Bom chùm là loại bom khi chạm mục tiêu sẽ tung toé ra xung quanh, trên một diện tích rộng, những trái bom nhỏ hơn, nhằm gây ra những tác động lớn hơn, và mức độ sát thương cao hơn. Tuy nhiên, những trái bom nhỏ khi văng ra khỏi trái bom lớn sẽ chạm mục tiêu với một lực chắc chắn nhỏ hơn đáng kể so với trường hợp quả bom được bắn trực tiếp bằng các hệ thống pháo hay được thả từ trên trời xuống. Hậu quả là những quả bom nhỏ này có thể không nổ, và sẽ trở thành một thứ giống hệt như mìn bẫy, và sẽ nổ tung khi người ta hay các phương tiện giao thông đạp phải.

Một khái niệm đi kèm với bom chùm là “dud rate”, nghĩa là tỷ lệ không nổ của các quả bom nhỏ. Trong cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã sử dụng các loại bom chùm có tỷ lệ không nổ trong phạm vi từ 30% đến 40%.

Quan ngại sâu xa đối với bom chùm là chúng gây ra mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với dân thường vì diện tích tác động lớn bừa bãi của chúng và vì chúng có tỷ lệ thất bại đáng kể, thường không phát nổ cho đến rất lâu sau khi tác động.

Luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ cấm sản xuất, sử dụng hoặc chuyển giao bom, đạn chùm có tỷ lệ không nổ trên 1%. Tuy nhiên, tổng thống có thể bác bỏ luật đó nếu ông cho rằng nó quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Chính quyền Biden đã công bố hôm thứ Sáu rằng họ sẽ gửi hàng trăm nghìn “quả bom chùm” gây nhiều tranh cãi để hỗ trợ cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga. Những quả bom thả ngay lập tức hàng chục đến hàng trăm chất nổ trên một khu vực rộng lớn, bị cấm bởi 123 quốc gia.

Oái oăm là đúng một năm trước, khi được hỏi về khả năng gởi bom đạn chùm phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Jen Psaki thẳng thừng trả lời “Đó là điều không thể, vì sẽ dẫn đến thế giới chiến tranh thứ ba ngay lập tức.”

Tại sao bây giờ lại là có thể? Hầu hết các chuyên gia cho rằng đó là do cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin gây ra. Cuộc binh biến này đã làm thay đổi sâu sắc tư duy chiến lược của Hoa Kỳ và NATO. Nói cho dễ hiểu, họ không còn sợ Nga như trước nữa, các luận điệu tống tiền hạt nhân của Nga đã bị vô hiệu hóa.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Chính sách Colin Kahl đã xác nhận trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ gửi những quả bom này như một phần của gói viện trợ vũ khí mới trị giá 800 triệu đô la cho Ukraine.

Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ sẽ “lựa chọn cẩn thận” các quả bom chùm có tỷ lệ thất bại dưới 2,35% để gửi tới Ukraine.

Mặc dù 123 quốc gia đã đồng ý với các điều khoản của “Công ước về bom, đạn chùm” năm 2008, trong đó cấm rõ ràng việc sử dụng, chuyển giao, sản xuất và tàng trữ bom chùm, nhưng Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ukraine chưa bao giờ ký vào thỏa thuận này, và không bị ràng buộc bởi Công ước đó.

Tuy nhiên, các đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Anh, Pháp và Đức đều đã cấm sử dụng chúng, gây áp lực chính trị lên Hoa Kỳ NATO cũng cực kỳ chỉ trích việc Nga sử dụng bom chùm trong cuộc xâm lược Ukraine.

Thế giới đã phản ứng thế nào?

NATO đã đưa ra lập trường nước đôi về quyết định gây tranh cãi của Hoa Kỳ cung cấp bom chùm cho Ukraine.

Hôm thứ Sáu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng “NATO với tư cách là một Liên minh không có lập trường nào đối với Công ước về Bom, đạn chùm, bởi vì một số Đồng minh đã ký vào công ước, nhưng một số Đồng minh đã không ký vào công ước.”

Ông Stoltenberg nói thêm rằng “các đồng minh riêng lẻ sẽ đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí và vật tư quân sự cho Ukraine.”

Giáo Hội Công Giáo đã nói gì?

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo từ lâu đã lên án việc sử dụng bom chùm.

Năm 2008, khi Công ước về bom, đạn chùm lần đầu tiên được thảo luận, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là người kiên quyết ủng hộ lệnh cấm.

Tòa thánh là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn, ký tên và kêu gọi các quốc gia khác đồng ý với công ước.

Một thông cáo báo chí của Vatican năm 2008 cho biết: “Tòa thánh coi Công ước về bom, đạn chùm là một bước quan trọng trong việc bảo vệ dân thường trong và sau các cuộc xung đột, khỏi những tác động bừa bãi của loại vũ khí vô nhân đạo này.”

Sau đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, hiện là Hồng Y và là người đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao, tuyên bố rằng Tòa thánh đã thực hiện một bước bất thường là ngay lập tức phê chuẩn hiệp ước để “gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ” ủng hộ các nạn nhân và “ để đưa ra lời kêu gọi các Quốc gia — đặc biệt là các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng tiềm năng của bom, đạn chùm — hãy tham gia vào các bên ký kết hiện tại.”

Đức Bênêđictô gọi lệnh cấm là “cần thiết” để “chữa lành những lỗi lầm trong quá khứ và tránh chúng tái diễn trong tương lai.”

“Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bom, đạn chùm, cho gia đình của họ và cho cả những người tham gia hội nghị này, mong rằng nó sẽ thành công,” Đức Bênêđictô nói. “Tôi hy vọng rằng, nhờ trách nhiệm của tất cả những người tham gia, chúng ta có thể đạt được một văn kiện quốc tế mạnh mẽ và đáng tin cậy: thực sự cần thiết phải khắc phục những sai lầm trong quá khứ và ngăn chặn sự tái diễn trong tương lai.”

Vào năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, khi đó là Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã kêu gọi “phổ cập hóa và thực hiện đầy đủ” lệnh cấm bom chùm, “bảo đảm rằng, trong tương lai, bom chùm sẽ không bao giờ là một nguyên nhân đau khổ của con người.”

Đức Tổng Giám Mục Jurkovič nói: “Bây giờ, thậm chí hơn cả khi Công ước về bom, đạn chùm được thông qua, điều cấp thiết là phải đề cao trách nhiệm đạo đức của chúng ta trong việc bảo vệ phẩm giá của các nạn nhân và trình bày lại các điều cấm theo Công ước thông qua lăng kính nhân đạo. “Việc tuân thủ Công ước về bom, đạn chùm trên toàn cầu và duy trì các tiêu chuẩn của nó sẽ góp phần đạt được sự phát triển con người bền vững và toàn diện.”

Trong một bài phát biểu năm 2017 kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi lệnh cấm bom chùm, chỉ ra rằng đó là một dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế cũng có thể và nên cấm vũ khí hạt nhân.