Mùa Chúa Phục Sinh, nhớ chuyện vé số năm xưa

Tôi nghĩ rằng khi vào Mùa Chay, giáo dân chúng ta xét mình tìm xem mình đã làm gì mất lòng Chúa, sám hối, và hứa hẹn sửa đổi để xin Chúa tha tội. Mùa Chay đã gần qua đi, tôi nghĩ rằng chúng ta xét mình và sám hối đã đủ, nếu chúng ta đã thực lòng làm như vậy.

Giờ đây, giáo dân chúng ta lại dọn mình trong sạch để đón chờ ngày Chúa sống lại. Tôi nghĩ rằng cách dọn mình tốt nhất để đón mừng Chúa sống lại chính là xét xem mình đã làm được những gì đẹp lòng Chúa trong thời gian qua dựa vào hai vế đơn giản: “Kính Chúa và Yêu người”, để rồi chúng ta hứa với Chúa sẽ tiếp tục làm tốt, hay làm tốt hơn. Tôi tin rằng hầu hết chúng ta vẫn làm những điều tốt, có khi công khai, có khi âm thầm.

Trong khi đó, chắc cũng có người trong chúng ta nghĩ rằng kính Chúa hết mình là đủ rồi, yêu người là quyền tự do của chúng ta. Chúng ta làm việc cật lực để tạo ra của cải vật chất, tạo ra tiền bạc, thì chúng ta có quyền hưởng thụ, có quyền thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, cũng như lo cho gia đình, lo cho con cái có một tương lai chắc chắn. Đó chính là bổn phận của chúng ta. Rồi đến khi con cái chúng ta trưởng thành, có tương lai ổn định mà chúng ta vẫn lo thu vén, lo tích lũy, hoặc hưởng thụ xa xỉ thì đó vẫn là quyền tự do của chúng ta.

Trong tinh thần mừng vui đón Chúa sống lại, tôi kể hầu quý vị một vài mẩu chuyện có thực trong đời sống.

Hơn 20 năm trước, sau khi được tha ra từ trại cải tạo, anh bạn tôi luôn tìm mọi cách để vượt biên. Trong một chuyến vượt biên, anh tin tưởng người tổ chức nên đóng trước 1 lạng rưỡi vàng. Chưa được nhìn thấy mặt mũi chiếc ghe, thì người tổ chức cho biết chuyện đổ bể, bạn tôi mất toi 1 lạng rưỡi vàng. Anh buồn và ra lề đường ngồi uống vài chai bia ‘lên cơn’, loại bia được nấu bằng bã mía hay loại trái cây rẻ tiền nào đó mà chỉ cần uống vài chai là đầu óc quay cuồng.

Trong lúc anh đang tiếc của, cố nuốt từng ngụm bia đắng thì bỗng giật mình vì tiếng ‘xập xòe’ ngay sau lưng anh. Anh quay lại và thét lên: “Xéo đi mau”. Hai đứa nhỏ khoảng dưới mười tuổi, đứa lớn hơn đang đập cái xập xòe vào lòng bàn tay, đứa nhỏ hơn đang cầm tập vé số, hoảng sợ vì tiếng thét của anh, quay bước sang bàn bên cạnh mà vẫn ngoái cổ nhìn anh; có lẽ chúng chưa từng nghe tiếng thét lớn như vậy.

Từ bàn bên cạnh, tiếng xập xòe và tiếng hát của đứa bé bán vé số khiến anh như cảm thấy tội lỗi, cảm thấy hối hận vì tiếng thét tàn nhẫn của mình; mấy tấm vé số thì đáng bao nhiêu so với 1 lạng rưỡi vàng. Anh quay nhìn hai đứa bé thì cũng vừa lúc đứa đập xập xòe liếc nhìn anh; có lẽ nó vẫn chưa hoàn hồn. Anh giơ tay ngoắc nó lại. Nó nhìn anh, e dè. Anh móc túi lấy tiền ra vẫy vẫy. Đứa lớn thôi đập xập xòe, kéo vai đứa nhỏ, ngập ngừng bước về bàn anh. Anh trả tiền mười tấm vé số, rút lấy một tấm, trả lại 9 tấm, nhẹ nhàng bảo hai đứa nhỏ: “Hai đứa giữ lấy. Dò trúng thì ra đây, chú cháu mình chia nhau”. Từ hoảng sợ đến ngạc nhiên, hai đứa bé líu ríu cám ơn, bước đi mà vẫn ngoảnh cổ lại. Từ đó, mỗi khi có sẵn tiền và đụng đầu với đạo quân nghèo này, anh đều mua giùm vé số với cung cách tương tự.

Hơn hai mươi năm sau, tôi đem chuyện nói với một người bạn trên đất nước Mỹ này, và lần về thăm quê hương vừa qua của vợ chồng tôi, bạn tôi ghé qua, đưa tôi một trăm đô la, nhờ tôi mua vé số. Tôi làm đúng lời dặn của bạn tôi và cũng làm theo cách mua 10, lấy 1, tặng lại 9. Đương nhiên, việc làm này gây ra sự ngạc nhiên thích thú và sau đây là một mẩu chuyện vui vui.

Hôm ấy, tôi không đi chung với vợ tôi mà lững thững thả bộ đến một quán phở ngon có tiếng gần nhà để ăn điểm tâm trễ. Tôi ngồi ở lề đường vì các bàn bên trong đã chật ních, vả lại ngồi ngoài lề đường để nhìn người qua lại thì thích hơn. Trong lúc chờ phở bưng ra thì một em bé đã chìa tập vé số trước mặt tôi. Dễ thôi, tôi lại làm nhiệm vụ mà bạn tôi trao phó, một trăm đô la, 1 triệu sáu trăm ngàn đồng mua được nhiều vé số lắm. Thế rồi đạo quân vé số như được truyền tin nhanh chóng, cả trẻ em cả người lớn, lần lượt đến gặp tôi. Đối với trẻ em thì tôi thường nói đùa: “Cháu đọc cho chú mấy con số rồi giữ lấy cả. Chú nghe trúng thì chú ra đây, chú cháu mình chia nhau”.

Tô phở của tôi tuy bị nguội mà vẫn ngon vì tôi vui, vui vì làm được việc mà bạn tôi trao cho. Có một chuyện mà cho đến lúc này, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn cười thầm. Số là ở bàn bên cạnh tôi có hai bà xồn xồn đang theo dõi việc làm của tôi trong lúc chờ phở. Sau khi tôi nhờ đứa bé cuối cùng đọc mấy con số rồi dặn nó nếu dò trúng thì ra gặp tôi để chia nhau, rồi tôi đứng dậy ra về, tôi nghe một bà nói với bà kia: “Người như vậy mà không biết đọc cả con số”.

Có lẽ tôi sẽ nói chuyện này với nhiều bạn bè của tôi.