1. Các giám mục Kazachstan và Malawi cấm chúc lành các cặp đồng phái

Các giám mục tại Cộng hòa Kazachstan và Malawi cấm chúc lành cho các cặp đồng phái, mặc dù có tuyên ngôn mới được Bộ Giáo lý đức tin công bố.

Đức Cha Tomasz Peta, gốc Ba Lan, Tổng giám mục Giáo phận Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm hồi trung tuần tháng Chín năm ngoái (13-15/9/2022), và vị giám mục Phụ tá là Đức Cha Athanasius Schneider, gốc Đức, đã bày tỏ lập trường trên đây trong một lá thư mục vụ, trong đó hai vị cấm tất cả các linh mục trong giáo phận thuộc quyền không được cử hành các lễ nghi như vậy và cấm mọi tín hữu không được tham dự.

Lá thư mục vụ bằng tiếng Nga khẳng định rằng chúc lành cho những quan hệ đồng phái là điều “Trực tiếp và nghiêm trọng, đi ngược với mạc khải của Chúa và giáo huấn cũng như sự thực hành liên tục từ hai ngàn năm của Giáo hội Công giáo”. Toan tính hợp thức hóa những quan hệ như thế sẽ có những hậu quả sâu rộng và tai hại. vì thế, trong thực tế, Giáo hội Công giáo đang bị biến thành một tổ chức tuyên truyền cho ý thức hệ giới tính”.

Hội đồng Giám mục Malawi ở miền nam Phi châu đã chính thức cấm việc chúc lành cho những quan hệ đồng phái. Trong thông cáo chính thức công bố tại thủ đô Lilongwe, các giám mục Malawi viết: “Để tránh sự lẫn lộn nơi các tín hữu, chúng tôi truyền rằng vì những lý do mục vụ, những cuộc chúc lành thuộc mọi loại cho những cuộc kết hiệp đồng phái thuộc mọi thứ không được phép ở Malawi”. Dầu sao văn kiện “Fiducia supplicans”, tín thác khẩn xin, của Bộ Giáo lý đức tin, không minh thị nói về những chúc lành cho các cặp đồng phái, nhưng đúng hơn nói về việc chúc lành cho các cá nhân, bất luận tình trạng quan hệ của họ”.

Tại nhiều nước Phi châu, đồng tính luyến ái bị trừng trị bằng những hình phạt nặng nề, kể cả án tử hình. Vì thế, lối tiếp cận của Giáo hội về đồng tính luyến ái và những quan hệ đồng phái, cũng là một chướng ngại lớn đối với các Giáo hội Kitô ở Phi châu. Ví dụ, gần đây, các Giáo hội Anh giáo ở các nước Phi châu và Liên hiệp các Giáo hội Anh giáo Nam Bán Cầu đã ngưng hiệp thông với Đức Tổng giám mục Canterbury Justin Welby, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, vì đã chấp nhận hôn nhân đồng phái.

Cũng nên nói thêm rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần phê bình điều mà gọi là “thực dân ý thức hệ” vì nhiều nước Tây phương muốn áp đặt lối sống và luân lý của họ cho các nước tây phương, trong đó có lý thuyết giới tính và hôn nhân đồng phái, đồng tính luyến. v.v.

Tại Zambia, cũng ở miền nam Phi châu, Hội đồng Giám mục công bố tuyên ngôn nhận xét rằng Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý đức tin “không phải và không được hiểu là một sự ủng hộ sự kết hiệp đồng phái, Kinh thánh đã trình bày các hành động đồng tính luyến ái như những hành vi đồi bại nặng nề”.

Để tránh sự lẫn lộn và bảo đảm cho các giáo sĩ khỏi vi phạm luật pháp của Zambia, tuyên ngôn của Tòa Thánh sẽ được coi như một suy tư thêm và không phải để áp dụng cho Zambia”. Quốc gia này thuộc vào số các nước Phi châu có luật cấm đồng tính luyến ái.

2. Ukraine chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Nga tăng cường các cuộc không kích

Người Ukraine đang chuẩn bị tổ chức lễ Giáng Sinh đầu tiên theo lịch mới, một bước nữa hướng tới xóa bỏ mọi dấu vết ảnh hưởng của Nga khi quân đội của họ chống lại cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh.

Hầu hết người Ukraine theo Chính thống giáo và giáo hội chính của đất nước này đã đồng ý trong năm nay sẽ loại bỏ lịch Giuliô truyền thống, vốn được sử dụng ở Nga và kỷ niệm ngày lễ vào ngày 7 Tháng Giêng.

Cuộc tấn công vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 của Mạc Tư Khoa đã củng cố quốc gia phòng thủ và khiến nhiều người Ukraine từ chối ngôn ngữ và văn hóa Nga, cùng những mối quan hệ lịch sử khác với người cai trị cũ của Kyiv.

Mykhailo Omelian, một linh mục Chính thống ở Kyiv cho biết: “Mọi thứ liên quan đến Nga và mọi thứ mà Nga làm giống như cách chúng tôi đã làm đều gây ra sự ghê tởm nơi người dân”.

Ukraine cũng đã phát đi tín hiệu quan tâm đến việc gia nhập Liên minh Âu Châu và nhiều người ở đây coi tư cách thành viên là một sự khẳng định quan trọng về điều mà họ tin là vị trí lịch sử của đất nước họ ở Âu Châu.

Tetiana, một tín hữu 25 tuổi cho biết cô sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 lần đầu tiên: “Từ nay người Ukraine, chúng tôi sẽ tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, giống như phần còn lại của người Âu Châu”.

Đứng bên ngoài Tu viện Saint Michael có mái vòm vàng ở Kyiv, cô nói thêm rằng sẽ có cảm giác “hơi khác thường” nhưng đó là “điều đúng đắn nên làm”.

Gần tiền tuyến của cuộc xâm lược của Nga, sắp tròn hai năm và không có dấu hiệu giảm bớt, binh lính cũng đang chuẩn bị chuyển sang ngày 25 tháng 12.

Bohdan, một quân nhân đóng quân ở miền đông Ukraine, cho biết vào sáng Chúa Nhật vừa qua, quân đội Ukraine chen chúc vào một nhà thờ nhỏ tạm bợ để cử hành phụng vụ, hát thánh ca trong khi hương thơm thoang thoảng trong không khí.

Tại một nhà thờ khác ở tiền tuyến, Mykolai, tuyên úy thuộc Lữ đoàn Dù số 95 của Ukraine, cho biết ngài kỳ vọng quân đội sẽ có tinh thần cao hơn khi họ ăn mừng. Ngài nói: “Về cơ bản, chúng tôi hiểu rằng đối phương là những kẻ vô thần, vì vậy đây là một cuộc chiến tranh khác”.

Chính quyền Ukraine cũng đã đẩy mạnh chiến dịch đổi tên đường phố và khu định cư, cũng như dỡ bỏ các bức tượng và tượng đài gắn liền với quá khứ của Sa hoàng và Liên Xô.

3. Số tín hữu Ba Lan tham dự thánh lễ tái gia tăng

Sau thời kỳ suy giảm vì Covid-19, số tín hữu Công giáo Ba Lan tham dự thánh lễ Chúa nhật lại gia tăng.

Theo con số của Viện Thống kê Giáo hội Ba Lan, công bố hôm 19 tháng Mười vừa qua, số tín hữu dự lễ Chúa nhật xuống mức thấp nhất 28,5% trong năm 2021, nhưng năm ngoái, 2022, con số này lại tăng lên 29,5%. Kết quả cuộc kiểm kê mới nhất hồi tháng Mười vừa qua chưa có.

Tại Ba Lan, số tín hữu Công giáo tham dự thánh lễ cao hơn nhiều so với nước Áo. Hãng tin Công giáo Áo Kathpress cho biết năm ngoái 2022, tại Áo có gần 366.000 người Công giáo dự lễ, tức là 7,7%. Tại nước này, trong thời đại dịch Covid, số người dự lễ cũng giảm sút.

Tại Ba Lan, số tín hữu Công giáo dự lễ đạt tới mức kỷ lục là 53,3% trong năm 1987 và từ đó, con số này dần dần giảm sút: từ năm 2013, tỷ lệ xuống dưới mức 40%.

Trong năm ngoái, Giáo hội Ba Lan có thêm năm giáo xứ mới và tổng số giáo xứ toàn quốc là 10.537. Số linh mục giáo phận còn 23.765 người, giảm mất 200 vị, và có 18.629 linh mục hoạt động tại các giáo xứ, tức là giảm 1.500 vị so với năm 2021 trước đó.