiến hành để góp phần mang lại hòa bình trong cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Một số ký giả báo chí cho rằng có thể Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã trao đổi với nhau về giải pháp cho chiến tranh giữa Nga và Ukraine hiện nay. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã công bố một Video dài 9 phút bác bỏ tin đồn của báo chí và nói rằng: “Trên báo chí xuất hiện một số tin đồn cho rằng tôi đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô để cho ngài những thông tin hầu đạt tới một vài hiệp định bí mật hoặc những mục tiêu chính trị. Tôi trả lời cho những ai quan tâm rằng cuộc gặp gỡ ở Tòa Sứ thần không hề có gì liên quan đến quan hệ song phương giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống Nga. Không có cuộc thảo luận nào về vấn đề chính trị. Cuộc gặp gỡ có tính cách cá nhân giữa hai người bạn cũ”.

Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng: “Tình bạn của chúng ta đã có từ hơn 10 năm, khi Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng hồi tháng Ba năm 2013. Tôi là đại diện của Giáo hội Chính thống Nga tham dự lễ nhậm chức của ngài. Ngày hôm sau lễ, chúng ta đã nói chuyện riêng khoảng một giờ đồng hồ. Đó là vị Giáo hoàng thứ ba tôi gặp trong đời: một lần với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và bốn lần với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Trong trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi khám phá thấy ngài có một sự chuẩn bị tốt trong lãnh vực quan hệ song phương”.

Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cuộc họp báo trên máy bay, ngài cũng kể lại cuộc gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Hilarion tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Budapest và nói: “Đức Tổng Giám Mục Hilarion là một người mà tôi rất tôn trọng. Chúng ta vẫn luôn có một tương quan tốt đẹp. Và Đức Tổng Giám Mục đã có nhã ý đến tìm tôi, và đã tham dự thánh lễ sáng Chúa nhật 30 tháng Tư tại Budapest và tôi cũng thấy Đức Tổng Giám Mục ở phi trường này. Đức Tổng Giám Mục Hilarion là một người thông minh và là người có thể đối thoại, tương quan này là điều cần duy trì, vì nếu chúng ta nói về đại kết, chúng ta phải giơ tay với tất cả và cũng phải bắt tay nữa”.

2. Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh, ông Andrii Yurash, ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa Ukraine và Tòa Thánh.

Trong tuyên bố hôm 01 tháng Năm vừa qua, Đại sứ Yurash nói rằng có một sự cải tiến và tăng cường rõ rệt những tương quan giữa Ukraine và Vatican. “Quan hệ hiện nay ở mức độ tốt đẹp hơn, với những đối tác liên tục và trao đổi trong sự tín nhiệm”.

Trong tuần trước đây, Thủ tướng Ukraine, ông Denys Schmyhal đã đến Vatican lần thứ hai. Và trong cuộc họp báo trên máy bay từ Budapest về Roma, chiều Chúa nhật 30 tháng Tư, Đức Thánh Cha cho biết Ukraine đã xin Tòa Thánh giúp đưa các trẻ em bị Nga bắt đi, được trở về Ukraine.

Trong những tháng trước đây, tương quan giữa chính phủ Ukraine và Tòa Thánh nhiều lần bị căng thẳng. Phía Ukraine phê bình rằng trong Chặng đàng Thánh giá trọng thể tối thứ Sáu Tuần thánh năm 2022 và năm nay 2023, Tòa Thánh đã tìm cách biến đau khổ của nhân dân Nga thành đề tài trong chiến tranh. Và tương quan giữa hai bên xuống mức độ thấp nhất vì những tranh luận do lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng ngày 24 tháng Tám năm ngoái, khi ngài nói: những người vô tội đã trả giá vì sự điên rồ của chiến tranh từ cả hai phía.

Hồi đó, Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh đã nói rằng thật là điều không thích hợp khi đặt Nga và Ukraine ngang hàng nhau trong cuộc chiến tranh này.

Cả lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng hồi tháng Năm năm ngoái, cũng bị Ukraine phê bình khi ngài nói: “Nato đang sủa ở cửa nhà Nga”, và coi đó như một trong những yếu tố làm bùng nổ chiến tranh.

Mặt khác, hôm 01 tháng Năm vừa qua, chính phủ Ukraine nói là không hề hay biết gì về một kế hoạch hòa bình mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến trong cuộc họp báo trên máy bay, chiều Chúa nhật 30 tháng Tư. Một quan chức chính phủ Ukraine cũng nói rằng: “Tổng thống Zelenskiy không đồng ý về những cuộc thảo luận như vậy, thay cho Ukraine. Nếu những thương thảo ấy xảy ra, thì chúng diễn ra mà chúng tôi không được biết và hoặc đồng ý”.

Thật ra điều Đức Thánh Cha nói trên máy bay không phải là “một kế hoạch hòa bình” nhưng là “một sứ vụ hòa bình” còn được giữ kín. Ngài nói: “Bao giờ sứ vụ đó trở thành công khai, tôi sẽ nói”.

Trang mạng Sismografo chuyên đưa tin về Tòa Thánh, nhận xét rằng dường như Vatican đã từ bỏ ý tưởng hướng dẫn một cuộc làm trung gian giữa các phe trong cuộc chiến tại Ukraine hiện nay. Đức Giáo Hoàng không bàn với Thủ tướng Orban của Hung Gia Lợi hoặc với Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Chính thống Nga về một dự án ba bên nào với sự can dự của Mạc Tư Khoa hoặc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa.

3. Các giám mục Ý kêu gọi gia tăng bài trừ nạn giới trẻ thất nghiệp

Các giám mục Ý kêu gọi chính quyền gia tăng bài trừ nạn giới trẻ không có công ăn việc làm tại nước này, vì đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không lập gia đình, dẫn đến tỷ lệ sinh sản tại nước này tiếp tục ở mức độ thấp.

Trong sứ điệp công bố hôm 01 tháng Năm vừa qua tại Roma, nhân Ngày Quốc tế Lao động, các giám mục nhận định rằng những con số cao về nạn người trẻ thất nghiệp, nhất là tại miền nam Ý, thật đáng lo âu. Một phần tư người trẻ không có công ăn việc làm. “Chúng ta phải tự hỏi: đất nước chúng ta đang đầu tư bao nhiêu để mang lại cho người trẻ một viễn tượng tương lai. Xét cho cùng, tình trạng thiếu viễn tượng tìm được việc làm cũng là một lý do làm cho tỷ lệ sinh sản tại nước này giảm sút trầm trọng. Nó làm cho các cặp vợ chồng tiếp tục hoãn lại việc sinh con.

Trong khi đó, Hiệp hội các Gia đình Công Giáo Ý phê bình cơ quan AIFA đã quyết định cung cấp miễn phí các thuốc phá thai cho phụ nữ, từ giữa tháng Năm tới đây. Hiệp hội phò sự sống và gia đình gọi biện pháp của cơ quan này là trầm trọng và nguy hiểm.

Một phát ngôn viên của chiến dịch “Ngày Gia đình” ở Ý nhận định rằng quyết định của cơ quan AIFA đứng trước tình trạng tỷ lệ sinh sản quá thấp tại Ý, là điều đi sai hướng. Chính phủ Ý do bà Thủ tướng Giorgia Meloni đứng đầu, tuyên bố dấn thân chống lại tình trạng sinh sản xuống dốc tại nước này, như một trong những mục tiêu chính trị quan trọng nhất.