**** LỄ LÁ ****

Mở đầu Tuần Thánh

+ Tường thuật trong 4 sách Phúc Âm +

Mátthêu - Máccô - Luca - Gioan

Mátthêu 21:7–11
7Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên. 8Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. 9Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời. 10Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” 11Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét xứ Ga-li-lê đấy.”

Máccô 11:7–11
7Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” 11Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.

Luca 19:35–40
35Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời! 39 Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!” 40 Người đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”

Gioan 12:12–18
12Hôm sau, dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru- sa-lem 13 họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en 14 Đức Giê-su gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép: 15Hỡi thiếu nữ Xi-on, đừng sợ ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con. 16 Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy. 17 Vậy, đám đông dân chúng làm chứng cho Đức Giê-su, họ là những người đã có mặt, khi Đức Giê-su gọi anh La-da-rô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết. 18 Sở dĩ đón Người, là vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó.


+ Ý nghĩa của Chúa Nhật Lễ Lá +
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: “Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này”.

*Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên ba ý nghĩa

- Ý nghĩa thứ nhất của Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.

- Ý nghĩa thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, “Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái.” Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi.” Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.

- Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.

Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
(Theo Wikipedia tiếng Việt)

+ Việc sử dụng Lá.

Việc làm phép và sử dụng cành dừa đã có từ thế kỷ 8 tại Đức. Từ đó cành lá dừa được sớm kết hợp trong truyền thống phụng vụ Ky-tô Giáo vào Chúa nhật mở đầu Tuần Thánh.

Tuy nhiên cho tới nay dừa vẫn không thể sử dụng trên mọi quốc gia vì nhu cầu khan hiếm.

Nên đã được thay thế như Ý dùng Ô-liu – Anh và Ba-lan dùng cây liễu – Hung-Gia-Lợi và Tây-Ban-Nha lại dùng hoa, nên gọi là Chúa Nhật Hoa….

* Ca Khúc Vinh Quang *

Ánh bình minh vươn cao trên đồi núi,
Nắng tràn lên đem sức sống cho đời,
Tiếng gọi nhau vang động cả vùng trời,
Lòng rạo rực chào mừng ngày đại hội.

Dân chúng già trẻ tươi cười bước vội,
Đem lá và vải phủ kín mặt đường,
Những trẻ thơ bộ mặt thật dễ thương,
Cuốn chiếc lá làm còi thổi rộn rã.

Hai bên đường dân bảo nhau hối hả,
Giữ trang nghiêm chờ đợi đón Quốc Vương,
Từ đàng xa tiến lại thật mến thương,
Cưỡi trên lừa uy nghiêm một Hoàng Tử.

Ngày hôm ấy hoàng thành mở rộng cửa
Nắng chiếu soi sáng rực cả cung thành,
Ôi Jerusalem trần thế là thiên đàng,
Cất cao lên Hôsana!! Hôsana!!

+ Ai Ca Núi Sọ +

+ Nhưng ba ngày sau cũng đám dân ấy,
Trước mặt Philatô nơi tiền đường,
Chúng hò hét kết tội rất thảm thương,
Chính Vị Quân Vương là Đấng Cứu Thế.

Đồi Can-ve sao u buồn ảm đạm!
Mây ngừng trôi che lấp ánh mặt trời,
Vũ trụ ngưng đọng, vạn vật im hơi,
Khắc khoải âu sầu ngày tang trần thế.

Chân đồi lớp người cuốn như sóng bể,
Bọn quan binh đang la hét mở đường,
Tiếng roi vun vút vọng xoáy bi thương,
Tội nhân bị lôi đi không thương tiếc.

Thân mình nát tan, áo quần tơi tả,
Vòng mạo gai đâm suốt chặt quanh đầu,
Máu nhỏ dòng loang lổ khắp châu thân,
Quá kiệt sức nên nhiều lần ngã gục.

Tai vang dội biết bao lời sỉ nhục,
Các thượng tế, luật sĩ, cả đám dân,
Ngẩng mặt đắc chí, hò hét rần rần,
Say đắc thắng vì âm mưu hoàn hảo.

Người nhân đức bước sau buồn ảo não,
Hai phụ nữ dìu theo Người Mẹ hiền,
Lòng Bà dâng trào đau xót triền miên,
Tội tình chi hỡi Con Mẹ yêu dấu!

Tới đỉnh đồi nơi lý hình đang đợi,
Chúng cởi trói, lột áo mà chia nhau,
Giật mạo gai gẫy nát đâm vào đầu,
Để quyết liệt bắt đầu cho bản án.

Bắt tội nhân nằm ngửa trên thập ác,
Và tay chân bị lôi kéo giãn ra,
Tới lỗ đinh còn một khoảng cách xa,
Nghe xương cốt đang tách ra rơi rụng.

Những nhát búa đập mạnh để chọc thủng,
Chân tay tội nhân vặn vẹo đau thương,
Toàn thân quằn quại đau đớn khôn lường,
Không cuộc hành hình nào dã man hơn thế!

Thập giá dựng lên cùng hai tử tội,
Một tử tội biết thống hối kêu cầu,
Khát khao mong đợi diễm phúc bấy lâu,
Đang nhận được vinh quang nơi Thiên Quốc.

Ngước nhìn trời Tù nhân cầu nguyện:
Xin tha cho những kẻ làm khốn mình,
Xót thương Gio-an người đệ tử thân tình,
Trao cho Mẹ nhận người con đau khổ.

Rồi xuất thần ngước mặt kêu: Ta khát!
Một lý hình nhúng dấm chua đưa lên,
Sau khi nếm, nghiêng đầu qua một bên,
Kêu: Đã hoàn tất! Gục đầu tắt thở.

Lòng quặn đứt Bà Mẹ hiền chết ngất,
Khi lính cầm đòng đâm suốt nương nong,
Máu và nước tuôn xuống chảy thành dòng,
Bà đã chết cùng người Con yêu dấu!

Vũ trụ chuyển rung, quay cuồng tinh đẩu,
Bầu trời vần vũ, lốc cuộn bật mồ,
Đền thờ màn xé, mưa sóng tràn bờ,
Có phải chăng đây là ngày tận thế?

Dấu minh chứng cho muôn ngàn thế hệ,
Người tử tội: Đấng Cứu Thế Hiến Mình!
Chết nhục nhã cho ta sống quang vinh.
Bản Ai ca nhiệm mầu đồi Thập Giá

+ Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Hôm nay dân chúng cầm cành lá tung hô rước Chúa vào thành Jerusalem, nhưng chỉ vài ngày sau họ lại dùng mọi khổ hình và treo Chúa trên cây thập giá. Nhưng Chúa vì muốn cứu rỗi nhân loại, Chúa đã hy sinh gánh lấy mọi đau đớn tủi nhục.

Xin cho mỗi người chúng con biết lắng tâm hồn mình, sống trọn vẹn Tuần Thánh đồng hành cùng Chúa trên con đường Thương khó, để chúng con biết cảm thông, chia sẻ và càng yêu mến Chúa nhiều hơn. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời
. Amen-

Đinh văn Tiến Hùng - Tổng hợp

*Bài suy niệm của ĐTC Phanxicô :
NGÀI THỰC SỰ LÀ CON THIÊN CHÚA. NGÀI LÀ CHÚA CỦA CON

Mỗi năm phụng vụ này luôn khiến chúng ta kinh ngạc: chúng ta chuyển từ niềm vui chào đón Chúa Giêsu khi Người vào thành Giêrusalem sang nỗi buồn khi chứng kiến Người bị kết án tử hình và sau đó bị đóng đinh. Cảm giác kinh ngạc nội tâm đó sẽ vẫn còn với chúng ta trong suốt Tuần Thánh. Chúng ta hãy suy ngẫm sâu hơn về điều đó.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc. Dân chúng chào đón Ngài một cách long trọng, nhưng Ngài vào thành Giêrusalem trên một con ngựa non hèn mọn. Người dân của Người mong đợi một đấng giải phóng quyền năng trong Lễ Vượt Qua, nhưng Ngài đã đến để đưa Lễ Vượt Qua đến chỗ viên mãn bằng cách hy sinh chính bản thân mình. Dân của Người đang hy vọng chiến thắng người La Mã bằng gươm, nhưng Chúa Giêsu đến để ăn mừng chiến thắng của Thiên Chúa bằng thập tự giá.

Điều gì đã xảy ra với những người trong thời gian vài ngày, từ chỗ hô vang “Hosanna” đến chỗ gào lên “Đóng đinh nó đi”? Chuyện gì đã xảy ra? Họ đang theo đuổi một ảo tưởng về Đấng Mêsia hơn là chính Đấng Mêsia. Họ ngưỡng mộ Chúa Giêsu, nhưng họ không để mình kinh ngạc trước Ngài. Kinh ngạc không giống như ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ có thể là trần tục, vì nó tập chú vào những thị hiếu và mong đợi của riêng nó.

Ngược lại, sự kinh ngạc vẫn mở ra đối với những điều khác và sự mới mẻ mà những điều ấy mang lại. Ngay cả ngày nay, có rất nhiều người ngưỡng mộ Chúa Giêsu: Ngài nói những điều đẹp đẽ; Ngài tràn đầy tình yêu và sự tha thứ; tấm gương của Người đã thay đổi lịch sử và vân vân. Họ ngưỡng mộ Ngài, nhưng cuộc sống của họ khbàông thay đổi. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải bước theo những bước chân của Chúa, để cho mình được thử thách bởi Người; chuyển từ ngưỡng mộ sang kinh ngạc…

( Trích phần đấu baì Suy niệm của ĐTC PHANXICÔ )