Vatican: Qua những biến cố nổi bật trong tuần qua, với những biến chuyển ngoại giao và mạnh dạn lên tiếng về mặt luân lý, Tòa Thánh Vatican đã ủng hộ những nỗ lực quốc tế trong việc phòng ngừa cho một cuộc chiến mới, có nguy cơ xảy đến cho Iraq và cổ võ đến sự giải giới một cách ôn hòa cho quốc gia này.


Cùng lúc, các nhà lãnh đạo và tổ chức Giáo Hội Công Giáo khắp nơi đã cùng lên tiếng chống đối cuộc chiến chống Iraq, qua các văn thư, thông điệp, thỉnh nguyện thư và ồ ạt xuống đường hô hào phản chiến trên các thành phố lớn.

Sau khi phái đặc sứ chuyển văn thư của Ðức Thánh Cha tới Saddam Hussein tại Bagdad, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp kiến riêng Phó Thủ Tướng Iraq Tariq Aziz tại Vatican vào ngày 14/2 và yêu cầu Iraq phải có những "cam kết cụ thể" tôn trọng nghị quyết giải giới của Liên Hiệp Quốc.

Tòa Thánh Vatican đã có những buổi nói chuyện nhấn mạnh đến "mối nguy hiểm trang bị vũ khí của Iraq, nó sẽ tăng thêm sự đau khổ nghiêm trọng cho cư dân vốn đã quá mệt mõi sau những năm dài cấm vận".

Ông Phó Thủ Tướng Aziz, là người Công Giáo Calđê tại Iraq, sau đó đã tiếp kiến với Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh. Tòa Thánh cho biết ông Aziz đã đảm bảo với các vị lãnh đạo Giáo Hội về "sự sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế liên quan đến việc giải trừ vũ khí".

Phó Thủ Tướng Aziz đã nói với Ðức Giáo Hoàng cuộc chiến do Tây Phương cầm đầu chống Iraq sẽ kích động phản ứng tiêu cực của Thế Giới Ả Rập Hồi Giáo và "đầu độc" tương quan giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Các buổi gặp gỡ tại Vatican xảy ra mấy tiếng đồng hồ trước khi Trưởng Ðoàn Thanh Tra vũ khí lên phúc trình trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh cũng thúc giục cần thêm thời gian thanh tra tại Iraq.


Vào ngày 15/2, Ðức Hồng Y Roger Etchegaray đã được đưa đến gặp Tổng Thống Sađam Hussein tại một điạ điểm không được biết rõ trong một tiếng rưỡi đồng hồ và sau đó đã chuyển văn thư của Ðức Thánh Cha. Ðức Hồng Y Etchegaray đã cho biết buổi gặp gỡ bàn đến "những vấn đề cụ thể" nhưng vì tôn trọng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Người đã phái Ngài đi, nên Ðức Hồng Y đã không nói thêm chi tiết.

Ðức Hồng Y Etchegary đã nói với kỷ giả tại Baghdad: "Tôi tin rằng Sađam Hussein muốn tránh chiến tranh. Ông ta dường như nhận thức nghiêm trọng đến trách nhiệm mà ông phải đối phó liên quan đến nhân dân của ông".

Ðức Hồng Y Etchegaray nói phải làm mọi cách để giúp chấm dứt tình trạng quốc tế cô lập của Iraq và sự đau khổ của nhân dân nước này. Ngài cũng gán cho chiến tranh là một "giải pháp tồi bại nhất" cho cuộc khủng hoảng Iraq.

Theo đài truyền hình Iraq, Tổng Thống Saddam Hussein đã nói với Ðức Hồng Y Etchegaray rằng các cường quốc Tây Phương "muốn tấn công chúng tôi chỉ vì chúng tôi là người Hồi Giáo". Ông cũng từ chối Iraq có vũ khí tiêu diệt hàng loạt.

Trong chuyến viếng thăm 6 ngày tại Iraq, Ðức Hồng Y Etchegaray đã viếng thăm các cộng đoàn Công Giáo và chủ sự các nghi lễ phụng vụ tại Baghdad và tại miền Bắc Mossul.

Các chức sắc Vatican nói rằng trong khi Kitô giáo thiểu số tại Iraq đã có sự che chở về mặt luật pháp, 12 năm bị cấm vận kinh tế chống lại quốc gia này và cơ nguy cho cuộc chiến mới đã khiến cho rất nhiều người Công Giáo phải bỏ nước ra đi. Tại Baghdad, số giáo dân Công Giáo từ năm 1991 đã giảm thiểu từ 500000 nay chỉ còn 175000 theo tài liệu mới nhất trong cuốn Niên Giám Giáo Hoàng 2003 (Anuario Pontificio 2003) ấn hàng vào trung tuần tháng 2 vừa qua.

Tại Vatican, tình trạng khủng hoảng Iraq đã nằm trong tâm trí của Ðức Thánh Cha trong suốt những tuần lễ qua. Trong cuộc gặp gỡ vào ngày 13/2 với Trưởng Giáo Do Thái Riccardo Di Segni và các vị lãnh đạo Do Tháo Giáo, Ðức Giáo Hoàng nói thật là quan trọng cho tín hữu Kitô và Do Thái cầu nguyện cho hòa bình trong thời điểm mà "những tiếng động ầm ầm nguy hiểm của cuộc chiến có thể được nghe tới".

Ðánh dấu cho Ngày Thế Giới Bịnh Nhân lần thứ 11, tại Quãng Trường Thánh Phêrô vào buổi chiều tối ngày 11/2, Ðức Giáo Hoàng nhắc đến: "Trong năm này, năm bị khuấy động bởi nhiều bận tâm cho số phận nhân loại, tôi đã muốn cho kinh Mân Côi có những ý chỉ riêng là vấn đề hòa bình và gia đình. Hỡi những anh chị em bịnh nhân yêu quí, anh chị em "tiên phong" theo hai mục tiêu lớn này"

Và Ðức Thánh Cha kêu gọi: "Ước chi đời sống của các anh chị em, được đánh dấu bằng thử thách, có thể truyền đến cho tất cả moi người niềm hy vọng và sự thanh thỏa này mà chỉ sự gặp gỡ với Chúa Kitô mới chỉ cho thấy kinh nghiệm đó. Ngay bây giờ chúng ta phó dâng điều ước mong này và tất cả ý chỉ khác mà chúng ta mang trong con tim chúng ta , cho Đức Maria Vô Nhiễm, Sức khoẻ của những Bịnh nhân.".

Vào ngày Thứ Bảy 15/2, các nhóm Công Giáo cũng nằm trong số cả hàng triệu người xuống đường kêu gọi phản chiến cho cuộc khủng hoảng Iraq trên toàn thế giới. Chỉ riêng tại Roma, có hơn 1 triệu người xuống đường qua trung tâm thành phố chính và cổ đấu trường Colossium. Nhiều Thánh Ðường mở cửa suốt đêm trước để tổ chức các buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình.

Tại Hoa Thịnh Ðốn, chính sách Hoa Kỳ đối với Iraq đã bị liên tục chỉ trích trong ba buổi hội thảo riêng biệt được tổ chức từ ngày 10/2 nằm trong chương trình Tập Hợp Thừa Tác Vụ Công Giáo Xã Hội 2003 tại Hoa Thịnh Ðốn. Nhiều thuyết trình viên đã nhắc đến cuộc chiến đánh phủ đầu chống Iraq sẽ vị phạm không những đến một mà còn có thể nhiều hơn nữa trong những tiêu chuẩn Công Giáo về cuộc chiến chính đáng.


Chương Trình Cứu Tế Công Giáo tại Trung Ðông đặt trụ sở tại Ai Cập, Giám Ðốc Christine Tucker nói rằng "Những gì chúng ta thực sự nói đến là con người .. cư dân bị ràng buộc trong đó"

Có thể tin rằng cuộc chiến xảy ra sẽ gia tăng thêm 900 000 người Iraq vào con số 1 triệu người trong nước đã di cư, ước lượng có tới từ 600 000 - 1.5 triệu dân sẽ lánh nạn qua các quốc gia lân cận.

Chủ tịch Ủy Ban Chính Sách Ðối Ngoại của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, Giám Mục John H. Ricard thuộc Giáo Phận Pensacola- Tallbhassee, Fla., khẳng định một lần nữa rằng một cuộc chiến chống Iraq thật "khó mà biện minh" vì thiếu bằng chứng cho rằng quốc gia Hoa Kỳ đang đứng trước một sự nguy hiểm sắp xảy đến.

"Chiến tranh không phải là một giải pháp". Ðức Hồng Y Mahony thuộc TGP Los Angeles đã nói như trên về việc xử dụng lực lựợng đánh phủ đầu, nó sẽ tạo nên một nguy hiểm tiền lệ, và rồi cũng sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường cho cư dân.

Ðức Mahony cũng nói Ngài đang cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo thế giới được sự khôn ngoan để "tiến lên một con đường mới cho hòa bình".

Trong lúc các giáo quyền hầu hết nhất trí chống lại cuộc tấn kích trên Iraq, thần học gia Hoa Kỳ, ông Michael Novak lại giải thích cuộc chiến cho các thính giả tại Vatican, lý luận rằng hành dộng quân sự được thích đáng theo những nguyên tặc truyền thống tự vệ.

Ðược sắp xếp để đến Roma qua văn phòng ngoại giao Hoa kỳ, ông Novak đã gặp riêng Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran và các chức sắc trong Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, cũng như đã thuyết trình trong buổi xã luận do Ðại Sứ Quán Hoa kỳ tại Vatican tổ chức.

Novak lập luận rằng Tổng Thống Saddam Hussein đã phá rối trật tự quốc tế qua việc khước từ giải trừ vũ khí và như thế những vũ khí của Iraq sẽ có nguy cơ rơi vào những tay của dòng dõi khủng bố quốc tế mới, có thể tấn công bất ngờ tới những quốc gia trên thế giới. Và Novak nói thêm, trong nghĩa này một "cuộc chiến giới hạn và cẩn trọng thi hành sẽ mang lại một sự thay đổi chế độ tại Iraq, đó là một giải pháp cuối cùng cho một sự bắt buộc về luân lý".

Các Giám Mục Pháp và Scottish đã cùng liên kết với các hội đồng Giám Mục phản đối cuộc chiến chống Iraq. Các Giám Mục Pháp đã tuyên bố vào ngày 10/2 rằng nhân dân và các nhà lãnh đạo chính trị Pháp không ủng hộ cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ cầm đầu.

Chủ tịch Hội Ðồng Thường Trực của Hội Ðồng Giám Mục Pháp , Ðức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Ricard đã nói trong thông tư: "Thừa nhận cho một sự hợp pháp dấy lên 'những cuộc chiến phòng ngừa" chống lại tất cả những chế độ không làm vừa lòng chúng ta và cưỡng bức cư dân của họ, sẽ đưa thế giới lao vào
lửa và máu".

Các Giám Mục Scottish cũng đã nói vào ngày 12/2 rằng các Ngài quan tâm khi nhận thức rằng một cuộc chiến chống Iraq sẽ không thể tránh khỏi, mặc dầu thiếu các bằng chứng biện lý cho sự xâm lược.

"Theo truyền thống Công Giáo về chiến tranh có thể được thích đáng như một giải pháp cuối cùng, khi đã trải qua tất cả những giải pháp khác. Ði vào cuộc chiến là chấp nhận sự thất bại của guồng máy phức tạp trong sự thương lượng"

Vào ngày 18/2, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tiếp kiến Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đức Giáo Hoàng và ông Annan đã nhấn mạnh đến "vai trò chủ yếu" của Liên Hiệp Quốc và sự kiện là "những giải pháp chính đáng và hiệu nghiệm đối với những thách đố của thời buổi còn có thể tìm được, bằng cách tôn trọng pháp chế quốc tế, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ,".

Đồng thời, các Ngài cũng nhấn mạnh đến mục tiêu "tránh những đau khổ trầm trọng tiếp theo cho dân chúng, đã bị ảnh hưởng qua những năm dài cấm vận".

Qua ngày 19/2, Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực Vatican tại Liên Hiệp Quốc, đã đọc thông tư trước Hội Ðồng. Ðức Tổng Giám Mục nói :"Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã luôn luôn công nhận vai trò không thể thay thế của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Iraq phục tùng những điều khoản trong những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc."

Ðức Migliore nhấn mạnh: "Về vấn đề Iraq, đại đa số cộng đồng quốc tế đang kêu gọi tới một giải pháp ngoại giao cho sự tranh chấp và kêu gọi sự khám phá tất cả con đường để dàng xếp hoà bình. Tiếng gọi nầy không nên bỏ qua. Toà Thánh khuyến khích những bên liên hệ giữ sự đối thoại mở rộng có khả năng mang lại những giải pháp ngăn ngừa một chiến tranh có thể và thúc ép cộng đồng quốc tế nhận lấy trách nhiệm của mình trong việc xử lý với bất cứ thiếu sót nào về phía Iraq."

Ngài đề nghị đến giải pháp cho Ðoàn Thanh Tra được thêm thời gian, Ngài nói tiếp: "Tòa Thánh xác tín rằng dầu quá trình thanh tra xem ra có hơi chậm trễ, điều đó vẫn là một con đường hiệu nghiệm có thể đưa tới việc tạo dựng một sự đồng thuận, nếu đươc chia sẻ rộng rải bới các Nước, sự đồng thuận này sẽ làm cho bất cứ Chính phủ nào hầu như không thể hành động cách khác, mà không liều bị cô lập trên trường quốc tế".


Qua ngày thứ Bảy 22/2, Thủ Tướng Anh Tony Blair đã gặp gỡ Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và sau đó Ðức Hồng Y Angelo Sodano và Ðức Tổng Giám Mục Jean-Louis Tauran đã tiếp kiến Thủ Tướng. Cuộc tiếp kiến của Ðức Giáo Hoàng với ông Thủ Tướng Blair được coi là rất kín đáo. Cả hai bên đều không đưa ra chi tiết nào cả mặc dầu Tòa Thánh cũng đưa ra một thông tư báo một cách chung là bàn thảo qua hai vấn đề Iraq và bản Hiếp Pháp Tương Lai của Châu Âu.

Vào hôm thứ Sáu 21/2 trước ngày gặp Ðức Thánh Cha, Thủ Tướng Tony Blair đã nói trong cuộc họp báo: "Dĩ nhiên là tôi biết những quan điểm của Ðức Giáo Hoàng rất rõ và các Ngài tỏ ra rất rõ ràng. Hãy để tôi nói thẳng một điều này: Chúng tôi không muốn chiến tranh, không một ai muốn chiến tranh".

Nhưng Thủ Tướng Blair lại muốn thòng lọng thêm "Còn một mặt khác cho sự tranh luận này" và ông nói vũ khí của Iraq sẽ được quân khủng bố xử dụng tấn công nếu thế giới không phản ứng kịp thời.

Các vị lãnh đạo Công Giáo và Anh Giáo tại Anh và Walles cũng lên tiếng vào hồi đầu tuần đưa ra những nghi ngờ sâu xa cho cuộc chiến chống Iraq.


Tại Roma văn phòng Công Lý Xã Hội của Dòng Tên đã ra một thông tư đối kháng với cuộc chiến chống Iraq vào ngày 7/2, văn thư này được gởi đến tất cả các Tỉnh Dòng. Trong văn thư nói đến những lý do cho cuộc chiến đánh phủ đầu chống Iraq không thể thuyết phục được, và hậu quả của một cuộc chiến sẽ thật sự hủy hoại.

Diền biến trong những ngày này, Ðoàn Thanh Tra đã tìm ra những hỏa tiễn có tầm xa ngoài công ước Liên Hiệp Quốc cho phép, và Ông Hans Blix đã ra lệnh Iraq phải tiêu hủy trong vòng 8 ngày. Hoa Kỳ và Anh sẽ đưa ra những giải pháp mới trước Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này, trong khi Tổng Thống Bush cũng tuyên bố rằng quân đội tham chiến đã sẵn sàng và có thể đánh trong bất kỳ giờ phút nào.