Giám Mục Lambert De La Motte Đến Thăm Họ Đạo Có Tên Lâm Thuyền Hoặc Làm Thuyền?

Trong tác phẩm “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” của Ban biên soạn lịch sử Giáo phận có nhắc đến sự kiện Giám mục Pierre Lambert de la Motte lên đường đến Đàng Trong lần thứ nhất vào năm 1671: “…Một trong các linh mục người Việt được sai đi báo tin cho một số tín hữu cốt cán và sáng hôm sau cha ấy đã trở ra thuyền cùng với một thầy giảng lớn tuổi, một thầy giảng trẻ và hai người khác nữa từ một làng có tên là Lâm Thuyền (…) Đêm 01 tháng 09, Đức cha cùng với hai cha Mahot và Vachet ăn mặc như người Việt đã đặt chân lên Lâm Thuyền bên bờ biển sau khoảng 2 tháng hành trình từ Xiêm. Đây là một họ đạo có hơn 800 tín hữu, kẻ trước người sau họ đến nhận phép lành từ Đức cha”[1]

Địa danh Lâm Thuyền được Ban Biên soạn Lịch sử Giáo phận Qui Nhơn chú thích: “Đây là địa danh được ghi trong thư chữ Nôm của linh mục và thầy giảng ở Lâm Thuyền gửi Đức cha năm 1676. Còn trong ký sự của cha Vachet thì ghi là Lam Thuyen. Có tài liệu giải thích là “Làm Thuyền”. Có tài liệu gọi là Xóm Thuyền. Địa danh này có lẽ là giáo xứ Chợ Mới thuộc Giáo phận Nha Trang ngày nay. Gọi là Xóm Thuyền hay Làm Thuyền vì dân ở đó làm nghề đánh cá và đồ gốm, nên họ làm thuyền để đánh cá và để chở đất sét từ Bình Cang về. Sau này được đổi tên là Chợ Mới có lẽ vì tại đây có một cái chợ nhỏ, sau đó xây một chợ mới lớn hơn, từ đó người ta gọi chợ này là chợ mới và họ đạo cũng được gọi là Chợ Mới thay tên Xóm Thuyền hay Lâm Thuyền”[2].

Ngoài ra địa danh Lâm Thuyền còn xuất hiện trong tác phẩm “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” ở các trang 125, 144, 145, 152, 154, 156, 157, 158.

Địa danh Lam thuyen xuất hiện trong Documents Historiques I (1658-1728) của Adrien Launay ở các trang 170, 176, 264, 396 và trong Documents Historiques II (1728-1771) ở các trang 74, 75, 97, 132, 135, 140, 143, 146, 171, 186, 195, 263, 278, 279, 281, 378[3].

Ngoài ra cũng trong Documents Historiques II (1728- 1771) cũng xuất hiện địa danh Lam tuyen ở các trang 9, 86, 190.

Trong Journal de Mgr Lambert de la Motte: 1674-1678, trang 208 ghi lại sự kiện Giám mục đến Đàng Trong lần 2 năm 1676: “On est arrivé à la barre de Nha Tram sur les 7 heures du matin; aussitôt Mr Mahot est allé à terre, à Lam Tuyen, chez Mr Bouchard, qui n’en est éloigné que d’une bonne heure de chemin” (Chúng tôi đến mỏm đá ngầm Nha Tram[4] vào lúc 7 giờ sáng. Ông Mahot liền đi bộ đến nhà ông Bouchard ở Lam Tuyen, nơi này chỉ cách xa đúng một giờ đi đường). Nhưng sau đó (trang 209) lại ghi Lam Thuyen: “On a résolu du consentement des habitants du village de Lam Thuyen de faire l’etablissement de la communauté de vierges proche de l’église” (Chúng tôi đã quyết định với sự đồng thuận của dân làng Lam Thuyen, về việc thành lập cộng đoàn các trinh nữ bên cạnh nhà thờ)

Nhiều người cho rằng các giáo sĩ phương Tây không thể đọc chữ “h” trong Làm Thuyền được nên viết thành Lam Tuyen. Riêng ở trang 97 ghi: “Avant que de quitter Lem-tuyen (septembre 1740) nous chantâmes un office solennel pour le repos de l’âme de M. de Carbon”[5](Trước khi rời khỏi Lem-tuyen (tháng 12/1740) chúng tôi dâng lễ trọng cầu nguyện cho linh hồn ngài de Carbon). Linh mục de Carbon từ trần ngày 6/12/1739 trong vùng Nha Trang[6].

Trong Documents Historiques III ghi lại lá thư của linh mục Lavoué gởi cho linh mục Letondal 29/5/1794 khi đang coi sóc giáo xứ mà nay gọi là Chợ Mới (Nha Trang): “Le 28 avril, l’armée de mer parut à l’entrée du port de Nha- trang.

J’étais alors occupé à confesser les enfants de Lam- toun, chrétienté tout proche la mer; le lendemain 29, ils eurent le bonheur de faire leur première communion.

M. Boisserand que j’avais invité à venir m’aider la leur donna; il y eut un petit repas qui fut suivi de la rénovation de voeux du baptême”[7] (Ngày 28/4 Thủy quân Tây Sơn xuất hiện ở cửa cảng Nha Trang. Lúc ấy tôi đang bận cho các trẻ em ở Lam Toun xưng tội, một giáo xứ sát biển. Ngày hôm sau 29/4 chúng nó có diễm phúc được làm lễ ban Thánh thể đầu tiên trong đời. Ông Boisserand mà tôi mời đến giúp tôi làm lễ ấy có một bửa cơm sau lễ cầu rửa tội lại)[8].

Cũng cùng một địa điểm nhưng các giáo sĩ phương Tây không thống nhất cách ghi, có vị thì ghi Lam Tuyen, có vị thì ghi Lam Thuyen, Lem Tuyen, Lam Toun, người đời sau lại suy diễn ra là Lâm Thuyền, Làm Thuyền.

Trong An Nam đại quốc họa đồ của Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838 thì ở Bình Hòa trấn[9] về phía đông nam của họ đạo Bình Cang là họ đạo Lâm Toàn.

Theo Địa bạ Gia Long năm 1811 làng Ngọc Hội hiện nay (nơi có giáo xứ Chợ Mới, thuộc xã Vĩnh ngọc, thành phố Nha Trang) chính là thôn là thôn Lâm Toản (Toản trong chữ Hán thuộc bộ Kim nghĩa là cái khoan, cái dùi). Cùng viết một chữ Hán như nhau nhưng khi phiên âm và phát âm sang tiếng Việt là Lâm Toản hoặc Lâm Toàn đều đúng cả[10]. Trong Luận ngữ câu 10, thiên Tử Hãn, chương IX Nhan Uyên đã ca ngợi đạo của thầy mình là Khổng tử: “Ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu” (Càng trông lên càng thấy cao, càng dùi vào thì biết là càng kiên cố, mới nhìn thấy trước mặt, bỗng hiện lại sau lưng).

Đôi khi địa danh được người địa phương đọc trại (trệch) âm. Ví dụ địa danh Phú Vang (Thừa Thiên- Huế), Hòa Vang (Đà Nẵng) nếu phát âm đúng theo mặt chữ Hán sẽ là Phú Vinh, Hòa Vinh. Cũng vậy chữ Toàn người dân địa phương phát âm thành Tuyền. Ví dụ : “Tinh toàn” phát âm thành “Tinh tuyền”; Con vật dùng để cúng tế thần linh phải là con vật “toàn một sắc lông” (không được loang lổ) thì lại gọi “tuyền một sắc lông”, “con vật đen tuyền”. Trong Khổng học đăng, cụ Phan Bội Châu không bao giờ dùng chữ “toàn” mà chỉ dùng chữ “tuyền” mà thôi.

Địa danh Lâm Toản (Lâm Toàn) được các giáo sĩ phương Tây ghi thành Lam Toun. Dân địa phương không phát âm là Lâm Toản hoặc Lâm Toàn mà phát âm tiếng Việt và viết chữ Hán là Lâm Tuyền. Trong lá thư bằng chữ Hán của những người Kitô hữu Đàng Trong gởi cho Đức Giáo tông Clément X năm 1676 (Lettre des chrétiens de Cochinchine au souverain Pontife Clement X), có tên thánh và tên của một số giáo dân đại diện một số khu vực như khu vực: Quảng Ngãi phủ; Nha Trang phủ[11] thánh đường Lâm Tuyền; Dinh Cát; Quảng Bình phủ.

Thôn Lâm Toản thời Gia Long nằm trong địa bàn thuộc[12] Hà Bạc, phủ Diên Khánh, trấn Bình Hòa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã tóm tắt địa bạ thôn Lâm Toản vào năm 1811:

-“LÂM TOẢN thôn (xứ Gò Gốm, Gò Dê, Gò Gạch, Cây Me, Biên Sơn[13])

-Đông giáp sông.

-Tây giáp thôn Hoa Nông[14] và xã Xuân Sơn Thượng[15].

-Nam giáp thôn Hoa Nông và sông.

-Bắc giáp thôn Hội An[16] và núi

-Toàn diện tích 63 mẫu

Công điền 5 mẫu 3 sào

-Thực trưng 3 sào

- Lưu hoang 5 mẫu

.Tư điền 1 mẫu 9 sào

.Tư thổ 49 mẫu

.Mộ địa 4 mẫu 6 sào (2 khoảnh)

-Sông 1 dải 284 tầm”[17]

Sau đó thôn Lâm Toản được đổi tên thành Ngọc Toản. Hiện ở tại miếu Tiền hiền đình Ngọc Hội còn lưu giữ tấm bia đá năm Canh Thân (1860). Năm chữ đầu của tấm bia ghi: “Ngọc Toản thôn bi ký”

Bản đồ Mission de la Cochinchine Orientale của Adrien Launay xuất bản năm 1889 có ghi tên họ đạo Ngọc Toản (chưa xuất hiện địa danh Chợ Mới). Sự thực dưới thời Đồng Khánh (1886-1888) thôn Ngọc Toản đã được đổi thành Ngọc Hội rồi! Thôn Ngọc Hội thuộc tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh[18]

Như vậy những địa danh Lam-tuyen, Lam-thuyen, Lem- tuyen, Lam-toun là do các giáo sĩ phương Tây ghi thiếu dấu hoặc ghi sai, còn Lâm Thuyền, Làm Thuyền, Xóm Thuyền là do những nhà nghiên cứu Việt Nam gần đây suy diễn ra. Đúng tên của nó là Lâm Toản hoặc Lâm Toàn nhưng dân địa phương gọi là Lâm Tuyền.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

[1][2]- Ban biên soạn lịch sử giáo phận, Giáo phận Qui nhơn qua dòng thời gian, Nxb Antôn& Đuốc Sáng, t. 122.

[3]- Archives des Missions Étrangères, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 par Adrien Launay, Documents Historiques I 1658-1728/ Documents Historiques II 1728-1771/ Documents Historiques III 1771-1823, Paris, Anciennes Maisons Charles Douniol et Retaux, P. Tequi, Successeur, 82, rue Bonaparte (Quyển I xb 1923, Quyển II xb 1924, Quyển III xb 1925)

[4]- Nha Tram chính là Nha Trang. Journal de Mgr… trang 209 ghi: “L’après midi on a mouillé au port de Camaran qui est le dernier de la province de Nha Tram” (Vào buổi xế, chúng tôi đã thả neo ở hải cảng Camaran, đây là hải cảng cuối cùng của tỉnh Nha Tram). Hải cảng Camaran chính là Cam Ranh.

[5][6]- Documents Historiques II 1728-1771, p. 97, 96

[7]- Documents Historiques III 1771- 1823, p. 233

[8]- Bản dịch Những người bạn cố đô Huế B.A.V.H Tập XIII, 1926, Nxb Thuận Hóa, t.337

[9]- An Nam đại quốc họa đồ vẽ trước năm 1832 cho nên còn ghi đơn vị hành chánh “trấn”. Năm 1832 vua Minh Mạng phân hạt lại, đổi trấn Bình Hòa làm tỉnh Khánh Hòa.

[10]- Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, t. 654

- Trần Văn Chánh, Từ điển Hán Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nxb Trẻ 2086-2087

[11]- Documents Historiques I 1658-1782, p. 196

- Trước năm 1690 vùng đất Khánh Hòa hiện nay chỉ có 2 phủ là phủ Thái Khang (gồm 2 huyện Quảng Phước và Tân Định) và phủ Diên Ninh (gồm 3 huyện Phước Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu), không có phủ nào mang tên Nha Trang. Thôn Lâm Tuyền thuộc huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Ninh.

[12]- Thuộc là một đơn vị hành chính xưa, tương đương cấp tổng. Tháng 4 năm Bính Ngọ (1726) “Sai ký lục Chính Dinh là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập. buổi quốc sơ mở mang bờ cõi, dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi, ven biển thì lập làm thuộc, phủ Thăng Hoa 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Qui Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ hợp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng; man nghĩa là lan man ra, phàm những chỗ nhà ở liền nhau thì gọi là man) nhưng chưa có lệ đặt chức dịch. Đến bây giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người cai thuộc, một người ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt một ký thuộc, 100 người thì đặt một tướng thần” (Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, t. 140-141).

Đến tháng 5 năm Đinh Hợi (1827) “Đổi các thuộc từ Thừa Thiên trở vào Nam đến Bình Hòa làm tổng, cho thuộc các huyện sở hạt. Trước đây thuộc vẫn là thuộc, không lệ thuộc vào huyện, đến bây giờ mới sai xét theo địa thế nơi nào gần tiện thì đổi lệ vào” (Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, t. 618)

[13]- Xứ Gò Gốm nay là thôn Lư Cấm, phường Ngọc Thảo, Nha Trang; Xứ Gò Dê, nay là khu vực giáo xứ Ngọc Thủy, phường Ngọc Thảo, Nha Trang; Xứ Biên Sơn là khu vực Suối khoáng tắm bùn Tháp Bà, thuộc bờ bắc sông Cái Nha Trang.

[14][15][16]- Thôn Hoa Nông nay là thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc; xã Xuân Sơn Thượng, nay là thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc; còn thôn Hội An chưa xác định được.

[17]- Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Khánh Hòa, Nxb TP.HCM, t. 256

[18]- Bản đồ này vẽ trước thời vua Đồng Khánh (1886-1888), bởi trong Đồng Khánh địa dư chí tập II, Nxb Thế Giới, 2003 trang dịch 1633, trang chữ Hán 1645 không còn tên Ngọc Toản thôn mà chỉ có Ngọc Hội thôn.