1. Linh mục Pháp tự tử sau khi bị buộc tội lạm dụng một cô gái trẻ

Cha Benjamin Sellier của Tổng giáo phận Cambrai ở Pháp đã tự tử vào rạng sáng ngày 11 tháng 7 sau khi biết rằng mình đang bị điều tra về cáo buộc lạm dụng tình dục một phụ nữ trẻ.

Theo truyền thông địa phương France Bleu Nord, vị linh mục 47 tuổi đã bị một đoàn tàu chở hàng đâm vào khoảng 3 giờ sáng giờ địa phương ở khu vực phía bắc gần biên giới với Bỉ.

Các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin rằng một lá thư đã được tìm thấy bên cạnh thi thể của Cha Sellier, trong đó ngài thừa nhận việc lạm dụng nhưng cho biết sự thật không đến mức như những lời tố cáo.

“Giáo phận của chúng ta đang trải qua một thử thách bi thảm với cái chết của Cha Benjamin Sellier. Cái chết của ngài khiến chúng ta bị sốc và khiến chúng ta đau buồn,” Đức Tổng Giám Mục Cambrai, Vincent Dollmann, cho biết trong một tuyên bố ngày 13 tháng 7.

Ngài nói: “Cuộc điều tra về hoàn cảnh của cái chết xác nhận rằng Cha Benjamin Sellier đã tự kết liễu đời mình.”

Vị Giám Mục giải thích rằng “Ngoài ra, ngài là đối tượng của các thủ tục pháp lý sau khi một cô gái trẻ và gia đình cô ấy nộp đơn khiếu nại về hành vi tấn công tình dục.” Do cuộc điều tra đang diễn ra và “sự suy đoán vô tội mà Cha Benjamin Sellier được hưởng như bất kỳ người nào khác,” thủ tục tố tụng không được công khai.

Sau khi khiếu nại, “các biện pháp thận trọng đã được thực hiện với sự cộng tác của các cơ quan tư pháp, hạn chế thừa tác vụ của ngài với những người trẻ tuổi,” Đức Tổng Giám Mục lưu ý.

“Với tư cách là Giám mục, tôi đang nghĩ đến người khiếu nại trẻ tuổi này và gia đình của cô ấy, đến các giáo dân và linh mục của giáo phận, và đến gia đình tang quyến của Cha Benjamin. Tôi đồng hành cùng với sự khó hiểu và bối rối mà chúng ta có thể và sẽ trải qua.”

Đức Cha Dollmann cũng bày tỏ lòng trắc ẩn và sự sẵn sàng của mình, cũng như của các vị tổng đại diện của ngài. “Chúng ta hãy hết lòng tôn trọng thời gian để tang này. Trong thử thách này mà chúng ta đang cùng nhau vượt qua, chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện”.

“Chúng ta hãy quan tâm đến nhau. Xin Chúa đến trợ giúp chúng ta!” vị Giám Mục Pháp kết luận.

Cha Sellier xuất thân từ thị trấn Landrecies trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo và từng là tổng giám đốc dịch vụ cho tòa thị chính Landrecies.

Ngài được thụ phong linh mục vào năm 2015 và đến thị trấn Avesnes-sur-Helpe vào năm 2020, nơi ngài thi hành sứ vụ của mình.


Source:National Catholic Register

2. Verkhovna Rada của Ukraine đã thay đổi ngày Giáng Sinh, Cầu nguyện và Ngày Quốc khánh

Theo báo cáo của Ukrinform, sau khi cải cách lịch, Quốc hội đã thay đổi ngày Giáng Sinh, Ngày Quốc khánh Ukraine và Ngày Những người bảo vệ Ukraine.

Verkhovna Rada, hay Quốc Hội của Ukraine, đã thay đổi ngày Giáng Sinh, Cầu nguyện và Ngày Quốc khánh

Do đó, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô sẽ được cử hành chính thức tại Ukraine vào ngày 25 tháng 12 thay vì ngày 7 Tháng Giêng, Ngày Quốc Khánh Ukraine là vào ngày 15 tháng 7 thay vì ngày 28 tháng 7 và Ngày của những người bảo vệ Ukraine là vào ngày 1 tháng 10 thay vì ngày 14 tháng 10.

Các sửa đổi liên quan được đưa vào Điều 73 của Bộ luật Lao động của Ukraine.

Đầu năm nay, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Ukraine đã thông báo chuyển đổi sang kiểu lịch mới cho các ngày lễ cố định bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 2023. Sau Ukraine, quyết định chuyển sang kiểu lịch mới đã được Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Kazakhstan và Trung Á, Đức, Scandinavia, Úc và Châu Đại Dương, Ba Lan, và Vương Quốc Anh thông qua.


Source:UGCC

3. Tòa thánh đã đầu hàng Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa?

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, có bài nhận định nhan đề “Has the Holy See Surrendered to the Chinese Communist Party?”, nghĩa là “Tòa thánh đã đầu hàng Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa?”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ngày 18 tháng 7 năm 2023

Liệu việc Tòa thánh nhượng bộ trong cuộc đối đầu ở Thượng Hải có báo hiệu sự đầu hàng trong mối quan hệ Trung Quốc-Vatican không? Một cuộc phỏng vấn bất thường được sắp xếp bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gợi ý nhiều điều như vậy.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Giuse Thẩm Bân đến Giáo phận Thượng Hải, là giáo phận quan trọng nhất ở Trung Quốc đại lục. Giám mục Thẩm Bân hiện chiếm giữ thánh đường nơi Đức Hồng Y Ignatiô Cung Phần Mai đã từng được đăng quang. Đức Hồng Y Cung (1901-2000), được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải năm 1950, bị cộng sản Trung Quốc cầm tù năm 1955 và bị giam cầm trong 30 năm trước khi được thả ra sống lưu vong. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bí mật tấn phong Đức Cha Cung làm Hồng Y trong mật nghị Hồng Y đầu tiên của ngài vào năm 1979, và chỉ tiết lộ rằng ngài đã làm như vậy vào năm 1991.

Giám mục Thẩm Bân có đường lối hợp tác với chế độ cộng sản Trung Quốc. Thông báo chính thức của Vatican về việc bổ nhiệm ông bao gồm một tiểu sử hết sức bất thường này này: “Kể từ năm 2022, Đức Cha Thẩm Bân cũng là chủ tịch của tổ chức được gọi là 'Hội Giám mục Công Giáo Trung Quốc'“. Đó là hội đồng giám mục Trung Quốc bất hợp pháp do chế độ dựng lên.

Vào năm 2018, Tòa thánh và Trung Quốc, hay trên thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc — là cơ chế chịu trách nhiệm về tất cả các quy định tôn giáo ở Trung Quốc — đã ký một thỏa thuận vẫn còn bí mật về việc bổ nhiệm các giám mục. Xung đột giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Giáo hội, giữa “Hiệp hội Yêu nước” do chế độ điều hành và người Công Giáo hầm trú của Trung Quốc, có nghĩa là nhiều giáo phận Trung Quốc không có giám mục. Thượng Hải đã bị trống tòa trong 10 năm.

Mặc dù văn bản chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng nó đã được báo cáo rộng rãi là cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn các ứng cử viên cho chức giám mục, sau đó phải được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha. Về nguyên tắc, trong khi điều này trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các giám mục, thì nó phải bảo đảm rằng tất cả các giám mục đều hiệp thông với Rôma.

Thỏa thuận bí mật đã được gia hạn vào năm 2020 trong hai năm và vào năm 2022, nó được gia hạn thêm hai năm nữa. Thỏa thuận này xảy ra đồng thời với một cuộc đàn áp ngày càng khốc liệt đối với người Công Giáo ở Trung Quốc — chẳng hạn như trẻ em không được phép đi lễ, và sự quấy rối ngày càng tăng đối với các giám mục rõ ràng trung thành với Rôma.

Sau khi gia hạn vào tháng 10 năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận hai lần. Vào tháng 11, Đức Giám Mục Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照) được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Giáo phận Giang Tây, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là một giáo phận nhưng không được Rôma công nhận. Tòa thánh đã không được thông báo trong trường hợp đó.

Sau đó, vào tháng Tư năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thuyên chuyển Giám mục Thẩm Bân từ Giáo phận Hải Môn đến Thượng Hải, mà Vatican cũng không hề hay biết hoặc chấp thuận trước.

Việc coi thường thỏa thuận bí mật, và tình trạng tự do tôn giáo ngày càng xấu đi ở Trung Quốc, đã khiến các nhà ngoại giao cấp cao của Vatican thẳng thắn thừa nhận rằng thỏa thuận này “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và rằng, “trong bối cảnh chính trị nội bộ của Trung Quốc… Tòa Thánh chỉ có thể đạt được bấy nhiêu.”

Về vấn đề Thượng Hải, sau khi giữ im lặng từ tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định nhượng bộ ở Thượng Hải và chấp nhận vị giám mục do Đảng Cộng sản chọn cho giáo phận hàng đầu của Trung Quốc. Quyết định này đã được đưa ra cẩn thận trong nhiều tháng, vì đó là một sự sỉ nhục lớn đối với Tòa thánh và là sự thất bại hoàn toàn tại chính trung tâm chính sách Trung Quốc của Đức Thánh Cha.

Người Trung Quốc đã trói tay Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài đồng ý để Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ động bổ nhiệm giám mục. Khi thuyên chuyển Giám mục Thẩm Bân đến Thượng Hải, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra một cuộc khủng hoảng có lợi cho họ. Không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, các linh mục của Thượng Hải có nên coi Giám mục Thẩm Bân là giám mục của họ không? Họ có nên tuân theo hướng dẫn của anh ta không? Liệu anh ta có bất kỳ quyền hạn nào ở Thượng Hải nếu sự chấp thuận duy nhất cho hành động của anh ta đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô không công nhận việc chuyển giao và không chuẩn y điều đó sau khi thực tế đã xảy ra, thì Giáo phận Thượng Hải sẽ không thể hoạt động bình thường trong những thập kỷ tiếp theo. Thế là Đức Thánh Cha đầu hàng.

Đối mặt với một thảm họa hoàn toàn như vậy, Đức Hồng Y Parolin đã đưa ra một thông cáo báo chí dài dưới dạng một “cuộc phỏng vấn” với hãng thông tấn của chính ngài, Vatican News.

Ngoài ra, theo thông lệ, trong những trường hợp chính sách đối ngoại của Đức Thánh Cha gặp khó khăn, người viết tốc ký tòa án của triều đại giáo hoàng, Gerry O'Connell của tạp chí America của Dòng Tên, đã công bố lời giải thích gần như chính thức của riêng mình về các quyết định được đưa ra.

Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định nhượng bộ Thượng Hải “vì lợi ích lớn hơn của giáo phận và việc thực thi hiệu quả sứ vụ mục vụ của giám mục”.

Thượng Hải đã không có giám mục trong 10 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý lựa chọn từ các ứng cử viên do Đảng Cộng sản Trung Quốc lựa chọn, và Giám mục Thẩm Bân đã được chọn. Vì Tòa thánh đã đồng ý gia hạn thỏa thuận bí mật hai lần khi nó không hoạt động, nên tốt nhất là nên chấp nhận sự khiêu khích của cộng sản và đưa ra thỏa thuận sau khi thực tế xảy ra.

Điều đó đã quá rõ ràng. Nhưng Đức Hồng Y Parolin đã nghĩ đến những điều khác: cụ thể là từ bỏ hoàn toàn việc mong đợi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do của Giáo hội và đơn giản là chấp nhận bất cứ điều gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng đưa ra. Ngài gợi ý rằng có lẽ đã đến lúc mở một “văn phòng liên lạc ổn định” giữa Tòa thánh và Trung Quốc, vì nó sẽ “cực kỳ hữu ích” cho cuộc đối thoại đang diễn ra. Việc có các nhà ngoại giao của Vatican tại hiện trường sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng tham vấn với Tòa thánh hơn - hoặc cho họ biết nhanh hơn khi các cuộc tham vấn sẽ không diễn ra.

Đó là tuyên bố mạnh mẽ nhất của Đức Hồng Y Parolin cho đến nay về việc hướng tới các mối quan hệ ngoại giao chính thức — “một văn phòng liên lạc ổn định” có lẽ sẽ là một cái gì đó thiếu sót so với một tòa khâm sứ đầy đủ. Kết quả cuối cùng của tình hình Thượng Hải là Bắc Kinh sẽ được đền đáp bằng việc nâng cấp các mối quan hệ ngoại giao; về bản chất, Tòa thánh hoàn toàn đầu hàng trong việc bổ nhiệm giám mục: Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm giám mục mà không tham khảo ý kiến, thì người của họ sẽ được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Và nếu họ làm điều đó đủ táo bạo như ở Thượng Hải, họ sẽ được nâng cấp trong các mối quan hệ.

“Yêu cầu của Hồng Y không phải là mới,” O'Connell báo cáo. “Vatican đã đề xuất điều này nhiều lần trong các cuộc gặp song phương với các phái đoàn Trung Quốc, nhưng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng cho phép điều này. Ngược lại, các nguồn tin cho biết họ muốn Tòa thánh đóng cửa văn phòng nghiên cứu của mình ở Hương Cảng, là điều mà Vatican chỉ chấp nhận làm nếu có thể mở văn phòng ở Bắc Kinh”.

Vì vậy, có thể sự gây hấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải sẽ dẫn đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô hạ cấp Hương Cảng.

Giám mục Giuse Thẩm Bân sẽ không phải là giám mục cuối cùng được bổ nhiệm nếu không có sự đồng ý của Tòa thánh. Các nhà ngoại giao tại Bắc Kinh có thể tạo cho Rôma một điểm thuận lợi hơn vào lần tới khi những gì không thể chấp nhận được lại được chấp nhận.


Source:National Catholic Register