Người khôn mấy cũng có lúc dại; người dại mấy cũng có lúc khôn. Như thế không ai khôn triền miên, cũng chẳng ai khờ miên viễn. Trong cái khôn có ẩn chứa cái dại; trong cái dại có hạt giống khôn ngoan. Điều khác nhau nằm ở mức độ nhận biết làm điều khôn và tránh xa điều dại. Như thế quyết định khôn ngoan là nhận biết chọn lựa điều khôn; quyết định dại dột là tự chọn điều dại, điều khờ. Cái dại lớn nhất trong đời, không cái dại nào lớn hơn, nguy hiểm hơn, tệ hại hơn, là không tôn thờThiên Chúa, mà tôn thờ tà thần, tôn thờ chủ thuyết.

Kitô hữu được coi là khôn khi người đó có nhiều quyết định khôn ngoan; biết việc phải làm, biết điều phải tránh. Kitô hữu bị coi là khờ dại khi chọn điều đúng ra phải tránh xa, lại quyết định dấn thân làm điều đó. Khôn, dại, đây là hiểu theo chọn lựa củng từng cá nhân: chọn nghe theo lời thiên Chúa là khôn; chọn chạy theo tiếng gọi của xã hội loài người là dại. Khôn dại được định giá dựa theo mức độ vâng lời Thiên Chúa. Được coi là khôn ngoan khi người đó tin, vâng phục, nghe lời, kính trọng, chân thành, tuân theo luật Chúa truyền. Bị coi là khờ dại khi người đó nghe theo lời khuyên bảo, hướng dẫn của loài người. Lời khuyên loài người dù có chân thành đến đâu cũng là lời khuyên khờ dại, bởi cái khôn của thế gian, của loài người đáng sánh với khôn ngoan Lời Chúa. Đây chính là trường hợp của vua Salomôn. Vị vua được coi là khôn ngoan tột đỉnh, được ca tụng trong Cựu Ước. Sách Các Vua thuật lại trước khi qua đời vua Đavit dặn con ông là Solomon hãy trung thành với Thiên Chúa, lắng nghe, tuân giữ phong tục, tập quán, luật Chúa truyền, để chính ông được sống bằng yên, và toàn dân ông coi sóc cũng được sống bình yên (Sách Các Vua 2:1-4,10-12). Solomon trở thành vị vua khôn ngoan và toàn dân hưởng thái bình, thịnh vượng. Bởi khôn ngoan của ông không đến từ loài người mà đến từ vâng phục thiên Chúa. Riêng điểm này cho thấy người lãnh đạo khôn ngoan là người biết lắng nghe, vâng phục Thiên Chúa. Chính vì biết lắng nghe, vâng phục Thiên Chúa mà Thiên Chúa ban cho ông ơn khôn ngoan để ông có những quyết định khôn ngoan mang lại bình an, thái hoà, thịnh vượng cho toàn dân. Như thể kẻ lãnh đạo khờ dại là người lãnh đạo tin vào khôn ngoan, thông thái của con người mà khôn ngoan thông thái của loài người luôn có giới hạn, hạn chế. Lắng nghe lời Solomon cầu xin để biết cái khôn ngoan của ông. Trong giấc mơ ông nghe Thiên Chúa hỏi, ông muốn xin gì cùng Thiên Chúa. Salomon đáp: Thưa Thiên Chúa, con trở thành vua toàn dân bởi chính Ngài ban cho con. Con còn trẻ, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo... Con xin Ngài ban cho tôi tớ Ngài một con tim khiêm nhường, biết nghe lời, vâng phục Thiên Chúa, biết làm điều trọn lành tốt hảo, tránh điều ác, điều sai trái bất trung. Thiên Chúa phán với ông: Bởi người không xin được giầu sang, nhiều vàng, chức cao, sống lâu, mà xin ơn biết phán đoán trong chọn lựa nghe theo lời Ta, vì thế Ta ban cho ngươi ơn khôn ngoan hơn mọi người. Ta ban cho cả những điều ngươi không xin (Các Vua 3:4-13). Solomon trở thành vị vua khôn ngoan toàn cõi nghe biết đến cái khôn ngoan của ông. Hoàng hậu xứ Sheba có nhiều điều khó xử, bà xin gặp nhờ ông cố vấn. Ông giúp bà giải quyết mọi khó khăn, thắc mắc. Hoàng hậu ca tụng Solomon như sau: Ta nghe nói Solomon là vị vua khôn ngoan tột bực. Sau khi đối thoại với ông, hoàng hậu Sheba ca tụng khôn ngoan của ông còn vĩ đại hơn những gì người ta đồn thổi. Bà ca tụng Solomon và ca tụng Thiên Chúa, Đấng mà Solomon tôn thờ (Các Vua 10: 1-10).

Không ai khôn triền miên; cũng không ai khờ miên viễn. Khi về già, thay vì nghe lời của Thiên Chúa, Solomon nghe theo lời thủ thỉ của bà vợ, nhất là người đẹp tin theo thần ngoại lai. Salomôn coi thường lời Thiên Chúa, tự nguyện chọn lắng nghe lời loài người. Đây là cái dại 'đột xuất' của Solomon. Nhan sắc phụ nữa làm tâm trí ông lu mờ. Lời nói ngon ngọt khiến con tim ông đắm đuối. Thủ thỉ ngày đêm khiến ông quẩn trí không phân biệt đúng sai. Những điều này làm ông mất ân sủng Thiên Chúa. Thiên Chúa không để mặc ông cô đơn, sống trong lầm lạc. Hai lần Chúa đến trong giấc mơ, kêu gọi ông từ bỏ con đường tà thần, theo đường lối công chính. Solomôn coi thường những giấc mơ đó. Tiên tri Ahijah được sai đến với Jeroboan loan báo Thiên Chúa sẽ thu tóm những gì Solomon có và trao vào trong tay người khác. Đất nước Solomon đang cai trị bị chia tan tác, toàn dân sống trong chiến tranh. Solomon chỉ còn lại một chi tộc bởi Thiên Chúa trung thành với giao ước Ngài hứa với Davị tổ phụ Solomon. Tội của người lãnh đạo là tội của một cá nhân, nhưng cá nhân đó có liên đới với xã hội và khi người đó lãnh đạo phạm tội, mọi người dưới quyền chịu vạ lây. Điều này rất thích hợp với câu ca:

'Mèo già ăn vụng, mèo ốm phải đòn, mèo con phải vạ'.

Solomon là mèo già sai trái; mèo ốm là toàn dân đau khổ, chịu chiến tranh ốm tong teo; mèo con là con cháu họ bị vạ lưu đầy từ đời này đến đời kia. Điều này cho thấy lí luận thân ai người ấy lo là một lí luận sai lầm bởi là con người xã hội nên mọi quyết định cá nhân ít nhiều đều ảnh hưởng đến xã hội. Càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội, quyêt định của cá nhân đó càng ảnh hưởng nặng nề đến xã hội đó.

TiengChuong.org