Edgar Beltrán, trên tờ The Pillar, Ngày 18 tháng 7 năm 2023 có bài phỏng vấn Đức Hồng Y tân cử Victor Manuel Fernandez, tân bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.



Đầu tháng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez làm bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.

Vị tổng giám mục, người Á Căn Đình, đã từng là Tổng Giám mục La Plata từ năm 2018, và trước đó là viện trưởng Đại học Công Giáo Á Căn Đình – một vai trò ngài được Đức Hồng Y Jorge Bergoglio khi đó bổ nhiệm.

Được nhiều người coi là tác giả của tông huấn Amoris Laetitia năm 2016, Fernandez từ lâu đã là cộng tác viên thân cận của Đức Giáo Hoàng.

Kể từ khi được bổ nhiệm vào ngày 1 tháng 7, Fernandez đã gây nhiều gợn sóng — vì những bình luận về khả năng ban phép lành phụng vụ cho người đồng tính, cách xử lý của ngài đối với các cáo buộc lạm dụng, và vì “Hãy chữa lành cho em bằng miệng của anh,” một cuốn sách năm 1995 mà vị tổng giám mục này đã viết về chủ đề nụ hôn.

Giữa những gợn sóng đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong Hồng Y cho Fernandez vào ngày 9 tháng 7 – ngài sẽ chính thức gia nhập Hồng Y đoàn vào cuối tháng 9.

Trong một cuộc phỏng vấn qua email vào ngày 17 tháng 7, Fernandez đã đưa ra đánh giá của mình về bối cảnh đạo đức, đồng thời thảo luận về nhiệm vụ của ngài trong Giáo hội cũng như ý thức của ngài về vị trí và thời điểm của thần học Công Giáo.

Theo ý kiến của ngài, ba hoặc bốn câu hỏi luân lý trọng tâm mà Giáo hội đang phải đối đầu vào thời điểm này trong lịch sử là gì? Vai trò của Bộ Giáo lý Đức tin trong việc giải quyết chúng là gì? Cách tiếp cận của Đức Giáo Hoàng đối với những vấn đề này là gì?

Nếu chúng ta chỉ nói về luân lý, tôi sẽ nói bốn điều này:

1) Tính ưu việt tuyệt đối của ân sủng và bác ái trong thần học luân lý Công Giáo.

2) Phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người, và những hậu quả của điều đó.

3) Ưu tiên chọn người nghèo, người cuối cùng và những người bị xã hội bỏ rơi.

4) Các cách tiếp cận cuộc sống theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc và ích kỷ làm cho việc lựa chọn hôn nhân, gia đình và công ích trở nên khó khăn.

Nhưng chúng ta sẽ có một khởi đầu tồi tệ nếu tách rời luân lý khỏi thần học.

Chúng ta nên nhớ rằng đối với Đức Phanxicô, các vấn đề luân lý phải được tiếp cận với lời loan báo tuyệt vời về kerygma [tín lý sơ truyền]: tức việc một người Cha yêu thương chúng ta và tìm kiếm sự viên mãn con người của chúng ta, được phản ảnh trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chúng ta, Đấng cứu chúng ta hôm nay, và hiện đang sống để truyền đạt cuộc sống mới của Người cho chúng ta.

Trong lá thư gửi cho ngài về việc bổ nhiệm ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng trước đây, [Bộ Giáo lý Đức tin], “thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, người ta đã theo đuổi những sai lầm về tín lý có thể xảy ra. Những gì tôi mong đợi ở Đức Cha chắc chắn là một điều gì đó rất khác”, một điều mà từ đó ngài gọi là “bước ngoặt”.

Tuy nhiên, Praedicate evangelium, cũng do Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, nói rằng Bộ Giáo lý Đức tin “hoạt động để bảo đảm những sai lầm và giáo lý nguy hiểm đang lưu hành giữa dân Kitô giáo không thể không bị bác bỏ một cách thích đáng”.

Hai tài liệu này dường như trình bày các quan điểm khác nhau về vai trò của Bộ Giáo lý Đức tin trong việc bảo vệ tín lý. Làm thế nào để ngài nghĩ rằng chúng có thể được dung hòa? Cách tiếp cận cuộc bổ nhiệm ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin là gì?


Này, nếu bạn đọc kỹ bức thư của Đức Giáo Hoàng, rõ ràng là không lúc nào ngài nói rằng chức năng bác bỏ sai lầm sẽ biến mất.

Rõ ràng, nếu ai đó nói rằng Chúa Giêsu không phải là người thật hoặc tất cả những người nhập cư nên bị giết, thì điều đó sẽ cần đến sự can thiệp mạnh mẽ.

Nhưng đồng thời, [sự can thiệp] đó có thể là một cơ hội để phát triển, để làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta.

Thí dụ, trong những trường hợp đó, cần phải đồng hành với người đó trong ý định chính đáng của họ để thể hiện rõ hơn thần tính của Chúa Giêsu Kitô, hoặc cần phải nói về một số luật nhập cư không hoàn hảo, không đầy đủ hoặc có vấn đề.

Trong thư, Đức Giáo Hoàng nói rất rõ ràng rằng thánh bộ phải “bảo vệ” giáo huấn của Giáo hội. Chỉ có điều đồng thời - và đây là điều đúng của ngài - ngài yêu cầu tôi dấn thân nhiều hơn để giúp phát triển suy nghĩ, chẳng hạn như khi những câu hỏi khó khăn nảy sinh, bởi vì sự phát triển hữu hiệu hơn sự kiểm soát.

Dị giáo bị xóa bỏ tốt hơn và nhanh hơn khi có sự phát triển thần học đầy đủ, và chúng lan rộng và tồn tại khi chỉ có sự lên án.

Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng yêu cầu tôi giúp thu thập huấn quyền gần đây, và điều này rõ ràng bao gồm cả của chính ngài. Nó là một phần của những gì phải được “bảo vệ”.

Dường như ngày càng có nhiều lời chỉ trích về Veritatis splendor trong Giáo hội ngày nay, và thậm chí còn có mong muốn xem xét lại nó. Tại sao vậy? Nó nên được giải quyết ra sao?

Veritatis splendor là một văn kiện tuyệt vời, vững chắc một cách mạnh mẽ.

Rõ ràng, nó biểu thị một mối quan tâm đặc biệt - đặt ra những giới hạn nhất định. Vì lý do này, nó không phải là văn bản đầy đủ nhất để khuyến khích sự phát triển của thần học. Thật vậy, trong mấy mươi năm qua, hãy cho tôi biết chúng ta có thể kể tên bao nhiêu nhà thần học có tầm vóc như Rahner, Ratzinger, Congar hay Von Balthasar?

Ngay cả điều gọi là “thần học giải phóng” cũng không có những nhà thần học ở cấp độ của Gustavo Gutiérrez.

Một điều sai lầm nào đó đã xảy ra.

Đã có những kiểm soát, [nhưng] không phát triển nhiều lắm.

Ngày nay có lẽ sẽ cần một văn bản, biết thu thập mọi thứ có giá trị từ Veritatis splendor, có một phong cách khác, một giọng điệu khác, đồng thời cho phép việc khuyến khích sự phát triển của thần học Công Giáo, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu nơi tôi.

Đâu là khởi điểm của thần học luân lý và mục vụ? Nó bắt đầu như thế nào?

Điểm khởi đầu của bất cứ nền thần học nào đều là Mạc khải Thiên Chúa.

Nhưng thần học phát triển trong những bối cảnh cụ thể. Làm thần học giữa chiến tranh, [hoặc] trong cuộc trò chuyện với một nhà làm phim, [hoặc] trong một khu phố đầy trẻ em chết đói, hoặc với một nhóm người truyền giáo ở Nhật Bản thì không giống nhau.

Vì vậy, mặc dù điểm khởi đầu là Mạc khải, nhưng chính Ngôi Lời vô tận tiếp xúc và trò chuyện với những tình huống đa dạng nhất của con người, và do đó cho phép những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm khôn lường của nó xuất hiện.

Ngài đã nói về sự cởi mở của mình trong việc điều tra và có thể chấp nhận lời chúc phúc cho các cặp đồng tính, miễn là không có sự nhầm lẫn với hôn nhân. Và ngài đã nói rằng tuyên bố năm 2021 của Bộ Giáo lý Đức tin về cùng một chủ đề không “có mùi của Đức Phanxicô”.

Ngài nói rằng “sẽ không sai nếu suy nghĩ lại [tài liệu] dưới ánh sáng của mọi điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta.'”

Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ủy quyền cụ thể cho tuyên bố năm 2021. Vậy người Công Giáo nên hiểu suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng về vấn đề này như thế nào? Nó đang phát triển hay có điều gì đó đặc biệt đã thay đổi trong hai năm qua? Cách tiếp cận của các giám mục Bỉ có phản ảnh tâm trí của Đức Giáo Hoàng không?


Tôi đã nói rằng sẽ không tệ nếu “suy nghĩ lại”, không hơn không kém. Nhưng một cuộc phỏng vấn không phải là nơi thích hợp nhất để làm điều đó.

Tôi sẽ phải nói chuyện với nhiều người, và lắng nghe chính thánh bộ, chú ý đến những gì xảy ra trong thượng hội đồng [về tính đồng nghị], v.v.

Nhưng - không nhất thiết phải mâu thuẫn với những gì tài liệu đó nói, mà có lẽ để làm phong phú và mở rộng nó.

Mặt khác, có những cách diễn đạt đúng về mặt thần học nhưng lại dễ bị hiểu lầm. Thí dụ, cụm từ “Chúa không ban phước cho tội lỗi” chắc chắn là một cụm từ mà Đức Phanxicô sẽ không dễ dàng sử dụng nếu không đảm bảo rằng việc tôn trọng rõ ràng đối với những gì mà những người cụ thể có thể đang trải qua.

Ngài đã đề cập việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với ngài rằng các vấn đề kỷ luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các trường hợp lạm dụng, sẽ được giải quyết bởi nhóm chuyên gia của Bộ Giáo lý Đức tin, thay vì ngài trực tiếp xử lý, và đó là lý do trước đây khiến ngài từ chối chức vụ này, vì ngài cảm thấy chưa sẵn sàng để xử lý các trường hợp lạm dụng ở mức độ cao như vậy.

Tuy nhiên, với tư cách là bộ trưởng, các quyết định cuối cùng vẫn sẽ được thông qua bàn của ngài và thông qua sự chấp thuận và tiêu chuẩn của ngài. Ngay cả khi ngài ủy thác hoàn toàn nhiệm vụ này, ngài vẫn sẽ là bên chịu trách nhiệm cuối cùng.

Xét rằng ngài đã dích thân nhận lỗi trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở La Plata, ngài có cảm thấy hợp nhiệm vụ đó không?


Tôi sẽ xem những gì tôi [được mong đợi] ký theo những gì giáo hoàng nói với tôi, phù hợp với những gì chúng ta đã thảo luận.

Dù sao, các bộ trưởng nói chung không phải là nhà giáo luật, và trong những vấn đề này, họ chấp thuận [bằng cách] tin tưởng vào mức độ nghiêm túc trong công việc của những người cộng tác với họ.

Nói chính xác, trong một trường hợp từ La Plata, tôi đã không thừa nhận “lỗi”, bởi vì tôi đã tuân theo các thủ tục có hiệu lực vào thời điểm đó và luôn tham khảo ý kiến của bộ. Những gì tôi thừa nhận là đã hành động “không đầy đủ.” Lẽ ra tôi có thể làm nhiều hơn, tôi có thể thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất một cách nhanh chóng hơn. Trong mọi trường hợp, bạn cũng học hỏi từ kinh nghiệm của chính mình. Ngày nay chúng ta có các thủ tục tốt hơn so với thời điểm đó và điều đó khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Ngài hy vọng việc bổ nhiệm ngài sẽ phục vụ Giáo hội như thế nào?

Sẽ không có gì ngoạn mục. Tôi chỉ chắc chắn rằng mỗi [người] đi qua đều mang theo một thứ gì đó của riêng họ. Tôi sẽ để lại một cái gì đó tốt phía sau.

Ngài muốn người Công Giáo cầu nguyện cho ngài như thế nào? Họ có thể cầu xin điều gì?

Tôi muốn họ chân thành cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, không phải làm theo ý tôi hay theo ý người khác, nhưng làm theo ý Chúa và chương trình của Người. Lời cầu nguyện đó có thể được thực hiện bởi bất cứ ai, kể cả những người có khuynh hướng ghét tôi. Tôi rất biết ơn [vì điều đó].