Phúc Âm thuật lại dưới chân thánh giá có Đức Trinh Nữ Maria và môn đệ Người yêu mến. Cả hai người im lặng, lắng nghe tiếng mình thổn thức trong tim. Lòng quặn đau từng cơn như sóng biển cuồn cuộn dâng lên cao, rồi thình lình ụp xuống đánh thập vào con tim đau nhói. Cả hai âm thầm nhìn lên thập tự thương khóc Đức Kitô đang quằn quại trong đau khổ. Trong khi đó Đức Kitô thập tự, trên cao nhìn xuống, cảm thông cho thân phận loài người. Biết rõ Đức Kitô đang chống lại từng cơn đau, miệng há lớn vì khát; hơi thở phì phò, đứt quãng, mỏi mệt. Khuôn mặt tan nát, xanh xám vì máu trong tim đã cạn; bụi đường tạo thành vết màn đất bùn, bít kín vết thương, máu không còn tuông rơi nhưng nhiểu thành giọt. Đức Trinh Nữ và thánh Gioan biết rõ Đức Kitô đau khổ đến cùng cực. Chính bản thân bà và thánh Gioan cũng không hơn gì. Cả hai đều bất lực. Ngoài âm thầm đứng nhìn ra; nước mắt lưng tròng, lăn dài trên má, đầu tóc rối bời, khuôn mặt u sầu; không ai có khả năng làm giảm bớt hay chia sẻ, gánh đỡ, niềm đau.

Đứng dưới chân thập tự mang nhiều í nghĩa thâm trầm. Thứ nhất, hình ảnh đứng dưới chân thánh giá là hình ảnh đau thương. Hình ảnh của cảm thông; của bất lực vì khả năng hạn hẹp của con người. Không ai ngờ được hình ảnh đứng dưới chân thánh giá của Đức Trinh Nữ Maria năm xưa lại trở thành hình ảnh chung cho toàn thể nhân loại bắt chước. Khi viếng thăm mộ phần của người thân thương, bạn và tôi đều đứng dưới chân thánh giá; diễn tả tình thương thầm kín trong lòng. Dù không nói ra nhưng mọi người nhìn thấy đều nhận biết đây là hình ảnh diễn tả nỗi nhớ thương tiềm ẩn trong cõi lòng. Một hình ảnh diễn tả tình yêu cao vời nhất. Không còn hình ảnh yêu thương nào rõ ràng hơn, bộc bạch hơn, và chân thành hơn; bởi tình yêu diễn tả trong trường hợp này hoàn toàn không dính bén gì đến vật chất mà thuần tấm lòng trinh trong, chân thành. Đứng nơi mộ phần gợi lại lời nói, việc làm, cách cư xử, lối sống, tình cảm của người nằm dưới mộ. Như thế người sống, kẻ chết không còn ngăn cách bởi ba tấc đất mà tấm lòng gặp lại tấm lòng. Theo cách đó thì tất cả những ai đứng dưới chân thập tự đều là môn sinh, môn đệ Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Trinh Nữ dùng hình ảnh đó diễn tả cõi lòng tan nát thương nhớ Đức Kitô. Kitô hữu thường viếng mộ với lời kinh kèm theo, cầu xin Đức Kitô ban ơn lành xuống cho người đã nằm xuống.

Ngoài tiếng gió hú, tiếng cát bay sè sè trên đồi cao; cảnh trời âm u, màu tím úa, ảm đạn như cõi lòng sầu héo, thương con của Đức Trinh Nữ. Trong hoàn cảnh đau thương, tịch mịch đó, Đức Kitô phá vỡ bầu khí im lặng, tang thương chết chóc. Đức Kitô lên tiếng nói với Đức Trinh Nữ: Gioan là con bà và quay sang nói với Gioan; Đây là mẹ anh. Từ đó Gioan đón và chăm lo cho Đức Trinh Nữ. Lời vắn gọn Đức Kitô tiễn biệt mẹ là lời nói dặn bảo bàn tay con người dùng để chăm sóc, che chở, bảo vệ.

Í nghĩa thứ hai của hình ảnh đứng dưới chân thập tự không thuần chỉ âm thầm nhìn ngắm trong đau thương, tủi hờn, mà còn mang í nghĩa cao trọng. Đó là đi tìm hy vọng, sự sống nơi miền đất chết. Không người thân nào cho rằng đi thăm mộ là đi coi đống đất của người chết. Khách du lịch đi coi di tích cổ, nhìn xem mồ mả xưa. Mồ mả vua quan thường to lớn, đồ sợ, lộng lẫy nhưng mồ dấu kín bởi lúc còn sống họ mua oan, chuốc oán quá nhiều đến khi chết có mả đẹp; mộ to, nhưng không yên bởi sợ có kẻ trả thù nên có người canh đêm, kẻ gác ngày, tránh bị mạ lị ngay cả sau khi chết. Mộ dân nghèo, nhỏ bé, thấp lè tè mặt đất; mộ không đẹp nhưng lại là mồ yên. Kẻ có mộ đẹp thường ngủ không yên, kẻ ngủ yên, mộ thường không đẹp.

Í nghĩa thứ ba của việc viếng mộ thân nhân đó là niềm hy vọng, cậy trông. Dù nói ra hay giữ kín trong lòng; thân nhân ai cũng chung một í tưởng là người thân đang được sống nơi nào đó. Nơi đó không còn đau khổ, tang thương. Kitô hữu đi thăm mộ, đứng dưới chân thập tự đều chung niềm tin là người thân đang cư ngụ bên Đức Kitô Phục Sinh. Đấng mà xưa kia chết treo trên thập tự. Đấng lúc sắp sinh thì đã phá tan bầu khí im lặng, chết chóc, mang lại niềm tin, hy vọng, ủi an cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, và cho người môn đệ ngài yêu mến.

Sau ba ngày nằm trong mộ, Đức kitô sống lại vinh quang. Chính Ngài hiện ra với các môn đệ. Chính nhà cầm quyền bảo hộ Roma phao tin thất thiệt. Nhà cầm quyền hối lộ lính tráng, dậy bảo họ phải nói điều mắt họ không nhìn thấy, tai họ không nghe, nhưng miệng họ phao tin: vì tiền, vì lợi lộc và vì sợ nếu không làm như đã bảo họ sẽ lâm vào cảnh ngục tù. Í nghĩa thứ tư của việc thăm mộ thân nhân chính là cử chỉ phản đối bất bạo động những phao tin, đồn thổi của lãnh đạo Roma là sai, cố chấp, thiếu công chính.

TiengChuong.org