Rome (AsiaNews) - Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho hay rằng các hành vi vi phạm tự do tôn giáo diễn ra hoàn toàn vì lý do quyền lực, và ngăn chặn sự phát triển kinh tế xã hội trong xã hội. Xã hội dân sự trên khắp thế giới đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của nó; các chính phủ lại xem nó hoàn toàn là thứ yếu. Nhưng thăng tiến thịnh vượng phải qua tự do tôn giáo.

Báo cáo về tự do tôn giáo trên thế giới năm 2008 của hiệp hội giáo hoàng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đưa ra một cái nhìn sâu sắc về những đau khổ của hàng trăm triệu người liên quan đến đức tin của họ. Tin Tức Á Châu (AsiaNews) cũng đã đóng góp tư liệu về các hành vi vi phạm quyền căn bản này, vốn là quyền mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi là “Đá tảng - Cornerstone” của nhân quyền.

Dưới đây là những sự kiện ở Á Châu hằng ngày qua hãng tin của chúng tôi mà chúng tôi nhận thấy là một số yếu tố quan trọng:

1) Các vi phạm tự do tôn giáo chủ yếu diễn ra vì lý do quyền lực, bằng thái độ khinh khi con người và sự phát triển xã hội của loài người. Trong quá khứ, nó đã được phổ biến hơn nhiều, có thể thấy những động cơ thúc đẩy của chủ nghĩa cuồng tín quá khích, với ý định tiêu diệt các cộng đồng khác; loại bỏ các tôn giáo (như Kitô giáo) có quan hệ với quá khứ thuộc địa; sự thúc đẩy của tư tưởng mácxít, vốn muốn tiêu diệt tôn giáo như là “thuốc phiện của con người”. Giờ thì rõ ràng là ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, cuộc chiến chống tôn giáo là cuộc chiến chống lại sự tự do của con người, khả năng diễn tả suy nghĩ của bản thân con người và xây dựng vũ đài đối thoại và công lý trong xã hội. Tại Trung Quốc, cũng như ở Việt Nam, đảng cộng sản đã đánh mất khía cạnh tư tưởng của mình, và đang cố gắng tự cứu nguy sự sụp đổ sắp đến vì lý do tham nhũng của các thành viên bộ máy và những lời kêu gọi công lý của thành phần nông dân bị đuổi ra khỏi đất đai của mình, các công dân mệt mỏi vì sự sa đọa, những chứng nhân của nạn lạm quyền bị buông lỏng. Ngay cả sự ngược đãi ở Ấn Độ, mặc dù nó chứa đựng trong phạm vi của quá khích Ấn giáo, cũng bị thúc đẩy bởi các lợi ích của các đảng phái chính trị và những người chiếm hữu đất đai, những người muốn nô dịch hóa những người sắc tộc và những người Dalit, những người cải đạo sang Kitô giáo, mở ra đường cho một xã hội mới và sự cải thiện về kinh tế trong đời sống của họ. Từ quan điểm này, chúng tôi nhận thấy rằng tôn giáo im lặng nghĩa là im tiếng nói để nói lên tự do ngôn luận, nói lên công lý chống tham nhũng, nói lên sự phát triển và nhân phẩm. Những nhà cầm quyền chống lại tự do tôn giáo muốn đất nước bị khép kín, bị giới hạn, không có sự phát triển kinh tế, để duy trì tình trạng độc tôn và lợi ích của họ.

2) Cần phải lưu ý rằng trong thế giới Hồi giáo, hiện đang gia tăng khuynh hướng tách rời khỏi chủ nghĩa khủng bố quá khích. Điều này được minh chứng bằng việc mở nhiều nhà thờ ở Các Tiểu Vương Quốc Ảrập Thống Nhất, cuộc đối thoại giữa Ảrập Saudi và Tòa Thánh Vatican, việc bảo vệ các Kitô hữu trên phần đất của người Hồi giáo ôn hòa ở Indonesia. Ngay cả số phận của Kitô hữu Iraq đã trở thành một chủ đề tranh luận của báo chí ở Trung Đông: các Kitô hữu này là nguồn lực của văn hóa, của phát triển, của bản sắc của quốc tế, có khả năng đối thoại với cả phương Đông và phương Tây, và thật là một điều xấu hổ khi mất mát họ.

3) Có quan tâm phát triển phần xã hội dân sự trên toàn thế giới về tự do tôn giáo chính là cơ sở cho việc xây dựng hòa bình. Quá đủ để nghĩ về các cuộc biểu tình quy mô lớn đã thu hút khắp thế giới ủng hộ các nhà sư Miến Điện, và chống lại Trung Quốc cùng sự ngược đãi các nhà sư Tây Tạng. Quan điểm chung trên toàn thế giới này có thể ảnh hưởng đến các nhà nước “lừa đảo” về tự do tôn giáo, đó là, sự cáo chung, điều duy nhất họ đang lo sợ. Ở Việt Nam, nhờ sự quan tâm quốc tế đối với người Công Giáo Hà Nội, chính quyền thành phố đã không thể loại trừ cộng đoàn ở đây hoặc giám mục của họ. Tại Ấn Độ, mặc dù các cuộc tàn sát và phá hoại đã diễn ra sau một tháng, chính phủ Orissa cũng đã mở cuộc điều tra về bạo lực chống lại các Kitô hữu. Chính Trung Quốc, do áp lực của xã hội dân sự trên khắp thế giới, đã tái mở ra cuộc đối thoại với Đạtlai Lạtma, vốn đã bị gián đoạn trong nhiều năm. Đối với cư dân trên thế giới, rõ ràng tự do tôn giáo là chất xúc tác cho các tự do khác, bảo đảm trật tự và hòa bình trong xã hội.

4) Có quá ít sự quan tâm trong bộ phận các chính phủ trên thế giới đối với chủ đề này. Không có khả năng tẩy chay thậm chí một ngày đối với Olympic Bắc Kinh với danh nghĩa “đối tác chiến lược” và các hợp đồng kinh tế; khập khễnh và do dự bất lực trước chế độ Miến Điện; sự im lặng qua bạo lực tại Ấn Độ chứng minh rằng tất cả các quốc gia đang ngày càng không quan tâm đến bất cứ việc gì ngoài vấn đề kinh tế. Toàn cầu hoá đã làm xã hội dân sự trên khắp thế giới thống nhất hơn, nhưng nó đã làm cho các chính phủ phụ thuộc hơn vào kinh tế. Và chúng tôi xác quyết rằng với sự suy thoái kinh tế trên toàn thế giới mà chúng ta đang chứng kiến, những sai biệt giữa quan điểm công chúng và chính sách của chính phủ sẽ trở nên ngày càng rộng hơn.

Tình trạng này xác nhận tầm quan trọng của thông tin mà chúng tôi cung cấp, lưu tâm đến số phận của các Kitô hữu, Phật tử, người Hồi giáo, người Ấn giáo: một hỗ trợ cho quan điểm chung toàn cầu, và cho hòa bình trên thế giới.