Lễ tuyên thệ nhận chức Tổng Thống của ông Barack Obama hôm 20.1.2009 được coi là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bài diễn văn ông đọc trong lễ nhận chức, nhận định về thực trạng, phác họa những kế hoạch mà chính phủ ông sẽ thực hiện trong 4 năm tới và quyết tâm đi đến thắng lợi của chính phủ và của nhân dân Hoa Kỳ... đã làm nhiều người phấn khởi. Ai cũng khen ông là một nhà hùng biện.

Một cuộc thăm dò của hãng thông tấn xã AP và tổ chức nghiên cứu thị trường Growth from Knowledge (GfK) vào ngày trước ngày ông Obama nhận chức, nhiều người Mỹ tin rằng ông Barack Obama đi đúng hướng để thành công và tin tưởng một cách lạc quan rằng ông có thể hồi sinh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Châu Âu đã gởi tới Tổng thống Barack Obama lời chào mừng nồng nhiệt và nhiều người Châu Âu bày tỏ sự tin tưởng rằng đây là vị Tổng thống Mỹ mà họ có thể làm việc chung và là người sẽ lắng nghe ý kiến và những mối quan tâm của họ. Tạp chí Le Figaro dành 16 trang phóng sự đặt biệt với chủ đề ''Nước Mỹ của Obama''

Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Pháp Bernard Kouchner nói ông “chia sẻ sự ngưỡng mộ và tình cảm mà cả thế giới” dành cho ông Obama, nhưng lại nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta không nên mong đợi ông ấy giải quyết ngay lập tức các vấn đề của nước Mỹ. Ông Barack Obama không có phép thần thông."

Riêng Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của những người lạc quan: "Tôi tin tưởng sâu sắc rằng những thất vọng lớn nhất thường là từ sự mong đợi quá lớn."

Sở dĩ có những quan điểm trái ngược nhau về ông Obama là vì những khó khăn của Hoa Kỳ và thế giới hiện nay quá lớn và việc giải quyết không dễ dàng.

CÁC THÁCH THỨC NGHIÊM TRỌNG

Trong bài diễn văn nhận chức, ông Obama nhìn nhận những thách thức nghiêm trọng sau đây:

“Ai cũng biết chúng ta hiện đang ở giữa cuộc khủng hoảng. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp. Nền kinh tế của chúng ta đã bị suy yếu một cách tồi tệ, một phần là hậu quả của thói tham lam và vô trách nhiệm của một số người, nhưng một phần cũng vì chúng ta đã thất bại khi thực hiện những lựa chọn khó khăn và chuẩn bị cho đất nước đi vào kỷ nguyên mới.”

Đây là một hình thức quy trách nhiệm cho chính phủ Bush..

Những kẻ có “thói tham lam vô trách nhiệm” mà ông Obama đề cập nói trên là ai? Trong bài tiển ông Bush đi, chúng tôi đã chứng minh, vì quyền lợi riêng tư của hai tập thể tài phiệt là các công ty khai thác dầu lửa và các công ty đấu thầu quốc phòng, chính phủ Bush đã mở cuộc chiến Iraq bằng mọi giá, bất chấp mọi hậu quả.

Ngoài hai loại tài phiệt này ra, còn có hai loại tài phiệt khác cũng thuộc loại “tham lam vô trách nhiệm” , đã đưa nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới đến chỗ khủng hoảng, đó là các tổ chức gian lận chứng khoán ở thị trường Wall Street và các tổ chức lũng đoạn thị trường địa ốc tại Hoa Kỳ.

Vụ gian lận thị trường chứng khoán Wall Street đã được nói qua trong bài “Nhỏ ăn nhỏ, lớn ăn lớn” . Ở đây chúng tôi xin nói thêm những nét chính về nhóm lũng đoạn thị trường địa ốc.

Trong nhiều thập niên qua, các tổ chức tài trợ tín dụng địa ốc thường lèo lái thị trường địa ốc để bảo đảm số tiền lời của họ không bị biến động nhiều mỗi khi có thay đổi lãi suất. Luật cung cầu của thị trường coi như bỏ đi: Mỗi khi Ngân Hàng Dự Trử Liên Bang (viết tắt là FED) đưa lãi xuất xuống, họ thường nâng giá nhà lên để tiền lời họ thu vô không thay đổi. Giá nhà một khi đã đưa lên, rất khó trở lại mức cũ. Trái lại, mỗi khi FED đưa lãi suất lên, nhất là khi lên khá cao, họ thường phải hạ giá nhà xuống để số người mua nhà không giảm. Việc điều chỉnh giá nhà theo kiểu này đã làm thị trường địa ốc bất ổn liên tục. Người mua nhà có khi lời lớn và có khi trắng tay! Ngoài ra, các công ty tài trợ địa ốc còn cố tình làm ngơ cho những người mua nhà làm các giấy chứng nhận lợi tức giả để chấp nhận tài trợ.

Trong năm 2008, có quá nhiều người mua nhà mất việc hay lợi tức bị giảm sút, không còn khả năng trả tiền nhà, nhiều tổ chức tài trợ tín dụng địa ốc bị sụp đổ. Ngày 11.7.2008 thị trường tài chính Hoa Kỳ choáng váng sau khi ngân hàng tài trợ tín dụng thế chấp IndyMac Bank Corporation phải tạm đóng cửa vì không còn khả năng thanh toán. IndyMac là một trong những định chế tài chính lớn nhất ở Mỹ vì có tích sản lên đến 32 tỷ. Hai tổ chức lớn khác là Fannie Mae và Freddie Mac cũng gặp khó khăn tương tự. Kể từ khi cuộc khủng hoảng địa ốc bùng lên vào tháng 8 năm 2008, tài sản của Fannie Mae và Freddie Mac đã bị mất đi 11 tỷ đô la. Chỉ trong nội một phiên giao dịch chứng khoán, cổ phẩn của hai ngân hàng này đã sụt giá đến gần 50%. Từ hôm 15 đến 21.1.2009, FED đã phải phải mua lại các khoản bảo hiểm cho vay của ba tổ chức Fannie Mae, Freddie Mac và Ginnie Mae với một số tiền lên đến 52,6 tỷ!

Trên đây chỉ là một số vụ đã được đua ra ánh sáng. Còn rất nhiều nhóm tài phiệt thường đứng đàng sau để trục lợi.

Một thách thức thứ hai đã được ông Obama coi là nghiêm trọng và tuyên bố cương quyết đối phó. Ông nói một cách mạnh mẻ:

“Ngày hôm nay, chúng ta tới để tuyên bố chấm dứt những lời than vãn vụn vặt cùng những lời hứa hẹn dối trá, những lời tố cáo lẫn nhau và những lời nói giáo điều nhàm chán, những thứ đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta quá lâu.”

Có lẻ để thể hiện chủ trương này, hôm 23.1.2009 hãng thông tấn AP cho biết, Tổng Thống Obama chuẩn bị ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm sử dụng quĩ liên bang để tài trợ cho các tổ chức quốc tế tuyên truyền và thực hiện việc phá thai. Lệnh cấm này thường được nhắc đến với cái tên “chính sách Mexico City” nhằm ngăn chận việc sử dụng tiến thuế của công dân Hoa Kỳ để tài trợ cho các tổ chức quốc tế tuyên truyền và cổ vũ việc phá thai.

Trong thời gia tranh cử, ông Obama né tránh không nói gì đến vấn đề kiểm soát súng (gun control) hoặc hôn nhân đồng tính (gay marriage). Ông lên tiếng ủng hộ quyền phá thai khi bị chất vấn, nhưng lại nhấn mạnh rằng ông ước muốn giảm số lượng phá thai nhiều hơn.

Chúng tôi nghĩ rằng khi đặt những vấn đề như thế này vào những thách thức trọng tâm cần phải giải quyết dứt khoát trong nhiệm kỳ tổng thống khó khăn của ông, ông Obama đã tự tạo ra cho mình những khó khăn hơn là mở đường đi tới.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng Thống Obama có đến 10 thách thức cần phải đối phó, trong đó có vụ rút quân khỏi Iraq, tăng cường chống lực lượng Taliban, giải cứu thị trường tài chánh, phục hồi thị trường lao động, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người dân (có khoảng 45,7 triệu chưa có bảo hiểm), v.v. Nhưng có lẽ ở trước mắt, có hai thách thức lớn nhất mà ông Obama phải đương đầu, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc chiến Iraq.

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ

Chúng ta nhớ lại cuộc suy thoái kinh tế Hoa Kỳ và thế giới đã xẩy ra năm 1929. Ngày 29.10.1929, thị trường chứng khoán Wall Street đã sụp đổ một cách tồi tệ và ngày này đã được gọi là ngày Thứ Ba Đen. Sau đó, cuộc khủng hoảng đã lan ra một cách nhanh chóng trên toàn Châu Âu và mọi nơi trên thế giới, phá hủy nền kinh tế của cả các nước phát triển: Thương mại quốc tế suy sụp. Năng xuất từ thành thị đến nông thôn giảm từ 40% đến 60%. Các lĩnh vực xây dựng, khai mỏ và khai thác gỗ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Trước đây, các nhà kinh tế thường cho rằng một chu kỳ kinh doanh thường có bốn giai đoạn: suy thoái, khủng hoảng, phục hồi và hưng thịnh. Tuy nhiên, ngày nay các nhà kinh tế đã đưa ra các biện pháp để cuộc khủng hoảng kinh tế theo kiểu năm 1929 không xẩy ra nữa. Ngày nay, được coi là suy thoái khi Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP} thực tế giảm đến mức độ âm. Ở Mỹ và Nhật Bản, người ta quy định rằng, khi tốc độ tăng trưởng của GDP có giá trị âm suốt hai tam cá nguyệt liên tiếp thì mới gọi là suy thoái.

Một số đặc điểm thường gặp của suy thoái kinh tế là: Tiêu dùng giảm mạnh, số tồn kho của các loại hàng hóa lâu bền trong các doanh nghiệp tăng lên ngoài mức dự trù khiến các nhà sản xuất phải giảm số lượng sản xuất, số ngày làm việc của người lao động giảm xuống và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh và giá chứng khoán giảm theo. Nhu cầu về vốn cũng giảm làm cho lãi suất giảm xuống, v.v. Trong thời kỳ nền kinh tế hưng thịnh, các dấu hiệu trên biến thiên theo chiều ngược lại.

Một số nhà phân tích cho rằng nước Mỹ và thế giới đang trở lại thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929 – 1930. Nhưng ông Ben Bernanke, Chủ Tịch FED không đồng tình với luận điểm này. Theo ông, đà đi xuống của nền kinh tế Mỹ hiện nay được coi là dài thứ ba kể từ sau thập niên 30 của thế kỷ trước, nhưng nó khác xa những gì trong quá khứ. Ông nói rằng hồi đó sự tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm đến độ âm trong suốt một thập kỷ, cứ bốn người Mỹ lại có một người thất nghiệp và các ngân hàng đổ vỡ hàng loạt. Còn tình trạng hiện nay chưa đến mức như vậy, Và ông kết luận: "Hãy loại bỏ sự so sánh đó ra khỏi tâm trí chúng ta.”

Ông cho biết ông và các cộng sự đang “soi chiếu lịch sử để có những quyết sách đúng đắn, tránh những gì đã xảy ra trong quá khứ.”

GIẢI QUYẾT VỤ IRAQ

Trong một bài bình luận dưới dầu đề “Giấc mơ Mỹ tại Iraq lâm thế kẹt” được đọc trên đài BBC hôm 12.5.2004, phóng viên ngoại giao Barnaby Mason đã có nhận định: “Một mục đích của Washington là bảo đảm chỗ đứng chiến lược lâu dài ở Iraq. Đã có lúc, người ta cho rằng điều này sẽ thay thế các căn cứ quân sự ở Saudi Arabia, Khó nói là viễn cảnh này sẽ còn tồn tại vào lúc một chính quyền đại diện xuất hiện ở Iraq – hay ngược lại, vào lúc nước này rơi vào hỗn loạn.”

Không cần dựa vào những phân tích và lý luận phiền phức, chúng ta cứ nhìn vào thực tế là biết ngay Mỹ sẽ giải quyết vụ Iraq như thế nào.

Tôi nhớ lại, năm 1975, khi Ban Mê Thuộc vừa bị mất, tôi đi vào Thượng Viện VNCH để xem tình hình như thế nào. Người đầu tiên mà tôi gặp là Nghị Sĩ La Thành Nghệ, một đại thương gia của Sài Gòn lúc bấy giờ. Ông hỏi tôi về tình hình. Tôi nói với ông tôi mới nói chuyện với một tham vụ của Toà Đại Sứ Mỹ, ông ta bảo chỉ có B-52 mới cứu vãn được thôi, nhưng B-52 không còn. Nghị Sĩ La Thành Nghệ liền nói: Đúng rồi! Anh coi, các ngân hàng, các cơ sở thương mại, các công sở của Mỹ ở đây đã bắt đầu dẹp tiệm và di tản. Coi như miền Nam sắp mất rồi!

Bây giờ nhìn lại Iraq, chúng ta thấy tình trạng cũng đang xẩy ra gần như vậy: Các công ty khai thác dầu lửa sau gần 8 năm làm ăn khấm khá ở Iraq, bây giờ đang tim đường rút vì họ tin rằng Tổng Thống Obama không còn cách nào khác hơn là sẽ Iraq hoá cuộc chiến, trao quyền dần lại cho chính quyền Iraq và rút lui “trong danh dự”.

Các công ty khai thác dầu lửa cũng dự liệu rằng việc khai thác dầu ở Saudi Arabia rồi cũng có thể gặp khó khăn, chỉ còn lại Kuwait, nên họ đã bắt đầu chuyển đến Nigeria và vịnh Guinea, phía tây bờ biển châu Phi, nơi có trữ lượng dầu lửa lớn.

Mỹ đã lập một căn cứ quân sự tại cảng Djibouti và nhiều nơi khác như Ghana, Senegal, Mali, Equatorial Guinea và một quốc gia rất nhỏ ngự trị trên hòn đảo Sao Tome. Các công ty dầu lửa ước lượng vào năm tới họ có thể thu hoạch dầu lửa ở Tây châu Phi khoảng 20% tổng số dầu lửa trên thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tiến tới một giải pháp “hoà bình trong danh dự” tại Iraq.

Sự tốn kém về ngân sách quốc phòng đã lên tới 622 tỷ mỗi năm, do đó nếu không giải quyết dứt khoát vụ Iraq, khó giải quyết được vấn đề kinh tế.

TIỀM NĂNG CỦA NƯỚC MỸ

Trong bài diễn văn nhận chức, Tổng Thống Obama có nói:

“Chúng ta vẫn là quốc gia thịnh vượng nhất, mạnh nhất trên trái đất. Các công nhân của chúng ta không hề làm việc kém hiệu quả hơn thời điểm cuộc khủng hoảng này bắt đầu. Trí óc của chúng ta không hề kém sáng tạo, hàng hoá và dịch vụ của chúng ta không hề kém cần thiết hơn tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Năng lực của chúng ta vẫn không hề bị sút giảm. Nhưng thời của sự bảo vệ những lợi ích hẹp hòi và lảng tránh những quyết định không mấy thú vị của chúng ta - thời đó chắc chắn đã trôi qua.”

1.- Cái tên của đất nước này

Trước khi trình bày về tiềm năng to lớn của nước Mỹ, chúng tôi xin nói qua cái tên của đất nước này mà người Việt thường dùng.

Thiền sư Lê Mạnh Thát, người theo thuyết “Phật giáo siêu việt” và “Phật giáo là dân tộc” đã cho rằng kinh Phật đầu tiên được viết bằng tiếng Việt, sau đó được dịch ra tiến Tàu, và tiếng Việt đẻ ra tiếng Tàu. Nhưng sự phân tích của các nhà ngữ học cho thấy cứ 7 tiếng Việt có 5 tiếng Tàu. Tên của đất nước này mà người Việt gọi cũng được phiên âm từ chữ Hán ra.

Nước Mỹ có tên chính thức là “United States of America”, viết tắt là U.S.A. Người Tàu dịch ra tiếng Tàu và ta phiên âm Hán Việt thành “A Mỹ Lợi Gia Hợp Chúng Quốc” , sau rút lại chỉ còn “Hợp Chúng Quốc” Nhưng cũng có người viết là “Hợp Chủng Quốc” vì tưởng rằng chữ “chủng” ở đây là chủng tộc. Thật sự, trong chữ Hán, đó là chữ “chúng”, có nghĩa là nhiều.

Thuật từ America ngày xưa được dùng để chỉ các vùng đất tây bán cầu. Tên này được đặt vào đầu thế kỷ 16 theo tên của nhà thám hiểm kiêm chuyên gia vẽ bản đồ người Ý là Amerigo Vespucci. Chữ America được người Tàu phiên âm ra chữ Tàu thành bốn âm và ta phiên ra Hán-Việt là “A Mỹ Lợi Gia” , sau đó cắt bỏ đi ba âm, chỉ còn giữ lại chũ “Mỹ” mà thôi.

Chũ Hoa Kỳ phát xuất từ cờ của Hợp Chúng Quốc có những sao lấp lánh như bông hoa. Ngày nay người Tàu không dùng chữ Hoa Kỳ nữa, chỉ có người Việt.

2.- Vận mệnh hiển nhiên

Sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1776, người Mỹ đã tiến dần về phía tây.

Các cuộc chiến tranh với người bản thổ Mỹ kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19 khi họ bị tước đoạt hết đất đai. Sau đó, Mỹ mua vùng đất Louisiana của Pháp làm tăng gấp đôi diện tích Hoa Kỳ. Một loạt các cuộc tiến công quân sự của Hoa Kỳ vào Florida đưa đến việc Tây Ban Nha nhượng lại vùng đất Florida và nhiều lãnh thổ duyên hải Vịnh Mexico khác cho Hoa Kỳ năm 1819. Hoa Kỳ sát nhập Cộng hòa Texas năm 1845.

Hiệp ước Oregon với Anh năm 1846 đưa đến việc Hoa Kỳ kiểm soát vùng mà ngày nay là Tây Bắc Hoa Kỳ. Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Mexico-Mỹ năm 1848 đưa đến việc Mexico nhượng lại California và phần nhiều những vùng đất mà ngày nay là Tây Nam Hoa Kỳ.

Cơn sốt vàng California năm 1848–1849 càng hấp dẫn di dân về miền tây. Các đường sắt mới xây dựng tạo cho người định cư dễ dàng di chuyển khắp nơi hơn nhưng làm gia tăng các cuộc xung đột với người bản thổ Mỹ và làm cho dân bản thổ ngày càng biết mất. Các nhà đi chính phục đất đai trên đất nước này coi đó là “Vận mệnh hiển nhiên” (Manifest Destiny)!

Ngày nay, Hoa Kỳ đã có một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, các cơ sở hạ tầng phát triển tốt và hiệu xuất cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của Hoa Kỳ hiện nay hơn 13 ngàn tỉ đô la, chiếm 20% tổng sản phẩm thế giới, lớn hơn một chút so với tổng sản phẩm nội địa kết hợp của Liên Hiệp Châu Âu năm 2006.

Hoa Kỳ là nước nhập cảng hàng hóa lớn nhất và là nước xuất cảng đứng hạng nhì. Canada, Trung Hoa, Mexico, Nhật Bản và Đức là các bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ.

Nhưng nợ quốc gia của Hoa Kỳ lại lớn nhất thế giới; năm 2005 số nợ này chiếm 23% tổng số nợ toàn thế giới. Tính theo phần trăm tổng sản phẩm nội địa (GDP), nợ của Hoa Kỳ xếp thứ 30 trong số 120 quốc gia sẵn có số liệu.

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, một số giới bảo thủ tại Mỹ đã họp lại và đưa ra một dự án có tên là “Dự Án cho một thế kỷ Hoa Kỳ Mới” (Project for the New American Century) nhằm bảo đảm rằng Hoa Kỳ vẫn còn giữ được địa vị bá chủ trên thế giới trong thế kỷ 21. Dự án này gồm 4 tham vọng táo bạo sau đây:

(1) Gia tăng ngân sách quốc phòng khổng lồ sẵn có bằng chi tiêu về các chương trình xã hội nội địa.

(2) Làm sụp đổ các chế độ chống lại các quyền lợi tập thể của chúng ta.

(3) Dùng vũ lực để áp đặt chế độ dân chủ ở những vùng không có lịch sử về tiến trình dân chủ.

(4) Thay thế vai trò của Liên Hiệp Quốc gìn giữ và mở rộng trật tự thế giới.

Những tham vọng này đã biến mất sau khi Hoa Kỳ mở cuộc tấn công vào Iraq và đang gánh chịu một tình trạng suy thoái kinh tế khá nặng nề.

ĐỐI PHÓ VỚI THỰC TẾ

Bây giờ chúng ta mới biết được một số kế hoạch cứu vãn nền kinh tế do ông Obama đưa ra cho năm 2009, trong đó có hai kế hoạch quan trọng nhất:

(1) Với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ, ông Obama muốn thực hiện dự án đầu tư lớn nhất về hạ tầng kể từ thập niên 1950 tới nay. Các dự án này bao gồm xây dựng lại cầu đường trên toàn quốc, tân trang và nâng cấp công sở, trường học. Theo ông, việc làm này trước mắt là tạo việc làm và kích thích người tiêu dùng mua sắm. Chi phí cho kế hoạch hỗ trợ kinh tế này là từ 700 đến 1.000 tỷ đôla.

Tuy nhiên, một số người thuộc phe Cộng hòa chỉ trích rằng đảng Dân Chủ đang lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời để đầu tư tiền vào các dự án dài hơn, hơn là tập trung trong vài năm tới khi thâm hụt ngân sách kỷ lục sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu của chính phủ.

Ông Obama cũng muốn xin 300 tỷ để cấp cho những người nộp thuế và các cặp vợ chồng hoàn thuế khoảng từ 500-1000 đôla, với mục tiêu khuyến khích chi tiêu thêm. Nhưng Thượng Nghị Sỹ Dân Chủ Kent Conrad, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện nói: "Khi mọi người đang sợ sẽ bị mất việc làm, nếu họ nhận được thêm 20 đô la mỗi tuần họ không tiêu mà sẽ giữ tiết kiệm.” Thượng Nghị Sỹ Dân Tom Harkin tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch này.

(2) Tái phối trí lại lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Các viên chức Bộ Quốc Phòng cho biết có khoảng từ 20 đến 30 ngàn lính sẽ được điều tới Afghanistan vào mùa hè, tăng gấp đôi quân số hiện nay. Một số cố vấn an ninh của ông Obama cho rằng biện pháp này sẽ làm cho lực lượng tại Iraq suy yếu, nhưng ông Obama cho rằng giải pháp rút quân khỏi Iraq vẫn nằm trong nghị trình của ông.

Cứu vãn kinh tế theo kiểu nói trên, có lẽ nhà chính trị nào của Mỹ cũng làm được. Nhưng có hai vấn đề quan trọng: Vấn đề thứ nhất là Quốc Hội có dám chấp nhận ngân khoản do ông Obama xin trong khi ngân sách ngày càng thâm hụt nghiêm trọng không? Vấn đề thứ hai là ông Obama có thế chế ngự được những “thói tham lam và vô trách nhiệm của một số người” không?

Chúng tôi nhớ lại, trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2000, ngày 28.10.2000 chương trình Agenda của Mỹ đã mở cuộc phỏng vấn bình luận gia và nhà văn Gore Vidal. Ông ta nói:

“Ồ, chúng ta nắm chắc hệ thống chính trị của nước Mỹ trong 50 năm gần đây. Chúng ta có bầu cử nhưng không có quan điểm chính trị. Chúng ta có một đảng chính trị - đảng công ty Mỹ quốc, một đảng về tài sản - và đảng đó có hai nhánh. Một nhánh được gọi là Dân Chủ, một nhánh được gọi là Cộng Hòa...”

Nói cách khác, theo quan điểm của Gore Vidal thì nước Mỹ này do những nhà tài phiệt đứng đàng sau điều khiển, nên ai lên làm Tổng Thống cũng thế thôi. Tất cả mọi kế hoạch hay chương trình được đưa ra, trên hình thức được coi là chính sách quốc gia, nhưng trong thực tế chủ yếu là phục vụ quyền lợi của giới đại tư bản đã tài trợ cho ứng cử viên ra tranh cử. Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter đã nói: “Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường.”

Chúng ta đã biết nhóm tài phiệt nào đứng sau ông Bush, nhưng chúng ta chưa nhận ra được nhóm tài phiệt nào đứng sau ông Obama. Họ đều là những kẻ “tham lam vô trách nhiệm” như nhau. Không hiểu ông Obama có khuyến cáo được họ chấp nhận “diet” một thời gian cho đến khi thời kỳ khó khăn của nền kinh tế qua đi hay không.

Dầu sao kinh nghiệm lịch sử cho thấy mỗi khi đất nước này gặp nguy biến, các nhà tài phiệt và các nhà chính trị có quan điểm và quyền lợi khác nhau, thường ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cứu vản. Họ không những chỉ cứu vãn nuớc Mỹ mà còn cứu vãn tập thể của họ nữa. Đây là một ưu điểm được mọi người ghi nhận.

Chúng ta tin rằng với tài nguyên gần như vô giới hạn của mình, nước Mỹ sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, đúng như bà Waltraud Schelkle, giáo sư chính trị học của Đại học Kinh tế London đã tin tưởng: “Giải quyết vụ khủng hoảng này là một việc vượt khỏi khả năng của bất kỳ người nào hay quốc gia nào, nhưng Châu Âu vẫn trông mong rất nhiều ở Hoa Kỳ.”