David G. Bonagura, Jr., giáo sư tại Chủng viện St. Joseph, New York, tác giả hai cuốn Steadfast in Faith: Catholicism and the Challenges of Secularism [Kiên định trong đức tin: Công Giáo và những thách thức của chủ nghĩa thế tục] và Staying with the Catholic Church: Trusting God's Plan of Salvation [Ở lại với Giáo Hội Công Giáo: Tin tưởng vào Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa], ngày 19 tháng 5 năm 2023, có bài viết trên trang mạng Catholic World Report về sự cần thiết của nền văn hóa Công Giáo đối với việc truyền thừa Đạo Công Giáo (https://www.catholicworldreport.com/2023/05/19/can-catholicism-be-passed-on-without-catholic-culture/)



Một thế hệ trước, chúng ta đã than phiền về việc có nhiều người Công Giáo không học giáo lý ngồi trên băng ghế nhà thờ. Nhiều con em của thế hệ đó hiện là thế hệ thiên niên kỷ [Millennials] đã trôi dạt từ chỗ không học giáo lý đến chỗ không đi nhà thờ. Họ hiếm khi tham dự Thánh lễ, và con cái của họ cũng vậy. Số liệu thống kê xác định những bậc cha mẹ này nằm trong số những nhóm ít tôn giáo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đối với họ, Đức tin Công Giáo là một khái niệm mơ hồ như vật lý lượng tử hay phép vi tích phân.

Đạo Công Giáo ở Mỹ có bị diệt vong khi đại đa số những người đã rửa tội không đi nhà thờ —80% ở nhà vào Chủ nhật— hay không?

Nơi các thế hệ trước, việc truyền lại Đức tin diễn ra qua sự kết hợp của nhiều yếu tố. Hai phần chính là phụng vụ—Thánh lễ, lễ các thánh, tôn kính Đức Mẹ vào tháng Năm, rước Thánh Thể—và giáo dục—hướng dẫn trực tiếp về Đức tin trong trường học, thường là bởi các tu sĩ nam nữ. Tăng cường những biến cố hàng tuần hoặc định kỳ này là một nền văn hóa Công Giáo, nghĩa là một cách sống của người Công Giáo trong thế giới, bao gồm cầu nguyện gia đình, tượng chịu nạn trong nhà, Thứ Sáu kiêng thịt, Ăn chay sám hối, lần hạt, xưng tội thứ Bảy, chơi lô tô trong tầng hầm nhà thờ, và sống giữa những người Công Giáo khác trong một khu phố đặc thù.

Christopher Dawson viết trong cuốn The Crisis of Western Education [Cuộc Khủng hoảng Giáo dục Phương Tâ](1961), “Văn hóa Kitô giáo là hiện thân của Kitô giáo trong các định chế xã hội cũng như các khuôn mẫu về lối sống và tác phong.” Do đó, đối với hầu hết người Công Giáo, nền văn hóa này như tình cờ vớ được, chứ không hẳn do dạy dỗ, và nó đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho niềm tin của người Công Giáo. Theo lời kể của Dawson, “kiến trúc, hội họa và điêu khắc, âm nhạc và thi ca đều được đưa vào phục vụ [văn hóa Kitô giáo], và không ai quá nghèo hoặc quá ít học đến nỗi không chia sẻ những mầu nhiệm của nó.” Ở Mỹ, trước Công đồng Vatican II, người Công Giáo ý thức rất rõ rằng nền văn hóa của họ khác biệt với nền văn hóa Thệ Phản rộng lớn hơn của Mỹ đang thống trị quốc gia này.

Ngày nay, tất cả các công trình văn hóa làm nền tảng cho phụng vụ và giáo dục trong việc truyền bá Đức tin đã không còn nữa. Tính thế tục thấm nhập vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống Mỹ, trong khi những hành động trước đây từng bị lên án là vô luân đã đội lốt thành bình thường. Lối sống rõ ràng của người Công Giáo đã biến mất với những ngày thứ Sáu kiêng thịt; các việc sùng kính là nhãn quan của người già; các đám rước kiệu đã biến mất. Nghệ thuật và kiến trúc Công Giáo đã bị phá hủy một cách có chủ ý và giáo xứ từ lâu đã không còn là địa điểm sinh hoạt của các gia đình Công Giáo. Giờ đây, vào các buổi sáng Chúa nhật, các bậc cha mẹ của thế hệ thiên niên kỷ không lái xe chở con cái của họ đến nhà thờ mà đến sân thể thao, và một số ít quý giá lê bước đến dự Thánh lễ cuối ngày và lúc 5 giờ chiều.

Tôi đã quan sát cách những người Công Giáo bên lề sống như thế nào khi không có sự hỗ trợ của nền văn hóa Công Giáo trong hai năm dạy chuẩn bị cho lễ rửa tội tại giáo xứ của tôi. Hầu như không có bậc cha mẹ mới nào, ở độ tuổi từ đầu những năm ba mươi đến đầu bốn mươi, đến tham dự phiên họp bắt buộc duy nhất, thực hành Đức tin cả. Mặc dù có tàn dư lượng tinh thần bên trong họ đủ để tìm cách rửa tội cho con cái của họ, nhưng họ không có mối liên hệ nào với Giáo hội định chế và mối quan hệ mong manh với giáo xứ của tôi. Hầu hết mọi người này đều là những người tương đối mới đến thị trấn và chưa tham dự Thánh lễ, hoặc họ là những người ngoại thành và có mối liên hệ gia đình mờ nhạt với giáo xứ. Khi chúng tôi bước vào nhà thờ, không ai quỳ gối; một cách thường xuyên, một ông bố mới tiếp tục đội chiếc mũ bóng chày của mình.

Cơ hội nào để phiên họp kéo dài sáu mươi phút của chúng tôi có thể khơi dậy niềm tin của họ khi đó chỉ là giọt nước mưa tôn giáo đơn nhất trong đại dương thế tục rộng lớn của cuộc đời họ? Phép loại suy tương tự cũng có thể áp dụng với một chút sửa đổi nho nhỏ đối với những người Công Giáo tuy tham dự Thánh lễ Chúa nhật nhưng ngoài ra cũng đang chèo thuyền trên cùng một đại dương như vậy. Thật đáng sợ khi tự hỏi việc tham dự giáo xứ sẽ như thế nào trong ba mươi năm nữa, khi thế hệ Thiên niên kỷ đến tuổi lãnh An sinh xã hội và những đứa con mà họ chưa bao giờ đưa đến nhà thờ nhưng đã được rửa tội trở thành cha mẹ của thế hệ đang tới.

Đâu là biện pháp khắc phục tình trạng này?

Thành thật mà nói, trong khi những nỗ lực truyền giáo thông qua việc chuẩn bị bí tích phải tiếp tục theo mệnh lệnh của Chúa chúng ta, thì tôi nghĩ rằng xác suất thành công—dẫn dắt những người này yêu mến Thiên Chúa thông qua việc thực hành Công Giáo đều đặn—là rất ít. Tại sao? Dù có thể nói gì về tình trạng của phụng vụ kể từ Công đồng Vatican II đi nữa, thì thực tế là Thánh lễ mỗi Chúa nhật là một điều bất biến trong đời sống Công Giáo Hoa Kỳ. Điều này khiến tôi kết luận rằng chỉ riêng Thánh lễ mà không có sự hỗ trợ văn hóa rộng lớn hơn của “nếp sống Công Giáo” thì không thể giữ người Công Giáo trong cộng đoàn.

Dawson nói đúng: tôn giáo cần văn hóa để lớn lên như hạt giống cần đất tốt. Ngày nay, mảnh đất của nền văn hóa Mỹ đã trở nên bạc màu và triển vọng đổi mới của nó trong thời gian ngắn là không hiện hữu. Không có sự hỗ trợ của một nền văn hóa Công Giáo lành mạnh, những người Công Giáo bên lề ngày nay giống như những hạt giống được gieo vào bụi gai; họ là những người đàn ông và đàn bà “những người [nghe] lời, nhưng sự lo lắng thế gian và sự ham giàu sang làm nghẹt lời, khiến lời trở nên vô ích” (Mt 13:22).

Ngày nay có đất canh tác nào để ít nhất một số hạt giống Công Giáo có thể sống sót và đơm hoa kết trái? Tôi tin rằng một khu vườn hình tam giác được chăm bón bằng ba chất dinh dưỡng—gia đình, giáo xứ và trường học Công Giáo—có thể cung cấp đủ đất màu mỡ cho việc phản văn hóa phát triển. Cả ba, với những điểm nhấn độc đáo của chúng, có thể cung cấp các yếu tố văn hóa cần thiết để hỗ trợ đức tin phát triển nơi cha mẹ và con cái của họ.

Nỗ lực phải có chủ ý, với cả ba điểm hoạt động đồng bộ với cùng mức độ hiểu biết và công khai phê phán nền văn hóa thế tục đang thịnh hành tràn qua màn hình của chúng ta với sức mạnh như vũ bão suốt cả ngày. Những người trẻ tuổi sẽ sẵn sàng cắm rễ trong khu vườn Công Giáo phản văn hóa chỉ khi họ vừa cảm thấy những lợi ích của việc ở lại đó đồng thời nhìn thấy những sai sót của nền văn hóa thế tục. Quy tắc trong thể thao áp dụng cho việc rao giảng Tin Mừng: cách phòng thủ tốt nhất là tấn công tốt.

Những hạt giống mong muốn cho khu vườn tam giác này không phải là những người Công Giáo bên lề, mà là những người có một số mối quan hệ tích cực với Giáo hội thông qua việc tham dự Thánh lễ hoặc ghi danh vào các trường Công Giáo. Nếu chúng ta muốn hạt giống đức tin lớn lên trong nền văn hóa Mỹ thù địch này, chúng ta phải nỗ lực gấp ba lần để tạo cho chúng những điều kiện phản văn hóa lớn lên. Các giáo xứ nên tăng cường các cơ hội thờ phượng, sùng kính và rước kiệu, đồng thời kêu gọi phụ huynh và con cái của họ tham gia. Thí dụ, hãy xem xét tác động có thể có của việc mặc áo dòng [cassock] và áo các phép [surplice] cho mười cậu bé, sau đó giao cho các em vai trò trong một cuộc rước Thánh thể hoặc rước các thánh ngoài trời, đặc biệt nếu các em đã thực hành trước và được hiểu chính xác những gì các em đang làm. Các linh mục giáo xứ không nên ngần ngại phê phán nền văn hóa thế tục đang thịnh hành trong các bài giảng của họ và giải thích làm thế nào mà một nền văn hóa phản văn hóa của Công Giáo lại lành mạnh hơn, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với phẩm giá con người và sự phát triển của con người.

Các trường Công Giáo nên tận dụng mọi cơ hội—từ hoạt động tiếp thị đến các cuộc họp của trường cho đến việc giảng dạy thông thường trong lớp học—để tán dương những phẩm chất của văn hóa Công Giáo đồng thời phơi bày những tệ nạn của văn hóa thế tục và nền tảng đào tạo của nó: các trường công. Ở một mức độ nào đó, khi nói đến học thuật, toán là toán và khoa học là khoa học; nhưng khi các giáo viên tự tin tận dụng một vài cơ hội để cho thấy toán học và khoa học chỉ cho thấy rằng có một Thiên Chúa Tạo Hóa nhân từ, Đấng đã tạo dựng mọi vật trong vũ trụ để chia sẻ tình yêu thương của Người và để phản ảnh lại Người, thì họ sẽ góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ đức tin của học sinh. Trong các khóa học lịch sử và văn học, không có lý do gì mà các vị thánh và nhà văn Công Giáo không được đưa vào chương trình giảng dạy cùng với những người như George Washington và Washington Irving. Khi điều này xảy ra, học sinh thấy rằng tôn giáo là một phần tự nhiên của văn hóa, không phải là thứ tách rời khỏi văn hóa. Chỉ riêng trong lịch sử Hoa Kỳ, không thiếu những vị thánh đã anh dũng lao công, nói theo cách nói thế tục, để nâng cao mức sống cho những người bị thiệt thòi nhất trong chúng ta. Trong một xã hội bị ám ảnh bởi các vấn đề chủng tộc, các bài học có thể bắt đầu với Thánh Junipero Serra và Katherine Drexel. Bên ngoài lớp học, các trường học có thể tài trợ cho các biến cố gia đình và tôn giáo thu hút người Công Giáo đến với nhau trong cộng đồng.

Lumen Gentium của Công đồng Vatican II gọi gia đình là “giáo hội tại gia” bởi vì “trong nó, cha mẹ, bằng lời nói và gương sáng của mình, phải là những người đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái” (11). Chính tại đây mà đức tin ban cho qua Giáo hội trong phép rửa được bén rễ. Giáo xứ và nhà trường phải thúc giục phụ huynh và trẻ em hướng đến việc phát triển đức tin của họ ở nhà, và ngày nay không thiếu các nguồn tài liệu in ấn và điện tử để giúp bổ sung cho những nỗ lực của họ và cung cấp sự hiểu biết về cách sống đức tin Công Giáo trong cuộc sống hàng ngày. Các bậc cha mẹ phải ý thức rằng họ và con cái của họ khác với các bạn đồng trang lứa vì đã chọn một đời sống Công Giáo rõ ràng, và họ phải củng cố bản thân trước áp lực của bạn bè để tuân theo. Đây là một lý do khác khiến khu vườn phản văn hóa cần ba mỏ neo: đứng một mình chống lại cơn sóng thần văn hóa đang thịnh hành không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong những năm gần đây, việc gọi các chiến lược để sống theo đức tin là “các lựa chọn” đã trở nên phổ biến, theo sau “Lựa chọn Bênêđíctô” của Rod Dreher. Tôi sẽ làm theo và gọi khu vườn hình tam giác của mình là “Lựa chọn lò ươm [seminary option]” vì một lý do đơn giản: nếu chúng ta muốn đức tin Công Giáo tồn tại ở Mỹ, chúng ta cần gieo hạt giống trong khu vườn phản văn hóa của mình. Sau đó, chúng ta phải cầu nguyện và làm việc để những hạt giống này sẽ lớn lên nhằm xây dựng các yếu tố văn hóa cần thiết để duy trì đức tin. Chúng ta cầu nguyện để những hạt giống sẽ sinh ra hoa trái lâu dài, như sẽ thấy rõ khi có nhiều người Công Giáo rời bỏ ranh giới để trồng gia đình của họ trong cùng một khu vườn này.

Một phản văn hóa Công Giáo mới sau đó có thể chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài: “Người ấy như cây trồng bên dòng nước, sinh trái đúng mùa, lá không héo úa. Mọi việc người làm đều được thịnh vượng” (Thánh vịnh 1:3).