1. Các giám mục nói rằng thủy táng là không thể được đối với người Công Giáo

Khi nhiều tiểu bang xem xét hợp pháp hóa quá trình thủy phân bằng kiềm, các giám mục Hoa Kỳ khuyên người Công Giáo tránh phương pháp chôn cất này, và nhấn mạnh rằng hài cốt được giải quyết một cách trang trọng.

Theo truyền thống, một người Công Giáo đã qua đời sẽ được chôn dưới đất hoặc an táng trong lăng mộ hoặc hầm mộ. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo cho phép hỏa táng, nhưng nó đi kèm với một số yêu cầu - chẳng hạn như hài cốt vẫn phải được chôn cất hoặc thi hài phải được đặt trong một nhà thờ lớn - và hạn chế nghiêm ngặt việc rải tro. Tuy nhiên, có một phương pháp hỏa táng mới hơn, sử dụng hỗn hợp nước kiềm hòa tan hoàn toàn các vật liệu sinh học. Các giám mục cảnh báo rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo.

Quá trình này được gọi là thủy phân kiềm, thủy hóa hoặc “hỏa táng trong nước” và đây là hình thức chôn cất hợp pháp ở 24 tiểu bang, với 7 tiểu bang khác hiện đang xem xét hợp pháp hóa hình thức này. Theo Hiệp hội Hỏa táng Bắc Mỹ, quá trình này đòi hỏi phải đặt thi thể của người quá cố trong một buồng kín, nơi hỗn hợp nước có tính axit sẽ phân hủy thi thể trong khi được điều áp và làm nóng.

Quá trình này được cho là có lượng khí thải carbon thấp hơn so với hỏa táng thông thường và để lại nhiều hài cốt hơn - ở dạng xương, phải được nghiền thành bụi - sẽ cần một chiếc bình lớn hơn. Tuy nhiên, phần còn lại của thi thể đã hòa tan trong chất lỏng được tống khứ vào trong hệ thống nước thải địa phương, nói cho dễ hiểu là đổ xuống cống, hoặc thậm chí được sử dụng để làm phân bón, và đây là lúc Giáo Hội Công Giáo gặp vấn đề thực sự với quá trình này.

Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh rằng hài cốt của con người phải được đối xử tôn trọng để bảo vệ phẩm giá của người quá cố, giống như khi họ còn sống. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: “thi thể của người chết phải được đối xử với sự tôn trọng và bác ái, trong niềm tin và hy vọng vào sự Phục sinh. Việc chôn cất người chết là một công việc của lòng thương xót, nó tôn vinh con cái Thiên Chúa là đền thờ của Chúa Thánh Thần.”

Trong khi Vatican vẫn chưa cân nhắc về phương pháp mới này, các giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn cho các tín hữu. Theo Tổng giáo phận St. Louis, cựu Tổng Giám mục Washington Donald Hồng Y Wuerl đã gọi các phương thức giải quyết liên quan đến thủy táng là “sự thiếu tôn trọng không cần thiết đối với cơ thể con người”.

Tổng giáo phận St. Louis cũng cho rằng phương pháp này không phù hợp với người Công Giáo. Đức Tổng Giám Mục Robert J. Carlson mới về hưu đã kết luận rằng “hình thức hỏa táng này trong thực tế hiện nay vi phạm phẩm giá của con người đã khuất”. Tổng giáo phận tiếp tục cảnh báo người Công Giáo tránh thủy táng “cho đến khi có thể thiết lập một phương tiện phù hợp khác để giải quyết chất lỏng còn sót lại”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Texas cho biết như sau:

“Đối xử với người chết một cách tôn trọng là nghĩa vụ của người sống và quyền của người chết và dự luật này không đối xử tôn trọng với người chết. Những người ủng hộ phương pháp thủy phân bằng kiềm cho rằng kết quả tương tự như kết quả hỏa táng với một số phần xương còn lại có thể được chôn cất. Điều mà họ không giải thích được là cũng có một lượng lớn chất lỏng, khoảng 100 gallon, trong đó phần còn lại của cơ thể đã bị hòa tan. Thông thường chất lỏng được đổ vào cống.”

Các giám mục Texas tiếp tục đặt câu hỏi liệu quy trình này có thực sự thân thiện với môi trường hơn hay không, vì hài cốt và hóa chất được sử dụng để hòa tan chúng đều được đưa vào cống rãnh. Họ cũng lưu ý rằng, mặc dù thủy táng rẻ hơn, nhưng “Không được hy sinh sự tôn trọng và tôn kính đối với cơ thể con người để đổi lấy việc giải quyết rẻ hơn, nhanh hơn cho các cơ sở nghiên cứu y tế.”


Source:Aleteia

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận việc bổ nhiệm Giám Mục Thượng Hải mặc dù vi phạm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục Thượng Hải, người trước đó đã được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican Pietro Parolin đã công bố hôm thứ Bảy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “khắc phục sự bất thường về giáo luật đã tạo ra ở Thượng Hải, vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thi hành hiệu quả thừa tác vụ mục vụ của giám mục”.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng “ý định của Đức Thánh Cha về cơ bản là mục vụ” và sẽ cho phép giám mục “làm việc một cách thanh thản hơn để thúc đẩy việc truyền giáo và thúc đẩy sự hiệp thông trong giáo hội.”

Giám mục Giuse Thẩm Bân được bổ nhiệm tại Thượng Hải vào tháng 4, vi phạm thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục. Đây là lần bổ nhiệm trái phép thứ hai của chính quyền Trung Quốc trong năm qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức xác nhận Giám mục Shen Bin cho chức vụ Thượng Hải vào ngày 15 tháng 7. Đức Hồng Y Parolin nói rằng Vatican cố ý trì hoãn đưa ra “quyết định dành thời gian trước khi bình luận công khai về vụ việc” để đánh giá tình hình mục vụ ở Thượng Hải, nơi đã không có giám mục trong hơn một thập kỷ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News được công bố cùng với thông báo về việc bổ nhiệm giám mục Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh rằng “điều tất yếu là tất cả việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện bằng sự đồng thuận, như đã thỏa thuận, và duy trì tinh thần đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.”

Tòa Thánh lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận tạm thời hai năm với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018, thỏa thuận này đã được gia hạn vào năm 2020 và một lần nữa vào năm 2022.

Một tháng sau khi Tòa thánh đồng ý gia hạn thỏa thuận vào tháng 10 năm ngoái, Vatican nói rằng chính quyền Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản được quy định trong thỏa thuận bằng cách bổ nhiệm Giám mục Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照), làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây”, một giáo phận không được Tòa thánh công nhận.

Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng văn bản của thỏa thuận tạm thời đã được giữ bí mật “bởi vì nó vẫn chưa được phê chuẩn một cách dứt khoát”.

“Nó xoay quanh nguyên tắc cơ bản của các quyết định đồng thuận ảnh hưởng đến các giám mục,” ngài nói.

“Do đó, chúng tôi đang cố gắng làm rõ điểm này, trong một cuộc đối thoại cởi mở và trong một cuộc đối đầu tôn trọng với phía Trung Quốc.”

Khi được hỏi những chủ đề nào khác cần được thảo luận trong cuộc đối thoại của Vatican với Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin đã liệt kê việc truyền giáo, hội đồng giám mục và sự liên lạc giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y kêu gọi thành lập một hội đồng giám mục Trung Quốc với “các quy chế phù hợp với bản chất giáo hội và sứ mệnh mục vụ của nó” và thiết lập sự liên lạc thường xuyên giữa các giám mục Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng.

“Thật ra, phải nói rằng có quá nhiều nghi ngờ làm chậm lại và cản trở công việc loan báo Tin Mừng: Người Công Giáo Trung Quốc, ngay cả những người được định nghĩa là ‘hầm trú’, đáng được tin tưởng, bởi vì họ chân thành muốn là những công dân trung thành, đáng được chính quyền tin tưởng, lương tâm và đức tin của họ đáng được trân trọng” Đức Hồng Y Parolin nói.

Bất chấp những vi phạm lặp đi lặp lại, Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh “quyết tâm” tiếp tục đối thoại với Trung Quốc.

“Thật vậy, cuộc đối thoại giữa phía Vatican và phía Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ và tôi tin rằng đó là một con đường bắt buộc theo một cách nào đó,” ngài nói.

“Để làm cho nó suôn sẻ và hiệu quả hơn, đối với tôi, dường như việc mở một văn phòng liên lạc ổn định của Tòa thánh ở Trung Quốc sẽ vô cùng hữu ích. Tôi xin mạn phép nói thêm rằng, theo ý kiến của tôi, sự hiện diện như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy đối thoại với chính quyền dân sự, mà còn góp phần vào sự hòa giải hoàn toàn trong Giáo hội Trung Quốc và hành trình hướng tới sự bình thường đáng mong muốn”.

Giám mục Thẩm Bân, 53 tuổi, được phong làm giám mục Công Giáo vào năm 2010 với sự đồng ý của cả Giáo hoàng và chính quyền Trung Quốc, theo Vatican. Ông phục vụ với tư cách là giám mục của Giáo phận Hải Môn cho đến tháng 4 năm 2023, khi ông được chuyển đến Thượng Hải mà “không có sự phê chuẩn của Tòa thánh”.

Kể từ năm 2022, Giám mục Thẩm Bân là chủ tịch của một nhóm gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc, một hội đồng giám mục do nhà nước phê chuẩn không được Vatican công nhận. Trước đây ông là phó chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập và dưới sự kiểm soát của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.

Một tháng sau khi Giám mục Thẩm Bân được bổ nhiệm, các quan chức từ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là CPPCC, đã đến thăm Thượng Hải để đánh giá tiến trình “Hán hóa” trong giáo phận.

Trong buổi lễ tấn phong của mình, Đức Giám Mục nói rằng ông sẽ “tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước tốt đẹp của Giáo Hội Công Giáo ở Thượng Hải, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân theo đường hướng của Công Giáo trong Trung Quốc, và thúc đẩy tốt hơn sự kế thừa lành mạnh của việc truyền giáo Công Giáo ở Thượng Hải.”

Giáo phận Thượng Hải là giáo phận Công Giáo lớn nhất trong cả nước và là quê hương của Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, còn được gọi là Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Xà Sơn. Đền thờ, được thánh hiến vào năm 1873, được coi là vương cung thánh đường đầu tiên của Đông Á và là một trong những địa điểm hành hương chính trên đất liền của người Công Giáo.

Sau chiến thắng của Mao vào năm 1949, Đức Cha Ignatius Cung Phần Mai đã giúp thành lập bộ máy kháng chiến Công Giáo mà sau này trở thành Giáo Hội Công Giáo hầm trú. Vào đêm ngày 8 tháng 9 năm 1955, Đức Cha Cung, cùng với hàng trăm giáo sĩ và giáo dân Công Giáo khác, bị bắt vì từ chối từ bỏ sự kết hợp với Đức Giáo Hoàng. Đến cuối tháng, khoảng 1.2000 người Công Giáo Thượng Hải đã bị bắt. Đức Cha Cung đã bị cầm tù tổng cộng 30 năm trước khi đến Hoa Kỳ vào năm 1988.

Giáo phận Thượng Hải đã bị trống toà kể từ cái chết của Đức Cha Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian - 金魯賢) vào năm 2013. Đức Cha Kim đã bị cầm tù và đưa đến các trại “cải tạo”, chỉ được trả tự do hoàn toàn vào năm 1982. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải vào năm 1985, trong thời gian xảy ra Thời kỳ mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhưng mãi đến năm 2005, ngài mới được Tòa Thánh công nhận. Ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập Chủng viện Xà Sơn và xây dựng lại Giáo hội địa phương ở Thượng Hải.

Giám mục Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi), người đã được tấn phong với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha và sự chấp thuận của chính phủ, đã được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Thượng Hải vào năm 2005 và “biến mất” khỏi công chúng vào năm 2011.

Việc bổ nhiệm Giám mục Thẩm Bân tại Thượng Hải diễn ra gần 10 năm sau khi Đức Cha Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦) được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Giám Mục Thượng Hải. Ngay trong Thánh lễ tấn phong vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, Đức Cha Mã Đại Thanh nói rằng ngài muốn rời bỏ vị trí của mình trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước của Trung Quốc, là cơ quan của chế độ Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Giáo Hội địa phương. Đức Cha Mã Đại Thanh ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Bốn năm sau, Đức Cha Mã Đại Thanh đã đảo ngược quyết định của mình. Tuy nhiên, bọn cầm quyền Trung Quốc cho rằng đã quá trễ, không chấp nhận. Năm 2017, lần đầu tiên giáo phận Thượng Hải có thể phong chức cho bốn linh mục Công Giáo kể từ năm 2012. Nhưng vào thời điểm đó, lễ tấn phong được chủ trì bởi giám mục trái phép của giáo phận lân cận Hải Môn, là Ông Thẩm Bân.

Thành phố Thượng Hải là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với gần 25 triệu dân. Tại đây có một trung tâm hành hương lớn nhất của Công Giáo là đền thánh Đức Mẹ Xà Sơn.


Source:National Catholic Register

3. Ukraine: Giám mục Donetsk xác nhận các linh mục bị bắt cóc vẫn mất tích

Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Donetsk, là Đức Cha Maksym Ryabukha dòng Salêsiêng, đi khắp nơi để thăm từng người trong giáo phận bị chiến tranh tàn phá của mình. Ngài yêu cầu những lời cầu nguyện, đặc biệt là những người mà ngài không thể gặp trực tiếp trong các lãnh thổ bị chiếm đóng và những người bị bắt cóc.

Tổng giáo phận Công Giáo Đông phương Donetsk ở cực đông của Ukraine, hiện không thể tiếp cận một phần lớn lãnh thổ của mình. Khu vực Luhansk gần như bị tạm chiếm hoàn toàn, khu vực Donetsk và Zaporizhzhia bị tạm chiếm một phần, khu vực Dnipro đang bị bắn phá hàng ngày và trụ sở của giáo phận tạm thời được chuyển đến Zaporizhzhia từ Donetsk do chiến tranh bắt đầu ở những khu vực này vào năm 2014.

Cho đến tháng 11 năm 2022, một số giáo xứ Công Giáo và một tu viện Dòng Chúa Cứu Thế vẫn đang hoạt động trong các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, nhưng vào giữa tháng 11, hai Cha Dòng Chúa Cứu Thế, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta đã bị quân đội Nga bắt giữ và vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không xác định.

Cha Bohdan Heleta mắc bệnh tiểu đường nặng, và có thể đã qua đời vì không nhận được thuốc điều trị.

Giám Mục Phụ Tá Maksym Ryabukha cho biết: “Mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã cầu nguyện, phản đối và nỗ lực liên lạc với những người chịu trách nhiệm, để tìm hiểu tình hình của các linh mục, nhưng vẫn không có tin tức gì về các linh mục cho đến ngày nay”.

Đức Giám Mục yêu cầu tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tiếp tục kêu gọi tất cả các nhà hảo tâm và bạn bè cầu nguyện cho Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta được trả tự do nhanh chóng.

Trong chuyến viếng thăm trụ sở quốc tế của ACN, tại Đức, Đức Giám Mục Phụ Tá đã làm chứng rằng sự cô đơn là một dấu hiệu của thời gian này trong các lãnh thổ bị tạm chiếm. Đức Cha Ryabukha cho biết ngài muốn trở thành “người cha tinh thần không chỉ của phần có thể tiếp cận tự do của Tổng giáo phận, mà còn của cả khu vực”, mà ngài được bổ nhiệm làm giám mục vào tháng 11 năm 2022, do đó ngài cố gắng “gặp gỡ trực tiếp mọi người và giúp đỡ họ về vật chất và sức mạnh tinh thần”.

Kể từ khi bắt đầu thừa tác vụ giám mục của mình, vào tháng 12 năm 2022, và nhờ một chiếc xe hơi do ACN tài trợ, Đức Giám Mục Ryabukha đã đi 50.000 km để thăm những người được ủy thác cho ngài và chia sẻ số phận của họ, đặc biệt là củng cố những người sống gần chiến tuyến, mang đến cho họ những dấu hiệu cho thấy Giáo hội vẫn còn tồn tại.

Các giáo sĩ đã bị đuổi ra khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm khi chiến tranh bùng nổ, và “ngày nay không có một linh mục nào của tổng giáo phận ở đó”, vị giám mục cho biết. Người Công Giáo sống ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm chỉ có thể cầu nguyện và tham gia Thánh lễ thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Vị Giám Mục Phụ Tá giải thích rằng bằng cách nhận được sự hỗ trợ hào phóng do ACN trao tặng và chia sẻ nó với những người khác trong hoàn cảnh chiến tranh này, “Giáo hội ở Ukraine đang trở thành nơi gặp gỡ của những người thuộc hơn một quốc gia. Điều này làm nổi bật bản chất của việc ở bên nhau: tình bạn không có nghĩa là cùng cách suy nghĩ hay nhìn nhận mọi thứ, mà là bạn là sống cùng nhau, cho phép người kia được là chính mình, với nền văn hóa, lịch sử và niềm tin của riêng họ”.

Điều này được tiết lộ trong tổng giáo phận Donetsk thông qua các ví dụ rất cụ thể. Đức Cha nhớ lại việc đến thăm hai cụ già. Khi một cụ bà mất nhà vì bom đạn, một cụ già hàng xóm đã mở cửa cho bà vào ở chung với cụ. “Giáo hội đã thành lập các trung tâm xã hội dành cho trẻ em, gia đình và người già, nơi những người thuộc các giáo phái khác nhau đến. Trong thời kỳ chiến tranh, người ta không nghĩ người ta tin rằng Chúa ở dạng nào; đó là thời gian để cùng nhau cầu nguyện và hiệp thông với nhau”, Đức Cha nói.

Là một người Salêdiêng và đã cống hiến toàn bộ sứ vụ của mình cho việc giáo dục giới trẻ trước khi trở thành giám mục của Tổng giáo phận Donetsk, Đức Cha Maksym Ryabukha mời gọi đoàn chiên của mình noi gương những người trẻ tuổi. “Những người trẻ không ngừng ước mơ và không mệt mỏi, và đây là nguồn cảm hứng cho chúng tôi,” Đức Cha nói, bày tỏ lòng biết ơn và tin tưởng.


Source:ACN