1. Nga đe dọa tấn công hạt nhân trả thù sau khi nhà máy vũ khí hỏa tiễn và nhà máy hóa chất bị tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Missile Weapons Factory, Chemical Plant Targeted in Drone Strikes”, nghĩa là “Nhà máy vũ khí hỏa tiễn, và nhà máy hóa chất của Nga là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Sáng sớm thứ Ba 14 Tháng Mười Một, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ các máy bay không người lái do Ukraine phóng trong đêm ở 4 khu vực, bao gồm cả ở Thủ đô Mạc Tư Khoa.

Bất kể những tiếng nổ long trời và các đám cháy dữ dội, ông nói: “Nỗ lực của chế độ Kiev /ki-ép/ nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”. “Các hệ thống phòng không làm nhiệm vụ đã phá hủy 4 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ các khu vực Mạc Tư Khoa, Tambov, Bryansk và Oryol.” Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev /ki-ép/, trong khi người Ukraine gọi Thủ đô của họ là Kyiv.

Nga đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái trong năm nay, với các cuộc tấn công nhắm tới tận thủ đô Mạc Tư Khoa. Nhiều cuộc tấn công đã nhắm vào các kho đạn dược. Ukraine hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công trên đất Nga, nhưng Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Kyiv cố gắng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba đã không nói rõ liệu các máy bay không người lái của Ukraine bị bắn rơi có gây thương tích hay thiệt hại gì hay không. Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine.

Kênh Telegram Baza của Nga, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, đưa tin rằng máy bay không người lái ở vùng Bryansk, giáp biên giới Ukraine, đã rơi xuống lãnh thổ của một nhà máy hóa chất.

Báo trực tuyến Strana.ua của Ukraine cũng như Baza cho biết, nhà máy sản xuất vũ khí hỏa tiễn ở ngay Thủ đô Mạc Tư Khoa, là nhà máy KB Mashinostroyeniya, đã trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công qua đêm.

Andrei Klychkov, thống đốc vùng Oryol, cho biết một máy bay không người lái đã bị bắn hạ vào buổi sáng ở phía tây bắc, đồng thời nói thêm rằng “không có thiệt hại về cơ sở hạ tầng và không có thương vong”.

Thống đốc các khu vực còn lại vẫn chưa bình luận về thông tin máy bay không người lái của Ukraine bị bắn rơi.

Vào tháng 5, Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Mạc Tư Khoa. Nó đánh dấu lần đầu tiên thủ đô Nga hứng chịu một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Cuộc tấn công đã làm hư hại các tòa nhà dân cư.

Trong vụ việc đó, các mục tiêu bao gồm nơi ở của Putin và biệt thự của đoàn tùy tùng của ông ở Rublyovka, một khu dân cư danh giá ở vùng ngoại ô phía tây. Kênh Telegram độc lập của Nga có tên là “Chúng tôi có thể giải thích” đã phân tích nơi phát hiện máy bay không người lái.

Putin nói với Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Toàn Nga, gọi tắt là VGTRK, vào thời điểm đó rằng ông lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là một nỗ lực của Ukraine nhằm khơi dậy phản ứng từ Nga. “Họ đang kích động chúng ta thực hiện những hành động đáp tra. Chúng tôi sẽ xem phải làm gì với vấn đề này”, nhà lãnh đạo Nga nói. Kyiv không nhận trách nhiệm về vụ tấn công đó.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết vào tháng 7 rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên đất Nga sẽ tiếp tục và gia tăng quy mô. Ông nói thêm rằng chúng là bằng chứng cho thấy Putin không thể kiểm soát được bầu trời.

Bình luận ngay sau cuộc tấn công vào sáng thứ Ba, Andrey Gurulyov, thành viên quốc hội hay thường được gọi là Duma quốc gia Nga và cựu chỉ huy Tập Đoàn Quân 58, Phó Tư Lệnh Quân Khu phía Nam kêu gọi trả đũa ngay bằng vũ khí hạt nhân.

2. Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết sự hỗ trợ của Đức dành cho Ukraine sẽ được 'mở rộng ồ ạt' vào năm tới

Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự cùng với cuộc chiến Israel-Gaza tại hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels hôm nay.

Một trong những vấn đề là liệu Liên Hiệp Âu Châu có thể thực hiện lời hứa cung cấp số lượng đạn dược hay không.

Đến hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết:

Mặc dù cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng là phải đối mặt với những thách thức địa chính trị trên thực địa ở đây… Putin đang vui mừng trước tình hình kịch tính trên toàn thế giới.

“Chúng tôi sẽ không chỉ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine mà còn tiếp tục mở rộng và tăng cường hỗ trợ, đặc biệt là từ phía Cộng hòa Liên bang Đức, không chỉ nhằm mục đích phòng thủ mùa đông trong những tuần và tháng tới, khi rõ ràng Tổng thống Nga sẽ một lần nữa khai thác thời tiết và nhu cầu của người dân trong mùa đông lạnh giá.

“Sự hỗ trợ của chúng tôi cũng sẽ được mở rộng ồ ạt, đặc biệt là trong năm tới.”

3. Lực Lượng Phòng Vệ Israel chỉ ra bằng chứng về trung tâm chỉ huy Hamas được tìm thấy dưới bệnh viện Gaza

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Was Hamas Command Center Found Under Gaza Hospital? What New Video Shows”, nghĩa là “Trung tâm chỉ huy Hamas được tìm thấy dưới bệnh viện Gaza? Video mới hiển thị những gì.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết có những bằng chứng về một trung tâm chỉ huy ngầm của Hamas nằm bên dưới một bệnh viện nhi ở Thành phố Gaza, bao gồm các dấu hiệu cho thấy địa điểm này từng được sử dụng để giam giữ con tin.

Giao tranh ở Gaza đã gia tăng kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7 tháng 10 và Israel đã bị chỉ trích nặng nề vì vụ tấn công vào khu phức hợp bệnh viện Al-Shifa. Các cuộc tấn công vào bệnh viện đã trở thành điểm nóng trong cuộc giao tranh và nếu thật sự không hề có sự hiện diện nào của trung tâm chỉ huy Hamas, thì sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Israel sẽ bị đe dọa và đặt Tổng thống Joe Biden vào tình thế khó khăn.

Trong một video được đăng lên X, trước đây gọi là Twitter, hôm thứ Hai, phát ngôn nhân của IDF, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari đã đi qua tầng hầm của Bệnh viện Chuyên khoa Trẻ em Al-Rantisi ở phía tây Gaza. Israel cho biết tính đến tối Chúa Nhật, bệnh viện đã được di tản theo như họ biết sau khi quân đội bao vây tòa nhà vài ngày trước đó, NBC News đưa tin.

Trung tâm chỉ huy Hamas có được tìm thấy dưới bệnh viện không?

Hagari chỉ vào bằng chứng ở tầng hầm của bệnh viện mà ông cho rằng có dấu hiệu cho thấy tòa nhà được sử dụng làm trung tâm chỉ huy của Hamas, bao gồm các thiết bị quân sự hạng nặng như súng ống, lựu đạn cầm tay và áo khoác có cài chất nổ.

“Tôi muốn bạn hiểu, loại thiết bị này là trang bị cho một cuộc chiến lớn,” ông nói khi đứng cạnh thiết bị.

Hagari cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy các con tin vẫn bị Hams giam giữ có thể đã bị giam giữ ở tầng hầm của Al-Rantisi. Những biểu hiệu như vậy bao gồm bình sữa và tã lót cho trẻ em, cũng như cơ sở hạ tầng “dã chiến” như vòi sen, nhà vệ sinh và khu vực bếp nhỏ. Ông ta cũng chỉ vào một căn phòng có nhiều ghế dài và rèm được treo trên tường gạch. Hagari lưu ý rằng “không có lý do gì” để kéo rèm trong phòng “trừ khi bạn muốn quay phim con tin và làm phim”.

Phát ngôn nhân của IDF cũng tìm thấy một danh sách viết bằng tiếng Ả Rập trong phòng mà ông khẳng định có nội dung “Chúng tôi đang hoạt động”.

Hagari nói thêm: “Đây là danh sách người giám hộ, nơi mọi kẻ khủng bố đều viết tên mình và mỗi kẻ khủng bố đều có ca riêng để bảo vệ những người có mặt ở đây”.

Đoạn video cũng bao gồm cảnh mà Hagari nói là nhà của một sĩ quan hải quân cao cấp của Hamas nằm cách bệnh viện Al-Rantisi 200 thước, cũng như một đường hầm gần khuôn viên bệnh viện. Đường hầm được cho là dài 20 mét và được củng cố bằng cửa chống đạn.

“ Có vẻ như bằng chứng cứng rắn, bằng chứng rõ ràng cho thấy bệnh viện” có liên quan đến đường hầm.

Israel từ lâu đã cho rằng Hamas sử dụng nhà cửa, bệnh viện và trường học làm lá chắn cho các chiến binh, một phần vì thương vong của dân thường thu hút được sự đồng cảm với phong trào giải phóng người Palestine và sự chú ý của quốc tế. Các video hôm thứ Hai từ IDF xuất hiện khi lực lượng Israel tiếp tục áp sát bệnh viện Al-Shifa—cơ sở chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Gaza—mà họ tuyên bố cũng có một trung tâm chỉ huy của Hamas bên dưới cơ sở này. Tuy nhiên, Tel Aviv đưa ra rất ít bằng chứng cho tuyên bố của họ, còn Hamas và Giám đốc Bệnh viện Shifa, Mohammed Abu Selmia, đã phủ nhận sự tồn tại của một trung tâm chỉ huy ngầm.

Trước khi phát hành các video vào hôm thứ Hai, Israel đã công bố một bản đồ có các dấu hiệu mà họ cho là các địa điểm của các cơ sở quân sự dưới lòng đất.

Phát ngôn nhân quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht nói với hãng tin AP: “Nếu chúng tôi thấy những kẻ khủng bố Hamas nổ súng từ các bệnh viện, chúng tôi sẽ làm những gì cần làm”.

Phát ngôn nhân Bộ Y tế Gaza Ashraf Al-Qidra cho biết, bệnh viện đã bị cắt điện, đồng thời nói với Reuters rằng các bệnh nhân, bao gồm cả trẻ sơ sinh, đã tử vong. Tờ New York Times đưa tin rằng hàng nghìn người đã chạy trốn khỏi Al-Shifa vào cuối tuần qua và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm thứ Hai rằng tình hình là “thảm khốc và nguy hiểm” đối với các bệnh nhân bên trong.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Biden nói với các phóng viên từ Phòng Bầu dục rằng các bệnh viện của Gaza “phải được bảo vệ”, đồng thời nói thêm “Hy vọng và kỳ vọng của tôi là sẽ có ít hành động bạo lực hơn so với các bệnh viện”.

4. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói Ukraine biết về kế hoạch của Nga

Nhờ công tác tình báo, Ukraine biết được đối phương đang âm mưu gì và cách đối phó với điều này - cả trên đất liền và trên Hắc Hải.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã tuyên bố điều này trong một bài phát biểu video trước quốc dân đồng bào.

“Hôm nay tôi đã nghe báo cáo tình báo - từ Giám đốc tình báo quốc phòng Budanov và Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Lytvynenko. Tôi cảm ơn cả hai cơ quan của chúng ta - và từng người phục vụ ở đó - chủ yếu vì thực tế là Ukraine nhận thức được và sẽ nhận thức được những gì đối phương đang âm mưu và chúng ta nên phản ứng như thế nào - một cách chính xác và mạnh mẽ. Cả trên bộ và trên Hắc Hải”

Như Ukrinform đưa tin trước đó, tình báo quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã tích lũy khoảng 870 hỏa tiễn, trong đó có 115 hỏa tiễn có độ chính xác cao, được sản xuất vào tháng 10, cho các cuộc tấn công vào Ukraine trong tương lai.

5. Hung Gia Lợi tiếp tục ngăn chặn việc giải ngân khoản viện trợ quân sự cho Ukraine

Hung Gia Lợi sẽ chặn việc giải ngân đợt viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine theo Quỹ Hòa bình Âu Châu, gọi tắt là EPF, cho đến khi Kyiv đưa ra “bảo đảm” rằng ngân hàng OTP hoặc các công ty Hung Gia Lợi khác sẽ không bị đưa vào danh sách đen như là các “nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh”.

EPF, được thành lập vào năm 2021, nhằm tài trợ cho các hành động ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình và tăng cường an ninh quốc tế.

Bộ trưởng ngoại giao, Péter Szijjártó, cho biết Hung Gia Lợi đã phải đối mặt với “áp lực” tại một cuộc họp để hỗ trợ khoản thanh toán 500 triệu euro, nhưng ông nói rằng Budapest không thể hỗ trợ nếu không có những bảo đảm như vậy, Reuters đưa tin.

6. Quốc hội Ba Lan họp lần đầu tiên vào hôm thứ Hai kể từ cuộc bầu cử

Tổng thống Andrzej Duda đã yêu cầu thủ tướng Mateusz Morawiecki thành lập chính phủ mới, nhưng ông gần như không có cơ hội thực hiện điều đó vì đảng Luật pháp và Công lý theo chủ nghĩa dân tộc của ông đã mất đa số trong cuộc bầu cử tháng trước và tất cả các đảng khác đều từ chối hợp tác với họ.

“Đất nước đã hoàn thành công việc của mình và bây giờ các đại diện của họ phải sửa chữa Cộng hòa Ba Lan… sửa chữa nền dân chủ,” Donald Tusk, người có thể là thủ tướng tiếp theo, nói với các nhà lập pháp thuộc nhóm Liên minh Dân sự của ông.

Chính phủ đảng Luật pháp và Công lý là một trong những chính phủ ủng hộ Ukraine sớm nhất và mạnh mẽ nhất, với nỗi sợ hãi Nga và sự ủng hộ dành cho Kyiv là một trong số ít vấn đề có thể đoàn kết hầu hết xã hội phân cực của Ba Lan.

Liên minh Dân sự cũng đã cam kết duy trì sự hỗ trợ dành cho Ukraine.

7. Vệ binh Quốc gia Ukraine đăng video phá hủy pháo Msta-S của Nga

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, Ihor Klymenko, đã cho thấy đơn vị Vệ binh Quốc gia tiêu diệt pháo tự hành Msta-S của Nga với sự hỗ trợ của máy bay không người lái.

Theo Bộ trưởng, trong tuần qua, các nhóm trinh sát trên không của Lữ đoàn Pechersk số 27 của Vệ binh Quốc gia đã hoạt động hiệu quả ở các hướng đông và nam.

Theo Bộ trưởng Klymenko, trong vòng một tuần, Vệ binh Quốc gia đã xác định và tiêu diệt 5 xe tăng, 9 xe chiến đấu bọc thép, 3 hệ thống pháo binh, 2 pháo tự hành, 12 xe tải và 3 kho đạn.

8. Các nhà ngoại giao cho biết kế hoạch của Liên minh Âu Châu chi tới 20 tỷ euro hay 21,4 tỷ Mỹ Kim cho viện trợ quân sự cho Ukraine đang gặp phải sự phản đối từ các nước Liên Hiệp Âu Châu và có thể không tồn tại được dưới hình thức hiện tại.

Josep Borrell, nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, đã đề xuất vào tháng 7 rằng khối này sẽ tạo ra một quỹ lên tới 5 tỷ euro mỗi năm trong 4 năm như một phần của các cam kết an ninh rộng lớn hơn của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Nhưng khi các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị thảo luận về kế hoạch này tại Brussels vào thứ Ba, các nhà ngoại giao cho biết một số quốc gia - bao gồm cả nước Đức có ảnh hưởng lớn trong Liên Hiệp Âu Châu - đã lên tiếng từ chối việc cam kết số tiền lớn như vậy trước nhiều năm.

Theo cơ quan ngoại giao của khối, Liên Hiệp Âu Châu và các thành viên là một trong những nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, cung cấp vũ khí và thiết bị trị giá khoảng 25 tỷ euro.

Đề xuất của Borrell là một nỗ lực nhằm tạo dựng nền tảng hỗ trợ lâu dài hơn, bằng cách tạo ra một nguồn tiền mặt cho viện trợ Ukraine bên trong một quỹ lớn hơn, là Cơ sở Hòa bình Âu Châu, được sử dụng để hoàn trả cho các thành viên Liên Hiệp Âu Châu về hỗ trợ quân sự cho các nước khác.

“ Tôi sẽ không tuyên bố nó đã chết vào thời điểm này. Nhưng tất nhiên, những cải tiến luôn có thể được thực hiện”, một nhà ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu cho biết như trên.

“Đức đã có rất nhiều câu hỏi… và đúng như vậy. Chúng ta đang nói về rất nhiều tiền.”

Cuộc tranh luận về viện trợ quân sự diễn ra khi các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu cũng đang thảo luận về đề xuất hỗ trợ kinh tế cho Ukraine 50 tỷ euro.

Liên Hiệp Âu Châu cũng đang phải đối mặt với những thách thức về các khía cạnh khác của viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều quan chức và nhà ngoại giao cho rằng khối này sẽ gặp khó khăn để đạt được mục tiêu cung cấp cho Kyiv 1 triệu quả đạn pháo và hỏa tiễn vào tháng 3 năm sau.

9. BAE Systems báo cáo thu nhập khả quan sau khi các nước đổ xô mua vũ khí vì cuộc xâm lược của Nga

BAE Systems đã đưa ra triển vọng thu nhập khả quan nhờ “tăng cường tiếp xúc với các thị trường quốc phòng đang phát triển về mặt cấu trúc” trong “thời điểm rủi ro địa chính trị gia tăng”, AFP đưa tin.

Tập đoàn này đã đầu tư thêm tiền mặt trong năm nay vào các dự án “đầu tư mới vào năng lực sản xuất đạn dược”.

Vào tháng 8, BAE đã công bố số đơn đặt hàng kỷ lục và lợi nhuận ròng tăng 57% trong nửa năm do chi tiêu quốc phòng của các chính phủ phương Tây tăng vọt sau khi Nga xâm chiếm Ukraine.

10. Thay đổi trong chính phủ Anh

David Cameron đã trở lại chính phủ với tư cách là Ngoại trưởng Anh, thay thế cho Ngoại trưởng James Cleverly, là người đã trở thành tân Bộ trưởng Nội vụ.

David Cameron, cựu thủ tướng đảng Bảo thủ cho biết:

Chúng ta đang phải đối mặt với một loạt thách thức quốc tế khó khăn, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Vào thời điểm toàn cầu có sự thay đổi sâu sắc này, việc đất nước chúng ta sát cánh cùng các đồng minh, tăng cường quan hệ đối tác và bảo đảm tiếng nói của chúng ta được lắng nghe là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

11. Khách mời của đài truyền hình nhà nước Nga bi quan về khả năng chiến thắng của Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Cannot Match West's 'Positive' Offer to Ukraine, State TV Guest Says”, nghĩa là “Khách mời của đài truyền hình nhà nước cho rằng Nga không thể sánh được với sự trợ giúp 'tích cực' của phương Tây dành cho Ukraine.”Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một vị khách trong chương trình truyền hình nhà nước Nga đã bị người dẫn chương trình chỉ trích gay gắt sau khi nói rằng Mạc Tư Khoa cung cấp cho những người sống ở các vùng bị tạm chiếm của Ukraine ít hơn nhiều so với Liên Hiệp Âu Châu và NATO.

Bình luận trên kênh NTV của nhà bình luận chính trị Viktor Olevich được đưa ra theo sau quyết định của Ủy ban Âu Châu rằng các cuộc đàm phán gia nhập nên bắt đầu để Kyiv gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Diễn biến này xảy ra bốn tháng sau khi Ukraine được cấp tư cách ứng cử vào tháng 6. Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để bình luận.

Olha Stefanishyna, Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập Âu Châu, tuần trước cho biết Kyiv có thể hoàn tất quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong vòng hai năm, sau khi đã đáp ứng được 4 trong số 7 tiêu chí cần thiết để bắt đầu đàm phán.

Điện Cẩm Linh đã coi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine như một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây, đồng thời là một cuộc chiến để giữ Kyiv trong quỹ đạo của mình. Nhưng Olevich nói rằng người dân ở các khu vực mà Nga cho biết đã sáp nhập sẽ bị thu hút nhiều hơn bởi những gì tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu sẽ mang lại.

“Có một củ cà rốt mà phương Tây đưa ra cho Ukraine,” Olevich nói trong chương trình Mesto Vstrechi, nghĩa là Nơi gặp gỡ. “Củ cà rốt là việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO, vào một thời điểm nào đó trong một tương lai không chắc chắn. Nó mang lại cho họ triển vọng sống, có thể không giống người Đức hay người Pháp nhưng ít nhất giống người Đông Âu, như người Slovakia, người Tiệp,” Olevich nói trong đoạn clip do tài khoản Victoria thân Ukraine đăng tải. Ông nói thêm: “Tất nhiên đối với người Ukraine, đó là một triển vọng tích cực.

“Nga đưa ra loại cà rốt nào? 10.000 rúp hay 108 Mỹ Kim cho những người sống ở vùng Kherson? Viễn cảnh không thể đi du lịch nếu không có visa? Rằng họ sẽ không thể đi bất cứ đâu và không gặp được hàng triệu người thân của họ ở Âu Châu?” Olevich nói

Người dẫn chương trình Andrei Norkin ngắt lời, bác bỏ tuyên bố của vị khách, nói rằng “chúng ta không thể so sánh việc người dân sống nghèo ở Nga như thế nào và họ sống tốt như thế nào ở Âu Châu,” trước khi nói thêm, “bởi vì tuyên bố của bạn là sai sự thật.”

Là một trong ba kênh truyền hình nhà nước, NTV chịu sự kiểm soát của chính phủ. Tuy nhiên, Mesto Vstrechi đôi khi có tiếng nói bất đồng, đưa ra những lời lẽ ủng hộ Điện Cẩm Linh ít cực đoan hơn và có những nhân vật đối lập thường xuyên xuất hiện với tư cách khách mời.

Vladimir Putin đã tuyên bố xâm lược Ukraine một phần là để chống lại sự bành trướng của NATO, nhưng trên thực tế cuộc xâm lược của Nga đã làm tăng lãnh thổ của NATO sau khi Phần Lan gia nhập.

Trong khi tư cách thành viên của Kyiv trong liên minh không còn được bàn đến trong thời gian ngắn, tuần trước cựu Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen cho biết Ukraine có thể tham gia. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “phòng vệ tập thể” theo Điều 5 trong hiến chương của nước này sẽ không được mở rộng sang các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

12. Khai trương trung tâm đào tạo phi công F-16 cho Ukraine ở Rumani

Một trung tâm đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16 đã được khai trương ở Rumani vào hôm Thứ Hai. Năm chiếc F-16 của Hà Lan đã được giao, và bảy chiếc khác sắp được giao.

Bộ trưởng Quốc phòng Rumani Angel Tîlvar cho biết: “Trung tâm này sẽ là trung tâm quốc tế đào tạo phi công F-16 và sẽ tạo điều kiện tăng cường khả năng tương tác giữa các đồng minh”.

Thông điệp của ông được Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tán thành, người kêu gọi các nước Âu Châu “hợp tác cùng nhau” về an ninh quốc tế.

Tổng thống Zelenskiy nói rằng ông rất biết ơn Hà Lan vì đã “đi đầu” trong việc hỗ trợ Ukraine và hy vọng các máy bay F-16 sẽ có mặt trên bầu trời Ukraine “càng sớm càng tốt”.

Theo dự trù, các phi công Ukraine sẽ lái 12 chiếc máy bay F-16 trực tiếp từ Rumani về Ukraine sau khi hoàn thành khóa huấn luyện.