Hoa Kỳ cảnh báo VN về nguồn vốn

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lên tiếng nói tính minh bạch, công tác quản lý và tham nhũng là những vấn đề lớn ở Việt Nam.

Hoa Kỳ lo ngại thất thoát nguồn đầu tư Việt Nam
Trong bài phát biểu bằng tiếng Anh và tiếng Việt hôm 1/12/2008 trên mạng của mình, AmCham nói Việt Nam "không miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu".

Nhưng thách thức chính của Việt Nam, theo Hoa Kỳ, là phải quản trị tốt, minh bạch và chống tham nhũng.

Dù hoan nghênh các cam kết chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam, đại diện của giới kinh doanh Hoa Kỳ nói thẳng rằng họ chưa thể tin vào sự thành công của những cam kết.

Tiền dân Mỹ đóng thuế

Trong ngôn ngữ khá mạnh mẽ, bản phúc trình đưa ra nhân Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam viết:

"Chúng tôi lấy làm tiếc rằng chúng tôi chưa thể tự tin nói với Quốc hội Mỹ rằng số tiền đóng thuế của người Mỹ được phân bố thông qua Ngân hàng Thế giới và ADB cho sự phát triển của Việt Nam đang được sử dụng đúng chỗ."

Quan ngại của phía Mỹ đến từ ví dụ họ nêu ra về những vụ thất thoát do tham nhũng trong các công trình hạ tầng và công cộng.

Hoa Kỳ cũng nói: "Hệ thống kiểm soát hiện tại không đủ để ngăn ngừa các quan chức tha hóa biển thủ nguồn vốn dành cho cơ sở hạ tầng công cộng."

"Một ví dụ gần đây nêu tại Quốc hội liên quan đến một dự án xây dựng cầu ước chi phí khoảng 1,2 triệu đô-la với thời gian thi công 16 tháng. Dự án vẫn chưa được hoàn thành sau 10 năm với chi phí 7,3 triệu đô-la."

Dù ngôn ngữ của bài phát biểu mang màu sắc ngoại giao, người đọc có thể cảm nhận được ý nghĩa cảnh báo.

Đã có nhiều hội nghị VN với nhiều cam kết chống tham nhũng
Theo đó, các nhà tài trợ sẽ không giải ngân các khoản cam kết đầu tư nếu Việt Nam không giải đáp được các câu hỏi về tham nhũng.

Nói thẳng ra, Hoa Kỳ và các nhà tài trợ đã nhìn thấy "khoảng cách lớn giữa đầu tư trực tiếp (FDI) cam kết và FDI giải ngân."

Nay họ nói: "Khoảng cách này sẽ còn lớn hơn nhiều lần nữa, trừ khi những trở ngại này được quan tâm giải quyết."

Hoa Kỳ cũng không quên nhắc rằng đầu tư trực tiếp của nước ngoài đóng góp vào gần 60% xuất khẩu của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam cũng trích lời Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Pease nói "sự tham gia của khu vực tư nhân vào xây dựng, đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng là bức thiết".

Cũng liên quan đến nguồn vốn, viện trợ và đầu tư vào Việt Nam, cuối tuần qua tại Hà Nội có cuộc đối thoại thường kỳ về chủ đề chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và chính phủ Việt Nam.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nước tài trợ cho VN, được tổ chức mỗi năm hai lần, với cả sự tham gia của báo chí và đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông.

Trả lời BBC, bà Fiona Lappin, trưởng đại diện Bộ Phát triển Hải ngoại Anh quốc (DFID) cũng nêu ý kiến rằng vì tiền viện trợ là tiền người dân Anh đóng thuế, nên cơ quan của họ "không bao giờ dung thứ cho việc sử dụng sai nguồn vốn viện trợ phát triển".

Dư luận trong và ngoài nước thời gian qua đặc biệt quan tâm đến vụ PCI với khoản tiền hối lộ lên tới hàng triệu đôla trong một dự án xây xa lộ ở TPHCM.

(Nguồn: BBC ngày 01 Tháng 12 2008)