Gọi là nhà tạm bởi nhà đó là nơi cư trú tạm thời, không vĩnh viễn. Một ngày nào đó cũng phải ra đi. Theo dự đoán có lẽ từ 'Nhà Tạm' có từ thời Môisen khi ông dẫn đoàn dân vượt qua samạc tiến vào vùng Đất Hứa. Trên đường đi, Thiên Chúa dậy dân chúng cách thờ phượng, trung thành với Thiên Chúa và cách xử thế với đồng loại. Hướng dẫn, chỉ bảo này được biết đến như là Mười Điều Răn Chúa truyền ghi khắc trên hai thanh đá hình chữ nhật. Chúa ban cho Môisen hai thanh đá này khi ông lên núi thánh cầu xin Chúa dậy bảo dân Ngài. Để tôn kính Lời Chúa, Môisen cho làm căn lều nhỏ gọi là nhà tạm. Trong căn lều tạm đó có một hộp nhỏ gọi là Hòm Bia Thánh, dùng vừa để tôn kính, vừa bảo toàn Lời Chúa. Ngày nay trong thánh đường nơi đặt giữ Mình Máu Thánh Đức Kitô gọi là 'Nhà Tạm'. Theo tục lệ xưa, nhà tạm có Mình Thánh luôn có đèn chầu ngày đêm. Trong thánh đường gần bên nhà tạm có ngọn đèn sáng nhỏ đó chính là nơi nhà tạm và trong nhà tạm đó có cất giữ Mình Thánh Đức Kitô.

Hành trình vào Đất Hứa dân chúng ngủ trong lều tạm, bởi họ biết ngày hôm sau họ sẽ di chuyển đến nơi mới; lều tạm lại được dựng nên, trú ngụ qua đêm, hôm sau lại tiếp tục hành trình. Lời Chúa cũng ngụ trong lều tạm và luôn di chuyển với toàn dân Chúa chọn. Điều này cho thấy những gì ta hiện có đều là tạm bợ, bao gồm cả sự sống của mỗi cá nhân. Nhà tạm trong thánh đường nhắc nhở Kitô hữu cuộc sống trần thế là tạm bợ. Trái đất này là nhà tạm của nhân loại. Một ngày nào đó nhân loại sẽ ra đi, và trái đất cũng ra đi. Mỗi lần ta vào thánh đường; hãy cung kính nhà tạm. Cảm tạ Thiên Chúa nhắc nhở mọi người cuộc sống hiện tại, trần thế là tạm bợ.

Ba môn đệ Đức Kitô khi ở trên núi thánh ngày Chúa biến hình. Các ông rất vui mừng vì khung cảnh rực sáng, thanh bình, đầy hào quang. Các ông vui mừng xin được ở lại đó và các ông cũng chỉ xin làm ba lều tạm. Không phải ba căn nhà, ba biệt thự mà là ba lều tạm, bởi các ông biết dù vinh quang rực rỡ đến mấy, rồi cũng có ngày qua đi. Quả thế, sau khi đàm đạo cùng tổ phụ, Đức Kitô nói với môn đệ xuống lúi. Tạm bợ đến nhanh hơn điều các ông tưởng. Lều là nơi tạm trú, cư ngụ tạm thời bởi các ông biết dù là cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ, thanh bình, nhưng cũng chỉ là nơi tạm thời, chưa phải nơi vĩnh cửu.

Thánh Gioan 1:14 khẳng định trong chương đầu Phúc Âm của Ngài là Ngôi Lời xuống thế làm Người và ở cùng chúng ta. Thời gian Ngài ở cùng chúng ta có giới hạn bởi sau khi sống lại từ cõi chết Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha. Đây mới là nơi vĩnh cửu; đây cũng là nơi Kitô hy vọng được cư ngụ sau khi dời khỏi nhà tạm trần gian. Cuộc Thương Khó của Đức Kitô cũng chấm dứt việc hiến tế chiên bò. Việc tạm thời hiến tế chấm dứt cách vĩnh viễn, nhường chỗ cho việc hiến tế vĩnh cửu của chính Đức Kitô. Ngài dùng chính thân hình mình làm lễ vật dâng tiến Chúa Cha. Việc dâng tiến của Đức Kitô chỉ xảy ra có một lần duy nhất và không bao giờ lập lại. Kitô hữu không còn phải sát tế chiên bò, lừa nữa mà chỉ cần lập lại những gì Đức Kitô thực hiện trong bữa Tiệc Li. Việc lập lại này do chính Đức Kitô phán dậy:

Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.

Ngày nay Kitô hiểu đó là Bí Tích Thánh Thể. Vì thế Kitô hữu có thể đến với Đức Kitô trong nhà tạm hàng ngày. Khi về trời Đức Kitô không để cho dân Ngài 'mồ côi' nhưng ban Ngôi Ba Thiên Chúa là Thánh Thần Chúa xuống cư ngụ, chỉ bảo, hướng dẫn Kitô hữu. Điều này có nghĩa Đức Kitô còn cư ngụ trong con tim, tâm hồn Kitô hữu và như thế họ có thể đến gần Chúa đêm, ngày, bất cứ khi nào họ nhớ đến Ngài. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn Kitô hữu biến họ trở thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Thời lưu hành, nhà tạm cư ngụ trong lều tạm. Trong lều tạm có khu vực dành riêng cho cộng đoàn đến kính viếng. Khu vực còn lại gọi là khu vực thánh dành riêng cho thầy tư tế, và chỉ riêng thầy tư tế được phép tiến vào khi cử hành các nghi thức phụng vụ thánh. Để phân biệt đâu là khu vực chung cho cộng đoàn và đâu là khu vực chí thánh. Một tấm màn treo ngang từ nóc lều tạm chạm đất cho biết phân biệt giữa hai khu vực. Phong tục này được thực hiện trong thánh điện đền thờ. Phúc âm thánh Matthêu 27:51 thuật lại khi Đức Kitô tắt thở, màn trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên dưới xuống. Đức Kitô tắt thở cũng là lúc màn trong nhà tạm xé hai. Việc màn trong đền thờ xé ra làm hai là dấu chỉ cho biết từ nay bức màn ngăn cách tạm thời giữa thánh điện phân cách nơi cực thánh được vĩnh viễn xé bỏ. Điều này có nghĩa toàn thể đền thờ là nơi cực thánh. Vì thế bước vào nơi cực thánh cần có thái độ kính trọng, nghiêm trang, kính cẩn dành riêng cho nơi thánh. Nơi trước kia dành riêng cho hòm bia thánh, không ai nhìn thấy. Ngày nay nhà tạm thay thế hòm bia thánh trở thành nơi mọi Kitô hữu đều có thể nhìn thấy để tôn kính. Trong thánh điện không còn phân biệt thánh hay thần thiêng, nhưng có phân biệt về trách nhiệm. Vì thế có khu vực giới hạn cho người có trách nhiệm mới được vào.



Để tránh nhà tạm khỏi bị phá hủy hay kẻ hành động bất xứng nên qui luật dành riêng cho nhà tạm khá rõ ràng. Vật dụng phải là vật dụng xứng đáng, bền bỉ. Nhà tạm cần chìa khoá để mở; phải gắn chặt xuống; không dễ dàng di dịch.

TiengChuong.org