1. 9 triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân

Khoảng 9 triệu người đã tham dự cuộc rước kiệu rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ở Manila, Phi Luật Tân trong năm nay.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Cuộc rước kéo dài 7km này bị đã hủy bỏ trong 2 năm vì đại dịch coronavirus.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros hay Nội Thành, là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng năm nay được đánh giá là hòa bình hơn vì tượng Chúa chịu nạn được đặt trong lồng kính. Đây là lần đầu tiên ban tổ chức làm như thế.

Trong những năm trước, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận. Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

2. Toàn thể Giáo Hội Phi Châu chính thức bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans

Peter Pinedo của hãng tin CNA, ngày 11 tháng 1 năm 2024 tường trình rằng: Để đáp lại những hướng dẫn mới của Vatican cho phép các cặp đồng tính luyến ái được ban phép lành mục vụ ngoài phụng vụ, các giám mục Phi Châu đã đưa ra một tuyên bố thống nhất, trong đó các ngài nói rằng sẽ “không có phép lành mục vụ nào cho các cặp đồng tính luyến ái trong các giáo hội Phi Châu”.

Bức thư, được công bố ngày 11 Tháng Giêng, được viết bởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM.

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng bức thư là sự tổng hợp tất cả các ý kiến của các giám mục Phi Châu, được gửi về để đáp lại yêu cầu mà ngài đã đưa ra vào ngày 20 tháng 12.

Trong bức thư, Đức Hồng Y Ambongo nói rằng trong khi các giám mục Phi Châu “tái khẳng định một cách mạnh mẽ sự hiệp thông của họ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” thì các ngài “tin rằng các phép lành ngoài phụng vụ được đề xuất trong Tuyên bố Fiducia Supplicans không thể được thực hiện ở Phi Châu mà không vướng vào những vụ tai tiếng”.

Đức Hồng Y Ambongo cho biết tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican, do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành vào ngày 18 tháng 12, “đã gây ra một làn sóng chấn động” ở Phi Châu và “đã gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều giáo dân, những người thánh hiến, và thậm chí cả các mục tử.”

Đáp lại, Đức Hồng Y Ambongo nói rằng các giám mục Phi Châu nhắc nhở các tín hữu, “như Fiducia Supplicans đã làm rõ ràng” rằng “học thuyết của Giáo hội về hôn nhân và tình dục Kitô giáo vẫn không thay đổi”.

“Vì lý do này, chúng tôi, các giám mục Phi Châu, không cho rằng việc Phi Châu ban phước cho các kết hợp tính luyến ái hoặc các cặp đồng tính là phù hợp bởi vì, trong bối cảnh của chúng tôi, điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn và sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng Phi Châu”, Đức Hồng Y Ambongo nói.

Bức thư là trường hợp đầu tiên trong đó Giáo hội trên toàn lục địa bác bỏ các phước lành đồng tính như đề xuất trong Fiducia Supplicans.

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng ngôn ngữ được sử dụng trong Fiducia Supplicans là “quá tinh tế để những người đơn giản có thể hiểu được” và “rất khó thuyết phục rằng những người cùng giới tính sống trong một kết hợp ổn định không đòi hỏi tính hợp pháp cho tình trạng của họ”.

Bức thư tiếp tục liệt kê thêm nhiều lý do tại sao Giáo hội Phi Châu sẽ không ban phước lành cho các cặp đồng tính, trích dẫn nhiều đoạn Kinh thánh. Một trong những đoạn được các giám mục Phi Châu trích dẫn là điều các ngài gọi là “vụ tai tiếng của những người đồng tính ở Sôđôma” trong sách Sáng thế chương 19; các ngài nói rằng nó chứng minh “đồng tính luyến ái quá ghê tởm đến mức nó đã dẫn đến sự tàn phá cả một thành phố”.

Ngoài những lý do theo Kinh thánh, Đức Hồng Y Ambongo còn nói rằng “bối cảnh văn hóa ở Phi Châu, bắt nguồn sâu xa từ các giá trị của luật tự nhiên liên quan đến hôn nhân và gia đình, càng làm phức tạp thêm việc chấp nhận sự kết hợp của những người đồng tính, vì họ được coi là mâu thuẫn với các chuẩn mực văn hóa và về bản chất là sa đọa.”

“Hội đồng Giám mục Phi Châu nhấn mạnh rằng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải được đối xử tôn trọng và xứng đáng, đồng thời nhắc nhở họ rằng sự kết hợp của những người đồng tính là trái với ý muốn của Thiên Chúa và do đó không thể nhận được sự chúc lành của Giáo hội”

“Vì vậy, các nghi thức và lời cầu nguyện có thể làm lu mờ định nghĩa về hôn nhân - như một sự kết hợp độc chiếm, ổn định và bất khả tiêu giữa một người nam và một người nữ, mở ra cho việc sinh sản - được coi là không thể chấp nhận được”.

Theo Đức Hồng Y Ambongo, lá thư của các giám mục Phi Châu “đã nhận được sự đồng ý” của cả Đức Thánh Cha Phanxicô lẫn tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernandez.

Đức Hồng Y Ambongo kêu gọi các cộng đồng Kitô giáo “không để mình bị lung lay” trước sự nhầm lẫn đang bao trùm Giáo hội sau khi Fiducia Supplicans được công bố.

Ngài trấn an các tín hữu rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người phản đối quyết liệt bất cứ hình thức thuộc địa hóa văn hóa nào ở Phi Châu, đã hết lòng chúc phúc cho người dân Phi Châu và khuyến khích họ luôn trung thành với việc bảo vệ các giá trị Kitô giáo”.

3. LHQ kêu gọi Nicaragua tiết lộ nơi giam giữ Đức Giám Mục Isidoro Mora

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OHCHR, đã kêu gọi chế độ độc tài Nicaragua “khẩn trương báo cáo” nơi họ đang giam giữ giám mục của Siuna, là Đức Cha Isidoro del Carmen Mora Ortega.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nicaragua khẩn trương báo cáo nơi ở của Đức Giám Mục Mora, nạn nhân của vụ cưỡng bức đưa đi mất tích trong 16 ngày qua. Việc che giấu thông tin này và cách ly ngài với gia đình cũng như các đại diện pháp lý sẽ khiến tính mạng và sự an toàn cá nhân của ngài gặp nguy hiểm”, văn phòng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 11 Tháng Giêng

Tổ chức nhân quyền này cũng đăng lại tuyên bố ngày 28 tháng 12 lên án việc cưỡng bức giam giữ vị Giám Mục “và làn sóng mới bắt giữ các nhà lãnh đạo tôn giáo”.

“Ngoài việc vi phạm quyền tự do cá nhân, họ sẽ vi phạm quyền tự do tôn giáo, một trụ cột của bất kỳ nhà nước dân chủ nào,” OHCHR tuyên bố sau vụ bắt giữ Đức Cha Mora, diễn ra vào ngày 20 tháng 12.

Vị giám mục 63 tuổi bị bắt một ngày sau khi ngài dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giám Mục Rolando Álvarez, giám mục của Matagalpa, người đã bị chế độ Sandinista bắt cóc khỏi nơi cư trú vào tháng 8 năm 2022, bị quản thúc tại gia và cuối cùng bị kết án vào tháng 2 năm 2023 với mức án 26 năm 4 tháng tù vì tội phản quốc.

Một ngày sau khi Đức Cha Mora bị bắt, Martha Patricia Molina, nhà nghiên cứu người Nicaragua và là tác giả của nghiên cứu “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp?”, nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng ngoài Đức Cha Mora, “các chủng sinh Alester Saenz và Tony Palacio cũng bị bắt cóc.” Nơi ở của họ cũng vẫn chưa được biết.


Source:Catholic News Agency