Theo Ed. Condon, trên The Pillar ngày 3 tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô nói rằng người chuyển giới phải được “chấp nhận và hòa nhập vào xã hội” trong một lá thư riêng gửi cho người sáng lập một thừa tác vụ Công Giáo bất đồng chính kiến.



Bức thư được gửi đến Nữ tu Jeannine Gramick, người đồng sáng lập của New Ways Ministry, một tổ chức cung cấp mục vụ nối vòng tay lớn với những người tự nhận mình là LGBT và kêu gọi thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục.

Đức Phanxicô đã viết nhận định này để đáp lại bức thư của Gramick sau khi công bố Dignitas infinita, tuyên bố của văn phòng giáo lý Vatican về phẩm giá con người, mà bà nói rằng “đang làm hại những người chuyển giới mà tôi yêu quý” vì nó bác bỏ ý thức hệ phái tính.

Theo Gramick, Đức Phanxicô đã trả lời bằng cách đề xuất một hiểu biết về “ý thức hệ phái tính” mà bà “chưa từng nghe trước đây” và trong một bài đăng trên trang web của New Ways, gợi ý rằng quan điểm bày tỏ của Đức Phanxicô có nghĩa là ngài ủng hộ các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính dành cho người chuyển giới.

Nhưng mặc dù than thở rằng “những chữ giống nhau có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau”, Gramick dường như ủng hộ lập luận mà Dignitas Infinita dạy chống lại, và cố gắng tái sử dụng lời lên án của giáo hoàng về “ý thức hệ phái tính” để hỗ trợ nó.

Trong Dignitas infinita, Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố rằng “việc tôn trọng thân xác của chính mình và của người khác là rất quan trọng trước sự gia tăng nhanh chóng của các yêu sách về các quyền mới được thúc đẩy bởi lý thuyết giới tính”.

“Ý thức hệ này hướng tới một xã hội không có sự khác biệt về giới tính, do đó loại bỏ nền tảng nhân học của gia đình”, Bộ Giáo lý Đức tin nói, đồng thời khẳng định rằng “phẩm giá của cơ thể không thể bị coi là thấp kém hơn phẩm giá của con người”.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo rõ ràng mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng 'thân xác con người chia sẻ phẩm giá của 'hình ảnh Thiên Chúa'. Một sự thật như vậy đáng được ghi nhớ, đặc biệt khi nói đến vấn đề chuyển đổi giới tính, vì con người bao gồm, một cách không thể tách rời, cả thể xác lẫn linh hồn,” bản tuyên bố viết.

Theo Gramick, chính phần này “đang làm hại” những người chuyển giới và đã thôi thúc bà viết thư cho Đức Giáo Hoàng, chê bai việc sử dụng thuật ngữ “ý thức hệ phái tính” và giải thích rằng mặc dù bà “không thể hiểu tại sao một số người chuyển giới lại tìm kiếm 'các biện pháp can thiệp chuyển đổi giới tính'” (mà bà cũng gọi là “các biện pháp can thiệp y tế khẳng định giới tính”) bà “đã lắng nghe câu chuyện của họ.”

Nữ tu tiếp tục đưa ra một lập luận về cơ bản coi việc chấp nhận người chuyển giới, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ, với việc chấp nhận các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, điều mà cả Đức Giáo Hoàng lẫn Bộ Giáo lý Đức tin đều bác bỏ.

Khi làm như vậy, Gramick nhấn mạnh rằng việc Đức Phanxicô lên án một ý thức hệ “vô hiệu hóa sự khác biệt” giữa hai giới tính là một sự tán thành (có lẽ là vô tình) đối với phẫu thuật chuyển đổi giới tính bởi vì những người chuyển giới, do tình trạng của họ, nhận thức một cách đặc biệt và sâu sắc về những khác biệt này.

Bà lập luận: “Người chuyển giới không cố ý chỉ quyết định rằng bản sắc giới của họ khác với ngoại hình cơ thể của họ. Họ đưa ra quyết định này sau nhiều lần tự vấn tâm hồn, suy gẫm, đau khổ và đau đớn. Giáo hội nên hỗ trợ trong việc loại bỏ nỗi đau để con người có thể trở nên một trong tâm trí và thể xác như ý định của Thiên Chúa.”

Nhưng lập luận của Gramick dường như đã bỏ sót điểm cơ bản mà Đức Phanxicô đưa ra và được giải thích đầy đủ trong tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin: rằng việc tưởng tượng một người có thể “thay đổi giới tính” thông qua các phương tiện thẩm mỹ là khẳng định việc phủ nhận tình dục thân xác như một thực tại khách quan.

Trả lời sự mâu thuẫn rõ ràng này, Gramick đã chuyển trách nhiệm của Giáo hội trong việc trình bày rõ sự thật khách quan thành một nỗ lực nhằm áp đặt một thế giới quan mang tính áp bức đã được Giáo hội hình thành, đúng hơn là tiếp nhận, và do đó Giáo hội nên thay đổi.

Gramick nói, “Nếu ‘chính trong cơ thể mà mỗi người nhận ra chính mình’, như Dignitas Infinita khẳng định, thì Giáo hội đang đặt một gánh nặng nghiêm trọng lên những người không nhận ra chính mình trong cơ thể họ sinh ra!”.

Như một lối lập luận, điều này có vẻ như đã thất bại trong thử nghiệm cơ bản về sự gắn kết nội tại.

Như bà đã công nhận, nếu Dignitas infinita dạy là sự thật khách quan, sự kiện “linh hồn và thể xác đều tham gia vào phẩm giá vốn lên đặc điểm cho mỗi con người” và không thể tách rời và bất biến, thì điều đó không có nghĩa là Giáo hội đặt gánh quá nặng cho mọi người để nhìn nhận sự thật đó.

Quả thực, một “luận lý học” như vậy dường như đảo ngược lời tuyên bố của chính Chúa Ki-tô rằng “các ông sẽ biết sự thật và sự thật đó sẽ giải phóng các ông”.

Mặc dù sự đảo ngược của Gramick đối với sự hiểu biết của Giáo hội về sự thật và những nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về ý thức hệ phái tính dường như không có căn cứ hợp lý, nhưng bà đã trình bày nó theo những lối dùng mỹ từ quen thuộc, đóng khung việc phản đối phẫu thuật chuyển đổi giới tính tương đương với việc bác bỏ người chuyển giới như những con người.

Sự tương đương sai lầm giữa việc chấp nhận và yêu thương một người với việc chấp nhận và chứng nhận những lựa chọn của họ là một mỹ từ pháp đã được luyện tập kỹ lưỡng để phản đối giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề giới tính và tình dục.

Để đáp lại, Giáo hội, trong nhiều thập niên sau cuộc cách mạng tình dục, đã tiếp tục khẳng định rằng một phần thiết yếu của việc yêu thương một người là cảnh cáo trước những lựa chọn có thể gây hại cho họ.

Điều này thường được một số người trình bày như bằng chứng của một kiểu cứng ngắc về giáo lý, hoặc thậm chí là một kiểu cố chấp được che đậy. Thật vậy, các giáo sĩ nổi tiếng như Hồng Y Robert McElroy của San Diego đã lập luận theo phong cách tương tự, đánh đồng việc chào đón những người đồng tính luyến ái với việc xác nhận các hành vi tình dục, đồng thời tìm cách ủng hộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng cách phản đối ngài.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như được trình bày một cách có hệ thống trong Dignitas infinita, về việc hòa nhập và chấp nhận nhất thiết phải được kết nối và liên kết với việc trình bày sự thật một cách yêu thương và đầy cảm thông trong nhiều thập niên, kể cả bởi một số cộng tác viên giám mục thân cận nhất của Đức Phanxicô.

Trong lá thư mục vụ của mình về vấn đề đồng tính luyến ái, Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston, một thành viên trong hội đồng cố vấn Hồng Y C9 của Đức Phanxicô, nói rằng “Giáo hội thường cảnh cáo chống lại việc định nghĩa con người theo khuynh hướng tình dục của họ theo cách làm giảm bớt nhân tính của họ”.

Đức Hồng Y viết: “Mỗi người là một mầu nhiệm, một kho báu không thể thay thế, quý giá trước mắt Thiên Chúa. Chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa và trong phép rửa, chúng ta là con cái của Người, là anh chị em với nhau.”

Tuy nhiên, ĐHY O’Malley cảnh cáo, “chủ nghĩa cá nhân cực đoan của thời đại chúng ta đang làm xói mòn ích chung và chia rẽ cộng đồng”.

Ngài nói: “Không bao giờ là dễ dàng đưa ra một thông điệp kêu gọi mọi người hy sinh hoặc làm những việc khó khăn”, nhưng “điều quan trọng là phải diễn đạt những giáo huấn luân lý của Giáo hội một cách rõ ràng và trung thực. Giáo Hội phải là Giáo Hội. Chúng ta phải giảng dạy các lẽ thật của Tin Mừng bất kể lúc thuận tiện hay không thuận tiện.”

ĐHY O’Malley nói: “Chúng ta không bao giờ được đưa ra thông điệp theo cách tự cho mình là đúng mà phải bằng lòng cảm thương và khiêm tốn,” nhưng cảnh cáo rằng “đôi khi mọi người muốn trừng phạt người đưa tin.”

Trong trường hợp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin về ý thức hệ phái tính, chiến thuật mới nổi dường như không phải là trừng phạt người đưa tin, mà thay vào đó là bóp méo chính thông điệp đó để kết nạp họ.