Mã Lai : Hơn Hai Thập Niên Hôm Qua và Hôm Nay

Đối Với Đồng Bào Việt Nam


Tôi đặt chân đến đất nước Mã Lai vào tháng 5 năm 1982 trên chiếc thuyền mong manh khoảng 20 người... Sau gần 8 tháng ở 2 trại tỵ nạn chuyển tiếp Pulau Bidong và Sungei Besi tôi đã đến định cư tại tiểu bang Perth, Tây Úc.

Trong hơn hai thập niên đã qua sau khi chịu chức Linh Mục, tôi vẫn thường xuyên đến đất nước nầy nhiều lần và một vài nước khác nữa… để bảo lãnh, đặc biệt những bạn trẻ muốn tiếp tục ơn gọi ở Úc Châu và những ai “Mậu Diện”. Nhờ sự giúp đỡ của các Linh Mục Dòng Tên (SJ), Thừa Sai Truyền Giáo Paris (MEP) ở địa phương và các nữ tu Dòng Mercy từ Úc Châu sang làm việc thiện nguyện ở các trại tỵ nạn, tôi có “Camp Pass” vào được các trại tỵ nạn mỗi năm, cho dù trong những thời gian khó khăn nhất đối với những trại cấm…

Sau nầy, dù trại tỵ nạn không còn nữa nhưng đất nước nầy vẫn tiếp tục đón nhận nhiều ngàn người đến từ quê hương thân yêu của chúng ta, không phải trên những chiếc thuyền mong manh và lo sợ như chúng ta ngày nào nhưng trên những chiếc phi cơ đầy hứa hẹn một cuộc sống mới… ở đất nước nầy… với những công ăn việc làm nhàn hạ…

Nhưng thực tế thật phũ phàng… khi qua hết mọi thủ tục hải quan đoàn công nhận Việt Nam được đưa về những khu phố gần những hãng xưởng mà họ sẽ đi làm trong những tháng ngày sắp tới… Khi vừa đặt chân đến Mã Lai, việc đầu tiên là Passport - Giấy Thông Hành - của họ sẽ bị chủ nhân hay những đại diện của các công ty đã đưa họ qua Mã Lai giữ lấy, nói cách khác là họ bị quản lý về mặt pháp lý hành chánh kỹ lưỡng…

Trong những ngày vừa qua, tôi có dịp đến đất nước nầy, khi đi công tác cho Giáo Phận Perth Tây Úc, trên đường trở về Úc, tôi có mấy ngày rảnh chờ đợi nối kết chuyến bay với 2 ứng sinh từ nước Miến Điện -Myanmar- mà Tổng Giáo Phận bảo lãnh họ sang Perth để tu học, để họ được cùng đi chung một chuyến bay với tôi từ Singapore về Perth.

Đức Cha Paul Tan, Dòng Tên, có lẽ nhiều đồng bào Việt Nam đã ở Mã Lai còn nhớ Ngài… khoảng năm 1980-1982 lúc bấy giờ Ngài còn là một Linh Mục Dòng Tên thường vào trại tỵ nạn Sungei Besi dâng thánh lễ cho đồng bào Công Giáo của chúng ta, bây giờ Ngài đã là Giám Mục của Giáo Phận Melaka-Johor Bahru, thuộc nước Mã Lai. Trưa thứ hai 31.7, Ngài qua Singapore rước tôi về Tòa Giám Mục ở Johor Bahru. Qua chiếc cầu Singapore - ranh giới bên kia - là Johor Bahru - lái xe khoảng 2 tiếng là đến Toà Giám Mục Melaka-Johor Bahru.

Qua vài ngày ngắn ngủi, Đức Cha Paul Tan đưa tôi đi tham quan một vài giáo xứ nơi có người Việt Nam đang làm công nhân. Những lúc Ngài bận thì các Linh Mục hoặc các Thầy Dòng Tên và Dòng Phanxicô thay nhau đưa tôi đi gặp những đồng bào Việt Nam đang sống trong những căn nhà hay chung cư rải rác đó đây không phần biệt tôn giáo. Họ đến Mã Lai làm việc khác nhau về hãng xưởng, công ty và thời gian; có người 4, 5 năm, có người mới vừa đến được vài tháng và cũng có người đang chuẩn bị hành trang để trở về Quê Mẹ sau 4, 5 năm lao động hoặc đang chờ để được trở về vì chịu không nổi sự cực nhọc hay sự hành xử của những người ‘Có Quyền” trên họ theo “Hợp Đồng”.

Nơi ăn chốn ở của anh chị em công nhân… là những ngôi nhà bình dân ở những khu phố lao động nhiều người Hồi Giáo hơn Malaysian-Chinese. Họ sống tập thể, tự nấu ăn và sinh hoạt chung. Họ được phân tán mỏng từng nhóm 15-20 người sống trong những căn nhà do chủ hãng hay công ty thuê dưới sự quản lý của những người của công ty hay hãng xưởng mướn để canh chừng sự bỏ trốn hay đi vắng lâu của anh chị em công nhân… hoặc chịu không nỗi sự bạc đãi hoặc lương thấp trốn đi làm chui ở đâu đó… để có tiền nhiều hơn…

Nếu khách của các anh thanh niên là nam giới thì có thể vào những chung cư “Tập Thể” để thăm hoặc ngược lại đối với nữ giới thăm nữ giới. Cho dù các Tu Sĩ hay Linh Mục cũng không có quyền lảng vãng đến những ngôi nhà của các công nhân nữ. Nếu như có những “Supervisors” hay “Guardians” ở đâu đó thấy hay bắt gặp được 2 hoặc 3 người khác phái ở trong khuôn viên căn nhà của những công nhân Việt Nam “khác phái” thì vấn đề trở nên phiền phức cho cả đôi bên vì sẽ bị hạch hỏi đủ chuyện. Phần thiệt thì sẽ nhiều hơn về phía công nhân Việt Nam…

Có những hãng xưởng mướn công nhận rẻ mạt… mỗi ngày phải lao động 12 tiếng và có những việc lao động nặng dành cho phái nam mà phái nữ phải làm… Nếu làm không nổi thì không trả tiền mà không làm thì không có tiền để ăn thì các bạn cùng nhà phải bảo bộc giùm. Lương của họ khoảng 20 Mã Kim một ngày lao động??? Một năm có những công ty chỉ cho công nhân nghỉ Tết Trung Hoa - Việt Nam nửa ngày hoặc nơi khác chỉ có nghỉ ngày Tết Tây mà thôi. Nếu như vì bất mãn với chủ nhân về việc gì mà không đi làm hay bị chủ sa thải thì không nhận được tiền từ ngày nghỉ việc cho đến ngày nhận lại được “Passport” để được trả về Việt Nam…

Chỗ ăn ở của phái nữ tương đối nhưng cũng phải từ 15-30 người trong một căn nhà. Chỗ ở của nam giới thì… tệ hơn nhiều… chật chội và thiếu tiện nghi… Tôi có dịp đến thăm một căn nhà của các chị em nữ trú ngụ. Từ ngoài đường nhìn vào căn phòng khách, tôi thấy khoảng chừng 10 đến 15 nồi cơm điện đang để một hàng dài và nhìn trên lầu cũng thấy vài nồi cơm điện… cũng đang bật đèn đỏ…

Sau khi Thầy Dòng Tên đã đảo mắt một vòng ngoài đường cho chắc ăn rồi nói một tràng tiếng Mã Lai từ ngoài đường… chúng tôi cùng vào hành lang của ngôi nhà qua cổng sắt… Thầy giới thiệu tôi với các chị em bằng tiếng Mã… Tôi chào các chị đang nấu cơm hoặc đang giặt giũ hay lặt rau trước nhà… Tôi có nói đùa là “Các chị đang bán nồi cơm điện …” Các chị nói là “Nhà chúng con ở hơn 30 ngưởi thì 15 nồi cơm điện cũng đâu có đủ vì phải nấu để ăn và đem theo đi làm ăn trưa - ăn chiều hay tối nếu phải làm đêm…”

Mới có trao đổi vài câu chuyện xả giao thì chúng tôi thấy một anh Tàu-Mã lái chiếc Honda trờ tới đậu sau chiếc xe của Thầy Dòng Tên chở tôi và một Thầy khác… mắt nhìn bảng số xe và trên tay đang cầm mobile… Thầy Dòng Tên John nói với tôi… “Chúng ta rời đây nhé… “ trong lúc Thầy Simon nói xí xô xí xào với tên lái Honda bằng tiếng Mã…. Sau khi lên xe Thầy John nói với tôi… “Tên đó là Supervisor… đi kiểm soát”. Thầy John nói là hắn hỏi chúng ta là ai…. Thầy Simon nói với hắn… “Chúng tôi là “Catholic Social Workers - Nhân Viên Xã Hội Công Giáo…” Thế là chúng tôi được yên thân ra về…. bình an hồn xác… Nếu bị xét giấy tờ tùy thân… chắc tôi sẽ là người bị giữ lại vì tôi để Passport ở Tòa Giám Mục… họ sẽ nghĩ tôi là Tàu-Mã chứ không phải là người Việt Nam…??? Cho nên sẽ đưa tôi về văn phòng cảnh sát địa phương rồi sẽ hạ hồi phân giải… hoặc đến văn phòng của hãng xưởng để… điều tra….

Các công nhận Việt Nam thường đi từng cặp để tránh phần nào sự chận đường đòi tiền mãi lộ của những chàng Mã Lai hay Ấn Độ-Hồi Giáo… nhưng cũng không tránh được những sự trấn lột dã man mà không thể minh oan vì họ không có một tờ giấy chứng minh họ là ai? Ai là người làm chứng cho họ” Người đó phải là một người KHÔNG “mang dòng MÁU ĐỎ DA VÀNG VIỆT NAM” thì may ra chính quyền Mã Lai mới cứu xét.

Đi chợ, đi lễ, Nhà Thờ hay Chùa Chiềng đều phải đi đông người và phải chọn những lộ trình ‘An Toàn’ nhưng đa số người Mã-Ấn Độ đều biết lộ trình đi đứng của các công nhân Viêt Nam, chỗ ở của các công nhân, nhất là phái nữ… họ đều biết… vì thế các “Supervisors hay Guardians” lảng vãng chung quanh các nơi chị em công nhân ở là để bảo đảm an ninh để các chị em không bị trấn lột hay quấy rầy… nhưng cũng mang một ý nghĩa khác là “Canh Chừng…”

Một câu chuyện được kể như sau… một hôm các chị em trong nhà đi làm chỉ có một chị vì lý do sức khoẻ ở nhà ngày hôm đó… Chuông cửa reo… chị xuống nhà… từ ngoài cửa môt thanh niên với đồng phục của nhân viên bưu chính… nói vọng vào trong… “Có thư bảo đảm… cần ký tên để lãnh nhận…” Với sự dè dặt thường lệ… chị mở cửa trong… anh thanh niên thò tay vào với cuốn sổ nhỏ bảo chị ký tên… chị vừa thò tay cầm quyển sổ… anh thanh niên chộp tay chị và tay kia anh thò vào túi xách rút ra con dao nhỏ kê vào cổ chị và trấn lột những tư trang trên cổ và tay chị… rồi hắn bỏ chạy…

Nhiều sự việc xảy ra tương tự khi không ai ở nhà thì trộm vào lục soát hết mọi ngỏ ngách đễ tìm những gì có thể lấy được… Khi đi làm thì bị bốc lột sức lao động tàn nhẫn không ai bao che? Các Linh Mục và Tu Sĩ Công Giáo cảm thông những hoàn cảnh nhưng ngôn ngữ bất đồng không hiểu thấu được những oan kiên, bốc lột sức lao động từ chủ đến những đại diện của công ty. Nếu nhân công bất bình với chủ hay công ty mà không đi làm thì vẫn phải chịu cảnh đói dài dài không lương vì không làm việc và KHÔNG THỂ VỀ NƯỚC ĐƯỢC vì Passport đã bỉ chủ hay công ty giữ khi vừa đặt chân đến Mã Lai. Muốn trốn cũng không được vì không ai dám bao che?

Tôi chưa đề cập đến những sự thanh toán dã man giữa công nhân Việt Nam và người bản xứ… Những sự thủ tiêu âm thầm mà vì vấn đề an ninh của anh chị em công nhân đành phải câm nín. Những cái chết phát hiện không rõ nguyên do… Giáo Hội Mã Lai âm thầm lo tống táng và nhờ ngưởi đưa hài cốt hay tro của những anh chị em về Quê Mẹ Việt Nam. Đó là chưa kể đền những bệnh ngặt nghèo xảy đến cho anh chị em vì lao động quá sức người phải vào bệnh viện mà không được săn sóc chu đáo vì không có bảo hiểm…. kiệt sức vì lao động, lao tâm, lao lực và lao phổi qua đời trong tủi nhục… Lao động 12 giờ một ngày…. để lấy 18 hay 20 Mã Kim cho 12 giờ lao động nặng nhọc. Đêm hôm khi có việc gì cần kíp, bệnh hoạn các công nhân Việt Nam chỉ biết kêu cứu các Linh Mục và Tu Sĩ đưa đi giùm…

Giáo Hội, là Mẹ Thánh luôn thương con cái mình ở khắp mọi nơi trong mọi hoàn cảnh… Trong tình thế hiện nay, Giáo Hội Mẹ Việt Nam, đặc biệt là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giáo Mục Giáo Phận Sài Gòn đã một lần nêu lên mối ưu tư của Ngài đối với những công nhân Việt Nam đang làm việc ở một vài nước Đông Nam Á, trong số đó có Mã Lai. Con số nầy trên dưới 20.000 người.

Trong những ngày ghé Johor Bahru, Mã Lai, tôi có dịp nghe và chứng kiến tận mắt những sự việc đã và đang xảy ra tại đây do chính những nhân chứng sống động “Công Nhân Việt Nam - Linh Mục Tu Sĩ trong Giáo Phận Melaka-Johor Bahru”. Đức Cha Paul Tan, Dòng Tên, Giám Mục của Giáo Phận đã ưu tư về vấn đề Mục Vụ đối với những đồng bào của chúng ta, Ngài đã gợi ý với tôi gần 2 năm nay về vấn đề Mục Vụ đối với Công Nhân Việt Nam nhiều lần… Ngài nói người Việt cần Linh Mục Tu Sĩ Việt thăm viếng ủi an họ. Ngay cả việc xưng tội… họ cũng cảm thấy không yên tâm khi xưng tội bằng cách chỉ tội đã phạm Việt Nam trên miếng giấy in ‘Song Ngữ Xưng Tội Việt-Anh’… Họ đi lễ mà không hiểu rồi một số lập gia đình với những ngưởi địa phương công giáo hay không công giáo không ai dạy dỗ hướng dẫn họ trước khi thành hôn...

Bằng chứng cụ thể là Ngài mời vài Linh Mục Việt Nam từ Úc hay Việt Nam sang Mã Lai mỗi năm ít là 2 lần vào Mùa Vọng-Giáng Sinh và Mùa Chay-Phục Sinh để lo phần thiêng liêng cho anh chị em công nhân công giáo trong giáo phận của Ngài.

Ngài cũng đã gợi ý với tôi là tìm cho Ngài 3 Nữ Tu Việt Nam đến từ bất cứ quốc gia nào… để chăm lo Mục Vụ cho đồng bào của chúng ta. Kể cả các nữ tu đến từ Việt Nam. Ngài sẽ tạo điều kiện về chỗ ăn ở, phương tiện di chuyển. Tôi có đến tham quan căn nhà mà Ngài dự trù dành cho 3 Nữ Tu Việt Nam nào đến Mã Lai tọa lạc trong khuôn viên Tòa Giám Mục của Ngài. Ngôi nhà với đầy đủ những tiện nghi cho 4 người cư ngụ và ngôi nhà nầy sẽ được tân trang thêm nếu như Đức Cha Paul Tan, SJ nhận đuợc sự hồi đáp của Đức Hồng Y Gioan Baotixita hoặc một Dòng Tu nào đón nhận lời mời nầy TRONG THÁNG 8 NĂM NAY.

Công việc chính của các Nữ Tu là thăm viếng Mục Vụ anh chị em công nhân… vì họ ở rải rác xa nhau nên sự di chuyển sẽ phải đi nhiều nơi, mất nhiều giờ và thường xuyên trái với giờ hành chánh. Vì phải lệ thuộc giờ các công nhân đi làm về. Ngoài ra, Ngài sẽ tìm vài công việc thích hợp với khả năng của các chị Nữ Tu… trong giáo phận của Ngài… Coi như là Ngài chấp nhận cho một Dòng Tu khác từ ngoài nước Mã Lai đến phục vụ trong Giáo Phận Melaka-Johor Bahru của Ngài.

Ngài đã chính thức tuyên bố "Dự Án Mục Vụ" nầy trong dịp Đại Hội Các Dòng Tu trong Giáo Phận của Ngài hôm thứ Ba 1.8 tại phòng họp của Tòa Giám Mục mà tôi được vinh hạnh là dự thính viên để nghe sự công bố chính thức nầy trong phần Khai Mạc Đại Hội Bề Trên Các Dòng Tu Nam Nữ của Giáo Phận.

Được phép của Đức Cha Paul Tan, Giám Mục Giáo Phận Melaka-Johor Bahru, tôi đưa bản tin nầy lên Vietcatholic website như là một “Thỉnh Cầu” thay thế Đức Cha Paul Tan cũng như sau khi tôi đã trình bày với Đức Hồng Y Gioan baotixita và Giám Mục Phụ Tá Giuse của Ngài qua điện thoại và email từ Tòa Giám Mục Melaka-Johor Bahru cuối tuần vừa qua trước khi tôi trở về Úc, thay thế Đức Cha Paul Tan, SJ.

Nếu không gì trở ngại tôi đã hứa là sẽ giúp Đức Cha Paul Tan SJ thiết lập một Trung Tâm Mục Vụ cho đồng bào của chúng ta trong giáo phận của Ngài như là một “Vietnamese Pastoral Centre For Vietnamese Workers in Malaysia”… trong một ngày rất gần đây và từ địa bàn nầy, sẽ nhắm đến những đất nước mà vì nghèo đói đồng bào của chúng ta đã và đang trả giá bằng mồ hôi và nước mắt để làm công nhân ở những nước láng giềng khác như Nam Dương, Singapore…

Nếu như vấn đề xin Visa nhập cảnh khó khăn từ Quê Mẹ, tôi tha thiết xin mở rộng lời mời nầy gởi đến Quý Hội Dòng Tu Nữ ở hải ngoại, nếu trong hoàn cảnh của các chị hay Hội Dòng có thể đáp lại nhu cầu Mục Vụ Cấp Bách nầy đối với đồng bào của chúng ta đang là những nhân công trên những phần đất mà tôi đã trình bày trên đây, với một trái tim của những người con của MỘT Chúa và MỘT Giáo Hội Mẹ Việt Nam, thì xin liên lạc trực tiếp với tôi qua địa chỉ dưới đây.

Ngoài ra, khi Trung Tâm Mục Vụ cho đồng bào của chúng ta được thành hình rồi… một di tich lịch sử khác mà chúng ta cần phải chú tâm đến là phần đất Penang…. Từ Chủng Viện Penang đã cưu mang Giáo Hội Việt Nam như là một “Cái Nôi Yêu Thương Lịch Sử” và bao Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam và chứng tích của các Ngài đang còn lưu giữ tại đây. Tôi thường nghe các cha người Mã ở đó gọi các Thánh Tử Đạo Việt Nam là “Những vị Thánh Tử Đạo của chúng tôi…” Cùng với sự giúp đỡ của Đức Cha Paul Tan SJ, những di tích lịch sử của Giáo Hội Mẹ Việt Nam của chúng ta phải được trùng tu lại bởi chính chúng ta là con cháu của các Tiền Nhân Anh Dũng Tử Đạo để lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Sau khi đã trao đổi với Đức Cha Paul Tan, SJ là Giám Mục chính tòa Giáo Phận Melaka-Johor Bahru về vấn đề Mục Vụ cho đồng bào của chúng ta ở Mã lai và các vùng phụ cận, tôi mời gọi những Chị Em Nữ Tu, Hội Dòng thiện nguyện cho dù khác dòng tu, đáp lại lời mởi gọi chân tình của Đức Cha Paul Tan và đồng thời chúng ta cũng hướng đến Trung Tâm Lịch Sử Penang trong tương lai… Nơi đây có thể sẽ là nơi “Hành Hương Lịch Sử” dành cho con cái của Giáo Hội Mẹ Việt Nam ở khắp đó đây không những trên thế giới mà có thể cho đồng bào của chúng ta tại quê nhà vì từ Quê Mẹ Việt Nam sang Mã Lai bây giờ không cần phải có Visa Nhập Cảnh trong 15 ngày.

Chúng ta chân thành tri ân sự hiếu khách và ưu ái của Đức Cha Paul Tan, SJ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp Ngài chăm lo đời sống tinh thần cho anh chị em công nhân Việt Nam. Đồng thời từ đây chúng ta hướng đến Phần Đất Lịch Sử Penang. Phần đất đã và đang tiếp tục gắn liền với Lịch Sử Giáo Hội Mẹ của chúng ta từ lúc khởi đầu công cuộc truyền giáo trên phần đất Mẹ Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Viết xong ngày 9.8.2006

Holy Family Parish

Lot 375 Alcock Street

Maddington 6109

618-9493 1703

Email: francisly@perthcatholic.org.au