1. Các giám mục Mỹ kêu gọi bảo đảm an ninh lương thực cho mọi người
Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế thuộc Hội đồng Giám mục Mỹ kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới bảo đảm an ninh lương thực cho mọi người.
Trong thông cáo công bố hôm 07 tháng Tám vừa qua, Đức Cha David Malloy, Giám mục Giáo phận Rockford bang Illinois, Chủ tịch của Ủy ban, nhắc lại rằng năm ngoái (2022), có 258 triệu người tại 58 nước trên thế giới bị đói trầm trọng, theo tổ chức Lương thực Thế giới (WFP). Mới đây, chính phủ Nga quyết định không để cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc nữa, điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều người bị đói.
Trước tình trạng ấy, Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Mỹ kêu gọi các vị lãnh đạo quốc tế gia tăng nỗ lực để bảo đảm an ninh lương thực cho mọi người. Thông cáo của Đức Cha Malloy có đoạn viết:
“Trên thế giới, tình trạng bất an về lương thực đã gia tăng trong những năm gần đây vì ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai, suy thoái kinh tế, và đặt biệt là vì xung đột. Trước khi bị Nga xâm chiếm, Ukraine được coi là vựa lúa của Âu châu, số lượng lúa mì, hạt bắp và lúa mạch, cũng như gần một nửa số dầu hướng dương, khởi hành từ các cảng ở Hắc Hải. Khi Nga xâm chiếm Ukraine, các cảng này bị phong tỏa.
“Từ tháng Bảy năm 2022, sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải (BSGI), một thỏa hiệp được Liên Hiệp Quốc bảo trợ giữa Nga và Ukraine, đã để cho nước này xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc và các nông phẩm khác. Quyết định của Nga rút khỏi Hiệp định vừa nói và pháo kích vào các kho chứa ngũ cốc ở Ukraine, sẽ ảnh hưởng to lớn đến việc cung cấp lương thực và đồng thời tạo thêm nhiều người ở trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Với con số những người bị cưỡng bách tản cư ở mức độ kỷ lục trên thế giới, chương trình lương thực thế giới ước lượng sẽ có 345 triệu người bị đói cấp tính năm nay, với 129.000 người bị đói tại các nước, như Afghanistan, Syria, Yemen, Vùng Sừng ở Phi châu và Miến Điện.
“Ý thức về nhu cầu cấp thiết này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng “phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, mà hàng triệu người đang tùy thuộc, đặc biệt tại các nước nghèo nhất, thực là điều gây lo âu lớn. Tôi thành tâm kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề này và bảo đảm nhân quyền phổ quát là quyền có lương thực. Xin vui lòng đừng dùng lúa mì, là loại lương thực chính, như võ khí chiến tranh.”
Đức Cha David Malloy nói rằng: “Khủng hoảng lương thực có liên hệ với những cuộc xung đột kéo dài. Tôi hiệp với Đức Thánh Cha kêu gọi các vị lãnh đạo thế giới hãy nhìn xa hơn lợi ích quốc gia, quan tâm đến ích chung, và hiệp nhau bảo đảm sao cho việc cung cấp lương thực thiết yếu có thể đi tới những người đang cần. Những người dễ bị tổn thương nhất đang kêu gào vì đói. Với lòng cảm thương của Chúa Kitô, chúng ta cần chú ý lắng nghe tiếng kêu của họ và cứu giúp”.
2. Đức Thánh Cha cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi toàn cầu suy tư về những nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo, gọi tắt là AI, lưu ý đến “khả năng đột phá và tác động xung quanh” của công nghệ mới.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi và từng nói rằng ngài không biết sử dụng máy tính, đã đưa ra cảnh báo này trong một thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới sắp tới của Giáo Hội Công Giáo, rơi vào ngày đầu năm mới.
Theo thông lệ, Vatican đã công bố thông điệp trước rất lâu.
Đức Thánh Cha “nhắc lại sự cần thiết phải cảnh giác và hành động để logic bạo lực và phân biệt đối xử không bén rễ trong việc sản xuất và sử dụng các thiết bị như vậy, gây thiệt hại cho những người mong manh và bị loại trừ nhất”.
“Nhu cầu cấp thiết phải định hướng khái niệm và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, để nó có thể phục vụ nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, đòi hỏi sự phản ánh đạo đức đó phải được mở rộng sang lĩnh vực giáo dục và luật pháp.”
Vào năm 2015, Đức Phanxicô thừa nhận công nghệ mới có thể gây ra “thảm họa”, nhưng ngài cũng gọi internet, mạng xã hội và tin nhắn là “món quà của Chúa”, miễn là chúng được sử dụng một cách khôn ngoan.
Vào năm 2020, Vatican đã hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ Microsoft và IBM để thúc đẩy sự phát triển có đạo đức của AI và kêu gọi quy định các công nghệ xâm nhập như nhận dạng khuôn mặt.
3. Thư Đức Thánh Cha gửi các linh mục Giáo phận Rôma
Hôm mùng 07 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thư dài bảy trang cho 3.700 linh mục Giáo phận Rôma, trong tư cách là Giám mục giáo phận này, qua đó ngài đặc biệt kêu gọi bài trừ tệ nạn “giáo sĩ trị” và tinh thần thế tục.
Lần chót trước đây, Đức Thánh Cha gửi thư cho các linh mục Rôma là năm 2020 trong thời đại dịch.
Trong thư, ngài cám ơn các linh mục Giáo phận Rôma mà ngài đã cải tổ lại nhiều cơ cấu điều hành của Tòa Giám quản Rôma hồi đầu năm nay, với Tông hiến “Tình hiệp thông của các Giáo hội” (Ecclesiarum Communio). Ngài cũng xin lỗi, vì trong thư này lập lại nhiều điều ngài đã nói nhiều lần trong mười năm qua, nhưng nay trong “tư cách là người già và với lòng chân thành, ngài muốn bày tỏ mối băn khoăn, khi “chúng ta tái rơi vào những hình thức giáo sĩ trị; khi chúng ta vô tình tỏ cho người đời thấy chúng ta ở bên trên, được đặc ân, ở địa vị cao, và xa lìa phần còn lại của dân Chúa”.
Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “khi tìm kiếm những lợi lộc cho bản thân, chăm sóc cho hình ảnh của mình và gia tăng thành công cho chính mình, người ta đánh mất tinh thần linh mục, lòng nhiệt thành phục vụ, và lòng khao khát chăm sóc dân chúng. Phương dược hằng ngày để chống lại tình trạng đó chính là nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, hằng ngày ngắm nhìn Đấng đã từ bỏ bản thân và hạ mình cho đến chết”.
Trong thư, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Tinh thần linh mục làm cho chúng ta trở nên những người phục vụ dân Chúa, chứ không phải những chủ nhân ông, rửa chân cho các anh chị em chúng ta, chứ không chà đạp họ”. Những điều trên đây cũng có giá trị đối với các cộng tác viên không thánh chức của Giáo Hội Công Giáo, họ cũng có thể bị lây nhiễm tinh thần giáo sĩ trị”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi hoán cải về bản thân và mục vụ: “Hãy xắn tay áo lên cao và quỳ gối cầu nguyện với Chúa Thánh Linh cho nhau, xin Chúa giúp đỡ chúng ta đừng rơi vào những hiện tượng tôn giáo, trong đó chúng ta có đầy đủ mọi sự nhưng lại thiếu Thiên Chúa, đừng trở thành những “giáo sĩ của nhà nước”, nhưng là những mục tử của dân”.