1. Công Giáo và Chính thống Coptic đánh giá tích cực 50 năm đại kết

Hai vị thủ lãnh Công Giáo và Chính thống Coptic Ai Cập đánh giá tích cực hành trình đại kết trong 50 năm qua giữa hai giáo hội.

Lập trường trên đây được Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Tawadros II, trong lời tựa cuốn sách về hành trình đại kết trong nửa thế kỷ qua, công bố nhân dịp Đức Thượng phụ Tawadros đến viếng thăm chính thức tại Tòa Thánh, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Năm này. Ngày 10 tháng Năm cũng là ngày mà hai vị quyết định thiết lập và gọi là “Ngày thân hữu giữa các tín hữu Coptic và Công Giáo”, trong dịp hai vị gặp gỡ nhau cách đây đúng 10 năm tại Roma.

Lời tựa cuốn sách nhắc đến cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây 50 năm của Đức Thượng phụ Shenouda III và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, tại Roma từ ngày 09 đến ngày 13 tháng Năm năm 1973. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa vị Giám mục Roma và vị Thủ lãnh của Giáo hội Chính thống Coptic Ai Cập. kể từ Công đồng chung Calcedonia năm 451 và đánh dấu sự chấm dứt những tranh luận về Kitô học xảy ra trong Công đồng ấy, qua việc ký kết tuyên ngôn chung giữa hai Giáo hội về Kitô học, ngày 10 tháng Năm năm 1973.

Cuộc gặp gỡ ấy đã tiếp tục mang lại những thành quả trong hành trình đại kết giữa hai giáo hội, đưa tới việc thành lập Ủy ban quốc tế chung giữa Công Giáo và Chính thống Coptic. Công việc dẫn đầu được trình bày trong Văn kiện “Những nguyên tắc hướng dẫn việc tìm kiếm hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo hội Chính thống Coptic”, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Shenouda III, hồi năm 2003. Ủy ban này đã vạch ra con đường cho việc thành lập, hồi năm 2003, Ủy ban đối thoại Thần học giữa Công Giáo và toàn thể gia đình các Giáo hội Chính thống Đông phương, và đã mang lại những văn kiện quan trọng, chứng tỏ sự cảm thông gia tăng giữa hai khối Giáo hội”.

Và hai vị Giáo chủ kết luận rằng: “Cuộc gặp gỡ giữa các vị tiền nhiệm nổi bật của chúng ta không ngừng mang lại thành quả. Ước gì ký ức về các biến cố ấy tiếp tục soi sáng và gợi hứng cho hành trình đại kết của chúng ta, đáp lại ước nguyện của Chúa Kitô “Ước gì chúng được nên một” (Ga 17,21)! Ước gì tình thương huynh đệ của và thân hữu liên kết hai Giáo hội chúng ta tiếp tục tăng trưởng cho đến ngày được chúc phúc hằng mong đợi, khi chúng ta có thể cùng cử hành tại cùng một bàn thờ và lãnh nhận từ cùng một chén thánh”, để thế gian tin!”

Giáo hội Chính thống Coptic chiếm khoảng 10% trên tổng số 107 triệu dân cư tại Ai Cập. Tại Ai Cập cũng có cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Coptic, với khoảng 200.000 tín hữu. Cộng đoàn này tách rời khỏi Chính thống Coptic và trở về hiệt nhất với Tòa Thánh từ năm 1741.

Trong những ngày viếng thăm này của Đức Thượng phụ Tawadros, có cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn của Giáo hội liên hệ, một buổi cầu nguyện đại kết cầu cho hòa bình, hiệp nhất và tình thương trên thế giới, cũng như cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Hai vị sẽ thảo luận về vai trò của Giáo hội trong các cuộc khủng hoảng cấp miền và quốc tế, kể cả chiến tranh tại Ukraine hiện nay.

2. Người Công Giáo ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine không có linh mục

“Tôi là mục tử của một trong những giáo phận Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những vết thương và sự điên cuồng của chiến tranh”. Những con số đủ để xác nhận những gì Đức Cha Maksym Ryabukha nói và kể về bi kịch của một Giáo hội đang bị bao vây. Hai phần ba lãnh thổ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương của Donetsk, trong đó Đức Tổng Giám Mục Ryabukha là phụ tá, bị quân đội Nga xâm lược; phần tự do chạy dọc theo mặt trận và bao gồm các địa phương ngày nay là tâm điểm của cuộc giao tranh: từ Bakhmut đến Avdiivka; không có linh mục Công Giáo nào ở lại các vùng lãnh thổ do quân đội Điện Cẩm Linh kiểm soát sau khi hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã nằm trong tay quân đội Mạc Tư Khoa gần sáu tháng. Các ngài bị bắt vào tháng 11 tại thành phố Berdyansk trên Biển Azov. Và vị Giám Mục bị cấm vào khu vực của giáo phận mà người Nga đã xâm chiếm. Bao gồm cả thành phố Donbass, nơi có nhà thờ chính tòa và Tòa Giám Mục.

Đức Cha Maksym Ryabukha hiện nay đang thăm giáo xứ Pokrovsk, là cửa ngõ cuối cùng của Ukraine tới Donetsk

Ngài giải thích: “Ở đây chiến tranh cho thấy tất cả cường độ và cảm giác kinh hoàng của nó”. “Ở những vùng lãnh thổ bị tạm chiếm chúng tôi phải đối mặt với một đàn chiên bị bỏ rơi. Người dân của chúng tôi không có người hướng dẫn tâm linh và cảm thấy mồ côi. Việc thiếu các bí tích là một lý do nữa dẫn đến đau khổ, điều này càng làm tăng thêm nỗi kinh hoàng và sự tra tấn trên da thịt do sự xâm lược của Nga. Các linh mục giáo xứ buộc phải chạy trốn hoặc bị quân xâm lược đuổi ra ngoài vẫn duy trì liên lạc với các cộng đồng. Tuy nhiên, vì dân số bị giám sát rất nghiêm ngặt, nên mọi tin nhắn được gửi đi đều có thể gây nguy hiểm cho những người ở lại”.

Ở tất cả các khu vực của Ukraine, các vấn đề cấp bách vẫn là tiếp nhận những người phải di tản và nhu cầu viện trợ nhân đạo. “Là một Giáo hội, chúng ta được mời gọi để hỗ trợ những người yếu ớt nhất đang chịu sức nặng của cuộc xâm lược và bom đạn”. Ngài nói thêm rằng: “Khi một người tị nạn biết rằng nhà của anh ta đã bị người Nga phá hủy hoặc trưng dụng, thì như thể một phần cuộc đời của anh ta đã bị đánh cắp”.

Đức Cha đã cố gắng khởi động lại các hoạt động của giáo hội. “Xung đột không làm đình trệ cuộc sống. Chúng ta không thể đầu hàng trước sự nản lòng. Chúng ta đã nối lại các cuộc gặp gỡ, các khóa đào tạo, thậm chí cả các cuộc hành hương giống như cuộc hành hương ở Mễ Du trong những tuần gần đây, nơi phần lớn tín hữu, chủ yếu là phụ nữ vì tình trạng thiết quân luật, được tạo thành từ những người di tản khỏi thành phố Melitopol bị tạm chiếm”.

Được bổ nhiệm Giám Mục kể từ tháng 12 vừa qua ở tuổi 42, Đức Cha Ryabukha đã sống ở Zaporizhzhia “Bởi vì đó là thành phố mà tôi được phép cư trú gần Donetsk nhất,” ngài nói. Và chỉ trong hơn ba tháng, ngài đã đi xe hơi 15.000 cây số để đi thăm các giáo xứ ngay cả ở những ngõ ngách nguy hiểm nhất và cử hành Thánh lễ giữa các chiến sĩ trong chiến hào. Vị Giám Mục nhấn mạnh: “Cần phải mang vòng tay yêu thương của Chúa đến giữa những người mà Chúa đã ủy thác cho tôi: cả dân thường và quân đội”. Bất kể số lượng. Tại Kramatorsk, cách tuyến lửa ba mươi km, có mười ba tín hữu trong nhà thờ trong chuyến thăm của ngài; ở Pokrovsk, cửa ngõ cuối cùng của Ukraine hướng về Donetsk, 30 người tham gia hai ngày tĩnh tâm do Đức Giám Mục thuyết giảng.

«Tôi luôn nhắc nhở người dân của mình rằng không có điều ác nào có thể làm chúng ta sợ hãi nếu chúng ta thực sự tin rằng Chúa Kitô đã sống lại. Thiên Chúa không ngạc nhiên về sự gian ác của con người. Tất nhiên, trong những năm tháng chiến tranh này, chúng ta đã tận mắt chứng kiến bao nhiêu bóng tối xung quanh chúng ta và bao nhiêu bạo lực có thể đè nén trái tim. Tất cả những điều này dường như khiến chúng ta bất lực. Nhưng Chúa nhắc lại với chúng ta rằng sự sống đã chiến thắng sự chết. Nó cũng sẽ xảy ra ở đất nước đau khổ của chúng ta ».


Source:Avvenire

3. Lễ phong chân phước Maria de la Concepción tại Tây Ban Nha

Thứ Bảy, ngày 06 tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ tôn phong nữ tôi tá Chúa: Maria Conchita lên bậc chân phước, tại nhà thờ chính tòa Granada bên Tây Ban Nha, trước sự hiện diện của 2.500 tín hữu.

Vị tân chân phước tên là Maria de la Concepción Barrecheguren, quen gọi là Conchita, chỉ sống vỏn vẹn 22 tuổi, một cuộc sống đầy đau khổ vì bệnh tật, nhưng đã biến những khổ đau đó thành con đường nên thánh.

Chị sinh ngày 27 tháng Mười Một năm 1905 trong một gia đình khá giả và Công Giáo nhiệt thành. Thân phụ của Conchita, sau khi vợ qua đời, đã đi tu Dòng Chúa Cứu Thế, và nay là Đấng đáng kính. Từ nhỏ, Conchita đã bị bệnh viêm ruột và những vấn đề sức khỏe khác nên cha mẹ đã giáo dục con thay vì gửi con đến trường học.

Ngay từ nhỏ, Maria Conchita cảm thấy ơn gọi sống đời tu trì và muốn đi tu Dòng Cát Minh, nhưng bệnh tật ngăn cản ước muốn của chị.

Nhờ nền giáo dục tôn giáo của cha mẹ, Conchita đã chấp nhận trong thanh thản và vui tươi nhiều khó khăn do tình trạng sức khỏe ngày càng suy giảm. Chị được nâng đỡ nhờ siêng năng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt nhờ rước Mình Thánh Chúa hằng ngày và sùng kính Đức Mẹ. Chị cũng đi hành hương tại nhiều nơi, đặc biệt tại Lisieux, nơi có Đền thánh thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Tại đây, Conchita không xin được ơn lành bệnh bao tử, nhưng được giống như thánh nữ, kể cả bệnh lao phổi.

Năm 1926, Conchita bị ho ra máu lần đầu tiên. Bác sĩ khuyên gia đình đưa chị đến miền Alhambra để đổi không khí hầu giúp cho sức khỏe của chị khả quan hơn, nhưng không kết quả, và bệnh tiếp tục nặng hơn. Chị qua đời tại Granada, ngày 13 tháng Năm năm 1927, khi mới được 22 tuổi.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Semeraro nói: “Maria Conchita đã mang lại nhiều hoa trái dồi dào, ngày càng kết hiệp với Chúa, không bao giờ xa lìa Chúa, cả trong những giờ thử thách tối tăm. Chị đã phải đương đầu với những nghịch cảnh vượt quá sức yếu đuối của chị, như bệnh tâm thần di truyền từ mẹ, những đau khổ của bản thân về thể lý, và trong giai đoạn chót của cuộc đời, chị chịu những đau đớn do bệnh lao phổi gây ra.”

“Hôm nay, chị trở nên mẫu gương cho tất cả chúng ta noi theo. Nhất là cho những người đang ở trong đau khổ: chân phước Maria Conchita, đã dâng hiến cuộc sống ngắn ngủi, và với niềm tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chị chứng tỏ sự trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trong sự yêu mến khổ giá, biến đổi nòng cốt cuộc sống, dù nó phức tạp và khó khăn”.

4. CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI MACAO MỪNG LỄ BỔN MẠNG VÀ 15 TẠ ƠN NĂM HỒNG ÂN Giuse Thanh, SVD (Từ Macao)

Vào lúc 14 giờ 30, ngày 1/5/2023, tại Giáo xứ Fatima, Giáo phận Macao, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macao đã tổ chức Mừng Lễ Thánh Giuse Thợ và Tạ Ơn 15 Năm Thành Lập Cộng Đoàn. Đây là dịp để cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì những ân huệ và phúc lộc mà Ngài đã ban cho cộng đoàn trong suốt 15 năm qua.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macao được thành lập vào năm 2007 bởi cha Gioan Baotixita Lê Văn Bá và cha Giacôbê Hồ Ngô Lữ Viên, Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời (SVD). Ban đầu, cộng đoàn chỉ có vài chục thành viên và sinh hoạt tạm thời tại nhà nguyện của cộng đoàn Dòng Ngôi Lời tại Macao, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, số lượng thành viên đã tăng lên đáng kể và đuợc Đức Giám Mục Giáo phậm Macao đồng ý cho cộng đoàn sinh hoạt tại Giáo xứ Đức Mẹ Fatima.

Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macao là tập hợp của những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đặc khu này. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng thành viên trong cộng đoàn dao động từ 350 đến 500 người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và những khó khăn trong cuộc sống nhiều thành viên trong cộng đoàn đã trở về Việt Nam, vì thế số lượng thành viên hiện tại chỉ còn khoảng 200 người. CĐCGVN tại Macao là một cộng đoàn đoàn kết, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Mỗi người trong cộng đoàn đều có niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa và luôn cố gắng phục vụ Ngài qua những hành động cụ thể, qua lao động và lối sống đạo đức. Hiện tại, cộng đoàn chỉ có một linh mục duy nhất là cha Giacôbê Hồ Ngô Lữ Viên, SVD; 03 tu sĩ nam; 02 nữ tu sĩ và hơn 10 nữ đệ tử Dòng Đa Minh Truyền Giáo Mân Côi. Tuy số lượng không nhiều, nhưng đó là những người luôn hăng say và tận tụy với công việc phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Mỗi ngày cộng đoàn đều có thánh lễ vào lúc 21:30, để mọi nguời cùng nhau cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa. Ngoài ra, cộng đoàn còn có hội Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi mà các thành viên cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ với nhau mọi thứ trong tình yêu thương với một đức tin và lòng mến sâu sắc.

Cộng đoàn đuợc thành lập năm 2007, và năm 2022 cộng đoàn tròn 15 năm tuổi. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh và chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của chính phủ nên năm nay cộng đoàn mới có thể tổ chức mừng lễ kỷ niệm thành lập cộng đoàn. Lễ bổn mạng và tạ ơn 15 năm hồng ân cũng là dịp để các thành viên trong cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macao cùng nhau cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì những ân huệ và phúc lộc mà Ngài đã ban cho cộng đoàn trong suốt 15 năm qua. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cộng đoàn cùng nhau tăng cường tình đoàn kết, yêu thương.

Thánh lễ bắt đầu lúc 14:30 bằng việc rước kiệu Thánh Giuse. Các thành viên trong cộng đoàn đã đến đông đủ để tham dự thánh lễ. Điều đặc biệt là trong số đó còn có quý cha, quý tu sĩ và qúy anh chị em đến từ Cộng Đoàn Hy Vọng - Hồng Kông. Trong buổi lễ, cha Gioan Baotixita Lê Văn Bá, SVD đã chủ sự thánh lễ và trong bài giảng của mình, cha Gioan đã làm nổi bật những nét đẹp và đầy ý nghĩa về con nguời và nhân cách của Thánh Giuse. Cha cũng mời gọi gọi mọi nguời nhìn Thánh Giuse và lấy Ngài làm khuôn mẫu trong cuộc sống lao đọngo nơi đất khách. Cha Gioan cũng đã nhấn mạnh rằng, mỗi người trong cộng đoàn đều có trách nhiệm phục vụ Thiên Chúa, gia đình và anh chị em chung quanh mình theo gương Thánh Cả Giuse. Bởi chính những người đầu tiên trong cộng đoàn cũng đã sống với tâm tình như thế và đó cũng là lý do tại sao cộng đoàn đã được gìn giữ và phát triển trong suốt 15 năm qua. Trong suốt thánh lễ, các thành viên và ca đoàn đã cùng nhau cầu nguyện và hát lên những bài thánh ca tôn vinh Thiên Chúa. Không khí của Thánh Lễ rất trang nghiêm và thiêng liêng, mỗi người đều có thể cảm thấy sự yên bình và an nhiên trong tâm hồn.

Thánh lễ đã kết thúc với một lời cầu nguyện chung và lời cảm ơn đến Thiên Chúa. Các thành viên trong cộng đoàn đã cùng nhau chia sẻ những cảm xúc của mình về ngày hông ân này, và tất cả đềunói rằng rằng đây là một ngày lễ đáng nhớ của cộng đoàn nói chung và của từng thành viên nói riêng.