Baton Rouge ngày 6/9/2005

Kính thăm qúi vị, anh chị em và thân hữu

Khi tôi viết những dòng thư này thì vẫn chưa có nối internet được. Lúc có lúc không, không lường được! Tôi cứ viết sẵn và khi nối được internet thì tôi sẽ gửi đi để thông tin sinh hoạt của Trung Tâm Tiếp Cư Tận Hiến và Giáo xứ Antôn Padua Lê Văn Phụng tại Baton Rouge.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy lá thư trước của tôi được đăng trên VietCatholic, vì lá thư đó chỉ có mục đích viết cho các thân hữu, cho nên xin qúi vị khi đọc những lá thư viết vội của tôi thì hiểu cho rằng, đây chỉ là những dòng chữ viết vội để thông tin thôi, có thể có rất nhiều thiếu sót.

Cảm tưởng của tôi trong những ngày này là sau 30 năm, lịch sử hình như quay lại: Một số người Việt Nam thuộc giáo xứ Maria Nữ Vương một lần nữa lại được đưa vào trại Fort Chaffee, Arkansas, nơi tôi đã sống khi mới đặt chân đến Mỹ vào năm 1975.

Chỉ có một điều khác là bây giờ người Việt phục vụ người Việt, và đồng bào có nhiều tự do hơn, được đi lại thoải mái, và có người lo cơm nước hằng ngày ngon miệng, có hoa trái, rau cỏ đầy đủ, không như 30 năm trước đây. Nhưng những mất mát thì thực sự lớn lao, hôm nay không khác 30 năm trước là bao nhiêu.

Hiện giờ tại Trung Tâm tiếp cư của chúng tôi có khoảng 263 người, không kể 180 người đã rời trung tâm trong mấy ngày vừa qua, đi định cư tại những tiểu bang khác, cho con cái đi học, vì họ có thân nhân tại những nơi đó.

Sinh hoạt của Trung Tâm, ngoài việc lo chỗ ăn ở và lau chùi nhà cửa sạch sẽ, có thánh lễ hằng ngày, có dịch vụ phục vụ đồng bào lo giấy tờ: đổi địa chỉ, xin thẻ Food Stamp, tiền già, tiền thất nghiệp, làm đơn xin trợ cấp Fema, xin thẻ Mecicaid hay Medicare. Có một số uỷ ban lo cho những việc này.

Vấn đề hiện nay là tại Baton Rouge đột một cái có thêm cả trăm ngàn người, gấp đôi dân cư của thành phố, do đó việc di chuyển rất khó khăn, đi đâu cũng kẹt xe, đi đâu cũng phải xếp hàng dài. Tỉ dụ có người từ 3 giờ sáng đã phải ra văn phòng an sinh xã hội xếp hàng và mãi tới chiều mới về được tới nhà, và họ mở cửa 24/24 giờ. Thực sự tình cảnh thảm thương! Thêm vào đó, ngân hàng không dám mở cửa vì sợ cướp, nên chỉ deposít qua cửa sổ và cũng phải xếp hàng dài... không được vào bên trong.

Hiện tại vấn đề tiếp tế và trợ cấp cũng rất khá, nhưng hát lâu chầu mỏi, không hiểu một tháng nữa thì sẽ như thế nào. Nhân viên Red Cross cảnh giác rằng: những gì người ta cho thì cứ nhận, vì một tháng nữa sẽ không còn như vậy đâu! Nhưng khổ nỗi là về thực phẩm thì cần có cooler đế chứa, nếu không ăn sẽ bị hư, mà làm sao tìm hay mua được cooler chứa thực phẩm các cơ quan mang đến cứu trợ đây!

Nhiều nhân viên như cơ quan Red Cross, Knight o Columbus, các giáo xứ khác, hoặc hội St Vincent de Paul tình nguyện đến nấu ăn cho dân Việt ở đây, nhưng tiếc là đồng bào ta, cách riêng những người già thì không nuốt nổi đồ ăn của họ, chả lẽ đành chịu nhịn đói?

Về phương tiên y tế, ch1ung tôi may mắn có LM Phạm Hữu TÂm, ICM, là bác sĩ y khoa, có thể khám bệnh và cho toa, cũng giúp được nhiều người, đặc biệt những ông già bà già khi ra đi không đam theo thuốc hay nay đã hết thuốc rồi. Có vài cơ quan ở đây cho refill miễn phí, chẳng hạn tiệm CVS cho refill thuoc trong 7 ngày, hoặc hội St. Vincent de Paul, hoặc Fema… Cha Tâm nói đùa là “Nếu thu tiền khám bệnh trong mấy ngày qua thì phải thu cả 10 ngàn đồng lận! TẠ ơn Chúa đã thu xếp cho vấn đề y tế...

Những người sống trong quận Jefferson bên New Orleans, ở mạn Westbank, được về thăm nhà từ thứ Hai đến tứ Tư hôm thứ Tư tuần tới đây (15-17/9). Có nhiều người đã về thăm nhà. Tương đối vùng Westbank không bị thiệt hại hniều, không bị ngập nước nhiều như vùng New Orleans East. Còn những người ở vùng Versailles chưa biết bao giờ mới được về thăm nhà...

Vài hàng đưa tin. Xin cảm tạ những lời cầu nguyện và quan tâm của toàn thể qúi vị. xin tiép tục cầu nguyện cho đồng bào chúng ta tại vùng bị Bão Katrina. Mất mát tài sản đã vậy rồi, nhưng vết thương tâm hồn cũng rất trầm trọng...

Thân mến trong Chúa Kitô,